Văn hóa – Di sản

Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ

Nguyễn Minh Tường 01/11/2023 17:00

Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.

Phan Huy Chú nhận xét về Phạm Ngũ Lão như sau: “Ông là người tài khí hơn đời; tuy ở trong quân đội nhưng thích đọc sách, có chí to tát... Ông trị quân có kỷ luật, đối đãi với tướng sĩ như người nhà, cùng với quân lính chịu cam khổ như nhau. Những quân ông quản lĩnh đều có tình mật thiết như cha con, cho nên đi đến đâu là ở đấy không dám địch... Công nghiệp của ông rực rỡ, thật là tướng giỏi một thời” (Bản dịch, 1960).

pham-ngu-lao.jpg
Tranh vẽ chân dung danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Tương truyền, thuở trẻ Phạm Ngũ Lão mặt mũi rất khôi ngô, tuấn tú, gồm đủ cả văn võ tài lược. Gia đình ông vốn theo nghề làm ruộng, đến đời Phạm Ngũ Lão mới theo Nho học. Ngoài hai mươi tuổi đã khảng khái, có chí lớn. Trong một lần, Trần Quốc Tuấn từ trại Văn An vào kinh đô Thăng Long, có đi qua làng Phù Ủng, biết Phạm Ngũ Lão là người tài chí, Trần Quốc Tuấn nhận ông làm môn khách và tiến cử lên vua Trần Thánh Tông.

Phạm Ngũ Lão là người văn võ song toàn, chỉ huy mưu trí, táo bạo, rèn quân rất nghiêm. Tháng 9 năm 1284, để chuẩn bị đối phó với quân xâm lược Nguyên - Mông, sau khi đại duyệt các cánh quân tại Đông Bộ Đầu (tức Bến Đông - khoảng trên dốc Hàng Than - Thành phố Hà Nội ngày nay), vị Thống soái Trần Quốc Tuấn duyệt lại việc bố trí phòng thủ các nơi và tăng quân cho những điểm xung yếu. Trong cả nước, những chỗ xung yếu về mặt quân sự đều có bố trí quân phòng thủ. Tướng Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông - Bắc, còn tướng Trần Nhật Duật trông nom việc bảo vệ vùng biên giới Tây - Bắc... Năm 1285, khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ hai lúc Phạm Ngũ Lão đương giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ và đương độ sung sức của tuổi ba mươi. Vào đầu năm 1285, khi chủ tướng của giặc là Thoát Hoan tiến quân đến thành Ung Châu (tức Nam Ninh - tỉnh Quảng Tây ngày nay), thì chúng được tin tướng Trần là Phạm Ngũ Lão đóng giữ ở các địa điểm Khả Lan Vi, Đại Trợ. Hai địa điểm trên có lẽ cũng nằm ở vùng biên giới Đông - Bắc nước ta, là vùng đất Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí, bảo vệ.

Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công lớn, như tham gia trực tiếp vào các trận Chương Dương (1285) và ải Nội Bàng (1287)... Nhưng sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão nổi bật hơn dưới thời các vua Trần Anh Tông (1293-1314) và Trần Minh Tông (1314 1329), trong các cuộc chiến đấu đánh thắng quân Ai Lao, Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi phía Nam của Tổ quốc thời bấy giờ.

Ngày nay tại đền Phù Ủng (tên chữ là Phù Ủng vọng từ - Đền thờ vọng Phạm Ngũ Lão, người Phù Ủng) ở số nhà 25 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, còn có đôi câu đối:

- Ngọc diệp, kim chi, Vạn Kiếp truyền tông, văn Bắc khẩu

(Cành vàng, lá ngọc, Binh pháp tỏ tường, lừng đất Bắc)

- Thi tài, tướng lược, Ngũ phù trứ tích, tại Đông A

(Võ giỏi, thơ tài, Năm phù công tích, tại triều Trần)

Câu “xuất đối” có cụm từ “Vạn Kiếp truyền tông”, là muốn nói Phạm Ngũ Lão đã nắm vững những lời chỉ bảo về binh pháp trong bộ Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Còn “câu đối đối” viết “Ngũ phù công tích” là nhắc lại các chiến công của danh tướng họ Phạm, được vua Trần ban “Ngũ phừ” (tức 5 con so ghi công tích).

Theo sử cũ thì 5 chiến công của Phạm Ngũ Lão được ban thưởng “Ngũ phù”, cụ thể như sau.

Tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật không kể xiết. Trong việc đánh dẹp này, Trang Thành Vương (không rõ tên) làm tiên phong, bị quân Ai Lao vây, Phạm Ngũ Lão chợt đem quân ập đến, bèn giải được vây, rồi tung quân đón đánh lại, quân giặc bị thua. Triều đình ban cho ông một chiếc Kim phù (bằng vàng).

Mùa xuân, tháng 2 năm Đinh Dậu (1297), quân đội Ai Lao xâm lấn đến sông Chàng Long, vùng đất vào khoảng thượng lưu sông Mã, thuộc châu Ái (Thanh Hóa). Triều đình sai Phạm Ngũ Lão đem quân đánh, quân giặc bị thua, rút về bên kia biên giới, lấy lại được đất cũ. Do chiến công ấy, vua Trần Anh Tông ban Vân phù (Con so vẽ hình mây) cho Phạm Ngũ Lão. Chính vì công lao đó, vào tháng 10 năm sau, Mậu Tuất (1298), Phạm Ngũ Lão được thăng chức Hữu kim ngô vệ Đại tướng quân. Vào tháng 5 năm Kỷ Hợi (1299), Phạm Ngũ Lão lại được vua Trần Anh Tông tín nhiệm bổ giữ chức Thân vệ tướng quân, kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng. Thân vệ tướng quân là chức thuộc võ quan cao cấp của triều Trần, chịu trách nhiệm bảo vệ cung đình. Ngoài ra, ông còn kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng, là quân đội tuyển từ đất Long Hưng (Thái Bình), đất phát tích của nhà Trần.

Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), quân đội Ai Lao sang cướp bóc tài sản của nhân dân miền Đà Giang, tức vùng đất thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La và một phần Hòa Bình ngày nay. Phạm Ngũ Lão đem quân đánh nhau với giặc ở động Mường Mai (tức huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), bắt được rất nhiều tù binh. Khi ông đem quân về, vua Trần Anh Tông phong làm Thân vệ Đại tướng quân và ban Quy phù (Con so hình rùa).

Năm Nhâm Dần (1302), có viên nghịch thần tên là Biếm nổi lên làm loạn chống lại triều đình. Vua Trần Anh Tông sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, giết được tên Biếm. Nhân đó, triều đình thăng ông lên chức Điện súy và ban cho Hổ phù (Con so hình hổ).

Tháng 8 năm Mậu Ngọ (1318), vua Trần Minh Tông sai Huệ võ Đại vương Trần Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Chiêm Thành từ khi Chế Chí mất đi rồi, thường hay đem quân quấy nhiễu, xâm phạm bờ cõi phía Nam, nhà vua sai tướng đi đánh. Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến đánh nhau với quân Chiêm, bị thua, tử trận. Bấy giờ, Phạm Ngũ Lão đang quản quân Thiên Võ tung quân ra đánh tập hậu; quân Chiêm bị thua. Vua Chiêm là Chế Năng chạy sang nước Qua Oa (tức Trảo Oa, Java ngày nay) cầu viện. Trần Quốc Chẩn xin lập người Tù trưởng nước Chiêm là A Nan làm Hiệu Thành Á Vương, rồi đem quân rút về nước. Khi về triều, vua Trần Minh Tông cho Phạm Ngũ Lão tước Quan Nội hầu, ban cho Phi ngư phù (Con so hình con cá bay) và bổ dụng người con làm quan.

Phạm Ngũ Lão, tuy người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, nhưng từng sống nhiều năm ở kinh thành Thăng Long và ông cũng qua đời tại đây. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 11 năm Canh Thân (1320), Điện súy Thượng tướng quân là Phạm Ngũ Lão chết ở phủ đệ, vua ban cho tại Vườn Cau trong thành (Thăng Long - TG), thọ 66 tuổi (1255-1320). Vua (tức Trần Minh Tông - TG) nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt” (Tập II. Bản dịch, 1971).

Trong hàng tướng lĩnh dưới triều Trần, bên cạnh những danh tướng trong hoàng tộc như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư..., Phạm Ngũ Lão được coi là vị tướng “văn võ toàn tài” bậc nhất, không thuộc dòng tôn thất. Sử gia đời Lê là Ngô Sĩ Liên viết tiếp trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Hưng Đạo Đại vương (Trần Quốc Tuấn), trông thấy Phạm Ngũ Lão, cho là người tài giỏi, đem con gái nuôi gả cho, và dùng làm gia thần. Vì được Vương dạy bảo thêm cho nên tài khí hơn người... Ngũ Lão tuy xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng thích ngâm thơ, về việc võ hình như không để ý đến. Nhưng quân của ông coi đều một lòng thân yêu như cha con, đánh đâu tất được đấy. Ông coi quân có kỷ luật, đối đãi với tướng hậu như người nhà, cùng quân lính chia ngọt sẻ đắng, cho nên đánh đâu không ai địch nổi... là danh tướng giỏi nhất trong một thời” (Tập II. Bản dịch, 1971). Trong lịch sử quân sự Việt Nam, chính Phạm Ngũ Lão là người đề xướng và thực hiện quan điểm “Phụ tử chi binh” (Tướng lĩnh và binh sĩ như cha con) một cách có kết quả, rất đáng ghi nhận.

Phạm Ngũ Lão tuy xuất thân bình dân, nhưng được các vua Trần (Trần Anh Tông, Trần Minh Tông) rất quý trọng, một phần vì sự nghiệp lớn, đạo đức cao của ông, song cũng còn vì con gái ông là thứ phi của Trần Anh Tông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1309), Thứ phi của vua (Trần Anh Tông - TG) là Phạm thị, con gái của Phạm Ngũ Lão, không có con xin xuất gia, vua bằng lòng cho” (Tập II. Bản dịch, 1971). Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết rõ pháp hiệu của bà như sau: “Chùa Bảo Sơn: ở xã Phù Ủng, huyện Đường Hào (tỉnh Hưng Yên - TG). Chùa này do Phạm Ngũ Lão dựng. Phạm Ngũ Lão có người con gái, hiệu là Tĩnh Huệ, tức là Thứ phi của Trần Anh Tông... Tĩnh Huệ sửa sang lại, phía đông chùa dựng nhà làm chỗ thờ tổ tiên. Sau Trần Minh Tông (con vua Anh Tông - TG) đến chơi ban cho biển ngạch, để tỏ lòng hiếu kính” (Tập III. Bản dịch, 1971).

Tác phẩm của Phạm Ngũ Lão còn để lại đến ngày nay gồm có 2 bài thơ: Văn Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại vương và Thuật hoài. Bài trên có lẽ được viết ngay sau ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), tức ngày Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn qua đời, tả về nỗi buồn đau khôn xiết và sự thương nhớ vô hạn của tác giả đối với Trần Quốc Tuấn. Nhưng bài Thuật hoài mới thật sự cho hậu thế thấy rõ bản chất “tài khí hơn người” ở Phạm Ngũ Lão. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã có lý khi nhận xét rằng: “Tôi từng thấy các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài Hịch, Phạm Điện súy [Phạm Ngũ Lão] thì hiện ra ở câu thơ...” (Tập II. Bản dịch, 1971). “Câu thơ” mà sử gia Ngô Sĩ Liên vừa nhắc tới chính là bài Thuật hoài. Nguyên văn như sau:

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Trong cuốn Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim dịch:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,

Ba quân hùng khí át sao Ngưu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Đọc bài Thuật hoài này, chúng ta không chỉ thấy học vấn của Phạm Ngũ Lão, mà còn thấy được “chí lớn cao xa” ở ông. Hai chữ “Hoành sóc” (Cắp giáo) có xuất xứ từ bài Hoành sóc phủ của Ngụy Võ đế Tào Tháo, nhà thơ lớn của nền văn hóa thời Kiến An, nhà Ngụy (220-265). Đây là bài phú rất nổi tiếng của Tào Tháo, xưa kia những người theo nghiệp bút nghiên, không ai là không đọc đến. Dịch Quân Tả, nhà phê bình văn học của Trung Quốc từng nhận xét về bài phú và thi tài của Tào Tháo như sau: “Ông là người có tài cao, hùng khí. Hai bài Tả lâm giang và Hoành sóc phủ này tính chất khảng khái, kích ngang có thể xem thấy được cái phong cách văn học của Tào Tháo... Tác phẩm của Tào công không những bi lương lại rất hùng kính. Đời ông là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Văn chương của ông cũng từ sự chiến đấu đó mà ra” (Văn học sử Trung Quốc. Bản dịch, 1992). Thực ra, tư thế đứng “hoành sóc”, không chỉ là lấy từ bài Hoành sóc phủ của Tào Tháo, mà còn là hình ảnh thật về họ Tào trên dòng sông Xích Bích. La Quán Trung, tác giả bộ Tam quốc diễn nghĩa mô tả cảnh đó như sau: “Hôm ấy là ngày 15 tháng 11 năm Kiến An thứ 12 (207), khí trời tạnh ráo, sóng gió êm lặng, Tào Tháo sai mở tiệc rượu có cả ca nhạc trên thuyền to để hội các tướng... Tháo mừng lắm, sai tả hữu đi rót rượu mời các quan. Uống mãi đến đêm... Tháo đã say quá, cầm một ngọn giáo, đứng trên mũi thuyền, đổ một chén rượu xuống sông, rồi lại uống luôn ba chén đầy nữa, cắp ngang ngọn giáo (Hoành sáo)... đọc bài Đoản ca hành: Đối tửu đương ca; Nhân sinh kỷ hà; Thí như triệu lộ... (Trước rượu ta nên ca hát: Bởi vì kiếp người ví như giọt sương buổi sáng, có sống được bao nhiêu?). Hình ảnh Tào Tháo cắp ngang ngọn giáo, đứng trên đầu thuyền, dưới bầu trời đêm trăng, sao thưa thớt, sông nước sóng vỗ mênh mang, cao hứng đọc thơ... là hình tượng đầy hùng khí được nhiều nhà thơ đời sau nhắc đến. Tô Đông Pha (1037-1101), nhà thơ nổi tiếng đời Bắc Tống trong bài Tiền Xích Bích phú viết: “Nguyệt minh tinh hy; Ô thước nam phi”, thử phi Tào Mạnh Đức chi thi hồ?... Sỉ tửu lâm giang, hoành sáo phú thi, cố nhất thế chi hùng dã” (Câu “Trăng sáng sao thưa, quạ bay về nam” chẳng phải thơ của Tào Mạnh Đức (tức Tào Tháo) đó ru?... Rót chén rượu đứng trên mặt sông; Cầm ngang ngọn giáo, ngâm câu thơ, đó thật là bậc anh hùng một đời vậy!).

Qua đó, chúng ta thấy với câu mở đầu bài Thuật hoài: Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu (Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy mùa thu), Phạm Ngũ Lão đã thổ lộ chí hướng của mình, muốn trở thành người anh hùng cái thế dẹp trừ hoạn nạn cho dân. Nhưng hai câu cuối của bài thơ mới thật sự nói lên hoài bão của chàng trai họ Phạm thuở còn hàn vi:

Nam nhi vị hữu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,

Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu)

Vũ hầu, tức Gia Cát Lượng, người đời Tam Quốc (220-280), vừa là quân sư vừa là danh tướng giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán. Ông có nhiều công lao, được phong tước Vũ Hương hầu, thường gọi tắt là Vũ hầu. Gia Cát Lượng là một nhà chính trị, nhà quân sự tài ba hàng đầu của Trung Quốc. Ông không những có tài năng hơn đời mà còn có đạo đức trong sáng, cao cả. Gia Cát Lượng là một mẫu người lý tưởng “văn võ song toàn”, tài đức phi phàm, được hậu thế vô cùng ngưỡng mộ. Tô Đông Pha, đời Tống cho rằng: Kể từ đời Tam đại (Hạ - Thương - Chu) đến thời bấy giờ, chưa có ai có thể sánh được với Gia Cát Lượng. Lời nhận xét ấy không có gì là quá mức! Người tài như Gia Cát Lượng thì có thể có, nhưng đức độ như ông thì thật hiếm lắm. Ta thấy, khi còn trẻ tuổi, Phạm Ngũ Lão lấy ông làm tấm gương để noi theo là điều cũng dễ hiểu. Phạm Ngũ Lão, trong sự nghiệp gần 40 năm cầm quân, có thể nói đã đạt được phần lớn hoài bão thời tuổi trẻ của mình, là do ông đã chọn được một tấm gương sáng và bước đi trên con đường lớn: Hành thiên hạ chi đại đạo (Đi trên con đường lớn trong thiên hạ) như Mạnh Tử từng căn dặn.

Trong văn học sử nước ta, có khá nhiều bài thơ mang tiêu đề Thuật hoài, Cảm hoài, Thư hoài..., đều là dạng thơ bày tỏ nỗi lòng, hoặc nói lên chí hướng của tác giả. Loại thơ này dưới đời Trần có mấy bài dưới đây khá nổi tiếng: Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Thư hoài của Lê Quát, Cảm hoài của Đặng Dung... Tâm trạng của Lê Quát trong Thư hoài là tâm trạng lo lắng Niên lai thế sự dữ tâm vi (Mấy năm nay việc đời trái với lòng mình), buồn cho vương triều Trần đang đi vào con đường suy vi. Tâm trạng của Đặng Dung qua bài Cảm hoài là nỗi niềm của người anh hùng gặp bước đường cùng Quốc thù vị báo đầu tiên bạch (Nợ nước chưa đền được mà đầu đã bạc mất rồi). Ở bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão thì chúng ta thấy một tâm trạng khác hẳn với hai bài thơ vừa kể trên. Đó là một tâm trạng khao khát lập công báo đền ơn nước, tự tin ở tài năng của mình và tự hào về sức mạnh của quân đội Đại Việt. Đọc bài thơ của Phạm Ngũ Lão bày tỏ nỗi lòng của mình thời trai trẻ, người ta hiểu rằng vì sao sau này ông có thể trở thành bậc danh tướng của một đời.

Theo Phan Kế Bính trong Nam Hải dị nhân, do Phạm Ngũ Lão có những công lao to lớn đối với dân với nước nên sau khi mất, được triều đình phong làm Thượng đẳng phúc thần, người làng Phù Ủng lập miếu thờ ngay ở chỗ nhà cũ của ông. Thêm nữa, vì Phạm Ngũ Lão, nguyên là bộ tướng thân cận của Hưng Đạo vương, cho nên tại các đền thờ Trần Quốc Tuấn, đều có thờ Phạm Ngũ Lão.

Phạm Ngũ Lão tuy xuất thân bình dân, không phải là vương hầu, không có chức quyền tột bậc, nhưng uy danh đức vọng rất lớn, thường được sánh gần với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trong hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông, giặc rất kiêng nể uy danh của hai ông. Khi nói đến hai ông, chúng chỉ gọi bằng chức tước như Trần Hưng Đạo vương, Phạm Điện tiền, hay Phạm Điện súy mà không gọi tên.

Để tạm kết thúc, xin dẫn ra đây một đôi câu đối cổ, hiện treo tại đền Phù Ủng ở Thủ đô Hà Nội nhằm ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của Phạm Ngũ Lão:

Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền hào, dược thạch minh bị, hải hồ vịnh sử

(Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh)

– Mông Thát, Chiêm Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỳ tích, Việt quốc lưu danh

(Nguyên - Mông, Chiêm - Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh)

Với một hành trạng và sự nghiệp lớn lao vừa kể trên, tôi cho rằng tại cõi vĩnh hằng xa xôi kia, danh tướng Phạm Ngũ Lão của chúng ta, chắc chắn không còn phải tu (xấu hổ), khi “thính nhân gian thuyết Vũ hầu” nữa./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thủ đô Hà Nội luôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng
    Sáng 10/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Quốc hội - Chủ tịch nước - Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
  • Viết tiếp những trang sử vẻ vang của Thủ đô văn hiến, anh hùng
    Năm 2024 đánh dấu mốc son 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Nhìn lại quãng thời gian 2/3 thế kỷ kể từ sau ngày giải phóng, có thể thấy những bước chuyển mình của Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực. Những thành quả đã đạt được góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của Thành phố anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến.
  • [Video] Thủ đô Hà Nội rực sắc cờ hoa trong ngày thu lịch sử
    Trong những ngày mùa thu lịch sử kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, từng ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội như khoác lên mình tấm áo mới với sắc cờ hoa khắp phố phường. Đặt chân đến nơi đâu ở Hà Nội thời điểm này cũng thấy cờ Đảng, cờ Tổ quốc, hồng kỳ phấp phới bay trong gió, trên các tuyến đường những biểu ngữ, băng rôn lan tỏa hình ảnh Thủ đô Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo… thêm một lần nữa khẳng định ý nghĩa lịch sử đặc biệt của ngày giải phóng Thủ đô đối với Hà Nội cùng như người dân cả nước.
  • Sống mãi với ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô
    Đã 70 năm trôi qua, những thanh niên xung phong, chiến sĩ tiếp quản Thủ đô ngày ấy giờ đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã nhuốm màu thời gian bạc trắng nhưng những ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ. Và những ký ức đẹp đẽ, hào hùng ấy sẽ là ngọn lửa cháy mãi tiếp nối cho niềm tự hào, tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước cho những thế hệ mai sau.
  • Sôi nổi ngày hội văn hoá thể thao trường mầm non Xuân Tảo
    Nhằm giúp trẻ có cơ hội thể hiện các tố chất: Nhanh - mạnh - bền - khéo léo, giúp trẻ phát triển toàn diện, sáng 10/10, trường Mầm non Xuân Tảo đã tổ chức thành công “Ngày hội thể dục thể thao” đầy vui nhộn.
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Đặc trưng trong tính cách và lối sống của người Hà Nội
    Thăng Long - Hà Nội ngàn đời lắng hồn sông núi, hội tụ, kết tinh lớp lớp bề dày văn hóa, làm nên những giá trị riêng có: khí phách, trí tuệ, tâm hồn và đặc biệt là phẩm cách được định danh người Tràng An. Qua thời gian người Hà Nội xưa và nay đã thay đổi khá nhiều, từ quan niệm, tính cách cho đến lối sống. Tuy nhiên, dù vạn vật biến thiên thì cái “chất” của người Hà Thành vẫn ẩn khuất đâu đó và được lưu giữ cùng thời gian.
  • Thưởng lãm những bức ảnh dung dị, mộc mạc của “Hà Nội một thời để nhớ”
    86 bức ảnh đen trắng ghi lại những khoảnh khắc dung dị, đời thường của Thủ đô Hà Nội từ những năm 1992 cho đến năm 2012 vừa được giới thiệu trong triển lãm ảnh “Hà Nội một thời để nhớ” diễn ra tại Biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
  • Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Từ chiếc nôi văn hóa quê hương đến duyên nợ với Hà Nội
    Khát khao được thử sức và chinh phục âm nhạc đã thôi thúc chàng trai Đoàn Bổng từ bỏ công việc kế toán ở công trường thủy lợi Ngoại Độ (cuối huyện Ứng Hòa), về Hà Nội để thi vào khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam. Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, những thành quả mà nhạc sĩ Đoàn Bổng gặt hái được đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn này.
  • Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Thủ đô 70 năm - Bản hùng ca”
    Tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức sáng 10/10, chương trình nghệ thuật chủ đề “Thủ đô 70 năm - Bản hùng ca” đã để lại ấn tượng sâu sắc với các đại biểu.
  • Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: “Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn mới và tư duy đột phá”
    Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh: “Nhìn lại 70 năm phấn đấu hy sinh, xây dựng và phát triển, Hà Nội và Nhân dân cả nước càng có quyền tự hào về Hà Nội yêu dấu của chúng ta, Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
  • Tái bản nhiều ấn phẩm đặc sắc về Hà Nội
    Nhân dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), NXB Kim Đồng tái bản nhiều ấn phẩm đặc sắc về Hà Nội. Những cuốn sách cho thấy bề dày lịch sử, bề sâu văn hóa, truyền thống hào hoa, thanh lịch nhưng cũng rất dũng cảm kiên cường của Người Hà Nội. Và không chỉ gợi nhớ những ký ức đẹp đẽ về Hà Nội xưa, những cuốn sách mang âm hưởng của Hà Nội ngày hôm nay cho độc giả thêm tự hào về Thủ đô mến yêu.
  • Giới thiệu 150 bức ảnh quý về “Hà Nội ngày tiếp quản”
    150 bức ảnh quý về ngày đoàn quân tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954) vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm ảnh “Hà Nội ngày tiếp quản” tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
  • [Video] Vẹn nguyên ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô
    Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son lịch sử đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội cũng như cả nước. Ngày ấy, Đại đoàn 308 dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Từ sáng sớm đường phố Hà Nội đã rợp cờ hoa, người dân đổ ra khắp mọi nẻo đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
  • Triển lãm Sách chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Ngày 9/10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (số 44 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10//2024).
  • Phát hành bộ tem chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
    Bộ tem chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) sẽ được Bộ TT&TT phát hành đặc biệt đúng vào ngày 10/10/2024.
Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO