Văn hóa – Di sản

Trần Nhân Tông – vua anh hùng, triết gia, thi sĩ

Tạ Ngọc Liễn 01/11/2023 16:21

Trần Thánh Tông có ba người con: hai trai, một gái. Trần Nhân Tông là con trưởng, sinh năm 1258, đúng năm Thái Tông và Thánh Tông đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất.

Nói đến Trần Nhân Tông, trước hết là nói đến người anh hùng cứu nước. Ngay sau khi Nhân Tông lên ngôi, vua nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung sang sứ Đại Việt. Vua Nhân Tông sai đại thần ra tiếp, Thung không thèm đáp lễ. Vua lại mời dự yến. Thung cũng không thèm đến. Năm Nhâm Ngọ (1282) vua Nguyên lại cho sứ sang dụ vua Đại Việt phải sang chầu, vua không sang mà cho chú là Trần Di Ái sang chầu thay mình. Vua Nguyên liền lập Trần Di Ái làm An Nam quốc vương rồi cho một nghìn quân hộ tống Ái về nước. Được tin, vua Trần Nhân Tông liền cho quân phục đánh. Biết không thể thu phục được vua Trần, vua Nguyên đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai vào năm 1285 và quân Nguyên đã thất bại nặng nề.

tran-nhan-tong.jpg
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bản thạch cao.

Không từ bỏ dã tâm xâm lược, năm 1287 nhà Nguyên lại đem quân xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Lần này chúng cũng không thoát khỏi thảm bại trước tinh thần anh dũng quật khởi của quân dân Đại Việt.

Trong hai lần kháng chiến này, Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu cố kết nhân tâm, lãnh đạo quân dân vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ đưa cuộc chiến đấu cứu nước tới thắng lợi huy hoàng. Qua hai cuộc chiến tranh, lần thứ hai và lần thứ ba, Trần Nhân Tông đã tỏ rõ: ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân dũng cảm ngoài chiến trường. Chính vào lúc đầu của cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân ta đang còn ở thế không cân sức so với lực lượng giặc, Trần Nhân Tông đã viết lên đuôi thuyền hai câu thơ đầy khí phách, đầy niềm tin vào sức mạnh chiến thắng của quân ta:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Hai câu thơ này cùng với bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải:

Đoạt sáo Chương Dương độ,

Cầm Hồ Hàm Tử quan...

đã đi vào lịch sử như một ký ức bất diệt về chiến công bình Nguyên năm 1285 mà trong đó Trần Nhân Tông là vị chủ soái.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai và thứ ba là một chiến công lớn của dân tộc Việt Nam. Tổng kết nguyên nhân thắng lợi nhà Trần đã giành được trong sự nghiệp kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược chính là “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức nên bọn giặc phải chịu bị bắt”. Trần Nhân Tông cho rằng quần chúng lao động (các gia nô, gia đồng) mới là người trung thành với đất nước khi đất nước có ngoại xâm. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua (Nhân Tông) ngự chơi bên ngoài, giữa đường gặp gia đồng của các vương hầu, tất gọi rõ tên mà hỏi “chủ mày đâu?” và dặn dò các vệ sĩ không được thét đuổi. Khi về cung, vua bảo các quan hầu cận rằng: “Ngày thường có thị vệ hai bên, lúc nhà nước hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy đi theo thôi”.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng. Ông là một triết gia lớn, đứng đầu một triết phái, đó là phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Với phái Thiền Trúc Lâm đời Trần mà đệ nhất tổ là Trần Nhân Tông, Phật giáo Việt Nam đã phát triển rực rỡ và thể hiện được đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, để lại một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà.

Trong cuộc đời mình, Trần Nhân Tông làm vua 14 năm, nhường ngôi 5 năm và đi tu 8 năm. Theo Thiền sử, Trần Nhân Tông sớm tâm đắc với đạo Thiền, ngay thời gian làm vua, ông đã chú ý nghiên cứu triết học Thiền tông, nắm được chỗ tinh yếu nhất của đạo Thiền.

Xét trên bình diện triết học, Trần Nhân Tông cũng như các nhà Thiền học khác của phái Trúc Lâm Yên Tử đã suy nghĩ và kiến giải hầu hết các vấn đề triết học mà Phật giáo đặt ra, như vấn đề “tấm”, “phật”, “vô”, “hữu”, vấn đề “sống”, “chết”...

Nét đặc trưng nổi bật của tư tưởng triết học Trần Nhân Tông là tinh thần thực tiễn, chiến đấu, táo bạo. Sách Tam tổ thực lục viết: Một học trò hỏi Điều Ngự Nhân Tông: “Như thế nào là Phật”, Nhân Tông đáp: “Như cám ở dưới cối”... Hoặc, một lần học trò hỏi Nhân Tông: “Lúc giết người không để mắt thì như thế nào?”. Đáp: “Khắp toàn thân là can đảm”... Lại hỏi: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?”. Đáp: “Miệng giống như chậu máu nhổ vào mặt Phật, răng như cây kiếm đâm vào rừng Thiền. Một sớm chết vào ngục A Tỳ, cười ngất Nam mô quan thế âm”...

Trần Nhân Tông (cũng như các vua Trần khác) có một đặc điểm là sau ít năm làm vua thì “thoái vị” nhường ngôi rồi vào núi vắng tu hành. Hành vi ấy dễ khiến người đời nghĩ rằng vua Trần là người thích nhàn thân, lánh đời, tiêu cực. Thực ra xét toàn bộ hành trang Trần Nhân Tông, thì thấy cuộc đời ông là cuộc đời luôn luôn hành động chiến đấu.

Trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm có chỗ luận giải rất xác đáng mục đích việc Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử dụng am tu ở đó: “Mọi người thấy đức Điều Ngự (tức Nhân Tông) là tổ thứ nhất khi ra ở chùa Yên Hoa thì cho ngay là ngài xuất gia. Nhưng có biết đâu, đương lúc bấy giờ, Đức tổ biết lấy thiên hạ làm chung, gặp lúc nước nhà yên ổn song nước láng giềng ở ngay bên cạnh rất mạnh nên chưa được yên tâm, mà việc đó không thể nói ra sợ lòng người dao động. Nhận xét thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía Đông có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng. Phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến cho quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới thật là vô lượng lực đại thế chí Bồ Tát”...

Sự quan tâm lo lắng tới công việc quốc gia của Trần Nhân Tông còn được phản ánh rõ qua câu chuyện sau.

Khi đã nhường ngôi cho con là Anh Tông (1275-1320), Nhân Tông lui về nghiền ngẫm kinh điển nhà Phật. Một lần Nhân Tông từ Thiên Trường về kinh sư, gặp lúc Anh Tông uống rượu say, ngủ, đánh thức không tỉnh. Nhân Tông biết, giận lắm, trở về ngay Thiên Trường, xuống chiếu đòi các quan hôm sau phải đến họp ở phủ Thiên Trường để điểm mục. Anh Tông tỉnh rượu nghe nói sợ quá, vội vàng đi thuyền nhẹ xuống Thiên Trường tạ tội. Nhân Tông mắng Anh Tông rằng: “Trẫm còn có con khác cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi dám thế, huống chi sau này?” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Anh hùng cứu nước, triết nhân và thi sĩ, ba phẩm chất ấy kết hợp hài hòa với nhau trong con người Trần Nhân Tông. Về phương diện thi sĩ, ông là người có một tâm hồn trong trẻo, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế, thanh nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên:

Thôn hậu, thôn tiền, đạm tự yên,

Bán vô, bán hữu, tịch dương biên.

Mục đồng địch lý ngưu quy tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền.

(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,

Bóng chiều man mác có dường không.

Theo lời kèn mục trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng)

(Thiên Trường văn vọng - Ngô Tất Tố dịch)

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,

Lộ trích thu đình dạ khí hư.

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

(Bên song đèn rạng sách đầy giường,

Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương.

Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt,

Trên chùm hoa mộc, nguyệt lồng gương)

(Trăng - Bản dịch Hoàng Việt thi tuyển)

Thơ Trần Nhân Tông ngoài vẻ đẹp của một âm điệu hồn hậu còn bao hàm một ý vị Thiền, gợi mở thế giới tinh thần cao khiết, thanh lọc tâm hồn ta. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cây sáo thơ Trần Nhân Tông để lại một tiếng ngân trong đến thẳm sâu.

Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử, Đông Triều. Trong sách Tam tổ hành trạng (hành trạng ba vị Tổ phái Trúc Lâm Yên Tử: Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) có kể lại khá tỷ mỉ về việc Trần Nhân Tông qua đời: “Sang ngày 1 tháng 2 bỗng thấy đêm quang, sao sáng, nhà vua chợt hỏi Bảo Sát:

- Bây giờ là giờ gì?

Bảo Sát thưa:

- Bây giờ là giờ Tỵ

Nhà vua nghe đoạn, giơ tay mở cửa sổ, trông ra mà nói:

- Đây là giờ của ta.

Báo Sát liền hỏi:

- Điều Ngự định đi nơi nào?

Vua đáp:

- Nhất thiết pháp không sinh, nhất thiết pháp không diệt. Nếu biết được như thế, các Phật liền hiển hiện, còn có gì đi và đến?

Nói dứt lời, Ngài liền phủ phục như hình con sư tử và tắt thở ngay tại sơn am. Pháp Loa vâng theo di chúc của Ngài, kính mang ngọc hài hỏa táng, lấy được hơn 1.000 viên xá lị mang về triều. Vua Anh Tông, là con Ngài, đem một phần xá lị táng vào lăng Quy Đức phủ Long Hưng (năm 1310) còn một phần để trấn ở tháp vàng trên núi Yên Tử, và sửa sang lại ngôi chùa ở núi đặt tượng vàng đức Điều Ngự để thờ”...

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”
    Thông tin từ Ban Quản lý Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), cho biết, trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” vừa khai mạc. Trưng bày diễn ra đến hết tháng 9/2024.
  • Bài 1: Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống ma túy
    Điện Biên được xác định là một trong những địa bàn trung chuyển ma túy lớn từ khu vực “Tam giác vàng” ra khu vực biên giới Lào - Việt Nam, sau đó vận chuyển về Điện Biên rồi đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới của tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, BĐBP Điện Biên đã tăng cường lực lượng, bám nắm các địa bàn trọng điểm, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, từng bước làm trong sạch địa bàn. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đi
  • Đoàn làm phim “Hoàng Hậu Cuối Cùng” làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế
    Công ty TNHH Mar6 Studios làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về dự án phim điện ảnh “Hoàng Hậu Cuối Cùng”.
Đừng bỏ lỡ
Trần Nhân Tông – vua anh hùng, triết gia, thi sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO