Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Đến Mễ Trì yêu rồi nhớ

Cao Văn Quyền 14:15 24/03/2024

Tốt nghiệp đại học, tôi rời ký túc xá. Cũng giống như đại đa số những sinh viên tỉnh lẻ khác, tôi loay hoay với chồng hồ sơ xin việc, đêm chỉnh sửa, sáng lại lóc cóc đạp xe hoặc bắt xe buýt đi phỏng vấn, tìm nhà trọ.

1-com-me-tri-1-00-12-58-899-1-600x399.jpg
Mễ Trì là vùng đất làm cốm nức tiếng, ngang ngửa với thương hiệu cốm làng Vòng như mọi người thường biết đến trong tác phẩm văn chương... (ảnh: Sở Văn hoá và thể thao Hà Nội)

Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi tưởng chừng như cả thế giới đang quay lưng lại với mình. Việc thì chưa kiếm được, nhà trọ đi rong ruổi hết ngày này sang ngày khác cũng chẳng tìm được nơi phù hợp. Chỗ ưng ý thì giá cả lại cao, chỗ phù hợp giá tiền thì lụp xụp, rách nát, không khác gì là chỗ tạm bợ, ổ chuột. Và sau đó là chuỗi những ngày nằm dài tự vấn, trách móc, nghi ngờ năng lực bản thân, lòng tốt xung quanh và cả tương lai đang chông chênh trước mắt. Thậm chí tôi đã từng có ý nghĩ bỏ Hà Nội mà đi tới một vùng đất khác.

Rồi một cơ duyên đưa tôi đến với vùng đất Mễ Trì. Thú thật đây là địa danh tôi chưa từng biết và cũng chưa từng đặt chân tới. Nhưng lạ thay, cái tên gọi “Mễ Trì” ấy lại gợi lên trong tôi một sự thân thương đến lạ kỳ.

Chắc hẳn bạn sẽ bất ngờ lắm khi tôi nói rằng người dân gốc Mễ Trì có chất giọng như ở một vùng quê nào đó. Đó là sự thật! Tôi không có ý phân biệt vùng miền hay chất giọng, bởi tôi cũng là một người tỉnh lẻ ra Hà Nội học tập rồi ở lại làm việc. Phải chăng chính vì chất giọng của người dân Mễ Trì khác với “chất giọng Kinh kỳ” nghìn năm Văn Hiến như nhiều người nghe và ngưỡng mộ nên tôi mới cảm giác thân quen, gần gũi là như vậy?!

Khoảng mấy chục năm về trước, Mễ Trì là một vùng đất hoang sơ, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Khi địa chính, đô thị mở rộng thì Mễ Trì mới phát triển như ngày nay. Một sự phát triển vượt bậc, sầm uất. Nhiều tòa nhà cao tầng được xây lên, đường sá thông thoáng, giao thông nhộn nhịp xe cộ.

Tôi cũng như bao nhiêu người tứ xứ đổ về thành phố nói chung, Hà Nội nói riêng luôn có một tâm lý dè chừng con người nơi đây. Bởi đầy rẫy những con người ngoài kia chẳng biết ai tốt, ai xấu với mình nên đề phòng là phương án tốt nhất. Hoặc có thể trong đầu chúng tôi được “tiêm nhiễm” toàn tin tức xấu nên mới có tâm lý dè chừng như vậy. Nhưng từ khi đến Mễ Trì, suy nghĩ của tôi đã thay đổi.

Tôi đã gặp được bác chủ nhà tốt bụng. Vẫn nhớ những ngày đầu tiên bơ vơ chuyển đến trong tay không có một đồ đạc gì ngoài mấy bộ quần áo cũ và thùng sách năm tháng sinh viên còn giữ lại. Bác đã cho tôi mượn một chiếc nồi cơm điện, vài vật dụng cá nhân như xoong nồi, thau chậu. Tuy giá trị không đáng là bao nhưng nó lại rất quý giá đối với một đứa mới tốt nghiệp chưa có việc làm như tôi. Sau khi ổn định chỗ ở, tôi trả lại bác nhưng bác không lấy, bảo tôi để lại mà dùng. Bác bảo sở dĩ lúc đầu nói cho tôi mượn để tôi đỡ ngại. Tôi xúc động, nghẹn ngào thầm cảm ơn bác vô cùng tận.

Bác chủ có gần chục phòng cho thuê. Bác bảo tất cả nhờ phước lộc cha mẹ để lại, bác sống giản đơn và từng là một người nghèo nên thấu hiểu người những người lao động mưu sinh. Bác chẳng bao giờ thúc giục người thuê trọ phải đóng tiền sớm, thậm chí bác còn cho những người khó khăn nợ đến vài tháng trọ. Ngày lễ, mùng Một hay ngày Rằm bác chia từng túi hoa quả, bánh kẹo rồi gõ cửa từng nhà để phát lộc.

Người tứ xứ đến Mễ Trì rồi mặc nhiên tự cho mình là… người dân Mễ Trì. Khu trọ nghèo của chúng tôi thường hay đùa với nhau như vậy. Cái chân chất, chân thành của người dân ở đây khiến cho tôi cảm giác mọi thứ thành ra thân thuộc như ở nhà. Và khiến cho chúng tôi luôn cảm thấy mình phải sống như đúng người dân Mễ Trì. Chúng tôi hay kéo nhau ra đầu cổng làng Anh Sơn ngồi tụm năm tụm bảy nhâm nhi từng cốc trà đá ngồi ngắm dòng người qua lại và lắng nghe chuyện đời, chuyện người.

Nhiều hộ gia đình “phất” lên hay bỗng dưng giàu có khi đất được đền bù bởi dòng chảy đô thị hóa. Họ coi đó là một tài sản kếch xù để rồi ăn chơi, nhảy múa, không màng tới lao động. Nhưng với người dân Mễ Trì họ không như vậy. Họ giàu lên, tuy không còn đất để canh tác nhưng họ vẫn kiếm lấy cái nghề để duy trì cuộc sống. Người mở hàng ăn nhỏ, sáng sắp dăm ba chiếc ghế nhựa mang ra chỗ ngã ba, ngã tư bầy biện ngồi bán xôi, chè. Người lại mở quán sửa chữa xe máy ngay trước cửa nhà. Người đi bán trà đá, ngô, khoai nướng hay món đồ ăn thời vụ.

Tôi học được ở họ cách chắt chiu, sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Nhiều lúc tôi cảm tưởng tôi như đang ở quê, chỉ có khác ở Mễ Trì sầm uất, xe cộ nhộn nhịp, còn tình người, tính cách thì lại y chang người dân quê tôi. Tôi nhớ tên tất cả các cô, các chị từ hàng cá, hàng thịt tới hàng rau. Các cô cũng nhớ mặt khách hàng của mình, tư vấn và đưa giá hợp lý. Thậm chí thấy những người nghèo, học sinh, sinh viên họ còn lấy rẻ, thêm thắt khi thì mớ hành, lúc lại quả cà chua. Những buổi sớm rảo bước đi chợ, con ngõ nhỏ lọt thỏm dưới những bóng nhà, thấy muôn vàn khuôn mặt cười, nói rộn ràng thốt nhiên thấy lòng mình cũng thêm phấn khởi.

Và ẩn sâu trong những tòa cao tầng đó vẫn còn chút quê len lỏi. Bạn cũng sẽ bất ngờ như tôi thôi khi biết rằng Mễ Trì là vùng đất làm cốm nức tiếng, ngang ngửa với thương hiệu cốm làng Vòng như mọi người thường biết đến trong tác phẩm văn chương. Tôi nhớ những lần đi vào những con ngõ, mùa thu đương thì, se se lạnh, hương thơm cốm da diết thoang thoảng. Những sợi rơm xanh non được rải đầy. Tôi cứ ngỡ như đang đi giữa làng quê. Phố gì mà chất đầy rơm thơm? Thật quá là đặc biệt! Tôi cứ ngẩn ngơ mãi trước màu xanh của những thân cây rơm và những hạt cốm xanh còn sót lại.

Người Mễ Trì bây giờ làm cốm ít hơn ngày xưa. Âu cũng là sự phát triển nhiều ngành nghề khác nhau cũng như đất đai đã đô thị hóa. Vào những đêm khuya mất ngủ hay bận làm việc gì đó bạn sẽ nghe những tiếng chày giã cốm thình thịch. Âm thanh khiến cho tôi nhớ nhất mỗi khi nhớ về Mễ Trì. Họ làm xuyên đêm, thâu sáng để có được mẻ cốm thơm lừng đưa đến tận tay người tiêu dùng. Người làm cốm giờ đây chủ yếu là người trung tuổi và người già – những người muốn được nghề truyền thống gìn giữ, lưu lại mai sau.

Khi nói chuyện với những người làm cốm tôi mới thấy được sự tận tụy, nâng niu với một nghề truyền thống biết nhường nào. Và cũng thấy rõ sự trăn trở về thế hệ mai sau, liệu nghề làm cốm ở Mễ Trì có còn được truyền nối, khi mà thế hệ trẻ bây giờ chẳng mặn mà với nghề của cha ông để lại. Bởi chỉ người làm cốm mới hay sự cực nhọc, không lời lãi gì nhiều.

Cái sự mai một đó hiện rõ khi tôi ghé Chợ Cốm ở Mễ Trì. Hẳn nhiên ngày xưa Chợ Cốm này dựng lên là để người ta buôn bán cốm vậy mà ngày nay nó như một chợ dân sinh bình thường. Cũng có người bán cốm nhưng rải rác, lưa thưa.

Mỗi lần bạn bè tới chơi, hay có dịp gửi đi đâu đó thức quà Hà Nội tôi luôn chọn cốm Mễ Trì để đãi, biếu tặng mọi người. Hạt cốm dẻo thơm ăn kèm với chuối tiêu trong một ngày thu se lạnh, câu chuyện về Hà Nội càng thêm đậm đà. Lòng tôi cũng chộn rộn vui khi thấy cốm Mễ Trì theo người đi khắp năm châu bốn bể.

Dịch Covid-19 ập đến làm đổi thay không biết bao nhiêu số phận con người. Tôi không khỏi nằm ngoài trong guồng xoay dịch bệnh đó. Tôi rời Hà Nội, rời Mễ Trì về quê sinh sống. Khi về quê rồi, tôi mới thấm thía những câu chữ của nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Có những ngày tôi da diết nhớ Mễ Trì vô cùng. Hà Nội nói chung, Mễ Trì nói riêng đã lưu giữ một phần đời với biết bao nhiêu kỷ niệm và ân tình nên đã “hóa tâm hồn” trong tôi.

Hết dịch tôi lại khăn gói trở lại Hà Nội, vẫn biết còn rất nhiều vùng đất để tôi khám phá, trải nghiệm nhưng tôi vẫn chọn Mễ Trì là chốn dừng chân. Tôi gặp lại những con người với hình dáng thân quen ấy. Mễ Trì mang hình hài của phố nhưng thẳm sâu thì vẫn chân chất của một vùng quê dấu yêu với những con người hồn hậu, nhiệt thành. Và mỗi độ thu sang hương cốm vẫn thoang thoảng thơm dịu nhẹ.

Tôi không chắc mình có thể gắn bó với vùng đất này đến bao giờ. Nhưng chắc chắn rằng tôi đã yêu Mễ Trì như yêu chính quê hương của tôi. Và dẫu có rời xa mười năm, hai mươi năm hay thậm chí lâu hơn nữa tôi cũng sẽ chẳng bao giờ quên được năm tháng sống ở Mễ Trì. Với tôi Mễ Trì đến rồi để yêu, đi xa rồi lại nhớ./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Cao Văn Quyền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nét văn hoá đặc biệt giữa lòng Thủ đô
    Giữa lòng Thủ đô, nơi phồn hoa đô hội, nơi kết tinh nền văn hóa của đất nước lại có một chốn cho ta tìm về với phong tục tập quán, với các lễ hội văn hóa và cả những đặc sản vùng miền. Nơi mà đến đó chúng ta được khám phá các lễ hội mang những nét đặc trưng riêng của từng vùng miền mà chưa có dịp đi, nơi hội tụ 54 dân tộc anh em, nơi có thể hòa mình vào không gian của từng dân tộc...
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Đến Mễ Trì yêu rồi nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO