Văn hóa – Di sản

Ngô Thì Nhậm – nhà ngoại giao, nhà thơ xuất sắc

Vũ Khiêu 28/11/2023 08:21

Đã hơn 200 năm, từ ngày Ngô Thì Nhậm (sinh 1746) qua đời sau trận đòn thù tại sân Văn Miếu (1803). Sau hành động tàn nhẫn và bỉ ổi ấy, vua quan nhà Nguyễn tiếp tục lên án ông về tội “bất trung, bất hiếu”. Họ chê trách ông đã bỏ vua Lê, chúa Trịnh để đi theo Tây Sơn, ông lại đứng về phía bà chúa Chè “để bốn người bố ông” phải chết. Đằng sau những lời nhận xét mơ hồ ấy, con người thật của ông chưa bao giờ được rõ nét.

ngo-thi-nham.jpg
Nhà thờ dòng họ Ngô Thì tại làng Tả Thanh Oai.

Ngày nay, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam đã dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời ông và trả lại cho ông cái chân giá trị của một người trí thức lỗi lạc, đã có những cống hiến rất lớn cho dân tộc mình trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học.

Ông để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm trên 600 bài thơ và 15 tác phẩm lớn.

Qua những trang sách cũ, đọc lại thơ ông, chúng ta thấy nổi lên những nét rất đậm đà và rực rỡ về toàn bộ cuộc đời ông. Ta càng hiểu thêm những khát vọng lớn lao, những suy nghĩ thầm kín, những tâm sự đau thương phản ánh con người ông từ chiều sâu của tâm hồn. Thơ văn ấy là một bức tranh tuyệt đẹp vẽ lại cuộc đời ông, người đã đem hết trí lực và tài năng chiến đấu cho lợi ích của nhân dân, cho đạo lý của cuộc sống, cho vinh dự của tổ quốc, cho phẩm giá của con người.

Ngô Thì Nhậm sinh ngày 25 tháng 10 năm 1746 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội). Cha ông là Ngô Thì Sĩ, đậu Tiến sĩ, làm quan thời Lê - Trịnh đồng thời là nhà sử học và nhà thơ. Các em ông đều học giỏi đỗ cao. Em rể ông là Phan Huy Ích, một trí thức nổi tiếng thời Tây Sơn. Người đương thời thường khen ngợi gia đình ông: “Họ Ngô một bồ Tiến sĩ”. Không những gia đình đã từng đời đời đỗ đại học và nhận tước lộc cao của triều đình mà còn nổi tiếng về văn học, được mọi người tôn vinh với danh hiệu Ngô gia văn phái.

Ngô Thì Nhậm không chỉ tự hào về truyền thống khung cảnh của gia đình mà trước hết ông nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức của dòng họ và quê hương ông. Ông từng viết: “Ở cái làng lễ nghĩa, sống trong xóm lễ nghĩa, cha anh theo nghiệp Nho, có lẽ nào con em lại đem kinh sách ra mà đào trộm mả người (Ký tự mục đình).

Với kinh sách, Ngô Thì Nhậm đã đi vào cuộc đời với đầy dũng khí và tin tưởng:

Nhân nghĩa làm sào, trung tín làm bánh lái,

Đóng thành một chiếc bè, hằng năm giong lên vùng sao Đẩu.

(Tô Châu)

Ngô Thì Nhậm 16 tuổi đã soạn quyển Nhị thập thất sử toát yếu. Năm 1765, ông đậu kỳ thi Hương, tiếp đến năm 1769, ông đỗ khoa sĩ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương. Công việc trước tác và sáng tác của ông thực sự bắt đầu từ giai đoạn này. Năm 1771, Ngô Thị Nhậm hoàn thành quyển Hải Đông chí lược, nghiên cứu mọi mặt về lịch sử và đời sống của vùng Hải Dương. Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đi Hội, đỗ thứ năm hàng Tiến sĩ đệ tam giáp, được bổ Cấp sự trung Bộ Hộ. Năm 1776, được thăng Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, rồi thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc, nặm sau lại kiêm luôn Đốc đồng Thái Nguyên. Năm 1779, Ngô Thì Nhậm chuyển sang làm Hiệu thư ở toà Đông các.

Làm Án sát Hải Dương rồi làm Đốc đồng hai trấn Bắc Ninh và Thái Nguyên, ông đã tỏ ra là một thanh niên lỗi lạc, văn võ kiêm toàn. Ngô Thì Sĩ đã từng viết về con: “Con ta lấy tài năng gặp được tao ngộ dị thường, lấy tâm cơ đáp ứng với uỷ nhiệm khó khăn, lấy trung thành làm liều thuốc gat bỏ gian hiểm và làm tiêu tan khí lam chướng. Tướng sĩ trong một để đạo đều tuân theo hiệu lệnh. Kẻ địch ngoài bờ cõi không lường biết được mưu cơ. Muôn khe, nghìn dặm không đâu cho là xa. Quân đội muôn bếp thống nhất thư một người. Bậc đại trượng phu văn, võ cùng đi đôi, bằng phẳng và hiểm trở coi là một: thật là xứng đáng!” (Thư Ngô Thì Sĩ gửi cho con là Ngô Thì Nhậm).

Con đường xuất thân và những tư tưởng ban đầu của Ngô Thì Nhậm là như thế. Truyền thống gia đình, học vấn uyên thâm, tài năng lỗi lạc và khí phách anh hùng kiểu phong kiến ấy sẽ dẫn ông đi tới đâu? Hoàn cảnh này của ông thực ra chẳng có điều gì đáng ca ngợi nhiều. Trên con đường giải phóng của người trí thức, đó chỉ là xiềng xích đeo nặng trên cổ mà thôi. Nếu không dứt bỏ được những xiềng xích ấy, nghĩa là vứt bỏ được địa vị quyền quý của gia đình, dứt bỏ được quan điểm hủ bại của tư tưởng Nho giáo, dứt bỏ được tư tưởng anh hùng cá nhân, thì ông sẽ chẳng để lại những đóng góp gì đáng kể cho nhân dân, cho lịch sử. Ông sẽ quẩn quanh trong khung cảnh xã hội của ông, sẽ chôn vùi trí tuệ và tài năng giống như không biết bao nhà nho đương thời.

Sĩ phu đương thời chê trách Ngô Thì Nhậm đã ít nghĩ đến vua Lê mà chỉ hết lòng với chúa Trịnh, sau lại bỏ cả Lê - Trịnh mà theo Tây Sơn như thế là bất trung. Người ta lên án ông đã từng đứng về phía Đặng Thị Huệ và “giết bốn bố” để làm chức Thị lang, như thế là bất hiếu. Người ta phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Ngô Thì Nhậm đối với tổ quốc, với nhân dân; coi đó chỉ những hành động xu thời.

Trước tất cả những lời đả kích ấy, Ngô Thì Nhậm đã kiên quyết đi con đường của mình: “Ta hãy yên tĩnh lòng ta, giữ điều ẩn ước của ta/ Khi việc làm của ta thuận với mệnh trời, thì đem cả thiên hạ bắc lên cân cũng không cho là lớn/ Ta hãy giữ gìn thân ta, đi con đường rộng lớn của ta/ Khi bước đi của ta thấy hợp với “lý”, thì dù có dẫm lên đuôi hổ cũng không sao cả!” (Vị chi phú).

Ngay từ khi đỗ Tiến sĩ, Ngô Thì Nhậm đã được chúa Trịnh tin dùng. Là một thanh niên học rộng tài cao, ông luôn luôn nghĩ tới những việc lớn của quốc gia, làm thế nào để dân được ấm no, nước được giầu mạnh? Với tinh thần ấy, ông đã sống khác các sĩ phu đương thời, luôn luôn băn khoăn trước tình trạng kiệt quệ về kinh tế, rối ren về chính trị, tan rã về tinh thần của người những lời kiến nghị lên chúa Trịnh, dù việc ấy có thể làm phật ý chúa. Ông xác định: “Làm người bề tôi thờ một vua, biết có thể làm được mà không làm thế là bất trung/ Đứng ở một triều có thể nói được, mà im lặng không nói thế là bất trung”. Vì lòng trung thành với chúa Trịnh và trước hết là lòng trung thành với tổ quốc và với nhân dân, mà Ngô Thì Nhậm dám nói thẳng với chúa Trịnh về những sai lầm trong chính sách của triều đình.

Theo Ngô Thì Nhậm thì vấn đề mấu chốt không phải là ở chỗ cứ đòi hỏi nhà vua tiết kiệm ăn mặc và thức khuya đọc sách như thế là đủ. Ngô Thì Nhậm kiến nghị ba chính sách lớn là: chính sách chính trị, chính sách pháp luật và chính sách giáo dục. Ngô Thì Nhậm đòi hỏi phải có một chính sách rõ ràng về mặt chính trị để trên dưới một lòng tuân theo. Bổ sung cho chính trị là pháp luật và giáo dục. Pháp luật phải hết sức nghiêm minh và giáo dục phải sâu rộng. Nhưng theo Ngô Thì Nhậm, việc mấu chốt, việc khẩn cấp hơn cả là phải làm cho nước được giầu có, dân được ấm no. Ông viết: “Song điều mấu chốt là hãy đem cái tình trạng thiếu thốn và cái thực sự thiếu thốn mà nghiên cứu và chỉnh lý lại đã. Đó là cái tâm pháp làm trị muôn đời”; “Từ kẻ sĩ hèn mọn đến nhân dân bốn bể thường ngày được nuôi dưỡng như vậy tất nhiên là được đâu đấy hưởng ứng và đồng tình, như gió lướt ngọn cỏ, ức triệu lòng như một lòng”... Nhưng tất cả những kiến nghị của Ngô Thì Nhậm đều không được Trịnh Sâm chấp nhận. Trịnh Sâm lúc mới lên ngôi chúa đã làm được một số việc xuất sắc, nhưng khi “bốn phương đã yên lặng. Kho đụn lại sung túc, Sâm dần dần sinh ra xa xỉ, kiêu căng, cung tần thị nữ kén vào rất nhiều, ngày đêm mặc ý mua vui, không còn e lệ gì nữa” (Hoàng Lê nhất thống chí). Từ đó triều đình ngày một mục nát, nhân dân ngày một đói khổ, các quan chức trong triều thì chia thành phe phái giữa những người ủng hộ Trịnh Tông và những người theo Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán. Các sĩ phu đương thời chê trách Ngô Thì Nhậm đã đứng về phe Đặng Thị Huệ mà tố cáo âm mưu của bè lũ Trịnh Tông. Theo Hoàng Lê nhất thống chí thì người tố cáo vụ này là Nguyễn Huy Bá chứ không phải là Ngô Thì Nhậm. Thực ra nếu Ngô Thì Nhậm có làm việc tố cáo ấy cũng có gì đáng chê trách.

Lúc đó Trịnh Sâm đã ốm đau không còn sống được bao lâu nữa, Trịnh Tông (con lớn của Sâm) lại ngu xuẩn, tàn ác, bất tài, bất lực đã bị chính cha nó ghét bỏ. Nhân cách ấy, Ngô Thì Nhậm không thể không biết. Con nhỏ của Sâm là Trịnh Cán (con của Đặng Thị Huệ) lại tỏ ra thông minh và được Trịnh Sâm đặc biệt yêu quý nên lập làm thế tử. Trong trường hợp đó nếu Ngô Thì Nhậm đứng về phía Đặng thị Huệ và Trịnh Cán, thì theo lễ giáo cũ ông vẫn là người tận trung với Trịnh Sâm. Đứng về lẽ phải, đó là một việc thức thời, vì ông biết đất nước không thể trông mong gì được ở Trịnh Tông, tên bạo chúa sau này, còn đối với Trịnh Cán, ông rất có thể đem tài năng của Y Doãn và Vũ Hầu ra giúp ấu chúa.

Năm 1782, Trịnh Sâm mất, kiêu binh phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Thấy tình hình Thăng Long phức tạp, Ngô Thì Nhậm bỏ về sống ở quê vợ, vùng Sơn Nam, trong vòng 6 năm. Ông đã hoàn thành tác phẩm khảo cứu Xuân Thu quản kiến và tập thơ Thuỷ vân nhàn vịnh trong thời gian này.

Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc đánh đổ nhà Trịnh rồi trả lại đất nước cho vua Lê. Sau đó là sự tranh chấp liên miên giữa Lê Chiêu Thống với hết Trịnh Lệ đến Trịnh Bồng, rồi đến sự chuyên quyền của Nguyễn Hữu Chỉnh và sự tham nhũng của Vũ Văn Nhậm. Mặc dầu em rể là Phan Huy Ích vẫn tiếp tục làm quan với cả Trịnh Bồng, Nguyễn Hữu Chỉnh và em ruột là Ngô Thì Chí hết lòng phục vụ Lê Chiêu Thống đến hơi thở cuối cùng, Ngô Thì Nhậm vẫn giữ thái độ độc lập, vẫn tiếp tục lánh đời và từ chối mọi lời mời gọi.

Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai và trong một thời gian rất ngắn, vị anh hùng này đã bộc lộ tài năng và khí phách trong việc phù Lê diệt Trịnh, rất xứng đáng là người ông vẫn mong mỏi và chờ đợi. Ông quyết tâm tìm đến với Nguyễn Huệ và tin tưởng rằng việc làm của mình là đúng. Khác hẳn với các sĩ phu đương thời, ông dứt bỏ những ràng buộc về giai cấp và nhận thức, đi thẳng với phong trào Tây Sơn và trung thành tuyệt đối với người anh hùng áo vải.

Cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung và Ngô Thì Nhậm là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa người trí thức lỗi lạc với người anh hùng kiệt xuất. Có thể nói Ngô Thì Nhậm là người duy nhất đã hiểu rõ Quang Trung và Quang Trung cũng là người duy nhất hiểu hết được cái tài năng và phẩm chất của Ngô Thì Nhậm. Quang Trung tuyên bố “Ngô Thì Nhậm vừa là bầy tôi, vừa là khách”, coi ông như là người đáng tin cậy nhất là giao ngay những công việc rất quan trọng. Ngay từ buổi đầu, Quang Trung đã phong Ngô Thì Nhậm là Tả thị lang Bộ Lại, nghĩa là phụ trách toàn bộ công việc tổ chức và cán bộ trong nội bộ của mình. Ngay buổi đầu đó, Ngô Thì Nhậm đã lập tức gọi em rể là Phan Huy Ích viết thư cho bạn là Trần Bá Lãm, giới thiệu một loạt trí thức có tài, có đức về với Quang Trung.

Cuộc rút quân về Tam Điệp là một sách lược kiệt xuất nói lên trình độ mưu trí và cực kỳ sáng tạo của Ngô Thì Nhậm. Lúc đó các tướng võ như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân chỉ có biết đánh, còn Nguyễn Văn Dụng thì chỉ muốn lặp lại kinh nghiệm của Lê Lợi ngày xưa là mai phục. Ngô Thì Nhậm đã bác bỏ các ý kiến đó, so sánh lực lượng của hai bên, vạch ra sự у khác nhau cơ bản của hoàn cảnh lúc bấy giờ và hoàn cảnh của thời Lê Lợi khi xưa, nêu lên ý nghĩa của việc “toàn quân rút lui không bị mất một mũi tên, cho nó ngủ trọ một đêm rồi đuổi đi” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sách lược rút lui này hoàn toàn phù hợp với ý của Quang Trung và đã tạo điều kiện hết sức quan trọng để Quang Trung đánh bại quân Thanh.

Sau khi đất nước được giải phóng, Quang Trung rút về Phú Xuân, để Ngô Thì Nhậm ở ngoài Bắc và giao cho toàn quyền đảm đương công việc ngoại giao với nhà Thanh. Ngô Thì Nhậm lại phát huy óc sáng tạo của mình. Trong việc tiếp xúc với vua quan nhà Thanh cũng như trong việc giao dịch bằng thư từ, Ngô Thì Nhậm vừa cương quyết, vừa linh hoạt, vừa nêu cao chủ quyền dân tộc, vừa giữ tình hoà hiếu giữa hai nước. Với tài ngoại giao, Ngô Thì Nhậm đã góp phần ngăn chặn được cuộc tấn công trả thù của nhà Thanh, miễn được lễ cống người vàng, đòi nốt những tỉnh ở vùng Tây Bắc, yêu cầu phong vương cho Quang Trung, củng cố lòng quý trọng của vua nhà Thanh đối với Quang Trung. Ngô Thì Nhậm đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của Quang Trung giao phó đúng với tinh thần:

Chiến hoà do ta định đoạt,

Thân thiện để người cùng vui.

Ngô Thì Nhậm chỉ cộng tác với Quang Trung có năm năm. Vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã từ trần quá sớm. Đó là sự tổn thất không gì bù đắp được của nhân dân ta thời kỳ bấy giờ. Đó cũng là nỗi đau xót nhất của Ngô Thì Nhậm.

Vua mới còn ít tuổi, công việc quốc gia bị Bùi Đắc Tuyên, cậu ruột của vua nắm hết. Triều đình Tây Sơn ngày càng một suy vong. Ngô Thì Nhậm mặc dầu tuổi già, sức yếu vẫn cố gắng phục vụ triều Tây Sơn, vừa thương nhớ Quang Trung, vừa lo lắng cho vận mệnh đất nước. Không có cách gì để thuyết phục vua Quang Toản nghe theo mình, ông đã rất đau buồn, suy nghĩ.

Thời kỳ này, Ngô Thì Nhậm đã viết cuốn sách lý luận về Phật giáo nhan đề Trúc Lâm tôn chi nguyên thanh. Trong tập này, Ngô Thì Nhậm đã phát huy cao hơn nữa tư tưởng của cha mình. Ngô Thì Sĩ, cha ông ngày xưa cũng đã từng muốn thống nhất cả Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo vào một nguồn gốc (tam giáo nhất nguyên). Hoà hợp đạo Phật và đạo Nho, Ngô Thì Nhậm đã trình bày những kiến thức rất uyên bác với những lý lẽ rất chặt chẽ của mình.

Điều đáng quý ở Ngô Thì Nhậm là trong giai đoạn suy vong của triều Tây Sơn, ông vẫn giữ nguyên vẹn một tấm lòng thuỷ chung son sắt, luôn luôn tìm mọi cách củng cố triều đại, phục vụ tổ quốc và nhân dân.

Trong tình hình phức tạp và suy thoái này của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sau khi chiếm lại miền Nam, đã kéo quân ra Bắc, tiêu diệt triều đại Tây Sơn và chấm dứt cuộc đời của Ngô Thì Nhậm bằng một trận đòn thù ở sân Văn Miếu.

Trong suốt cuộc đời mình Ngô Thì Nhậm đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự thay đổi từ Nam chí Bắc. Hàng chục vua, chúa được dựng lên rồi bị đánh đổ. Cuộc đấu tranh giành giật quyền vị, đất đai diễn ra liên tiếp trong hàng ngũ phong kiến. Phong trào nông dân mà đỉnh cao nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã tràn ngập khắp nơi như vũ bão. Sự vùng dậy của dân tộc đã đánh tan 29 vạn quân xâm lược. Tất cả những sự kiện to lớn ấy đã thu gọn trong cuộc đời 57 năm của Ngô Thì Nhậm.

Thời thế luôn thay đổi nhưng bản chất con người trí thức chân chính ấy không thể thay đổi. Dù ở với Lê, Trịnh hay với Tây Sơn, dù trong lúc giữa người trọng trách lớn của lịch sử hay lúc sa cơ trước mặt quân thù, Ngô Thì Nhậm đã giữ nguyên vẹn những phẩm chất cao quý của mình. Đó là lòng yêu nước, yêu dân, là đầu óc suy nghĩ sáng tạo, là sự đấu tranh đến cùng cho chính nghĩa. Cho nên thời thế dù Xuân thu hay Chiến quốc, dù hưng thịnh hay suy vong, trong thành công hay thất bại, Ngô Thì Nhậm đã sống như thế và chỉ có thể sống./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lê Văn Hưu – nhà sử học khơi nguồn Quốc sử
    Lê Văn Hưu (1230 - 1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, trên Nghiên cứu Lịch sử, hai tác giả Nguyễn Kha và Trần Huy Bá cho công bố bài: Phát hiện những tài liệu liên quan đến sử gia Lê Văn Hưu (số 62, tháng 5-1964). Qua đó, cho chúng ta biết đã phát hiện được gia phả và mộ của Lê Văn Hưu.
(0) Bình luận
  • Công nhận Mộc bản ở chùa Dâu (Bắc Ninh) là Bảo vật Quốc gia
    Bộ mộc bản chùa Dâu gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
  • Gìn giữ nét Việt cùng giấy Dó giữa lòng Hà Nội
    Vùng Bưởi xưa nổi danh Hà thành với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến nghề làm giấy dó làng Yên Thái. Nghề làm giấy dó xưa đã đi vào ca dao người Việt, niềm tự hào nét tinh hoa văn hóa của người Kẻ Bưởi: Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
  • Lễ hội làng Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Lễ hội truyền thống làng Keo thuộc thôn Giao Tất, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, quân Chiêm Thành xâm lược.
  • Phát huy giá trị di sản văn hóa Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ
    Ngôi đền Đồng Cổ nằm trong không gian di sản bên bờ Hồ Tây, Hà Nội độc đáo vì gìn giữ được Hội thề trung hiếu từ thời nhà Lý đến nay. Đây là di sản không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có mang ý nghĩa giáo dục bồi đắp lòng kiên trung, hiếu học theo khát vọng của người xưa.
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival Huế 2024
    Diễn ra từ 7 - 12/6/2024, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” là điểm nhấn Festival Huế 2024.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập thứ 3 trong bộ tiểu thuyết về Bác Hồ
    Cuốn sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội” - tập thứ 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vừa ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Bộ Y tế lần đầu cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết
    Ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn về việc Cục này cấp phép cho 40 vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó có vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
  • Nestlé tăng cường áp dụng nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí nhà kính
    NESCAFÉ – nhãn hiệu cà phê lớn nhất của Tập đoàn Nestlé và là một trong những nhãn hiệu cà phê được yêu thích trên thế giới, vừa công bố Báo cáo tiến độ Chương trình NESCAFÉ Plan năm 2030 lần thứ hai. Báo cáo cho thấy việc tăng cường áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp cải thiện năng suất và giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Đừng bỏ lỡ
Ngô Thì Nhậm – nhà ngoại giao, nhà thơ xuất sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO