Văn hóa – Di sản

Hoàng Nguyễn Thự - cuộc đời và thơ văn

Tạ Ngọc Liễn 27/11/2023 16:07

Theo gia phả họ Hoàng phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thì Hoàng Nguyễn Thự là Tổ khai sáng ra dòng họ Hoàng ở đây. Họ Hoàng vốn ở làng Cổ Pháp, Từ Sơn (Bắc Ninh) rồi chuyển tới định cư tại làng Đông Bình, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).

hoang-nguyen-thu.jpg
Thế hệ thứ tám của dòng họ Hoàng tại Đông Ngạc.

Hoàng Nguyễn Thự là đời thứ tám của dòng họ Hoàng ở Đông Bình. Ông lấy vợ người làng Đông Ngạc (Kẻ Vẽ) và về sống ở Đông Ngạc, sinh con, cháu, dần dần lập thành chi họ Hoàng ở Đông Ngạc. Dòng họ Hoàng ở Đông Ngạc tính từ Hoàng Nguyễn Thự, tức là từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, đã có nhiều nhân vật lịch sử và văn hóa nổi tiếng. Hoàng Tế Mỹ (1795 - 1849), đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ, làm quan trải ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, thăng tới Hữu tham tri Bộ Binh, khi mất được truy tặng Thượng thư Bộ Lễ; Hoàng Tướng Hiệp (1835 - 1885) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, giữ chức Tuần phủ Tuyên Quang, sung Tham tán quân vụ đại thần; Hoàng Tăng Bí (1883 - 1940), đỗ Phó bảng, là một trong những vị sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, thân phụ Giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1947- 1954) rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1954 - 1976).

Hoàng Nguyễn Thự (có sách ghi là Hoàng Xuân Thự), tự là Đông Hy, hiệu là Nghệ Điền, sinh ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Ty (1749) tại giáp Tiên Hạ, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, nay là khu vực ngõ Phất Lộc, Hà Nội.

Hoàng Nguyễn Thự đỗ Hương cống năm Giáp Ngọ (1774). Nhưng khi thi Hội, cả hai kỳ, năm Mậu Tuất (1778) và Tân Sửu (1781) ông đều chỉ trúng tam trường. Năm 1778, Hoàng Nguyễn Thự lấy bà Phạm Thị Hội, con gái Giải nguyên Phạm Gia Huệ ở xã Đông Ngạc. Phạm Gia Huệ là thầy dạy của Hoàng Nguyễn Thự, vì thấy Hoàng Nguyễn Thự có tài học vấn nên đã gả con gái cho. Năm Ất Tị (1785), Hoàng Nguyễn Thự được bổ làm Huấn đạo ở Thượng Hồng rồi cùng năm đó ông được thăng Tri huyện Thanh Oai. Đến khoa thi Đinh Mùi (1787), Hoàng Nguyễn Thự đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đây là khoa thi cuối cùng của triều Lê.

Hoàng Nguyễn Thự đỗ Tiến sĩ xong, chưa nhận quan chức thì xẩy ra sự kiện Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc xóa bỏ triều Lê (1788), Lê Chiêu Thống sai người sang cầu cứu nhà Thanh và tháng 11 năm 1788, Tôn Sĩ Nghị đưa 28 vạn quân sang xâm lược nước ta. Vào trung tuần tháng 12 năm ấy, Nguyễn Huệ từ Phú Xuân tiến ra Bắc đánh đuổi quân Thanh. Cả Bắc Hà náo động trong cảnh loạn lạc. Gia đình Hoàng Nguyễn Thự phải đi tị nạn ở thôn Cẩm Bào, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Sau khi đánh tan quân Thanh, vương triều Tây Sơn được thiết lập, nhiều người đỗ đại khoa làm quan với triều Lê cũ lần lượt được Tây Sơn mời ra làm việc. Hoàng Nguyễn Thự cũng nằm trong số đó. Năm Quý Sửu (1793), niên hiệu Cảnh Thịnh, Hoàng Nguyễn Thự ra làm quan với triều Tây Sơn. Năm Giáp Dần (1794) Hoàng Nguyễn Thự được giữ chức Hiệp trấn sứ Lạng Sơn. Năm 1801, ông bị bệnh mất tại Lạng Sơn. Thi hài ông được đưa về an táng ở xã Đông Ngạc, Từ Liêm, quê vợ.

Con người Hoàng Nguyễn Thự khá tiêu biểu cho nhân cách của kẻ sĩ nhà Nho thời xưa. Ông sống nghiêm nghị, cẩn trọng, ngay thẳng và đặc biệt có tinh thần hiếu học, theo phương châm Khổng Tử nêu lên là “học không chán”. Hình ảnh Hoàng Nguyễn Thự trong ký ức vợ ông - bà Phạm Thị Hội, quả là hình ảnh một nhà Nho mô phạm, đức độ, thanh bạch.Bà từng kể lại với các con: “Cha con ngày trước có vẻ nghiêm nghị, tính người tĩnh trọng, ngày thường không bao giờ đùa cợt, quá trớn, mà đấy không phải là sự cố ý tỏ ra oai nghiêm hay khắc khổ gì đau”. Và: “Cha con khi đã làm quan Hiệp trấn nhưng vẫn thanh bạch, lương tháng tiêu không dư đủ, mẹ phải hết sức cần kiệm...”. Nhưng đẹp nhất vẫn là hình ảnh một Hoàng Nguyễn Thự ham học tập, say mê với sách vở, với tri thức: “Có tiền không giữ trong tay mà chỉ mua giấy bút”, “Khi đã làm tri huyện huyện Thanh Oai mà tay không buông quyển sách. Không đi chơi, không đùa vui. Sách vở của ông đầy bàn, đầy ghế”. Tiếc rằng những sách vở đó, theo lời bà Phạm Thị Hội kể, đã bị thiêu tán trong bốn, năm lần binh hỏa của cuộc tao loạn đương thời (Hoàng thị phả lược).

Năm 1785 dưới triều Lê Cảnh Hưng, do có đỗ Hương cống nên Hoàng Nguyễn Thự được bổ làm Huấn đạo, rồi thăng Tri huyện. Nhưng thời gian Hoàng Nguyễn Thự làm quan cho nhà Lê quá ngắn, có lẽ chưa được một năm, vì năm 1786 Tây Sơn ra Bắc lần thứ nhất, gây biến động lớn ở Bắc Hà. Sự nghiệp chính trị của Hoàng Nguyễn Thự chỉ thật sự bắt đầu từ khi ông làm quan với triều Tây Sơn (năm 1793), tức là năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Thịnh, đời Nguyễn Quang Toản.

Trong 8 năm liên tục làm quan dưới triều Tây Sơn, ông luôn luôn tỏ ra là một người tận tụy với công việc, có trách nhiệm cao với nhân dân, đất nước. Là quan thị lang hàm Chánh tam phẩm ở Bộ Hình, một bộ chuyên xem xét việc hình phạt, Hoàng Nguyễn Thự đã thể hiện được những phẩm chất đáng kính trọng, như có đức công minh, tôn trọng sự thật, yêu thương con người...

Đạo đức, tài năng và những cống hiến của Hoàng Nguyễn Thự ở Bộ Hình triều Tây Sơn đã được các quan cùng Bộ đánh giá cao: “Quý hầu ta (tức Hoàng Nguyễn Thự) được mời vào kinh năm Quý Sửu, rồi thăng làm Tả thị lang(1795) ngài vâng mệnh đến thành này (Thăng Long) thi hành công vụ. Phàm các án tụng đều xét đoán hết. Chức phận đều thông, sự việc đều ổn. Sớm tối cậy nhờ, tả hữu giúp nhau...” (Các quan ở Bộ Hình cùng đến chúc mừng quan Thị lang). Năm 1797, Hoàng Nguyễn Thự được triều đình Tây Sơn cử làm Hiệp trấn Lạng Sơn. Lạng Sơn là trấn trọng yếu, vì đây là đất biên giới giáp nước ta và Trung Quốc. Các đoàn sứ thần Việt Nam các đời khi sang Trung Quốc và các đoàn sứ thần Trung Quốc đến Việt Nam đều đi qua Lạng Sơn. Triều đình bao giờ cũng tuyển chọn người tài giỏi, có học vấn cao, có trí tuệ để bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn. Khi Hoàng Nguyễn Thự chuẩn bị lên đường đi Lạng Sơn nhận chức, một số quan viên Bộ Hình đã viết một bài văn tới chúc mừng ông, trong đó bày tỏ lòng tin tưởng của bạn bè đồng chức đối với ông. Họ nói: “Lạng Sơn là đất biên ải, ngoài việc là nơi ngựa xe bưu dịch ra, còn là nơi giao thông Nam Bắc xung yếu. Có sứ bộ thường xuyên sang Bắc quốc, đúng là nước văn hiến. Ân điển triều đình giáng xuống, thư từ giao thiệp vãng lai. Các triều trước của nước ta thường xuyên tuyển chọn bậc hùng văn, đại bút cho ra làm Đốc trấn để lo việc ứng đối thù tiếp. Nay Quý hầu ta là người sớm đã thỏa chí tang bồng, khoa mục có đại danh, chính sự lại thêm ưu hạng, minh mẫn, tinh thông, nhanh nhẹn, cái gọi là bậc quân tử ở nơi biên quận thì biên quận trở nên quan trọng, có lẽ đến trấn nhậm thì thanh danh của ngài ắt sẽ vang động Hoa Hạ, chính tích của ngài ắt sẽ lừng lẫy gần xa..”, và: “Cũng nên mừng rằng triều ta đã chọn được người tài”...

Hoàng Nguyễn Thự là vị quan Hiệp trấn Lạng Sơn cuối cùng của triều Tây Sơn. Ông giữ chức này liên tục từ năm 1797 tới năm 1801, khi ông qua đời, và năm sau thì triều Tây Sơn mất, triều Nguyễn thay thế.

Hoàng Nguyễn Thự không chỉ là một viên quan có tài mà còn là một nhà thơ gắn bó với cuộc đời. Di cảo thơ văn Hoàng Nguyễn Thự để lại ngót 200 bài thơ chữ Hán và một số bài văn tế khóc mẹ, khóc em trai. Số thơ văn này được sao chép lại trong tập Đông Bình Hoàng gia thi tập và trong các tập gia phả của họ Hoàng.

Theo Đông Hoàng gia phả, tác phẩm thơ của Hoàng Nguyễn Thự để lại gồm có Di thảo tập thượng Di thảo tập hạ. Di thảo tập thượng là thơ Hoàng Nguyễn Thự sáng tác vào thời kỳ ông làm Tri huyện Thanh Oai dưới triều Lê. Di thảo tập hạ có tiêu đề là Nhập thị Phú Xuân kinh thi tập, bao gồm những bài thơ Hoàng Nguyễn Thư viết vào thời gian ông ra làm quan với nhà Tây Sơn ở Phú Xuân. Thời gian Hoàng Nguyễn Thự làm Hiệp trấn Lạng Sơn không thấy có thơ ông để lại.

Di thảo tập thượng là tập thơ mà qua đó chúng ta thấy khá rõ chân dung tác giả cùng bối cảnh xã hội Bắc Hà vào những năm cuối của triều Lê. Trong thời gian này, Hoàng Nguyễn Thự có nhiều tâm trạng mâu thuẫn. Một mặt, ông muốn “lập thân”, kinh bang tế thế, để thỏa chí làm trai. Nhưng mặt khác vì phải mưu sinh, giúp đỡ gia đình nên đành phải làm một chức “quan hờ”. Hoàng Nguyễn Thự từng than rằng:

Gia kế, thân mưu cừu ngẫu chuyết

(Việc tính kế giúp nhà việc mưu lập thân luôn thù địch nhau)

(Xuân thâm nhật oán tác)

Hoài bão về một công danh lớn chưa đạt giữa thời buổi loạn lạc, là điều khiến cho Hoàng Nguyễn Thự thường “bi cảm”đau xót, nhất là khi phải chứng kiến cảnh:

Doanh thiên hỏa ốc yên già vụ,

Mãn địa kim qua huyết tải đồ.

Lâm mộc kinh khan sào hữu yến,

Thành đầu chỉ vọng tính vô Ô...

(Thấn loạn tác)

(Khắp nơi nhà cửa bốc cháy, khói bay mù mịt,

Giáo mác đầy mặt đất, máu chảy ngập đường.

Cây rừng giật mình thấy yến đến làm tổ,

Đầu thành nhìn kỹ không thấy chim chóc...)

(Than thời loạn)

Hoàng Nguyễn Thự có những bài thơ rất buồn khi nói về thời thế, song ông cũng có những bài thể hiện niềm tin tưởng vào một vận hội mới sẽ đến theo lẽ tuần hoàn “bĩ cực thái lai”. Ông viết:

Thanh phong nhất hảo tầm,

Tiền trình bất tín mộng trung ngâm.

Văn chương ký khả thường dư trái,

Ưng vô khốn tử tâm. ...

Thủ tiết đàn năng an sở ngộ,

Tuấn hằng bất khả hảo cầu thâm.

Tuy nhiên bĩ thái tuần hoàn lý,

Giải phụ tương tương tái hảo âm.

(Lãng ngâm)

(... Gió mát vui thích tìm đến,

Con đường phía trước tin vào điều trong mộng.

Văn chương có thể đền nợ nần cũ, ...

Buồn bực chẳng làm nao núng lòng này.

Muốn giữ tiết tháo chỉ có thể yên phận,

Khơi đạo hằng thường không thể đào sâu mãi.

Thuy nhiên “bĩ thái” là lẽ tuần hoàn,

Đắp đổi dần dà sẽ lại tốt lành)

Ngoài những bài thơ nói về thời cuộc, về tâm trạng, Hoàng Nguyễn Thự còn viết về tình cảm của ông đối với bạn bè, về thời tiết, mùa màng....

Ông đã làm một bài thơ khá hay biểu lộ nỗi vui mừng của mình trước cơn mưa rất đúng thời vụ, đó là bài Thập nguyệt thập tứ nhật hi vũ tác (Ngày 14 tháng 10 làm thơ mừng mưa):

Di thiên chi vũ tuyết phi phi,

Kim thuộc đông sơ hảo thị thì.

Ngọc điểm giai tiền đôi lệ sắc,

Ngân trang diệp thượng áng sinh kỵ.

Nông phu chính hi đàm lương trĩ,

Lữ xá thiên hoài thiểu noãn y.

Dạ hữu hàn lô thôi lãnh khí,

Bất phường hi vũ tục Hàn thi.

(Mưa rơi đầy trời như tuyết phơi phới,

Nay là đầu mùa đông đúng tiết lành.

Ngọc điểm trước thềm tăng vẻ đẹp,

Bạc tô trên lá đầy sức sống.

Nhà nông hớn hở đi cầy ruộng,

Nơi quán khách nhớ nhung thiếu áo ấm.

Đã có lò lửa xua tan khí lạnh,

Chẳng ngờ mừng mưa lại làm bài thơ Hàn luật)

Nhập thị Phú Xuân kinh thi tập (Tập thơ vào hầu cận ở Kinh đô Phú Xuân) được mở đầu bằng bài Phát trình ngâm (Khúc ngâm lên đường) viết ngày 9 tháng 2 năm Quý Sửu (1793), tức là ngày Hoàng Nguyễn Thự lên đường vào Phú Xuân nhận chức, và kết thúc bằng bài Hồi quá Tam Điệp sơn ngâm (Trở về qua núi Tam Điệp ngâm thơ) viết vào đầu năm Ất Mão (1795) khi Hoàng Nguyễn Thự được phái ra Thăng Long công cán.

Nhập thị Phú Xuân kinh thi tập giống như một tập nhật ký bằng thơ của Hoàng Nguyễn Thự, trong đó ông tự khắc họa chân dung mình, những suy nghĩ, tâm trạng của mình trong ba năm đầu làm quan với triều Tây Sơn.

Trong bài Thuật hoài trình Tả đồng nghị Lôi Phong hầu (Thuật lại nỗi lòng đưa cho Tả đồng nghị Lôi Phong hầu), Hoàng Nguyễn Thự viết:

Tích ư Bắc khuyết tiêu đề bảng,

Kim hựu Nam triều thiệm bội thân.

(Xưa ở triều đình miền Bắc vui mừng thấy tên đề bảng,

Nay lại mang mũ áo ở Nam triều).

Xuất thân tiến sĩ triều Lê mà lại ra làm quan với triều Tây Sơn, đó là hành vi trái với nền giáo dục Nho giáo “trung thần bất sự nhị quân”. Và điều này từng làm cho Hoàng Nguyễn Thự trăn trở, suy nghĩ: “Mới nửa đời người đã thành người của hai triều”. Hôm bắt đầu lên đường vào Phú Xuân nhận chức quan tước của Tây Sơn, Hoàng Nguyễn Thự không khỏi có mặc cảm, đã thốt lên:

Khâm sứ bất tri vong tiết sĩ,

Hư đề thiên tử nhất chiêu tinh.

(Quan khâm sứ không biết nỗi lòng kẻ sĩ không giữ được khí tiết,

Cứ giơ mãi ngọn cờ vẫy gọi của thiên tử)

Tuy nhiên, đọc toàn bộ các bài trong Nhập thị Phú Xuân kinh thi tập, chúng ta sẽ thấy ông không nặng nề cố chấp, ông nghĩ, đã làm người thì phải nhập thế, hành đạo “không thể đi ẩn náu để giữ cao giả” (Bất năng bình tích vị cao đạo). Vì vậy Hoàng Nguyễn Thự dã dứt khoát trong tư tưởng khi ra làm quan với nhà Tây Sơn:

Phụng chiếu đăng trình vạn lý dao,

Dương xuân phát động tuyết sơ tiêu.

Dao dao đạo lộ thanh phong tống,

Mỗi mỗi nguyên điều tú thảo yêu.

Châu huyện do di truyền cổ hiệu,

Giang sơn hữu dị thuộc kim triều.

Thử thân dĩ xuất phong ai lộ,

Nhậm trước trần y độ dã kiều.

(Độ trung tức sự)

(Vâng theo chiếu chỉ lên đường xa vạn dặm,

Ngày mùa xuân đến tuyết mới tan.

Đường xa xa gió mát đưa tiễn,

Ruộng đồng bát ngát cỏ cây tươi tốt.

Châu huyện còn truyền lại tên hiệu cũ.

Non sông đã khác, nay thuộc về triều đại mới.

Thân này đã ra khỏi cõi phong trần,

Cứ mặc cát bụi mà vượt qua cầu.

Trong Nhập thị Phú Xuân kinh thi tập có hàng chục bài thơ Hoàng Nguyễn Thự viết về tình cảm của ông đối với bạn bè. Đó là một tình cảm chân thành, sâu sắc, biểu hiện qua các bài Dữ đồng huyện nhân trấn hậu quan đối chước tặng biệt (Cùng với người đồng huyện trấn hậu quan uống rượu tiễn biệt), Thuật hoài trình tả đồng Lôi Phong hầu (Thuật lại nỗi lòng đưa cho Tả đồng nghị Lôi Phong hầu), Ký Lại Bộ Tả đồng nghị Lôi Phong hầu (Gửi tả đồng nghị Lôi Phong hầu ở Bộ Lại), Tiễn Lại bộ Hữu thị lang Phạm Công phụng sai Quảng Nam nhung sự (Tiễn ông Phạm Hữu thị lang Bộ Lại vâng mệnh tham gia việc binh ở Quảng Nam)...

Nhưng sâu sắc nhất, da diết nhất vẫn là tình cảm của Hoàng Nguyễn Thự đối với cha mẹ, vợ con, anh em. Mỗi khi nhận được thư nhà, Hoàng Nguyễn Thự hết sức vui sướng làm thơ (Tiếp đắc gia thư hi tác) và “kể chuyện nhà”.

Nhưng cũng có khi ở Hoàng Nguyễn Thự tràn ngập nỗi nhớ nhà đến da diết:

Ngọc hồ nan bả túy gia đình,

Nhất đoạn thanh sầu sổ hoán tinh.

(Khách hoài)

(Bầu rượu khó có thể làm nguôi được tình nhà,

Một mối sầu làm mấy lần bừng tỉnh)

Và những lúc ấy ông như nuối tiếc, vì:

Văn chương ngộ ngã hữu sinh tiền,

Bác đắc cô quan viễn nhất thiên....

Dao vọng cố cư hà xứ thị,

Thanh Nùng bích Nhị cựu sơn xuyên.

(Văn chương làm lẫm lỡ đời ta,

Để hận lấy chữ quan lẻ loi nơi góc trời xa...

Nhìn về quê hương biết ở chỗ nào,

Núi Nùng xanh, sông Nhị biếc vẫn non nước cũ)

(Nơi quán khách thuật lại nỗi lòng)

Hoàng Nguyễn Thự là một nhân vật lịch sử và văn hóa khá tiêu biểu ở thời Tây Sơn. Mặc dầu xuất thân trong một gia đình nhiều đời là cựu thần của nhà Lê và bản thân Hoàng Nguyễn Thự cũng đỗ Tiến sĩ dưới triều Lê song ông đã vượt qua những quan niệm bảo thủ của nho gia để đến với một triều đại mới. Khi đã ra làm quan với Tây Sơn, Hoàng Nguyễn Thự đem hết tâm sức phục vụ tân triều, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hồi cuối thế kỷ XVIII./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Hiền – trạng nguyên thần đồng
    Nguyễn Hiền sinh ngày 12 tháng 7 năm Ất Mùi (1235), quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
    Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Những âm thanh cổ điển vang lên trong đêm “Hà Nội Concert: Hoà nhạc mùa đông”
    Tối 13/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cùng Dàn hợp xướng Bình Minh đã có những màn trình diễn thăng hoa trong đêm hòa nhạc “Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng Phan Đỗ Phúc.
  • Triển khai đợt 2 Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đợt II xét tặng Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Hoàng Nguyễn Thự - cuộc đời và thơ văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO