Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 11:51

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên con đường lên căn cứ địa kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động tại vùng phía tây của Thủ đô Hà Nội. Một trong những nơi được Người chọn làm nơi ở và hoạt động là ngôi nhà ông Nguyễn Đình Khuê, xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại đây từ ngày 13/01/1947 đến ngày 02/02/1947.

nha_luu_niem_bac_ho_o_xa_can_kiem.jpg
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lai Cài, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Từ Thủ đô Hà Nội theo Quốc lộ 32A đi Sơn Tây, đến kilômét số 35, rẽ trái theo đường Quốc lộ 21B - đi 6km đến trung tâm huyện lỵ huyện Thạch Thất. Từ đây, đi tiếp 3km đến ngã tư Thạch Xá, có con đường rẽ phải vào chùa Tây Phương, đi tiếp chừng 1km đến làng Phú Đa, theo con đường nhỏ uốn quanh vào ngõ xóm Lai Cài là tới di tích.

Vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, trong tình hình đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ nhanh chóng truyền đi khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến, trong đó khẳng định đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh.

Trong thời gian này, huyện Thạch Thất nói chung và nhân dân xã Cần Kiệm nói riêng đã đón nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội về đóng tại địa phương và đón nhiều đồng bào Thủ đô tản cư về ở. Xã Cần Kiệm đã thành lập Ban đón tiếp đồng bào tản cư và tổ chức nơi ăn chốn ở chu đáo cho đồng bào.

Cuối tháng 12 năm 1946, một phái đoàn Chính phủ do bác Tôn Đức Thắng dẫn đầu về thăm xã Cần Kiệm và xã Trạng Bùng. Bác Tôn ân cần thăm hỏi mọi người, khuyến khích động viên phong trào và nhắc nhở đồng bào phải ra sức chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Xã Cần Kiệm và xã Trạng Bùng đã tổ chức mít tinh để đón phái đoàn. Tại cuộc mít tinh, Bác Tôn đã vạch rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, giải thích đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và nhắc nhở mọi người phải tích cực thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Đồng thời căn dặn mọi người phải hết sức giữ bí mật, lương giáo phải đoàn kết, không mắc mưu chia rẽ của kẻ thù.

Đầu năm 1947, có một số cán bộ cùng với đồng chí Nguyễn Đình Kỳ về nắm tình hình và địa điểm cho đội công tác tuyên truyền xung phong về ở. Thực chất đây là bộ phận làm công tác Đội với nhiệm vụ chuẩn bị địa điểm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương về ở do nữ đồng chí Lê Thị Lịch phụ trách.

“...19 giờ 45 phút, ngày 13-1-1947, Bác rời Xuân Dương huyện Thanh Oai, qua Ba Thá, huyện Chương Mỹ, phủ Quốc Oai đến Thạch Thất khoảng 22 giờ (tức 10 giờ đêm) vào xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Cùng đi với Bác có 9 người trong đó có 2 đồng chí nữ. Nhân dân địa phương chỉ biết họ là người Hà Nội tản cư về đây và được anh Kỳ bố trí cho ở trong gia đình. Đêm đó, mây nhiều như muốn có mưa, gió lạnh. Từ chỗ đỗ xe, cả đoàn đi bộ men theo đường ruộng, qua bụi rậm khoảng một cây số thì đến một ngôi nhà đang làm dở, đó là nhà cụ Nguyễn Đình Khuê (còn gọi là cụ Quỹ) thuộc làng Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Trời tối, cả đoàn chỉ có một chiếc đèn bão bịt giấy không đủ chiếu sáng cho người đi sau cùng…”

Đến chiều ngày 2/2/1947 tiết trời rét và có mưa phùn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ rời Cần Kiệm đến Sài Sơn tiếp tục chặng đường trường kỳ kháng chiến. Trước khi đi, Bác còn cho mời cụ Quỹ sang nhà để cảm ơn và căn dặn cụ Quỹ giữ bí mật và tích cực ủng hộ kháng chiến. Đêm đó, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ ở Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Đến đêm ngày 3/2/1947, Người về ở và làm việc tại khu chùa Một Mái trong khu vực chùa Thày, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

19 ngày ở Cần Kiệm là 19 ngày Bác làm việc không nghỉ, Bác viết nhiều thư, điện, ký nhiều sắc lệnh quan trọng, viết nhiều lời kêu gọi, nhiều tài liệu quan trọng cho cuộc kháng chiến như: Lời kêu gọi toàn dân thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", Lời kêu gọi nhân ngày tết, thư chúc mừng năm mới, thư gửi vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc, thư chúc tết đồng bào Nam Bộ, lời chúc mừng độc lập và cảm ơn các nhà lãnh đạo Miến Điện, Ấn Độ, thư gửi ông Văngxăng Ôriôn trúng cử Tổng thống Pháp, Thư gửi Chính phủ Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh. Ngoài ra, Bác còn sửa lại các sách: Vấn đề du kích, Phép dùng binh của Tôn Tử, Chính trị viên, Chiến thuật du kích... cho ngắn gọn, dễ hiểu, để đưa in phổ biến.

Nghe theo tiếng gọi cứu nước của Người, nhân dân Cần Kiệm hăng hái gia nhập dân quân tự vệ, luyện tập quân sự, đào đắp công sự, rào làng chiến đấu, ai ai cũng tích cực chuẩn bị cho kháng chiến, triệt để thực hiện phòng gian, giữ bí mật để bảo vệ các cơ quan của Chính phủ.

Nhân dân Cần Kiệm đã thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Bác Hồ kính yêu. Từ năm 1947 đến 1954, dân quân du kích xã Cần Kiệm phối hợp với lực lượng vũ trang của huyện bẻ gãy nhiều đợt tấn công càn quét của kẻ thù, góp phần cùng với quân dân cả nước lập nên những trang sử huy hoàng của dân tộc. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, Cần Kiệm đã ra sức sản xuất, làm tốt nghĩa vụ cung cấp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không ít những con em của Cần Kiệm đã hy sinh anh dũng hoặc để lại một phần xương thịt trên các chiến trường. Cần Kiệm là đơn vị được công nhận xã quyết thắng nhiều năm liền. Năm 1973, được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng hai.

Trong sự nghiệp đổi mới, Cần Kiệm vẫn là một xã của huyện Thạch Thất có nhiều phong trào khá. Đời sống nhân dân tương đối ổn định. Quê hương ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần đã có nhiều thay đổi, nhiều gia đình đã có vô tuyến, truyền hình, xe máy, cát sét....

Nhận thức được công lao to lớn của Bác Hồ và niềm vinh dự lớn lao là xã đã được đón Bác Hồ và các cơ quan trung ương về ở trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Cần Kiệm, cùng với chính quyền các cấp đã tiến hành khôi phục lại ngôi nhà Bác đã ở và làm việc đầu năm 1947 ở xóm Lai Cài, xã Cần Kiệm thành Nhà lưu niệm. Ngôi nhà dài 20,4m, chia làm 8 gian chính và hai gian dĩ. Chủ nhà gọi gian buồng là một gian rưỡi, nên thường gọi ngôi nhà này là 9 gian, giữa có tường ngăn đôi. Vật liệu xây dựng ngôi nhà này làm hoàn toàn bằng tre nứa và đã được ngâm dưới bùn ao để tránh mối mọt. Mái nhà lợp bằng gianh. Mặt trước nhà để trống và dùng các tấm liếp đan che mưa nắng.

Căn buồng Bác ở nằm phía trái căn nhà, xung quanh tường được trình bằng đất kín đáo, có một cửa ra vào rộng 70cm, cao 1,75m. Trong phòng kê một chiếc giường tre rộng 1,40m, dài 1,80m, dát giường đan bằng tre, trên dải chiếu mộc màu trắng đã cũ. Cạnh giường kê một chiếc bàn để Bác làm việc, mặt bàn là hai mảnh gỗ ghép lại. Trên bàn đặt một chiếc đèn bão thắp bằng dầu hoả, để phục vụ Bác làm việc trong đêm.

Hiện nay, di tích vẫn còn lưu giữ những kỷ vật của Bác Hồ như: chiếc giường tre, chiếc chiếu, bộ bàn ghế làm việc, đèn bão, vại đựng nước Bác đã dùng và tấm thiếp chúc tết được Bác Hồ tặng gia đình ông Nguyễn Đình Khuê nhân dịp tết Nguyên đán năm 1947.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Cần Kiệm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp quốc gia theo Quyết định số 281/QĐ-BT ngày 24/3/1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Độc đáo lễ hội Tấc Ka Coong - Cúng thần núi của đồng bào Cơ Tu
    Tái hiện trích đoạn sân khấu hóa lễ hội Tấc Ka Coong - Cúng thần núi của đồng bào Cơ Tu huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) trong Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV.
  • 50 đội thi tham gia Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024
    UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Thành phố Hà Nội và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tổ chức Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2024.
  • Vở ballet Hồ Thiên Nga được biểu diễn trở lại tại Nhà hát Lớn Hà Nội
    Vở Ballet Hồ Thiên Nga đã làm say đắm khán giả trên toàn thế giới suốt hơn một thế kỷ qua sẽ được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) biểu diễn trở lại tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng 6 tới đây.
  • 194 Đảng viên Thị xã Sơn Tây được trao tặng Huy hiệu Đảng dịp Kỷ niệm sinh nhật Bác
    Sáng 16/5, Thị ủy Sơn Tây (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5/2024 cho 194 đảng viên của Đảng bộ thị xã. Các đảng viên được nhận Huy hiệu từ 30 năm đến 70 năm tuổi Đảng, trong đó có 1 Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Tổ chức các giải thể thao chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại các quận, huyện, thị xã
    UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các giải thể thao chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024) nhằm động viên nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”...
  • Thừa Thiên Huế: Lấy ý kiến các dự án luật Di sản văn hóa
    Những góp ý các dự án luật Di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn phát triển và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổng hợp, có ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
  • Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
    Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.
  • Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội năm 2024
    Sáng 15/5, tại Phố Sách 19/12, Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp cùng các câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc “Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội” với chủ đề “Việt Nam - Đất nước - Con người”.
  • Nhịp sống mỗi ngày ở khu tập thể cũ Hà Nội
    Với nhiều người Hà Nội, những khu tập thể là nơi lưu giữ nhiều ký ức về nếp sinh hoạt cũ - một phần ký ức của Hà Nội. Giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, những khu tập thể cũ ở Hà Nội vẫn lặng lẽ ẩn mình giữa đô thị hiện đại. Với không ít người nó vẫn là những ký ức khó quên với những ai đã từng sống tại các khu tập thể. Nơi đó, mỗi ngày mới, nhịp sống lại bắt đầu...
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO