Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799 (Kỷ Mùi) mất năm 1872 (Nhâm Thân), hiệu là Phương Đình là một danh sĩ, học giả nổi tiếng được giới nho sĩ đương thời tôn làm “Thần Siêu”. Sau kỳ thi Hương đỗ Á nguyên, Nguyễn Văn Siêu thi đậu phó Bảng khoa Mậu Tuất (1838), được bổ nhiệm các chức vụ như chủ sự bộ Lễ, Thị giảng học sĩ. Năm 1849 được cử làm Phó sứ đi sứ ở Trung Quốc. Về nước được thăng Học sĩ viện tập liên rồi bổ nhiệm làm Án sát Hà Tĩnh, Án sát Hưng Yên.
Năm 1854, Nguyễn Văn Siêu cáo bệnh từ quan về quê chuyên tâm biên soạn sách và sáng tác văn thơ... Những tác phẩm nổi tiếng như “Phương Đình dư địa chỉ”, “Chư kinh khảo ước”, “Chư sử khảo thích”, “Tứ thư bị giảng”, “Phương Đình tuỳ bút lục”, “Phương Đình tuỳ bút lục”, “Phương Đình thi loại”, “Phương Đình thi văn tập”… thể hiện kiến thức uyên bác và tấm lòng yêu nước, tự hào về đất nước và dân tộc của tác giả.
Nguyễn Văn Siêu là một vị quan thanh liêm, có công trong bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc. Đặc biệt với Hà Nội, Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra lo việc tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, dựng Tháp Bút - Đài nghiên. Dòng chữ Tả Thanh Thiên đề ở Tháp Bút là bút tích bất hủ của Nguyễn Văn Siêu.
Theo dòng họ truyền lại, thì nhà thờ Nguyễn Văn Siêu hiện nay chính là nơi ở trước đây của cụ khi từ quan về. Khi Nguyễn Văn Siêu mất, con cháu sửa chữa chuyển làm nhà thờ.
Nhà thờ Nguyễn Văn Siêu còn tương đối nguyên vẹn gồm nhà thờ, khu phụ, tường bao quanh. Mộ Nguyễn Văn Siêu ở phía ngoài, cách khu nhà thờ khoảng 200m.
Nhà thờ mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, cổng vuông, cánh cổng ở giữa ghi chữ “Thanh Đức môn”, cổng xây triều vua Thành Thái (1889 - 1906), do con cụ Nguyễn Văn Siêu thực hiện.
Nhà thờ Nguyễn Văn Siêu đã được Bộ văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân năm 1986.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01.