Hồi nhỏ, đã có lần mẹ tôi cho tôi thưởng thức món mía nướng “chay”. Mẹ tôi bảo, có nhiều tấm mía nhạt nướng lên sẽ thơm và ngọt hơn do đường được cô lại. Hồi đó nướng mía bằng rơm, vỏ ngoài đen thui, tước lớp vỏ đi sẽ dậy mùi thơm ngào ngạt.
Rồi bẵng đi một thời gian, tôi không thấy mẹ tôi nướng mía cho ăn, tưởng là món ăn bình dân không đáng được nhớ tới thì bỗng gần đây, tôi bắt gặp món mía nướng nhưng ở một cấp độ cao hơn là nướng với bơ mật trên phố Hàng Cót. Và dĩ nhiên, tôi chẳng thể bỏ qua cơ hội để nếm thử món tuổi thơ này.
Anh chủ quán mía nướng vui tính bảo, đặc sản ẩm thực Hà Nội nhiều khi chẳng phải thứ gì độc lạ hay cầu kỳ đâu, đôi khi là món dân dã nhưng được chế biến đặc biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt nên thành đặc sản, món mía nướng bơ mật là ví dụ điển hình của người Hà thành.
Muốn có được các khúc mía ngon, phải chọn những cây mía mọng nước, tước vỏ và xắt thành từng khúc vừa miệng. Mía được nướng trong than củi cho chín đều đến lúc ngả màu vàng đậm, rồi phết một lớp sốt mật ong và bơ, từ từ từng khúc mía sẽ dậy mùi thơm bất ngờ. Mía được đựng trong giấy bạc và thưởng thức khi còn nóng hổi. Anh chủ quán còn bảo, nếu chọn được mía Cao Phong (Hòa Bình) nướng, mật ong hương nhãn là tuyệt hảo nhất, còn nếu như bếp nhà mình có thể nướng bằng rơm thì anh sẽ làm ngay thay cho than củi. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu nướng bằng rơm thì phải có bãi đất trống mới có thể nướng an toàn được. Mía nướng bơ mật có độ ngọt tăng gấp đôi nhưng không ngọt gắt, lại hơi có vị ngậy ngậy của bơ, đặc biệt là mùi thơm của mía cứ phảng phất khoang miệng cả buổi. Cắn từng khúc mía, nước mía ứa ra ngọt lịm và lực cắn mía cũng nhẹ hơn so với chưa nướng, thích hợp cả với người yếu răng. Mỗi lần lạc vào phố cổ Hà Nội, tôi lại mon men đi tìm món mía nướng bơ đầy mê hoặc. Nam thanh nữ tú ngồi tụm năm tụm ba trên vỉa hè, xuýt xoa đôi bàn tay rồi vuốt lên má cho ấm áp. Các cặp mắt đều hướng về phía bếp nướng đang đỏ hồng, thoảng nhẹ mùi hương mía tan vào trong gió xuân, nghe đâu như hương tết đang dần về. Có lần tôi chót khoe với người bạn trong miền nam về món mía nướng bơ “khét tiếng” Hà thành, bạn tôi tò mò lắm. Nghĩ rằng món đơn giản, hoặc mang chất quê, bạn tôi mới bảo: “Món ni, Hà Nội học của người quê hay sao nhỉ? Nghe dân giã lắm”. Thì tôi mới bảo, người Hà Nội thì cũng có rất nhiều người gốc quê. Họ vì mưu sinh mà đến với Thủ đô, rồi thương thành phố nên gắn bó trọn đời, ngàn kiếp, trở thành công dân thủ đô từ bao giờ không hay. Chỉ khác ở chỗ, mía nướng bơ nghe dân giã là thế nhưng vào tay người Hà Nội thì lại trở thành đặc sắc, đặc biệt và có lẽ cũng là đặc sản trong tiết trời đông lạnh giá. Hà Nội trong tôi từng có những dấu ấn chưa đẹp. Những ngày đầu lên thành phố theo học đại học, từ cậu nhỏ quê mùa, mặc áo học sinh phổ thông ngơ ngác tìm điểm xe buýt, tôi chỉ thấy những vỉa hè nhếch nhác, những đụn rác nhỏ mọc lên khắp nơi... Nhưng rồi, khi sống và ở lại nơi đây mới thấy, những thứ chưa đẹp đó nhanh chóng được xử lý trong vài giờ, những vỉa hè là nơi những người xa lạ được xích lại gần nhau hơn. “Anh đến từ đâu?”, “Bạn học trường nào?” “Em nếm thử mía nướng này đi?”, đó là những câu hỏi không hề xã giao chút nào mà nặng nỗi tâm can của người con xa xứ nơi phố thị. Thế rồi, tôi đã sống ở Hà Nội gần 10 năm. Từ cậu sinh viên còn nói ngọng theo tiếng Hà Tây giờ đến một nhân viên văn phòng đã có gia đình, chín chắn hơn rất nhiều. Bao món ngon Hà Nội tôi đã từng nếm qua, bao cao lương mỹ vị thập phương gửi về đất Kinh kỳ, chẳng hiểu sao tôi vẫn nhớ nhung mía nướng bơ nhất mỗi khi Hà Nội vào đông. Có lẽ, món ngon này gắn liền với những ngày đầu tôi đặt chân đến nơi đây và phảng phất mùi vị của quê nhà.
Chính từ món ăn được nghĩ ra cho lạ miệng của người Hà thành, bỗng dưng mía nướng bơ mật lại trở thành món ăn “hẹn hò” của nhiều đôi lứa, đặc biệt vào những ngày mưa gió hoặc tiết trời se se cận tết. Người Hà Nội là thế, mọi thứ bình dị, mộc mạc đều có thể trở nên sang trọng bắt nguồn từ trong chính suy nghĩ, tâm tưởng rất đỗi thanh tao...
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Mộc Kiều. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.