Lý luận - phê bình

Như một làn hương vương vấn, bâng khuâng

Lời bình của Phan Điển Ánh 09:39 26/03/2023

Những năm qua, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thường xuyên được bạn văn và độc giả rộng rãi nhớ đến do bà vẫn đều đặn sáng tác, xuất hiện và tham gia các hoạt động như dự trại viết hay giao lưu trong những chuyến thực tế…

Phan Thị Thanh Nhàn
“Xe ôm”


“Khi cần xin cứ gọi
Tôi sẵn sàng đưa đi
Bảo đảm không va quệt
Và không đòi hỏi gì”.
Bao việc ngày áp Tết
Tôi đành ngồi xe ôm
Nào đi mừng đám cưới
Mua tủ thờ, bát hương…
Rồi tặng hoa người quý
Bánh kẹo dành người thương
Rồi đi xem ca nhạc
Rồi lên thăm nhà vườn…
Chàng không hề va quệt
Tôi không hề đền ơn
Gặp ai chàng cũng nói:
- Tôi chỉ là xe ôm.
Xe đang ung dung chạy
Bỗng bất ngờ dừng ngang
Cô bán hàng hiểu ý
Trao tôi nhành ngọc lan.
Cành hoa giờ đã héo
Mà hương còn rất sang…

Văn nghệ, số 33 (18/8/2012)

Những năm qua, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thường xuyên được bạn văn và độc giả rộng rãi nhớ đến do bà vẫn đều đặn sáng tác, xuất hiện và tham gia các hoạt động như dự trại viết hay giao lưu trong những chuyến thực tế… Bà thu hút được sự chú ý, mến trọng của mọi người và để lại những kỷ niệm vui vẻ, dí dỏm trong các cuộc gặp gỡ cũng như những trang viết mới. Hẳn không ít người ngạc nhiên trước tâm hồn trẻ trung của tác giả các tác phẩm nổi tiếng cách đây tưởng chừng đã rất lâu như “Hương thầm”, “Xóm đê”...

bac_xe_om_cho_khach.jpg

Những dài dòng mở đầu này là để dẫn mời bạn đọc gặp gỡ người thơ dường như trẻ mãi không già Phan Thị Thanh Nhàn qua bài thơ “Xe ôm”. “Xe ôm” ư? Tại sao tên bài thơ lại có dấu ngoặc kép? Hóa ra ở đây, nói đến “xe ôm” không hẳn là đối tượng của cách nhìn, cách hiểu thường ngày. Có thể người khách ngồi sau (xưng tôi) là một phụ nữ hơn tuổi, và chàng trai là người lái xe giúp “tôi” đi hết phố này đến phố khác.

Chàng chạy xe ôm vốn là xa lạ, không phải họ hàng bà con, rong ruổi trên đường để mưu sinh. Khi được quàng cho cái ngoặc kép (“xe ôm”) thì anh mới có tình thân - không bình thường - với một vị khách trong bài thơ. Khi ra khỏi bài thơ, anh chỉ là một người tận tâm với nghề chạy xe ôm hằng ngày, có trách nhiệm với đồng loại, sòng phẳng phục vụ theo nghĩa bán - mua, không vương vấn tình cảm riêng tư (Khi cần xin cứ gọi/ Tôi sẵn sàng đưa đi/ Bảo đảm không va quệt/ Và không đòi hỏi gì). Đương nhiên là vậy. Nhưng ở đây lại khác, hai người biết nhau, thân nhau từ lâu mới nên chuyện.

Bận bịu nhất là những ngày áp Tết mừng đám cưới, mua tủ thờ, bát hương… Tỉ mỉ nhất, riêng tư nhất là mua hoa, mua bánh kẹo tặng ai đó, rồi đi xem ca nhạc, lên thăm nhà vườn… cùng ai nữa, nói kỹ làm gì với một người… vừa là quen thân vừa xa lạ. Khách ngồi xe quả quyết thay người cầm lái:

Chàng không hề va quệt
Tôi không hề đền ơn
Gặp ai chàng cũng nói:
- Tôi chỉ là xe ôm.

Vâng, đúng thế! Nhưng với người khách đặc biệt này thì khác ở chỗ: chàng phải là “xe ôm” mới đúng. “Bất ngờ” cuối bài thơ, người lái “xe ôm” đang chở vị khách hiếm có này lại dừng để mua bó hoa và nhờ ngay người bán tặng “bạn” ngồi sau xe. Chàng trai chạy xe ôm tặng hoa trên đường cho khách nữa đấy. Đâu phải chuyện đùa!
Bài thơ vui vui đáng yêu làm theo thi pháp chập chờn nửa đôi về một tình bạn đáng mến, đáng trọng. Bên này, bên kia hoặc cả hai người, tình bạn người dưng thì rõ rồi, nhưng lại có điều gì như hơn cả tình bạn. Dẫu gì thì gì, đây vẫn là quan hệ tình cảm bâng quơ, thi vị của hai người nam và nữ ngẫu nhiên gặp nhau và thành thân thiện, tuy tuổi tác có thể vênh lệch nhau (?), cảnh sống khác biệt, nhưng họ cùng có hiểu biết, ứng xử có văn hóa.

Trong đời thật, tác giả bài thơ cũng được các chàng trai thiện cảm, bạn bè “gán ghép” khơi khơi. Vẻ trẻ trung bên ngoài của bà được toát ra từ tâm hồn trong veo của nữ thi sĩ. Bà hướng về phía trẻ trung, hồn nhiên. Chuyện về người “xe ôm” có thể là chuyện thật, không phải tác giả bịa ra tất cả. Và chàng “xe ôm” cũng “ga lăng”, sống mềm mại, có phần “phiêu lãng”, trái với việc kiếm sống trong nắng mưa, đêm ngày bụi bặm mà anh phải chịu đựng hoặc mong muốn được như vậy.

Giữa những bộn bề lo toan, vui buồn về bao nhiêu trái ngang của đời sống, ai thưởng thức bài thơ này cũng cảm thấy tâm hồn yên tĩnh trở lại để yêu đời hơn nữa, yêu đồng loại hơn nữa, giữ gìn, quý trọng và góp phần làm lan tỏa cái thiện, cái đẹp hơn nữa. Chuyện đã xa rồi, nhà thơ kể lại:

Cành hoa giờ đã héo
Mà hương còn rất sang…

Cái đẹp bên ngoài của thiên nhiên trời đất luôn luôn đổi thay như hoa nở rồi tàn, da dẻ ửng hồng mịn màng ắt có ngày nhăn nhúm. Nhưng cái đẹp của lối sống, tâm hồn, nhân cách con người thì mãi mãi như mùi hương kia còn lại. Hơn nữa, đây không phải là mùi hương bình thường mà rất sang! Đây là cái đẹp sang trọng của tinh thần, đức tính, tình người.
Bài thơ cũng như một làn hương, đọc rồi còn vấn vương, bâng khuâng không dứt...

Bài liên quan
  • Hình tượng mùa xuân trong âm nhạc cổ điển
    Thiên nhiên có ảnh hưởng đến đời sống con người về cả thể chất và tinh thần, là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Trời Đất có âm - dương, âm nhạc có trưởng - thứ. Từ góc nhìn theo triết lý phương Đông quán chiếu vào tư duy sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao trong âm nhạc kinh điển phương Tây, đã trở thành duyên khởi cho ý tưởng chủ đề “Hình tượng mùa xuân trong âm nhạc cổ điển”. Bài viết này xin giới thiệu sơ lược một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà soạn nhạc kinh điển phương Tây.
(0) Bình luận
  • Mở cánh cửa trong kỷ nguyên số
    Trong tình hình ảm đạm của sân khấu hiện nay, lý luận phê bình (LLPB) cũng thưa thớt theo. Vẫn còn đó những nhà lý luận sắc sảo và có đầy đủ kiến thức chuyên sâu trong nghề, nhưng họ gần như không còn đất để dụng võ.
  • “Phê” cho hợp tình, “bình” cho thấu đáo
    ghệ thuật biểu diễn gồm các loại hình nghệ thuật phong phú như: kịch hát, kịch nói, trình diễn ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, ảo thuật…
  • Vừa tỉnh vừa mê với “Thuốc mê” của Thâm Tâm
    Câu chuyện mỏng mảnh, ngắn gọn, mà nhà thơ Thâm Tâm gợi ra được những sắc thái ly kỳ, hồi hộp. Nhưng vừa ngả theo hướng truyện phiêu lưu, điều tra, lại vừa gài được chất tình của chuyện yêu đương quyến luyến nam nữ, mà không ngả ngớn, “sến sẩm” ướt át. Liên tưởng trong đời sống hiện đại hôm nay, tiểu thuyết “Thuốc mê” vẫn nhắc hỏi ta về việc sống như thế nào cho ra con người, giữa biết bao nhiêu áp lực và ràng buộc.
  • Độc đáo thơ đố của Phạm Đình Ân
    Nhà thơ Phạm Đình Ân là tác giả thơ trữ tình, phê bình văn học, thơ văn dành cho thiếu nhi... lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Riêng viết cho thiếu nhi, ông là một tác giả nổi trội, bền bỉ sáng tác suốt gần 50 năm qua, đạt nhiều thành tựu. “Vui cùng thơ đố” (NXB Phụ nữ, 2023) là tập thơ thứ hai của Phạm Đình Ân về thơ đố, cũng là đầu sách thứ hai mươi của tác giả này dành cho thiếu nhi - không kể 20 tập sách hợp thành ba đầu sách biên soạn.
  • Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Viết cho thiếu nhi thật ra không dễ chút nào”
    Nhà văn Bùi Tiểu Quyên “khởi nghiệp văn chương” từ năm 2008 và những năm gần đây đặc biệt gây tiếng vang với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ngòi bút tinh tế, trong trẻo, dí dỏm thấm đượm tình yêu, lòng ham học hỏi đã chinh phục hàng ngàn trái tim độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi - thiếu niên. Không chỉ vậy, các tác phẩm của chị cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái nhiều giải thưởng. Cùng phóng viên Người Hà Nội lắng nghe chia sẻ của chị xung quanh những “đứa con tinh thần” mà chị đã dày công ấp ủ…
  • Làm báo nơi vùng giải phóng
    Tôi học và bắt đầu viết báo từ năm 1974, tại một vùng đất mới giải phóng - đó là Quảng Trị. Nơi ấy lúc bấy giờ là miền đất đói nghèo, đau thương nhưng cũng biết mấy can trường, biết bao thương nhớ… Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, ấy là vùng quê: “Những đồi tranh ăn độc gió Lào/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người/ Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười/ Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng…”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Như một làn hương vương vấn, bâng khuâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO