Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất)

Sơn Dương (t/h) 02/10/2023 11:51

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên con đường lên căn cứ địa kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động tại vùng phía tây của Thủ đô Hà Nội. Một trong những nơi được Người chọn làm nơi ở và hoạt động là ngôi nhà ông Nguyễn Đình Khuê, xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại đây từ ngày 13/01/1947 đến ngày 02/02/1947.

nha_luu_niem_bac_ho_o_xa_can_kiem.jpg
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lai Cài, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Từ Thủ đô Hà Nội theo Quốc lộ 32A đi Sơn Tây, đến kilômét số 35, rẽ trái theo đường Quốc lộ 21B - đi 6km đến trung tâm huyện lỵ huyện Thạch Thất. Từ đây, đi tiếp 3km đến ngã tư Thạch Xá, có con đường rẽ phải vào chùa Tây Phương, đi tiếp chừng 1km đến làng Phú Đa, theo con đường nhỏ uốn quanh vào ngõ xóm Lai Cài là tới di tích.

Vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, trong tình hình đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ nhanh chóng truyền đi khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến, trong đó khẳng định đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh.

Trong thời gian này, huyện Thạch Thất nói chung và nhân dân xã Cần Kiệm nói riêng đã đón nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội về đóng tại địa phương và đón nhiều đồng bào Thủ đô tản cư về ở. Xã Cần Kiệm đã thành lập Ban đón tiếp đồng bào tản cư và tổ chức nơi ăn chốn ở chu đáo cho đồng bào.

Cuối tháng 12 năm 1946, một phái đoàn Chính phủ do bác Tôn Đức Thắng dẫn đầu về thăm xã Cần Kiệm và xã Trạng Bùng. Bác Tôn ân cần thăm hỏi mọi người, khuyến khích động viên phong trào và nhắc nhở đồng bào phải ra sức chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Xã Cần Kiệm và xã Trạng Bùng đã tổ chức mít tinh để đón phái đoàn. Tại cuộc mít tinh, Bác Tôn đã vạch rõ âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, giải thích đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và nhắc nhở mọi người phải tích cực thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Đồng thời căn dặn mọi người phải hết sức giữ bí mật, lương giáo phải đoàn kết, không mắc mưu chia rẽ của kẻ thù.

Đầu năm 1947, có một số cán bộ cùng với đồng chí Nguyễn Đình Kỳ về nắm tình hình và địa điểm cho đội công tác tuyên truyền xung phong về ở. Thực chất đây là bộ phận làm công tác Đội với nhiệm vụ chuẩn bị địa điểm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương về ở do nữ đồng chí Lê Thị Lịch phụ trách.

“...19 giờ 45 phút, ngày 13-1-1947, Bác rời Xuân Dương huyện Thanh Oai, qua Ba Thá, huyện Chương Mỹ, phủ Quốc Oai đến Thạch Thất khoảng 22 giờ (tức 10 giờ đêm) vào xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Cùng đi với Bác có 9 người trong đó có 2 đồng chí nữ. Nhân dân địa phương chỉ biết họ là người Hà Nội tản cư về đây và được anh Kỳ bố trí cho ở trong gia đình. Đêm đó, mây nhiều như muốn có mưa, gió lạnh. Từ chỗ đỗ xe, cả đoàn đi bộ men theo đường ruộng, qua bụi rậm khoảng một cây số thì đến một ngôi nhà đang làm dở, đó là nhà cụ Nguyễn Đình Khuê (còn gọi là cụ Quỹ) thuộc làng Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Trời tối, cả đoàn chỉ có một chiếc đèn bão bịt giấy không đủ chiếu sáng cho người đi sau cùng…”

Đến chiều ngày 2/2/1947 tiết trời rét và có mưa phùn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ rời Cần Kiệm đến Sài Sơn tiếp tục chặng đường trường kỳ kháng chiến. Trước khi đi, Bác còn cho mời cụ Quỹ sang nhà để cảm ơn và căn dặn cụ Quỹ giữ bí mật và tích cực ủng hộ kháng chiến. Đêm đó, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ ở Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Đến đêm ngày 3/2/1947, Người về ở và làm việc tại khu chùa Một Mái trong khu vực chùa Thày, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

19 ngày ở Cần Kiệm là 19 ngày Bác làm việc không nghỉ, Bác viết nhiều thư, điện, ký nhiều sắc lệnh quan trọng, viết nhiều lời kêu gọi, nhiều tài liệu quan trọng cho cuộc kháng chiến như: Lời kêu gọi toàn dân thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", Lời kêu gọi nhân ngày tết, thư chúc mừng năm mới, thư gửi vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc, thư chúc tết đồng bào Nam Bộ, lời chúc mừng độc lập và cảm ơn các nhà lãnh đạo Miến Điện, Ấn Độ, thư gửi ông Văngxăng Ôriôn trúng cử Tổng thống Pháp, Thư gửi Chính phủ Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh. Ngoài ra, Bác còn sửa lại các sách: Vấn đề du kích, Phép dùng binh của Tôn Tử, Chính trị viên, Chiến thuật du kích... cho ngắn gọn, dễ hiểu, để đưa in phổ biến.

Nghe theo tiếng gọi cứu nước của Người, nhân dân Cần Kiệm hăng hái gia nhập dân quân tự vệ, luyện tập quân sự, đào đắp công sự, rào làng chiến đấu, ai ai cũng tích cực chuẩn bị cho kháng chiến, triệt để thực hiện phòng gian, giữ bí mật để bảo vệ các cơ quan của Chính phủ.

Nhân dân Cần Kiệm đã thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Bác Hồ kính yêu. Từ năm 1947 đến 1954, dân quân du kích xã Cần Kiệm phối hợp với lực lượng vũ trang của huyện bẻ gãy nhiều đợt tấn công càn quét của kẻ thù, góp phần cùng với quân dân cả nước lập nên những trang sử huy hoàng của dân tộc. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, Cần Kiệm đã ra sức sản xuất, làm tốt nghĩa vụ cung cấp sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không ít những con em của Cần Kiệm đã hy sinh anh dũng hoặc để lại một phần xương thịt trên các chiến trường. Cần Kiệm là đơn vị được công nhận xã quyết thắng nhiều năm liền. Năm 1973, được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng hai.

Trong sự nghiệp đổi mới, Cần Kiệm vẫn là một xã của huyện Thạch Thất có nhiều phong trào khá. Đời sống nhân dân tương đối ổn định. Quê hương ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần đã có nhiều thay đổi, nhiều gia đình đã có vô tuyến, truyền hình, xe máy, cát sét....

Nhận thức được công lao to lớn của Bác Hồ và niềm vinh dự lớn lao là xã đã được đón Bác Hồ và các cơ quan trung ương về ở trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân xã Cần Kiệm, cùng với chính quyền các cấp đã tiến hành khôi phục lại ngôi nhà Bác đã ở và làm việc đầu năm 1947 ở xóm Lai Cài, xã Cần Kiệm thành Nhà lưu niệm. Ngôi nhà dài 20,4m, chia làm 8 gian chính và hai gian dĩ. Chủ nhà gọi gian buồng là một gian rưỡi, nên thường gọi ngôi nhà này là 9 gian, giữa có tường ngăn đôi. Vật liệu xây dựng ngôi nhà này làm hoàn toàn bằng tre nứa và đã được ngâm dưới bùn ao để tránh mối mọt. Mái nhà lợp bằng gianh. Mặt trước nhà để trống và dùng các tấm liếp đan che mưa nắng.

Căn buồng Bác ở nằm phía trái căn nhà, xung quanh tường được trình bằng đất kín đáo, có một cửa ra vào rộng 70cm, cao 1,75m. Trong phòng kê một chiếc giường tre rộng 1,40m, dài 1,80m, dát giường đan bằng tre, trên dải chiếu mộc màu trắng đã cũ. Cạnh giường kê một chiếc bàn để Bác làm việc, mặt bàn là hai mảnh gỗ ghép lại. Trên bàn đặt một chiếc đèn bão thắp bằng dầu hoả, để phục vụ Bác làm việc trong đêm.

Hiện nay, di tích vẫn còn lưu giữ những kỷ vật của Bác Hồ như: chiếc giường tre, chiếc chiếu, bộ bàn ghế làm việc, đèn bão, vại đựng nước Bác đã dùng và tấm thiếp chúc tết được Bác Hồ tặng gia đình ông Nguyễn Đình Khuê nhân dịp tết Nguyên đán năm 1947.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Cần Kiệm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp quốc gia theo Quyết định số 281/QĐ-BT ngày 24/3/1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)