Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Ga Long Biên, một phần hồn của người Hà Nội

Nguyễn Ánh Nguyệt 05/03/2024 11:42

Không hiểu sao mỗi khi mệt mỏi nhất, chênh vênh nhất, tôi lại muốn về Hà Nội... Ở góc phố gần ga Long Biên, tôi mua một căn hộ nhỏ, nhỏ lắm, nhưng có một khoảng không gian xanh mướt mát, một ô cửa sổ mở rộng hai cánh, đủ để đón gió sông Hồng và nghe tiếng đoàn tàu vào ga xình xịch...

ga-long-bien-04.jpg
Ga Long Biên đi vào hoạt động từ năm 1902 (ảnh tư liệu)

Căn hộ của tôi chỉ khoảng 24 mét vuông, nằm trên tầng cao nhất của khu chung cư cũ kỹ với những lối đi ngoằn ngoèo sâu hun hút. Tôi sống và làm việc ở Hải Phòng, chỉ về đây vào những ngày cuối tuần hoặc khi thấy cô đơn, trống trải. Căn hộ nhỏ nên bàn ghế, giường tủ và các vật dụng trong nhà đều nhỏ. Tính tôi hoài cổ, ưa những gì cũ kỹ, xa xưa. Trong nhà tôi, đồ vật nào cũng gợi nhớ một thời đã qua, từ bộ bàn ghế tiếp khách tay cong, khay men đựng chén vại rót trà, đến chiếc máy khâu con bướm, tủ chạn bát gỗ, quạt bàn, tivi đen trắng…; ngay cả cánh cửa sổ cũng được sơn màu xanh y hệt màu xanh phổ biến mấy chục năm về trước.

Nằm ngay cửa ngõ Thủ đô nên căn hộ của tôi hướng ra sông Hồng lộng gió. Tôi thích ngồi ở góc ban công nhỏ rợp màu xanh cây cối để ngắm dòng người qua lại, ngắm cây cầu Long Biên cổ kính đang sẫm dần trong cái vàng vọt đến nao lòng mỗi buổi hoàng hôn. Mùa đông, trên cây cầu hơn trăm năm tuổi, các bạn trẻ về đây tìm cảm giác ấm áp bên những bếp than bập bùng ánh lửa, thưởng thức hương vị ngọt ngào của ngô sắn nướng, truyền tay nhau chén trà thơm lừng còn nghi ngút khói, nghe tiếng gió rít bên tai ù ù mà cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bình yên. Trải qua nhiều năm, cầu Long Biên được xem như một chứng nhân lịch sử quan trọng của nhiều giai đoạn; lưu giữ ký ức, lưu giữ một phần hồn của Hà Nội và của người Hà Nội. Mặc những lời khuyên can, mặc những tính toán về giá cả và lời lãi, tôi mua căn hộ này cũng chỉ vì mở cửa sổ ra là gió sông Hồng ùa vào, và hình ảnh cây cầu cổ kính luôn nhắc nhớ một thời đã qua với bao yêu thương, hoài niệm.

Cách khu chung cư của tôi non cây số, có một địa chỉ cổ kính ghi dấu bao hồi ức với người Hà Nội xưa, ấy là ga Long Biên, một nhà ga nhỏ đã có lịch sử hơn trăm năm tuổi đời. Được hình thành từ năm 1902, ga Long Biên là một trong những công trình kiến trúc lâu năm và nằm ở vị trí giao thương nhộn nhịp hàng đầu Hà Nội. Ga có diện tích 500 m2, được đặt trên đỉnh 131 vòm đá hộc. Cổng chính của nhà ga quay về lối xuống cầu Long Biên phía quận Hoàn Kiếm, cổng phụ là một cầu thang 23 bậc được xây bằng đá xẻ. Không hiểu sao mỗi lần đi tàu lên Hà Nội hoặc trở về Hải Phòng, tôi không bao giờ đi cửa chính mà chỉ thích đếm từng bước, từng bước trên những bậc cầu thang phủ đầy rêu phong thời gian. Đứng ở đây, ở bậc thang thứ 23 nhìn xuống phố Gầm Cầu, phố Hàng Khoai, ngắm người dân hối hả mua bán, đi lại, tôi bỗng thấy dạt dào cảm xúc yêu Hà Nội và gắn bó với Hà Nội đến lạ kỳ.

Hà Nội thực sự trở thành một thành phố hiện đại mang yếu tố công nghiệp chính là nhờ sự có mặt của hệ thống nhà ga - đường sắt. Tuyến đường sắt được hoàn thành cùng cây cầu Long Biên xuyên qua thành phố đã góp phần biến đổi diện mạo cảnh quan đô thị thủ đô. Mỗi ngày có nhiều chuyến tàu qua ga Long Biên, ấy là những chuyến tàu đi Hải Phòng và nhà ga các tỉnh phía Bắc. Tôi thích cảm giác ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, nhấp ngụm cà phê sữa nóng, lắng nghe tiếng còi tu tu báo hiệu tàu đã vào ga và tiếng bánh xe lăn trên đường ray xình xịch. Tôi tự hỏi, trong số hàng trăm người theo tàu về thủ đô, ai đi công tác, ai muốn vãn cảnh, ai tới thăm bạn bè, ai vào viện khám bệnh… Mỗi người đến và rời Hà Nội đều mang một tâm trạng, một hoàn cảnh khác nhau. Cửa ngõ thành phố vốn đã tấp nập bán mua, lại càng náo nhiệt, ồn ã hơn sau mỗi chuyến tàu về.

“Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ/Tôi vội vã trở về lấy cho mình/Dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen/Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…”. Tôi cũng thế, sau những vất vả bon chen, tôi lại về đây, đứng trên 23 bậc cầu thang của lối lên tàu, ngắm phố phường Hà Nội, nghe tim mình rưng rưng trong nước hồ thu…

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Ánh Nguyệt. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hương vị bún riêu Hà thành của mẹ
    Tại mẹ mà tôi trở thành người rất khó tính khi nói đến bún riêu chuẩn vị Hà Nội. Cũng tại mẹ mà tôi yêu ẩm thực quê hương mình đến vậy.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • [Podcast] Chùa Trấn Quốc – Cổ tự ngàn năm tuổi bên Hồ Tây
    Chùa Trấn Quốc - danh thắng nổi tiếng, gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long thời Lý và thời Trần với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, một điểm đến thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan trong và ngoài nước.
  • [Podcast] Về giữa mùa thu cách mạng
    Phương hay ngồi cạnh cửa sổ hát mấy ca khúc cách mạng, những bài hát mà người ta hay gọi là “nhạc đỏ”, “nhạc tiền chiến”. Đó là những lúc bé Ly đã ngủ say. Còn lúc nào Ly đang học bài mà nghe thấy Phương hát, bé hồ hởi khen, đúng kiểu “mẹ hát con khen hay”...
  • Thời tiết Hà Nội đêm và sáng trời rét, ngày nắng
    Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong ít ngày đầu tháng 12, Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì hình thái thời tiết rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng. Từ 5/12 có thể đón đợt mưa rét diện rộng.
  • Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
    Sáng nay (1/12), tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Đừng bỏ lỡ
Ga Long Biên, một phần hồn của người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO