Văn hóa – Di sản

Ngô Thì Điển – người khởi soạn Ngô gia văn phái

Tạ Ngọc Liễn 21/11/2023 10:06

Tác phẩm đồ sộ Ngô gia văn phái được rất nhiều người biết, song lại ít ai nói đến soạn giả bộ tùng như nổi tiếng này là Ngô Thì Điển, con trai cả danh sĩ Ngô Thì Nhậm ở làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

ngo-gia-ngo-thi-dien.jpg

Ngô Thì Điển hiệu là Tĩnh Trai, tự là Kính Phủ, chưa rõ năm sinh, năm mất. Theo Ngô gia thế phả, Ngô Thì Điển là giám sinh Quốc Tử Giám.

Ngô Thì Điển là người có kiến thức sâu rộng, giỏi về học thuật, văn chương. Cả cuộc đời Ngô Thì Điển là dành cho văn chương, chữ nghĩa với niềm vui thích như ông từng nói:

Ngoài văn chương ra, ta không tranh giành gì cả,

Lòng thư thái, tự lấy làm vui.

Ngô Thì Điển trưởng thành dưới thời Tây Sơn Nguyễn Quang Toản. Vào thời gian thân phụ ông là Ngô Thì Nhậm được cử làm Binh Bộ Thượng thư (1790), rồi kiêm Tổng tài Quốc sử quán (1792), Ngô Thì Điển đã phụ giúp Ngô Thì Nhậm được nhiều việc về hiệu chỉnh sách vở, trong đó có việc san định, khắc in bộ Đại Việt sử ký tiền biên nổi tiếng của Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ (thân sinh Ngô Thì Nhậm), hoàn thành vào năm 1800.

Nhưng công lao lớn nhất của Ngô Thì Điển đối với học thuật nước nhà là việc ông đã bỏ ra nhiều công sức tập hợp, biên chép, phân chia thành loại mục gần như toàn bộ tác phẩm thơ, văn (bao gồm cả sử học, triết học...) của các tác giả trong văn phái họ Ngô Thì kế tiếp nhau trước thuật trong khoảng 100 năm, thành bộ sách lớn Ngô gia văn phái.

Thời gian Ngô Thì Điển khởi soạn Ngô gia văn phái vào thập niên đầu thế kỷ XIX, tức là vào thời kỳ trị vì của vua Gia Long (1802-1819). Thời kỳ này cũng chính là thời kỳ Ngô Thì Điển sáng tác thơ văn với nhiều nỗi niềm tâm trạng nhất. Bởi vì thân phụ ông, Ngô Thì Nhậm, nhân vật trụ cột của triều Tây Sơn đã bị Gia Long sai đem ra Văn Miếu đánh đòn chết năm 1803. Ngô Thì Điển không thể không buồn, không thể không mang đầy tâm trạng khi ông ở trong hoàn cảnh gia đình gặp thảm họa như thế.

Trong bài Tây Phương sơn tự (Chùa núi Tây Phương), Ngô Thì Điển viết:

Khinh khinh sách mã phỏng Tây Phương,

Đốn giác lâm tuyền thú vị trường.

Hồng thủy ngâm tàn sơn thụ lão,

Thanh viên hưởng đoạn cốc phong lương.

Tham thiền đa thiểu trần tâm tĩnh,

Kiến cảnh bồi hồi khách tứ mang.

Hồi thủ mỹ nhân hà xứ thị,

Mãn thiên yên vụ hựu tà dương.

(Thong dong giục ngựa thăm chùa Tây Phương,

Chợt hiểu ra cảnh suối rừng có cái gì thú vị mãi không chán.

Tiếng chim trả kêu xong làm cho cây núi già đi,

Tiếng vượn xanh vang xa vừa dứt khiến gió hang lạnh lẽo hơn.

Đến chùa, lòng trần ít nhiều trong sạch lên,

Ngắm cảnh, khách bồi hồi thi tứ mênh mang.

Quay đầu lại không biết mỹ nhân ở nơi nào,

Đầy trời sương khói với bóng chiều)

Trong câu thứ bảy, Ngô Thì Điển lấy chữ “mỹ nhân” (người đẹp) mà Khuất Nguyên hay dùng để hình dung một lý tưởng đẹp đẽ mà Khuất Nguyên mong muốn song không gặp ở đời. Với Ngô Thì Điển thì “người đẹp” ấy từng có nhưng nay không còn nữa. Tâm trạng Ngô Thì Điển gửi gắm nơi bài thơ Chùa núi Tây Phương là tâm trạng hoài niệm, nhớ tiếc, sâu lắng một nỗi buồn.

Những bài thơ mang nhiều tâm trạng nhất và cũng hay nhất của Ngô Thì Điển đều là những bài ông viết khi tới thăm chùa, trong số đó Long Đội sơn là bài thơ tuyệt bút:

Bình nguyên đột xuất sơn tam trĩ,

Tạo hóa đương sơ khổ dụng tâm.

Vũ trụ dĩ lai trừ giáp tí,

Càn khôn bất lão lữ quang âm.

Lý triều bi kệ tự nan nhận,

Động chủ thi đàn đài dĩ xâm.

Dư tử dục cùng sơn cố sự,

Lão tăng tiếu chi bạch vân thâm.

(Đất bằng phẳng đột ngột mọc ba ngọn núi vót cao,

Tạo hóa buổi đầu hẳn khổ sức dụng tâm.

Vũ trụ từ trước tới giờ là cái kho chứa năm tháng,

Trời đất không già là quán trọ của thời gian.

Bia kệ triều Lý chữ mờ khó đọc,

Thơ của Động Chủ rêu xanh đã phủ.

Khách viếng cảnh muốn hỏi tới cùng chuyện cũ nơi núi non,

Sư già cười chỉ vào đám mây trắng cao)

Bài thơ này Ngô Thì Điển viết lúc đến thăm chùa núi Long Đội ở xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trong bài thơ, tác giả có nhắc tới tấm Bia tháp báu Sùng Thiện Diên Linh, lập thời Lý và thơ của Động chủ Lê Thánh Tông. Chùa núi Long Đội đời Lý rất nổi tiếng, nhất là tòa tháp Sùng Thiện Diên Linh với bài văn bia của Nguyễn Công Bật. Đầu thế kỷ XV, quân xâm lược Minh đã phá hủy tháp Sùng Thiện Diên Linh, còn tấm bia thì quật đổ bên cạnh núi. Năm 1467 (niên hiệu Quang Thuận thứ tám), Lê Thánh Tông đi qua núi Long Đội, ông có lên chơi chùa và làm một bài thơ sai khắc vào mặt sau tấm bia đó, ký là Thiên Nam Động chủ. Người đời sau nhắc tới bài thơ này của Lê Thánh Tông, thường trích dẫn hai câu:

Lý hoàng quái đản bị không tại,

Minh tặc hung tàn, tự dĩ canh.

(Vua Lý thích chuyện hoang đường, bia còn mãi kia,

Giặc Minh tàn bạo làm chùa đổ nát)

Năm Ngô Thì Điển đến chùa Long Đội thì bia thời Lý chữ đã mờ, khó đọc được và bài thơ của vua Lê Thánh Tông đã phủ kín rêu xanh.

Trước bao biến đổi “dâu bể” của cuộc đời mà Ngô Thì Điển từng chiêm nghiệm, nếm trải đã khiến ông ôm tâm trạng buồn chán, muốn chối bỏ tất cả, để chỉ làm những gì như ông ham thích “Tùy ngô sở dục ngô sở hành”. Dưới đây là những câu thơ phản ánh một nét tâm trạng khác, khá thú vị ở con người Ngô Thì Điển, đồng thời đó cũng là tính cách rất “nghệ sĩ” của nhà văn hóa ẩn tích tài hoa trong dòng họ Ngô Thì làng Tả Thanh Oai:

Nhắn gửi anh bạn cũ Trần Đăng Doanh,

Điều quí giá từ xưa chỉ có tài và tình.

Thân thế trăm năm như bèo nổi,

Ví thử không phong nhã thì đã là gã tục tử,

Kẻ vụng học này không chấp cứng ở khuôn sáo,

Thấy kẻ tục, lòng thường coi khinh.

Hứng đến, thơ ngâm bút viết chẳng dừng,

Đưa hết cảnh đẹp sông núi vào trong lời bình phẩm.

Tâm là chủ tướng, thơ là quân lính,

Bút trận chốn tao đàn như vàng sắt xoang xoảng.

Ngoài văn chương ra không tranh giành gì cả,

Tấm lòng thư thái tự lấy làm vui...

(Hoạ nguyên vận bài thơ của bạn cũ Trần Đăng Doanh)

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
    Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Ngô Thì Điển – người khởi soạn Ngô gia văn phái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO