Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc lại móc lên hiện đại và bậc nhất như ở Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh được xây dựng trên những miền đất trẻ; nhưng ở đấy hình tượng của một "hòn ngọc viễn đông" và thành phố trẻ vẫn khiến người ta nhắc nhớ đến Hà Nội như một cái gì đó rất riêng.
Cứ mỗi lần vào mùa thu, tôi đứng trên cây cầu Long Biên - biểu tượng lực lưỡng vắt qua sông Hồng và nhìn con đê xanh ngút mãi với những cánh đồng vùng "Quảng Bá" trong màn mưa bụi mênh mông, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ nói về nỗi nhớ da diết với đất Bắc: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Tôi nghiệm ra rằng cái âm hưởng rộn rạng nhất của Hà Nội chính là những dòng sông. Ở đó, sông nghiễm nhiên trở thành vai trò của đời sống sinh hoạt thành phố. Có lẽ ngày xưa trong một chức quan rỗi việc, trong một lần từ Nam ghé qua Bắc, Huỳnh Văn Nghệ có lần đã đi dọc triền đê để ngắm những dòng sông. Nhưng đã có mấy ai được ngắm những dòng sông đỏ nặng phù sa dọc thân đê giống như tôi trong buổi sáng mùa thu ấy. Và Hà Nội vẫn là những mái phố lô xô trải dài dưới những tán sấu với khách bộ hành trên vỉa hè. Nghĩa là còn lại Hà Nội một thành phố mang linh hồn của văn hóa.
Hà Nội có thể định nghĩa là một thành phố chỉ hợp với màu cờ. Đó là thành phố giàu có tinh chất Việt Nam nhất nước. Cứ vào mỗi ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, dưới các mái nhà, những lá cờ Tổ quốc bừng lên trong niềm vui đất nước, khiến người ta không thể ngồi yên mà cúi mặt lên trang sách. Bấy giờ Hà Nội vẫn trẻ lắm, cổ kính lắm, vậy mà trong lòng Hà Nội ta vẫn cảm thấy có hơi ấm từ nghìn thu vọng lại. Đã nhiều năm, tôi nhận ra rằng trên mỗi viên gạch, mỗi nét kiến trúc, những cái không còn dấu tét, những người thân yêu đã từng sống ở Hà Nội của tôi đã rời thành phố đi đâu biệt tăm, chắc là họ đã tìm đến một không gian yên tĩnh hơn, ít bị tiếng động làm choáng đầu hơn. Một hôm nhân có việc ghé thăm người bạn cũ vào ban đêm, tôi bắt gặp ánh sáng bừng lên giữa Hồ Gươm - Tháp Rùa như những ngôi sao bay qua bay lại qua những miền ký ức thăm thẳm. Tôi lại nhớ ra rằng đã từ lâu, ở Hà Nội tôi cứ ngẩn ngơ đi tìm đôi mắt người thương, tìm lại bóng dáng những cây xanh ôm lấy cuộc đời để cố lắng nghe "tiếng đời lăn náo nức". Và chính ra những người thân thương, cô người yêu thân mến của tôi đã rời bỏ thành phố thương mến mà đi về nơi chốn bình yên của họ, dưới những miền quê, để lại tôi đứng một mình làm người dưng lang thang cơ nhỡ thế này. Ôi! Tôi muốn làm Từ Thức cưỡi gió rong chơi mà đi khắp thành phố tinh khôi xưa của tôi, thành phố hiền hòa giữa non xanh nước biếc, tỏa rộng linh hồn vô ưu thênh thang trong nhịp sống bề bộn.
Hà Nội, được định nghĩa là người con gái đẹp nhất sông Hồng. Bao người xây bến trên sông, ở vào chỗ xoáy nước của một dòng chảy lịch sử, đã làm nên gương mặt Hà Nội. Từ 67 phường phố đời Trần, từ 36 phố phường đời Nguyễn, mới có Hà Nội ngày nay. Đời nọ nối tiếp đời kia từ giữa những lũy tre xanh nghìn đời, một trung tâm sinh hoạt vui nhất nước mà người ta gọi là chốn kinh kỳ. Sử xanh còn truyền tụng những lời thường nhắc nhớ: đó là nơi đô hội. Nhưng dưới lớp vàng son quê kệch xưa kia Lãn Ông buồn ngao ngán, có cuộc sống làm ăn, lam lũ, nhưng làm ra thứ gì, cuộc sống của lũ lê dân đây còn mãi. Tôi không nhớ trong "Vũ trung Tùy Bút" hay "Tang Thương Ngẫu Lục" Phạm Đình Khổ có kể về Hà Nội ở thế kỷ thứ 19 rằng: thời bấy giờ hễ ai làm ra đồ gì đẹp, người trong cung, trong phủ chỉ việc ra dán vào hai chữ "Phụng thử", nghĩa là nhân danh vua hay chúa mà đường hoàng lấy đi. Hà Nội ngày xưa là thế. Cho đến hôm nay, khi Hà Nội vượt qua binh đao, thử hỏi Hà Hội của thế kỷ 20 có khác gì những thế kỷ trước". Có khác chăng là thay thế một đời sống phong kiến xưa là những kẻ thấp cổ bé bọng. Và cùng với chế độ cũ, đồng tiền lên ngôi thượng đế.
Nhưng Hà Nội của chúng ta chẳng bao giờ chịu cúi đầu, khuất phục. Bao nhiêu triều đại trâm anh thế phiệt đều có sự xô lệch của người dân Hà Nội. Những người vua quan nhà Nguyễn kiêng kỵ nhất đất này. Tây vào, nó chiếm thành Hà Nội phát lên ngay lời ca "Chính khí". Từ tổng đốc Hoàng Diệu đến Hoàng Văn Thụ, Hà Nội luôn bừng lên khí sôi nổi. Có một chi bộ Đảng đầu tiên ở phố Hàm Long, có những cuộc đấu tranh thợ thuyền hồi vùng lên Mặt trận Dân chủ, mới có ngày khởi nghĩa tháng Tám oai hùng. Toàn quốc kháng chiến mở đầu bằng thiên hùng ca Hà Nội. Chính trung đoàn Thủ đô, con em Hà Nội, đã trở về giải phóng Hà Nội. Chất cách mạng, chất chiến đấu, chất công nhân đó cắt nghĩa tại sao Hà Nội hòa nhanh vào cuộc đời mới.
Bây giờ đã qua lâu rồi, nhưng nhớ lại cảnh ế người, ế việc thời cũ, bao nhiêu sức tươi của lao động bị ném ra ngoài cuộc đời, bao nhiêu mồ hôi và máu bị cướp giật, bao nhiêu năng lực và thông minh từng phút, từng giờ không phung phí mới thấy tất cả biến đổi phải nói là diệu kỳ. Mấy chục năm, chủ nghĩa xã hội đã giải phóng một lần thứ hai cho Hà Nội. Cuộc đời còn phải có thời gian mới hoàn toàn là đẹp như là ước muốn. Song Hà Nội đã khác hẳn với nghìn xưa rồi, Hà Nội về mọi mặt không còn cơ sở người bóc lột người, của bất công và áp bức nữa. Chúng ta đã dẹp tan được những thế lực chuyên môn bón rút cuộc đời, làm rối loạn đời sống hạnh phúc, rối loạn lòng người, gây nên nạn ly tao. Hà Nội không còn cái vui như điên ngày xưa cũ nữa, vui đấy mà lo đấy, vui cho ai, mà buồn cho ai. giờ đó là niềm vui chung, đùm bọc lấy nhau ấm áp, vui tự do, vui lao động, vui cộng với bình yên, hợp với cách nghĩ cố hữu của ta về đời sống. Yên vui vì cuộc sống làm ăn sung túc... Thật vĩ đại, cái bình tâm trong sáng hiếm hoi của Hà Nội hôm nay là sự bình thản của những ngày này, sản xuất, cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, có phải đâu mọi sự tự nhiên mà có. Hà Nội xã hội chủ nghĩa mạnh với thế núi hiểm sóng và vinh dự của những người lao động chân chính.
Mọi thứ hạnh phúc ở Hà Nội kéo dài trong nhiều năm tháng thật khó có ở trên đời, hạnh phúc chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Đó là khoảnh khắc mà ta được sống ở Hà Nội, hấp thụ cái khéo ăn khéo nói, cái mềm mỏng trong sự đối phó với cuộc đời, cái sành trong hưởng thụ. Nhưng thuộc tính đó hình như rất gần gũi trong mỗi người Hà Nội. Cái sẽ vĩnh viễn, cái sẽ phát triển không cùng là cái hoa tay Hà Nội. Nét mặt nguyệt gác Khuê Văn, Văn Miếu, do người thợ ở phường Thái Hòa xưa kia đồng điệu sáng tạo, mà đến hôm nay vẫn còn rung động bao tâm hồn. Xưa nay, hàng Hà Nội làm ra vẫn được người trong nước và quốc tế ưa chuộng. Giờ đây, người thợ Hà Nội càng được trọng hơn. Thợ điện, thợ máy nổ ở Hà Nội tỉnh nào đang trên đà phát triển cũng mến mộ. Tỉnh lộ mới Hà Nam đang phất lên có đông người Hà Nội ta tham gia xây dựng. Thợ may, thợ cắt tóc, thợ điện, công nhân nhiều ngành phục vụ của thị xã anh em miền rừng núi, toàn người Hà Nội ta giúp sức. Lạng Sơn, làm ăn phất phát, mời cả một hợp tác xã mộc Hà Nội đến dìu dắt ngành mộc trong tỉnh, đưa tay nghề lên, đáp ứng yêu cầu mới của bà con nông dân đồ mộc kỹ như đồ Hà Nội. Tay cưa, tay bào, tay coi của người thợ Hà Nội vẫn có cái tinh xảo riêng. Người thợ Hà Nội lại rất nhạy bén với cái thích, cái tiện của người dùng, đóng đôi guốc phụ nữ cũng đẹp hơn các tỉnh: đường uốn có nét hoa mỹ mà lại khớp như in vơi gót sen cô thiếu nữ. Vâng, đó chính là những nét văn hóa trác tuyệt mà người ta thường dùng để nói về Hà Nội: “Không thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Những người sống ở Hà Nội đôi khi không thấy hết được Hà Nội thay đổi bằng những người tỉnh xa đến. Những cửa ô Hà Nội ngay nay không chỉ gợi mầu rêu phong và vui tít tít "gánh đồng" như lời bài hát những năm kháng chiến. Các khu Công nghiệp Sài Đồng, Thăng Long, Phú Nghĩa, Thạch Thất, Đại Từ, Nội Bài, Quang Minh, Sóc Sơn ngồn ngột một sức sống mà quả thật là bút của chúng ta khó lòng tả hết. Cả những phố cũ hè xưa, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Lược, Hàng Nón, những nhà hàng phố, cũng bắt đầu ra ăn khởi phát, có của ăn của để. Xe vận tải có lẽ nhiều hơn xe du lịch. Cần trục trở trời cao. Những công trường sánh vai nhau nằm nghỉ. Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ. Lao động, trải bao kiếp người là lời thở than, đã trở thành bài hát vang vang đôi bờ sông Hồng...
Chưa bao giờ và chưa khi nào Hà Nội sống hạnh phúc như bây giờ. Hà Nội tự hào hơn bao giờ hết. Mạch ngầm cuộc sống chân chính của nó đã tuôn trào gọi dậy bao nhiêu khả năng tiềm tàng từ lâu ấp ủ. Hà Nội khỏe hơn bao giờ với lực lượng vĩ đại ngót hại chục vạn tay thợ, một đạo quân lao động hùng hậu mà dần dần nơi nào cũng cần. Người thợ Hà Nội có mặt tuyệt vời của họ. Đó là cái hoa tay của người thợ nặng về sửa chữa, chất thợ dao phát cũng được, rèn, tiện, nguội, gò, món gì cũng thông thạo, nếu không xưa kia làm sao mà kiếm cơm được. Cái tính của họ là chữa máy gì cũng mò ra, cần làm cái gì có mầu cũng lay hoay tìm ra cách làm bằng được.
Nếu gọi Hà Nội là một kinh kỳ mộng mơ, không thể không nói đến Trung tâm Hà Nội đẹp từ nhiều phía. Ngày trước một vẻ đẹp quyến rũ của Hà Nội là son phấn bên ngoài và những tà áo đủ màu phấp pới. Cái đẹp bây giờ chân chính, thanh, duyên, nhanh nhẹnh, tươi vui, xốc vác. Cuộc sống khỏe khoắn làm cho mọi người càng đẹp thêm ra, nhất là lớp người đang lớn. Song điều đáng hãnh diện nhất của phụ nữ Hà thành là ngày nay là cả thành phố trên mấy chục vạn dân, gấp qua hai lần ngày trước, mà chỉ mấy chục nghìn phụ nữ, chủ yếu là các bà, các cụ, hoàn toàn quanh quẩn bếp nước, sống nhờ vào chồng con, chuyên nghề nội trợ. Nhưng bây giờ cái đó hoàn toàn khác, cái khéo, cái kiên nhẫn, cái mềm mại của phụ nữ được đánh giá cao, nay là vốn quý của người Hà Nội. Những nghề dệt kim, dệt thoi, đan len, thêu thùa, làm về hoa quả, làm về dược phẩm, đóng gói, bao bì, biết bao nghề nữa, tay đàn ông nào hơn tay các bà, các chị được. Không nghi ngờ gì nữa chính những đôi bàn tay đó mà họ có thể làm nên những sản phẩm tuyệt kỹ từ cái giản dị, đơn sơ, trong một đời sống lao động nhẫn nại. Hà Nội tồn tại ngàn năm như một ngôi nhà ẩn giật giữa chốn kinh kỳ thời nào cũng đầy những phường danh lợi. Và như trái tim cả nước đầy huyết quản đỏ tươi của một cơ thể có phần ưa những cách sống thảnh thơi, thư nhàn không vọng động...
Đất nước đang lớn lên. Hà Nội đang lớn lên, Hà Nội tròn 1000 năm tuổi của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Trên tấm bản đồ ấy, có một chấm nhỏ ở một góc kinh độ 106 đông và vĩ độ 21 bắc. Chấm đó chính là tên Hà Nội. Nhìn chấm bé tí xíu đó, người ta nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến một dân tộc đang trên đà phát triển, khiêm tốn, cần cù, trung thực trong tình bạn và tình hữu hảo với bạn bè bốn phương sâu nặng. Tôi nghĩ đến lời chào của một người bạn phương xa, Zuhal Saturn, 34 tuổi, nhà báo, người Afghanistan: Tạm biệt Hà Nội! Tạm biệt các bạn Việt Nam thân mến! Tạm biệt những người thân! Tôi gửi lại ở đây cuộc đời tôi và một phần tương lai nhân loại!.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Minh Phúc. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.