Phạm Quý Thích – nhà giáo, nhà “Kiều học” tiên phong
Phạm Quý Thích, tên tự là Dữ Đạo, tên hiệu là Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ, sinh ngày 19 tháng 11 năm Canh Thân (tức này 25 tháng 12 năm 1760), người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), sau dời lên kinh đô Thăng Long, ngụ tại phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (nay là phường Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ông đậu Tiến sĩ Thịnh khoa năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779), khi vừa 19 tuổi. Đến năm 23 tuổi (1783), ông đã trải các chức: Hàn lâm viện hiệu thảo, Kinh Bắc đạo giám sát ngự sử thuộc Ngự sử đài, Thiêm sai tri Công phiên... Khi quân Tây Sơn ra Bắc (1786), ông chạy sang Kinh Bắc, sống cuộc đời ẩn dật, ăn nhờ ở đậu, nay đây mai đó. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Phạm Quý Thích được triệu đến trao cho chức Thị trung học sĩ, nhưng ông cố chối từ và xin ở lại Bắc Thành (tức Hà Nội) dạy học. Thể theo nguyện vọng, vua Gia Long bổ ông làm Đốc học Bắc Thành, nhưng ít lâu sau ông lại xin từ chức. Năm Gia Long thứ 10 (1811), ông bị triệu vào kinh đô Huế, giao cho việc chép sử và ban tước Thích An Hầu. Sau đó không lâu, ông tiếp tục cáo quan về dạy học ở Thăng Long. Đầu đời Minh Mạng (1821), ông lại được vời ra giúp việc, lúc ấy nhân đang có bệnh, Phạm Quý Thích lấy cớ từ chối. Từ đó, ông chuyên tâm chăm lo việc dạy học, viết sách. Ngày 29 tháng Ba năm Ất Dậu (16-5-1825), Phạm Quý Thích qua đời, hưởng thọ 66 tuổi.
Tuy đỗ đạt sớm và được giao nhiều chức vụ cao dưới thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn, nhưng Phạm Quý Thích không thiết tha lắm với con đường làm quan. Nhiều tác phẩm của ông thể hiện điều đó. Ông chuyên chú nhiều vào việc dạy học và trước tác.
Về sự nghiệp giáo dục, Phạm Quý Thích đã đào tạo được nhiều trí thức, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868), Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872), Vũ Tông Phan (1800 - 1851), v.v... Họ đều đỗ Tiến sĩ và là những danh sĩ thời Nguyễn, có ảnh hưởng về văn hóa, học thuật, kể cả chính trị, xã hội. Trong đó, Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân văn hóa lớn của đất Thăng Long - Hà Nội.
Phạm Quý Thích còn là bạn thân của đại thi hào Nguyễn Du. Ông cũng là người đầu tiên đem Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) ra giảng dạy học trò, sau đó có làm bài Thỉnh Đoạn trường tân thanh hữu cảm (hoặc Đoạn trường tân thanh đề từ) đánh giá rất cao giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Có thuyết nói ông đã cho khắc in tác phẩm này của Nguyễn Du và phổ biến nó ở miền Bắc. Có thể nói, Phạm Quý Thích là một trong những người đầu tiên có con mắt xanh “phát hiện” ra Đoạn trường tân thanh và “tiếp sức” cho tác phẩm trở nên nổi tiếng.
Về sự nghiệp trước tác, ông có các công trình tiêu biểu như Thảo Đường thi nguyên tập (Thơ của Phạm Quý Thích), Lập Trai tiên sinh di thi tục tập (Thơ của Phạm Quý Thích), Thiên Nam Long thủ liệt truyện (Tiểu sử những người đỗ đầu, đại khoa các đời ở nước Nam), Chu Dịch vấn đáp toát yếu (157 câu hỏi và trả lời về ý nghĩa của Kinh Dịch và các quẻ trong Kinh Dịch), Nam hành thi tập (Tập thơ viết trên đường vào Nam), Tân truyền kì lục (Tập truyện truyền kì mới, gồm 3 truyện). Ngoài ra, ông còn có một số bài rải rác ở các văn tập, thi tập khác,...
Thơ văn Phạm Quý Thích tập trung phủ nhận con đường danh lợi, khẳng định những lí tưởng căn bản của nhà Nho, nhất là từ khi nhà Lê sụp đổ. Phạm Quý Thích thể hiện nỗi niềm hoài Lê, nhất là những bài viết về cảnh thiên nhiên, chùa chiền, nhân vật. Trong tập Tân truyền kì lục, thông qua những nhân vật là loài vật (con chó, ve sầu,...), Phạm Quý Thích cũng ca ngợi những phẩm chất của một bề tôi trung thành, nghĩa khí, tận tụy với chủ cũ, gián tiếp phê phán sự suy đồi đạo đức đương thời và thể hiện nỗi niềm “hoài Lê” thầm kín. Thơ văn Phạm Quý Thích còn thể hiện nỗi niềm “tiên ưu” của một nhà Nho có trách nhiệm với đời:
Phân minh hoài bão đăng tương chiếu,
Tự phụ tiên ưu chí vị ti.
(Đề sở cư)
(Nỗi lòng bày tỏ phân minh trước đèn,
Có một điều đáng để tự phụ, đó là chí tiên ưu chưa hề giảm sút)
Phạm Quý Thích cũng thể hiện sự cảm thông, xót xa trước nỗi thống khổ của nhân dân, mong cho nhân dân được “an cư lạc nghiệp” (Lữ xá cảm hoài – Cảm hoài nơi quán trọ). Ông đau lòng khi thấy thảm cảnh của người dân nghèo:
Trữ trục mị hữu di,
Phú quý giả kim dĩ.
Bần giả tồn cơ hi,
Hoang ốc mại vi tân.
Khang tì cam như di...
Thê thê bất nhẫn văn,
Phủ ngưỡng tâm ưu tư.
Cổ nhân sĩ thát thị,
Dân lao huống nhược tư.
Ta tại hữu quan thủ,
Sô mục an đắc từ.
(Phó Kinh Bắc)
(Đồ canh cửi chẳng còn lại chút gì,
Người giàu sang nay cũng hết rồi.
Kẻ nghèo khổ trụ lại được quả là hiếm hoi,
Nhà hoang bán làm củi.
Tấm cảm mà thấy ngọt như đường.
Thê thảm quá không nỡ nghe tiếp nữa,
Cúi đầu, rồi lại ngửng đầu, lòng trĩu nặng sầu bi.
Người xưa không làm cho vua được như Nghiêu Thuấn thì thấy nhục như bị đánh đòn giữa chợ,
Huống chi lại còn để dân tình khốn khổ đến thế này.
Than ôi! Làm quan là phải có trách nhiệm,
Chăm sóc dân, nhiệm vụ ấy sao có thể chối từ)
(Đến Kinh Bắc)
Về sống với nhân dân nơi thôn xóm, Phạm Quý Thích chung niềm vui và nỗi lo với nông dân. Trong Thảo Đường thi nguyên tập, bên cạnh những bài thơ nói lên tình yêu thiên nhiên và cuộc sống cần lao giữa ruộng vườn, chúng ta thấy khá nhiều bài nói lên nỗi lo trước nạn hạn hán: Vọng vũ (Ngóng mưa), Tự tứ nguyệt chí lục nguyệt sắc vũ tức sự (Thơ tức sự, từ tháng tư đến tháng sáu hiếm mưa), niềm vui khi được cơn mưa đúng lúc, đáp ứng được khát vọng của nông dân muốn có miếng ăn thì phải trông vào “nước, phân, cần, giống”: Dạ lan thính vũ (Đêm tàn nghe mưa), Cửu hạn (Hạn hán lâu ngày), Hi vũ (Mừng có mưa, 3 bài),...
Tuy quê gốc ở Hải Dương nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tình cảm của Phạm Quý Thích lại gắn bó thiết tha với kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm của ông thể hiện rõ những cảm xúc sâu nặng với đất kinh kì. Truyện Con chó nhà nghèo có nghĩa (trong Tân truyền kì lục) lấy một phần bối cảnh là kinh sư để gián tiếp thể hiện nỗi niềm hoài niệm “cố quốc” trong buổi tao loạn:
Thành trung cửu miếu thữ li li,
Cử mục sơn hà lệ mãn y.
(Chốn cửu miếu trong thành, san sát những bình rượu thờ,
Ngước trông non sông, lệ ướt đẫm áo)
và:
Tam bách niên lai vũ trụ xuân,
Thành trì kim dĩ thuộc hà nhân.
(Ba trăm năm nay bờ cõi đầy xuân,
Bây giờ thành trì đã thuộc về ai?)
Ông cũng có nhiều bài thơ viết về các địa danh nổi tiếng của đất Thăng Long - Hà Nội như chùa Trấn Quốc, hồ Tây, chùa Tiên Tích (tức chùa Ngọc Hồ hoặc chùa Bà Ngô, phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu), đền Ông Mạc (nay ở ô Đống Mác, quận Hai Bà Trưng), bến Chương Dương (huyện Thường Tín, Hà Nội), đền Đổng Thiên Vương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), núi Câu Lậu (tức núi có chùa Tây Phương, huyện Quốc Oai, Hà Nội), hay những bức tranh phong cảnh Tràng An đượm màu hoài cổ. Thăng Long xưa hiện lên trong thơ Phạm Quý Thích với vẻ đẹp cổ kính, nên thơ pha chút buồn hoài niệm về một thời “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài”. Đây là cảnh hồ Tây:
Hồ ảnh chiếu cổ phạn,
Hà hương đình cao lâu.
(Du Tây Hồ Trấn Quốc tự, I)
(Chùa cổ soi bóng nước mặt hồ,
Hương sen đọng lại trên lầu cao)
Đây là cảnh chùa Trấn Quốc:
Tây Hồ hồ thượng hà niên tự,
Cổ thụ âm âm trúc thạch tùng.
Trần đế quan ngư không thử địa,
Tiên vương lạc thủy hữu danh cung.
Nhất hoằng băng kính khai tình nhật,
Thập lý hà hương tổng vãn phong.
(Du Tây Hồ Trấn Quốc tự, I)
(Trên hồ Tây, chùa có tự bao giờ,
Cây cổ thụ rợp bóng bụi trúc đá.
Nơi nhà Quan ngư của vua Trần nay chỉ còn lại mảnh đất trống,
Dấu vết cung Lạc Thủy của tiên vương giờ vẫn còn vết.
Gương thu leo lẻo soi ngày sáng,
Mười dặm hương sen tiễn gió chiều)
hay:
Mộc diệp tiêu tiêu Trấn Quốc thu,
Thảo hoa mạc mạc cố cung u.
Đăng lâu nhất vọng hồ thiên vãn,
Hà diệp trung gian quá thủy chu.
(Du Tây Hồ Trấn Quốc tự, II)
(Thu về, lá cây bên chùa Trấn Quốc xao động trước gió,
Cỏ hoa lặng lẽ nằm bên hành cung u tịch.
Lên lầu ngắm nhìn trời chiều trên hồ,
Thuyền qua hồ giữa đám lá sen)
Còn đây là cảnh thành cổ Thăng Long u tịch:
Thái Miếu ô đề dạ dạ thanh,
Trường An nhất bán nguyệt hoa minh.
Liên hồ thủy đới hoa biên tự,
Cổ thụ sương tâm trúc ngoại thành.
(Tiếng quạ kêu đêm bên Thái Miếu,
Một nửa vành trăng soi sáng đất Tràng An.
Hồ sen, dòng nước uốn quanh như cái đai, chùa bên hoa,
Cổ thụ đẫm sương, thành quách bên ngoài rặng tre trúc)
Và:
Cao phong lịch loạn minh thiền thụ,
Cổ đạo phân minh hạ mã bi.
Quốc mẫu cung tường dư bích tiển,
Vương hầu đệ trạch bán tà huy.
(Thu dạ bộ nguyệt hữu hoài)
(Cây lớn đón gió trên cao ran tiếng ve kêu,
Đường cũ còn thấy rõ tấm bia xuống ngựa.
Tường cung quốc mẫu đầy rêu xanh,
Phủ đệ vương hầu thấp thoáng bóng chiều tà)
Sự miêu tả cảnh vật, thiên nhiên như vậy cũng đủ thấy tình cảm của ông dành cho đất kinh kì xưa. Tình cảm này dường như là một trong những nguyên nhân có thể lí giải cho việc vì sao Phạm Quý Thích không tha thiết với việc đi làm quan (dù quan to) ở một nơi xa nào đó mà bám trụ, gắn bó với Thăng Long - Hà Nội và với nghề dạy học cho đến hết cuộc đời...
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội