Danh thắng & Di tích Hà Nội

Khảo cổ học Cổ Loa và vùng phụ cận (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 19/05/2023 10:39

Huyện Đông Anh đặc biệt là Cổ Loa là khu vực phân bố nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng. Nơi đây, trong thời kỳ cổ đại đã là địa bàn cư trú, sinh tụ của người Việt cổ từ rất sớm.

khao-co-hoc-co-loa-va-vung-phu-can-huyen-dong-anh-.jpg
Khu di tích Cổ Loa nhìn từ trên cao

Khu vực này đã chứng kiến một quá trình phát triển lâu dài, liên tục của văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn. Tìm hiểu các giai đoạn văn hóa khảo cổ học ở khu vực Cổ Loa và các vùng phụ cận của huyện Đông Anh là điều kiện để nghiên cứu và hiểu được sự phát triển liên tục tiến tới khuynh hướng tập trung để trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị trong quá trình hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Vùng đất này cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng và là trung tâm hội tụ của văn hóa Đông Sơn.

Từ lâu khu vực Đông Anh - Cổ Loa đã được các nhà nghiên cứu quan tâm tới. Ngay từ thế kỷ XIX các học giả người Pháp đã đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học Cổ Loa. Tiếp sau đó, vào những năm 1960 trở lại đây, những cuộc điều tra thám sát và khai quật khảo cổ học đã được tiến hành, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, đề cập đến những khía cạnh những mặt khác nhau của lịch sử và khảo cổ khu vực Cổ Loa và những vùng phụ cận. Điều đặc biệt là Cổ Loa luôn được đặt trong bối cảnh nghiên cứu chung về lịch sử thủ đô Hà Nội.

Trước đây, nếu như Cổ Loa mới chỉ được biết đến qua những câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết thì giờ đây các tư liệu khảo cổ sẽ là bệ đỡ cho sự thật lịch sử. Đó là cơ sở vật chất, tinh thần cho An Dương Vương chọn Cổ Loa lập nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Đây là khu di tích quan trọng hàng đầu của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trong bảng xếp hạng cấp Nhà nước, cùng với 3 di tích khác: Đền Hùng, Điện Biên Phủ, Côn Đảo; Cổ Loa được xếp vào hàng A1.

Trong khu di tích này chứa đựng nhiều loại hình di tích lịch sử văn hóa khác nhau phản ánh quá trình phát sinh phát triển của khu di tích Cổ Loa nói riêng, của văn minh sông Hồng nói chung. Phân bố di chỉ khảo cổ học ở khu vực Cổ Loa và các vùng phụ cận chủ yếu phân bố trên các gò, bãi đất cao dọc hai bên bờ Hoàng Giang. Lấy thành cổ làm trung tâm thì sự phân bố của các di tích này hình thành ba khu vực lớn ở phía nam thành (tức phía nam sông Hoàng Giang), phía bắc và trong khu vực thành, nếu theo thời gian, các di tích này phát triển từ rất sớm (cách đây khoảng 4000 năm) đến muộn (cách đây khoảng 1700 - 1800 năm) tức trải qua cả bốn giai đoạn phát triển của văn minh sông Hồng từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun và đỉnh cao là Đông Sơn.

Các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở Cổ Loa và các vùng phụ cận

Phần lớn các di tích khảo cổ học tiền Đông Sơn ở Cổ Loa và các vùng phụ cận đều là di tích cư trú, trừ Đình Tràng là di tích cư trú mộ tảng Đông Sơn. Ở giai đoạn này chưa phát hiện được di tích mộ táng thuộc văn hóa Đồng Đậu và Gò Mun mà chỉ phát hiện dược duy nhất một ngôi mộ trong hố khai quật của di chỉ Đồng Vông thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Ở giai đoạn này chính là thời đại mở đầu của văn hóa đồng thau, kỹ thuật chế tác đã đạt tới đỉnh cao, hoàn thiện nhất. Với kỹ thuật ghè, đẽo, cưa, mài và đánh bóng, người Phùng Nguyên ở Đồng Vông, Tiên Hội, Bãi Mèn và Đình Tràng đã tạo nên hàng loạt lưỡi rìu, bôn, lưỡi đục bằng đá ngọc rất sắc bén. Kỹ thuật khoan tiện đã hình thành và hoàn thiện để tạo ra những đồ trang sức, vòng, khuyên tai, hạt chuỗi tinh xảo.

Giai đoạn Phùng Nguyên có niên đại từ 3.500 - 4.000 năm gồm có các di chỉ tiêu biểu như Đồng Vông, Bãi Mèn (lớp dưới), Đình Tràng (lớp văn hóa VI).

Giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun: số lượng đồ đá, kỹ thuật chế tác đá đã có phần nào suy giảm so với giai đoạn trước. Giai đoạn này đồ đá có kích thước lớn hơn, hình dạng có thay đổi. Giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun có niên đại từ 2.700 - 2.400 năm gồm các di chỉ tiêu biểu: Xuân Kiều (lớp dưới), Tiên Hội, Đình Tràng (lớp văn hóa II III), Đình Chiền.

Một số loại hình tiêu biểu giai đoạn tiền Đông Sơn ở Cổ Loa và các vùng phụ cận

Di vật đồ đá:

- Công cụ sản xuất gồm: rìu, bôn đục, bào, chì lưới, mũi khoan, khuôn đúc, hòn kê, bàn mài, bàn dập, lưỡi cưa...

- Đồ trang sức: gồm nhiều mảnh vỡ của vòng tay các loại có tiết diện hình chữ nhật, hình thang cân, hình tam giác, hình chữ D và các loại khuyên tai, nhẫn, hạt chuỗi, lõi vòng khác.

- Vũ khí: gồm mũi tên đá, mũi lao...

Di vật đồ đồng tìm thấy chủ yếu trong các di tích Bãi Mèn và Đình Tràng:

- Công cụ sản xuất gồm có: rìu đồng các loại, dũa, lưỡi câu, kim bằng đồng.

- Vũ khí: gồm giáo, lao, mũi tên đều thuộc loại vũ khí tấn công. Ngoài ra còn có một số hiện vật đồ đồng khác như mũi nhọn, mảnh đồng, dây đồng. Đồ gốm và đồ đất nung: đây là loại di vật có khối lượng phong phú và số lượng nhiều nhất trong các di chỉ thuộc thời đại Kim khí ở nước ta.

Chúng có mặt ở hầu hết các di chỉ khảo cổ dưới dạng các mảnh vỡ. Hiện vật gốm nguyên hoặc phục nguyên có số lượng không nhiều.

Loại hình di vật gốm nguyên bao gồm: công cụ sản xuất (dọi se sợi, khuôn đúc, chì lưới); đồ đựng dùng trong sinh hoạt (bát, đĩa, bình, vò, lọ, vung, quai gốm, chạc gốm, bi..), tượng người và tượng động vật.

Một số di chỉ khảo cổ học tiêu biểu:

1. Di chỉ Đồng Vông (xã Cổ Loa)

Đồng Vông nằm ở phía Đông Nam thành Cổ Loa, quanh di chỉ này còn có một số di chỉ khác: Bãi Mèn, kho mũi tên đồng Cầu Vực, Tiên Hội, Đường Mây... Di chỉ Đồng Vông nằm trên doi đất cao ven sông Hoàng Giang thuộc cánh đồng phía đông nam xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Diện tích toàn bộ khu vực ước khoảng 1.000m”. Từ năm 1965 đến 1997 đã được Viện Khảo cổ học và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khai quật và thám sát 5 lần, hiện vật qua các đợt khai quật gồm 1.070 hiện vật trong đó, công cụ sản xuất có 8-45 tiêu bản, đồ trang sức 80 tiêu bản, 2 mũi tên đá và 143 hiện vật đá khác. Đồ gồm có 420 hiện vật nguyên và 64.940 mảnh gốm vỡ các loại. Trong tầng văn hóa đã phát hiện được những cục xỉ đồng, tuy nhiên hiện vật đồng chưa tìm thấy. Căn cứ vào đặc điểm tầng văn hóa và diễn biến dị vật, có thể xác định Đồng Vòng là di chỉ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại từ 3.700 năm - 4.000 năm cách ngày nay.

2. Di chỉ Tiền Hội (xã Đông Hội)

Di chỉ Tiền Hội nằm ở thôn Đông Hội và khu ruộng cao phía đông bắc của thôn Tiền Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Tiền Hội là địa danh gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, là nơi các tiên nữ hội tụ để gánh đất xây thành. Vì thế cánh đồng mang tên Tiền Hội và sau dẫn đến lập làng gọi là Tiền Hội. Diện tích toàn bộ khu di chỉ Tiền Hội khoảng 10.000m2. Đối diện với di chỉ Tiền Hội qua đầm Mạch Tràng và cách Tiền Hội khoảng 1km là di chỉ Cầu Vực, Bãi Mèn, Đồng Vông. Xa hơn bên kia sông Hoàng Giang là tòa thành Cổ Loa, phía đông bắc là di chỉ Đường Mây qua Đầm Cả là di chỉ Xuân Kiều.

Di chỉ Tiền Hội được phát hiện năm 1967 và cho đến nay di chỉ Tiền Hội được thám sát và khai quật 4 lần (1967, 1970, 1971, 1997). Trên tổng diện tích khai quật là 197m2 thu được 227 hiện vật, trong đó có 163 hiện vật đá (118 công cụ sản xuất, 45 đồ trang sức, 2 mảnh mũi tên, 1 cục đồng), đồ gốm có 139 hiện vật gốm nguyên và 17.544 mảnh gốm vỡ các loại.

Tiền Hội là di chỉ cư trú có tầng văn hóa thuộc vào nhóm các di tích giai đoạn Đồng Đậu, khi mới chuyển tiếp từ giai đoạn Phùng Nguyên lên, có niên đại từ 3.300 - 3.500 năm cách ngày nay.

3. Di chỉ Xuân Kiều (xã Việt Hùng)

Di chỉ Xuân Kiều nằm trên khu đất cao giữa vòng thành Trung và thành Ngoài thuộc thôn Lương Quán, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Di chỉ Xuân Kiều được phát hiện vào năm 1975 và đã qua 2 lần thám sát khai quật đều do Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tiến hành. Trong 333m2 của 2 đợt khai quật đã thu được bộ sưu tập phong phú và đa dạng: đồ đá có 202 hiện vật, trong đó công cụ sản xuất 166 hiện vật, đồ trang sức 35 hiện vật, đồ gốm nguyên và đồ đất nung 181 hiện vật và 15.965 mảnh gốm vỡ. Đồ đồng có 4 hiện vật (chỉ tìm thấy trong đợt khai quật lần 2). Xuân Kiều là di chỉ cư trú của người thời đại đồng thau, cũng như Tiên Hội, Xuân Kiều có nhiều yếu tố muộn hơn Đồng Vông hay Văn Điển - Triều Khúc Hà Nội và có những nét giống với Lũng Hòa (xã Lũng Hòa) lớp dưới Đồng Đậu (xã Minh Tân) thuộc nhóm di tích đầu giai đoạn Đồng Đậu, có niên đại tương đương với Tiên Hội (khoảng 3.300 năm - 3.500 năm cách ngày nay).

4. Di chỉ Bãi Mèn (xã Cổ Loa)

Di chỉ nằm ở khu đất cao ven sông Hoàng Giang, giáp di chỉ Đình Tràng về phía đông bắc.

Di chỉ được phát hiện vào tháng 9 năm 1959, cho đến nay đã được thám sát và khai quật 4 lần với tổng diện tích là 850m2 (1968, 1978, 1997, 2003), thu được 326 hiện vật đá, trong đó công cụ sản xuất: 222 hiện vật, đồ trang sức: 39 hiện vật và 65 hiện vật khác. Đồ đồng phát hiện không nhiều, có 38 hiện vật. Đồ gốm nguyên, đồ đất nung có 91 hiện vật, 9.627 mảnh gốm các loại...

Kết quả khai quật và nghiên cứu cho thấy Bãi Mèn là di chỉ cư trú chứa dấu tích của 3 giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ học từ Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu đến Đông Sơn. Như vậy di chỉ Bãi Mèn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hệ thống các di tích khảo cổ học ở khu vực Cổ Loa. Nghiên cứu di chỉ Bãi Mèn có thể cho chúng ta có cái nhìn toàn diện về vùng đất Cổ Loa trước khi An Dương Vương chọn làm nơi xây thành dựng đô.

5. Di chỉ Đình Tràng (xã Dục Tú)

Di chỉ Đình Tràng thuộc thôn Đình Tràng, xã Dục Tú nằm ở phía đông gần kề Cổ Loa. Diện tích di chỉ ước khoảng 15.000m. Cho đến nay di chỉ Đình Tràng đã được 4 lần thám sát và 4 lần khai quật với diện tích 277.5m. Di vật thu được gồm: đồ đá 708 hiện vật, đồ đồng thau 245 hiện vật, đồ gốm nguyên và đồ đất nung 582 hiện vật và 68.744 mảnh gốm các loại. Căn cứ vào địa tầng và sự phân bố các loại hiện vật trong tầng văn hóa, các nhà nghiên cứu đều cho rằng có 3 lớp dân cư từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn liên tục cư trú ở Đình Tràng.

Các di tích Đông Sơn ở Cổ Loa

Ở giai đoạn này, nghề chế tác đá thật sự suy thoái mặc dù kỹ thuật sản xuất được bảo tồn và chế tác tinh xảo (khuyên tai, vòng trang sức mỏng, đẹp hơn), nghề làm gốm tiếp tục phát triển cao, hoa văn trang trí đơn giản hơn nhưng độ nung đã đạt được từ 900 - 1.000 độ. Đồ dùng Đông Sơn ở đây rất phong phú, đa dạng, đặc sắc gồm: lưỡi cày đồng, thạp, thổ, trống đồng, chuông đồng, các tượng hình người, động vật...

Giai đoạn Đông Sơn có các di chỉ tiêu biểu: Đường Mây, xóm Nhồi, xóm Hương, trống đồng Cổ Loa I (Mả Tre) kho mũi tên đồng Cầu Vực...

1. Di chỉ Đường Mây (xã Cổ Loa)

Đường Mây thuộc xóm Vang, xã Cổ Loa. Di chỉ nằm giữa Đầm Cả (phía tây) và sông Hoàng Giang (phía đông). Di chỉ được phát hiện năm 1967, đến nay đã được khai quật 4 lần (1969, 1970, 1971, 1983) với tổng diện tích 364m’. Di vật phát hiện gồm 29 hiện vật đá, 58 hiện vật đồng thau, 11 hiện vật sắt, 9 đồ gốm nguyên, 5.064 mảnh gốm vỡ các loại. Qua nghiên cứu cho thấy Đường Mây là di chỉ cư trú thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn muộn, có niên đại 2.200 năm - 2.500 năm cách ngày nay. Di tích này xưa hơn tường thành Cổ Loa.

2. Di chỉ Cầu Vực (xã Cổ Loa)

Di chỉ Cầu Vực được phát hiện vào tháng 9 năm 1959 khi đào đắp đường từ Quốc lộ 3 vào xã Cổ Loa, những mũi tên đồng và các hiện vật thu nhặt được cân nặng 93kg, mỗi kg có chừng 97 mũi tên đồng, tính ra số mũi tên đồng thu được gần một vạn chiếc.

Phát hiện kho mũi tên đồng Cầu Vực nổi tiếng đánh dấu mốc mở đầu quan trọng trong công cuộc nghiên cứu lịch sử Cổ Loa nói chung và khảo cổ học Cổ Loa nói riêng.

3. Di chỉ xóm Nhồi (xã Cổ Loa)

Giống như Cầu Vực, sưu tập hiện vật ở xóm Nhồi cũng được phát hiện ngẫu nhiên vào 2 thời điểm khác nhau và vị trí khác nhau. Tháng 11 năm 1965 phát hiện được 2 lưỡi cày đồng. Tháng 12 năm 1976 phát hiện được 51 hiện vật đồng thau ở độ sâu cách 1m trong vùng đất rộng 0,70m x 0,80m. Cả 2 đợt phát hiện ở xóm Nhồi thu được 53 hiện vật gồm 6 lưỡi cày đồng, 5 rìu đồng các loại, mũi tên 20 cái, 4 giáo đồng, 1 lao, 4 dao găm, 3 mảnh thạp, 5 mảnh trống, 1 lục lạc. Đa số hiện vật xóm Nhồi không còn nguyên vẹn, han gỉ nhiều.

4. Di tích Mả Tre (xã Cổ Loa)

Ngày 21/6/1982 đã phát hiện được 1 trống đồng trong có chứa hơn 200 hiện vật đồng thau các loại tại khu vực ruộng Mả Tre, xã Cổ Loa. Không kể số hiện vật bị phân tán, tổng số hiện vật chứa trong trống đồng thu được là 247 chiếc gồm 194 công cụ sản xuất, 29 vũ khí, 7 đồ dùng sinh hoạt, 3 nhạc khí, 15 hiện vật không xác định được công dụng và 19,5kg mảnh đồng vụn.

Phát hiện Mả Tre cũng giống như kho mũi tên đồng Cầu Vực và sưu tập xóm Nhồi cho thấy đây có thể là kho giấu tài sản trước một biến động lớn trong xã hội.

Về niên đại: hiện vật có niên đại sớm nhất là chiếc trống đồng Cổ Loa I được ra đời vào giai đoạn cực thịnh của văn hóa Đông Sơn. Những hiện vật có niên đại muộn là trống đồng Cổ Loa II, rìu, giáo minh khí, tiền đồng Bán lạng khoảng thế kỷ II-I trước Công nguyên.

Ngoài ra còn có các di tích mộ gạch thời Đông Hán, thời Đường mà một số đã được khai quật và điều tra. Đây là dấu tích của người Hán để lại trong gần 1.000 năm đô hộ nước ta trong đó có Cổ Loa. Ở khu vực này ngoài các di tích khảo cổ nói trên còn có nhiều nhóm di tích khác như: nhóm di tích liên quan đến thành Cổ Loa gồm: Di tích kiến trúc hoặc lò nung gốm ở Mả Tre, các địa điểm Gò Bãi Táo, Bãi Miễu... dưới các ngôi mộ gạch cổ có lớp gốm Cổ Loa, gốm thô, các hiện vật đá, đồng, gốm trên lớp mặt của tầng than bùn ở Lỗ Khê, Đại Bi, Đại Đà, Cầu Cả, Hội Phụ...

Những mộ cổ táng phân bố ở bên ngoài thành tại những gò đất cao ở Trung Thôn (Tiên Hội, xã Đông Hội) có niên đại thế kỷ I-III sau Công nguyên. Ở bãi Mèn, Mạch tràng, Cầu Cả, khu Mả Cơ, Mả Lẽ, Ao Má... có niên đại thế kỷ VI-VII (cuối Lục Triều thời Đường).
Các di tích kiến trúc: Đình, đền An Dương Vương, am My Châu, hệ thống bia đá... niên đại cuối thế kỷ XVII-XVIII.

Ngoài ra còn nhiều hiện vật được phát hiện lẻ tẻ như chì lưới, mũi tên đồng ở xóm Mít, Đường Thụt, xóm Chợ; đá mài ở Đống Chuông, gốm thô ở Lan Trì... Đặc biệt tháng 1 năm 2005, trong khi thực hiện việc tu bổ và tôn tạo khu đền Thượng thờ An Dương Vương - Viện Khảo cổ học đã được mời thám sát khảo cổ học; đây là cuộc khai quật đầu tiên được tiến hành trong khu thành Nội của khu di tích Cổ Loa. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 2 khu vực có liên quan đến lò đúc đồng và đã tìm thấy 36 mảnh khuôn đúc bằng đá mềm nằm rải rác hoặc tập trung thành từng cụm trong lớp than tro. Điều thú vị là ở rìa của khu lò còn có cả một cụm đá khá lớn. Đây là những mảnh vỡ của khuôn hoặc những mảnh đã bị loại bỏ trong quá trình sản xuất khuôn ngay tại lò đúc. Ngoài một khuôn đúc hai mang hình vật đúc là loại lao cánh én, phần chuỗi có chốt hãm, còn tất cả các khuôn đúc được tìm được ở đây là loại khuôn 3 mang để đúc mũi tên đồng có 3 cạnh. Kỳ thuật làm khuôn rất cao, mặt trong khuôn rất nhẫn phẳng để đảm bảo cho mặt khuôn luôn khít.

Như vậy sau hơn nửa thế kỷ đã phát hiện được nơi đúc ra những mũi tên 3 cạnh độc đáo mà từ lâu đã được giới khảo cổ học Việt Nam gọi là mũi tên đồng Cổ Loa.

Cho đến nay nếu nhìn Cổ Loa rộng hơn ra toàn huyện Đông Anh và lưu vực các sông Đuống, sông Tiêu Tương, sông Cầu thì khảo cổ học đã nghiên cứu 43 di tích khảo cổ. Đó là những chứng cớ vật chất quan trọng để khẳng định: trước khi An Dương Vương xây thành, dựng đô lập nước Âu Lạc, Cổ Loa và Đông Anh đã là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của vùng gần Hà Nội. Nói cách khác, khu vực Cổ Loa và toàn huyện Đông Anh là một địa bàn hiếm hoi trong cả nước đã chứng kiến một quá trình phát triển lâu dài, liên tục của nền văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn. Đó là cơ sở vững chắc để hình thành nhà nước đầu tiên của dân tộc ở một vùng địa bàn ven Hà Nội và trở thành một bộ phận khăng khít đối với sự phát triển của Hà Nội sau này trước khi trở thành kinh đô Thăng Long - Hà Nội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Khảo cổ học Cổ Loa và vùng phụ cận (huyện Đông Anh)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO