Văn hóa – Di sản

Trần Anh Tông – hoàng đế, thi nhân một thời thịnh trị

Nguyễn Hữu Sơn 01/11/2023 16:40

Trần Anh Tông (1276 - 1320), tên thật là Trần Thuyên, con trưởng vua Trần Nhân Tông và là vị vua thứ tư triều đại Trần. Ông lên ngôi năm 1293, khi đất nước đã trải qua ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông và bước vào thời kỳ củng cố, ổn định, phát triển. Trong 21 năm ở ngôi vua, ông biết tự tu dưỡng, lo sửa sang chính sự, coi trọng người hiền tài, mở mang việc học, quan tâm đời sống chúng dân, đối xử mềm dẻo với nhà Nguyên, giữ vững nền độc lập tự chủ, khiến cho văn hiến đất nước Đại Việt ngày một thịnh đạt. Ông chịu nhiều ảnh hưởng đạo Phật, gắn bó với giới tăng lữ, ham đọc kinh sách nhà Phật và tiếp tục cho xây dựng nhà chùa.

tran-anh-tong.jpeg
Ảnh phác họa vua Trần Anh Tông.

Dưới triều Trần Anh Tông, nhiều nhân vật trẻ tuổi nổi tiếng như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu... đều được trọng dùng, giúp cho đất nước ngày một hưng thịnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Vua đối với người tôn thất như Bảo Hưng thân yêu hết mực nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Còn như Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh chóng”... Năm Giáp Dần (1314), Trần Anh Tông nhường ngôi cho thái tử Mạnh, lui về làm Thượng hoàng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư tóm tắt việc làm và nhân cách Trần Anh Tông:

“Thượng hoàng tính trời khiêm tốn, hòa nhã, hòa mục với người trong họ, mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán. Khi thư rỗi trong muôn việc bận, Thượng hoàng để tâm tới việc trước thuật. Nhưng viết được gì, vẽ được gì, ngài đều đốt cả. Tập thơ ngự chế tên là Thủy vẫn tùy bút, trước khi mất, cũng đốt đi.

Hồi còn trẻ, thích uống rượu, Nhân Tông răn bảo chuyện đó, từ đấy không bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trọng triều. Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế”, từ đó lại càng thận trọng khi ban chức tước. Ngài không ngại sửa lỗi như vậy đó.

Quan nô là Hoàng Hộc và Thiên Kiện dùng mưa kế xảo trá, đánh lừa hình quan, người trong hương rốt cuộc phải chịu tội vu cáo. Thượng hoàng biết chuyện, bảo hình quan rằng: “Tên Hộc gian ngoan xảo quyệt đến thế mà ngục quan không biết suy xét tình lý. Tình ngay lý gian thì không được lấy lý bỏ tình. Phải suy xét cả tình và lý, tình lý không xung đột thì mới là giỏi xử án. Nếu biết tình không gian thì theo lý mà làm thì phải. Nếu tình quả là gian rồi thì lại phải suy xét xem lý ngay hay cong. Như vậy, điều gian dối sẽ tự khắc hiện ra, càng không nên tách rời tình lý làm hai mà xét”. Ngài sáng suốt, thận trọng về hình phạt lại như thế đấy.

Huy Tư được phong hoàng phi, khi theo hầu chưa được ngồi kiệu. Bảo Từ lấy kiệu mình vẫn đi ban cho bà thì ngài trách: “Bảo Từ có thương yêu Huy Tư thì cho thứ khác là phải, chứ cái kiệu ngồi thì còn điển chế cũ, không thể cho được!”.

Nguyễn Sĩ Cố, Chu Bộ là cận thần của thái tử. Đến khi thái tử lên ngôi, Cố và Bộ đều vì không có đức hạnh nên đều không được cất nhắc. Cố làm đến Thiên chương các Học sĩ, chức này thực đặt làm vì chứ không có quyền hành gì. Bộ thì chỉ coi mấy bộ cấm binh thôi. Khi thượng hoàng thân đi đánh Chiêm Thành, Bộ chết trận, Cố thì chết trên đường đi. Hai người này phục vụ thượng hoàng khó nhọc lâu ngày, nhưng vì tài không thể dùng được, nên đặt họ vào chức nhàn tản và đều cho bổng lộc, tước trật ưu hậu cả mà không trao cho thực quyền.

Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng là cận thần của Nhân Tông. Khoảng năm Hưng Long (1293-1314) khuyết chức Hành khiển. Có lần thượng hoàng chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông bảo: “Quốc Phụ được đấy!”. Thượng hoàng thưa: “Nếu lấy ngôi thứ mà bàn thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”. Nhân Tông im lặng rồi không dùng. Quốc Phụ cuối cùng vẫn giữ chức cũ cho đến khi chết. Ngài thận trọng đối với những chức vị quan trọng lại như thế đấy”...

Tác phẩm của Trần Anh Tông có tập Thủy vân tùy bút (Tùy bút nước mây) và bài Thạch dược châm (Bài châm về những lời can ngăn trung trực) nhưng chính ông đã sai đốt trước khi qua đời. Hiện chỉ còn 14 bài thơ chép trong các sách An Nam chí lược, Thánh đăng ngữ lục (Thế kỷ XIV), Trần triều thế phả hành trạng (Thế kỷ XIV - XV), Việt âm thi tập (1459), Đại Việt sử ký toàn thư (1479), Toàn Việt thi lục (1768)...

Căn cứ số lượng 13 bài còn lại có thể thấy mối quan tâm nổi bật của Trần Anh Tông là đề tài vịnh Bắc sử, chiếm tới 6 bài. Cả 6 bài thơ đều đề vịnh về các hoàng đế nổi tiếng Trung Hoa. Khác với nhiều thi nhân, Trần Anh Tông vừa có khen vừa có chê, đặc biệt chú ý nhấn mạnh những mặt khuất lấp trong nhân cách, tư tưởng và hành động của từng vị hoàng đế. Ngoại trừ sự biện minh cho Hán Cao Tổ (256? - 195 tr. CN) trong việc hại công thần, còn lại ông lên tiếng phê phán các vua Hán Văn Đế (202 - 107 tr. CN) phung phí tiền của cho kẻ lộng hành, chê Hán Quang Vũ (6 tr. CN - 57) làm chủ nhà Đông Hán mà không sử dụng được bậc hiền tài Nghiêm Quang, Đường Túc Tông (711 - 762) bị vợ và bề tôi khống chế nhưng rồi lại cướp ngôi cha, Tống Độ Tông (1242 - 1274) quá tin kẻ chuyên quyền... Ông phản biện, nhìn ra những mặt trái trong nhân cách các hoàng đế và cũng là một cách tự ý thức, tự cảnh tỉnh chính mình.

Trên tư cách hoàng đế, nhân việc Trần Thì Kiến được thăng chức Nhập nội hành khiển Hữu gián nghị đại phu (1298), Trần Anh Tông ban cho cái hốt kèm theo bài minh có bốn câu thơ để khuyến khích và khẳng định nhân cách kẻ bề tôi:

Thái Sơn trinh cao,

Tượng hốt trinh liệt.

Linh trãi tiến giác,

Vi hốt nan chiết.

(Thái Sơn rất cao,

Hốt ngà rất cứng.

Trãi thiêng dâng sừng,

Làm hốt khó gãy)

Trần Anh Tông còn làm thơ ngợi ca chiến thắng nhân việc đi đánh Chiêm Thành trở về vào khoảng giữa năm Nhâm Tý (1312), đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Trong tâm trạng của người vừa hoàn thành công việc hệ trọng, ông nhấn mạnh niềm hứng khởi, thanh thản hòa cùng thế giới thiên nhiên và cuộc đời bình dị:

Cẩm lãm qui lai hệ lão dung,

Hiểu sương hoa trọng thấp vân bồng.

Sơn gia vũ cước thanh tùng nguyệt,

Ngư quốc triều đầu hồng liểu phong.

Vạn đội tinh kỳ quang hải tạng,

Ngũ canh tiêu cổ lạc thiên củng.

Thuyền song nhất chẩm giang hồ noãn,

Bất phục du chàng nhập mộng trung.

Dịch nghĩa:

Thuyền kéo bằng dây gấm trở về buộc dưới gốc đa già,

Sương sớm nặng hạt làm ướt đẫm mui thuyền.

Xóm núi dưới chân mưa, vầng trăng trên ngọn thông xanh,

Làng chài ở đầu ngọn thủy triều, gió lướt bãi răm đỏ.

Muôn đội cờ xí sáng rực mặt biển,

Năm canh tiếng kèn trống rơi từ trên cung trời xuống.

Gối đầu bên cửa sổ thuyền, lòng giang hồ ấm lại,

Bóng màn trướng không còn đi vào giấc mơ nữa.

Phạm Tú Châu dịch thơ:

Thuyền gấm đường về buộc gốc đa,

Sương mai nặng hạt ướt mui là.

Đầu thông xóm núi trăng vừa ló,

Răm đỏ làng chài gió đã qua.

Muôn đội cờ bay vùng biển rạng,

Năm canh kèn trống điện trời sa.

Bên song chợt ấm lòng sông biển,

Màn trưởng thôi vương giấc mộng hoa.

Trong quan hệ bang giao, Trần Anh Tông để lại bài thơ đề cao sự hòa hiếu với phương Bắc nhân việc tiễn sứ nhà Nguyên năm Mậu Thân (1308). Trong hai câu kết, ông nhấn mạnh vai trò sứ giả, trước sau cốt đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết:

Thái bình hữu tượng bằng quân ngữ,

Hỷ dật tân tân nhập sắc mi.

(Có cảnh thái bình nhờ ông nói giúp,

Niềm vui mừng của tôi tràn ngập sắc mặt nét mày)

Trên tư cách một thi nhân - thiền sư, Trần Anh Tông làm thơ đề vịnh vẻ đẹp chùa Đông Sơn (nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và am Vân Tiêu (nay ở núi Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), nơi thờ cả Phật và đạo thần tiên. Đến am Vân Tiêu, ông hòa nhập trong cảnh giới thiên nhiên Phật, đắm mình trong vẻ đẹp vĩnh hằng của gió và trăng:

Đình đình bảo cái cao ma vân,

Kim tiêu cung khuyết vô phàm trần.

Tuyệt phong cánh hữu học phật giả,

Thanh phong minh nguyệt tương vi lần.

Thanh phong táp địa vô hưu yết,

Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết.

Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân, Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt.

Dịch nghĩa:

Chiếc lọng báu sừng sững cao chạm từng mây,

Là cung khuyết Kim tiên không gợn chút bụi trần.

Trên đỉnh tột vời lại có người học đạo Phật,

Cùng kết bạn xóm giềng với gió mát trăng trong.

Gió mát thổi quanh mặt đất không lúc nào ngừng,

Trăng trong lơ lửng trên không sáng như băng tuyết.

Gió ấy, trăng ấy với người ấy, Họp thành ba thứ kỳ tuyệt trong thiên hạ.

Ngoài ra, Trần Anh Tông còn làm thơ gửi tặng sư Pháp Loa (1284-1330), vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, trong đó bộc lộ sự thấm nhuần lẽ sắc không và khả năng đạt tới trạng thái tinh thần thanh tịnh, thuận theo đời sống tự nhiên. Bài thơ được chép trong sách Thánh đăng ngữ lục:

Huyễn khu tuy kiên bất túc ưu,

Khách vân tụ tán, thủy phù bào.

Ức lai Phật pháp nguy như lũ,

Độc đối hàn đăng lệ ám lưu.

Dịch nghĩa:

Tấm thân hư ảo dẫu vững chắc cũng chẳng đáng lo,

Như mây trôi khi hợp khi tan, như bọt nước nổi.

Nghĩ thấy đạo Phật mỏng manh như sợi tơ,

Một mình trước ngọn đèn lạnh, nước mắt thầm rơi.

Trần Lê Văn dịch thơ:

Đừng lo bền mãi thân hư ảo,

Mây hợp rồi tan, bọt nước trôi.

Phép Phật huyền vi bừng nhớ lại,

Đèn xanh một bóng lệ thầm rơi.

Với những điều được ghi trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và sáng tác thơ văn còn lại, có thể thấy Trần Anh Tông là ông vua sáng suốt, một người nối nghiệp có bản lĩnh, ham học hỏi và biết rút ra những bài học trong việc trị nước an dân. Trên tư cách hoàng đế, ông có nhiều bài thơ vịnh sử phương Bắc, qua đó liên hệ, đúc rút kinh nghiệm cho chính mình. Trên tư cách người yêu chuộng đạo Phật, ông có quan hệ gắn bó với giới tăng lữ, làm thơ bày tỏ cảm quan Phật giáo và đề vịnh, hòa đồng với thiên nhiên Phật. Trên tư cách thi nhân, ông có được những tứ thơ thanh thoát, vừa giàu tính thời sự vừa gián cách với cõi đời, tạo nên tiếng thơ in đậm sắc thái tâm tình nhà nghệ sĩ, thi sĩ./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Trần Anh Tông – hoàng đế, thi nhân một thời thịnh trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO