Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hương vị bún riêu Hà thành của mẹ

Nguyễn Trà My 26/02/2024 15:31

Tại mẹ mà tôi trở thành người rất khó tính khi nói đến bún riêu chuẩn vị Hà Nội. Cũng tại mẹ mà tôi yêu ẩm thực quê hương mình đến vậy.

bb.jpg
Trước khi bát bún được bê ra, hương thơm ngọt dịu đã đến trước. (ảnh: internet)

Tôi mới có một phát hiện "vĩ đại" - phát hiện khiến tôi vô cùng phấn khích. Trong một lần lang thang gần công ty tìm quán ăn trưa, bước chân và chiếc bụng đói đã đưa tôi đến một con ngõ nhỏ, bên trong có một quán ăn mới khai trương tên là Bún Diêu*. 6Cái tên thật kỳ lạ! Với người làm nghề viết như tôi, cái tên cố tình sai chính tả này tạo nên một sự khó chịu nhẹ. Tuy nhiên, vì quá đói, tôi không nghĩ nhiều về tên quán nữa, tôi gọi vội một suất "Bún riêu chuẩn Hà thành".

Trước khi bát bún được bê ra, hương thơm ngọt dịu đã đến trước. Mùi hương thật quen thuộc. Khi bát bún riêu được đặt trước mặt tôi, tôi lập tức rút điện thoại ra chụp ảnh. Bát bún riêu trông thật bắt mắt với đậu, giò, chả lá lốt, riêu cua, thịt bò, hành khô và hành hoa. Tôi cho một chút giấm tỏi và ớt tươi, đảo đều và tận hưởng mùi thơm nức mũi. Tuyến nước bọt của tôi bắt đầu hoạt động. Khi ăn miếng bún đầu tiên, tôi nhận ra: Bát bún này có hương vị y hệt bún riêu mẹ tôi nấu

1.jpg
Bát bún riêu có hương vị y hệt bún riêu mẹ tôi nấu.

Bún riêu chuẩn vị Hà thành

Mẹ tôi sinh ra ở Hà Nội, là chị gái cả trong một gia đình 10 người con. Bà được giao nhiệm vụ nấu ăn, chăm sóc các em ngay từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi thành thạo bộ môn này đến thế. Tôi sẽ không khen mẹ tôi nấu ăn ngon trong bài viết này, nhưng thực tế là các cô dì chú bác trong nhà tôi (thậm chí là bạn bè tôi) đều gật gù khi ăn những món mẹ tôi nấu. Bố tôi, một người không hề dễ tính trong ăn uống và cũng là một người giỏi bếp núc, đã nhiều lần ngả mũ trước mẹ tôi vì không thể bắt chước bà.

Đặc biệt với món bún riêu, dù đã nhiều lần thử, bố tôi vẫn chưa bao giờ thành công. Nước dùng bà pha có vị ngọt chua tự nhiên. Hành khô bà phi có kết cấu giòn nhưng lại tan trong miệng. Miếng đậu bà rán vàng ươm như ánh nắng nhưng bên trong thì mềm mại trắng ngần. Thịt bò bà ướp nhẹ, trần tái, khiến cho miếng thịt vẫn giữ được độ tươi và mềm. Đặc biệt, bà tự tay làm cua, giã cua để làm riêu - phần quan trọng nhất của món ăn. Khi chị gái tôi hỏi tại sao bà không mua sẵn riêu cua cho đỡ vất vả, bà không trả lời. Bà cho rằng tự làm là lẽ đương nhiên.

Không chỉ bún riêu, mẹ tôi còn rất hay nấu những món bún đặc trưng khác của Hà Nội vào cuối tuần, lễ tết. Từ bún mọc, bún ngan, bún nem đến bún chả, bún thang... không có món nào có thể làm khó bà. Các công thức nấu ăn như thể có sẵn trong 10 ngón tay khéo léo, và cũng như vân tay, chúng độc quyền thuộc về bà, không ai có thể sao chép.

2..jpg
Bún nem - một trong những món ngon Hà thành mà mẹ tôi rất thích nấu.

Trong nhiều lần nấu nướng cùng nhau, mẹ tôi vô tình (hoặc cố ý) chia sẻ bí quyết nấu bún riêu chuẩn vị Hà thành cho tôi. Thế nhưng, trong hầu hết các lần, tôi không thực sự để tâm và ghi nhớ. Tôi đã nghĩ: "Có mẹ nấu cho mình rồi, sao mà phải lo?".

Công cuộc tìm kiếm

Lớn lên, tôi ở ngoài nhiều hơn ở nhà. Không biết có phải do ăn bún của mẹ từ bé hay không mà tôi có thói quen ăn bún vào buổi sáng. Trước khi đi làm, việc đầu tiên tôi làm là ghé vào một quán bún, húp xì xụp hơi ấm của món ngon rồi mới lên đường tiếp tục hành trình. Nhờ thói quen này, tôi có một danh sách dài những quán bún ngon gần “địa bàn” của mình.

Gần nhà tôi có một quán bún đậu mắm tôm cực kỳ nổi tiếng. Trưa trưa, người dân lại xếp hàng để được thưởng thức đặc sản đậm đà này với giá phải chăng. Hay ở công ty cũ của tôi, có một quán bún mọc chỉ có bốn bàn và 16 ghế nhưng hiếm khi nào thấy ghế trống vào giờ trưa. Gần chỗ tôi làm hiện tại, dù có hai quán bún ốc và bún thang nằm cạnh nhau nhưng cả hai hầu như đều kín chỗ giờ cao điểm. Nhờ có mẹ, đam mê với ẩm thực Hà Nội, đặc biệt là các món bún, đã dần lớn lên trong tôi.

Thế nhưng, sau nhiều năm, tôi vẫn chưa tìm được quán bún riêu ngon vừa ý. Dù thường xuyên lang thang phố cổ và các khu vực trên cung đường đi làm nhưng công cuộc ấy vẫn chưa có kết quả. Mỗi khi thèm bún riêu, tôi vẫn giữ thói quen gọi điện: "Mẹ ơi, cuối tuần này mẹ nấu bún riêu nhé". Mẹ chưa bao giờ từ chối.

image.png
Bún riêu cua mẹ tôi nấu.

Xa là nhớ

Thời gian trôi qua, đến một ngày tôi không ở với mẹ nữa. Tôi đi lấy chồng. Tôi vui trong đám cưới của mình, nhưng cũng buồn vì nhận ra sẽ không được ăn cơm mẹ nấu hằng ngày nữa. Sống xa mẹ có nghĩa là mỗi khi thèm bún riêu, tôi không thể nhấc máy lên và nhờ mẹ nữa. Tôi sẽ phải tự nấu hoặc ra ngoài quán ăn. Viễn cảnh đầu tiên không thể xảy ra vì tôi chưa bao giờ biết nấu bún riêu. Tôi hối hận vì đã không học mẹ.

Ở viễn cảnh thứ hai, mọi chuyện cũng không đơn giản. Sau hơn hai chục năm ăn bún riêu cua của mẹ, tôi đã trở thành một ‘bún riêu reviewer’ vô cùng khó tính. Ngay gần nhà chồng tôi có một quán bún và bánh đa cua khá đông khách, nhưng với tôi, nước dùng quá mặn, vị cua quá nhạt. Đi xa thêm một chút (khoảng 10 phút đi xe máy), tôi có thể đến được một quán bún riêu nổi tiếng phố cổ. Tại đây, nước dùng hơi chua, đậu thì rán đi rán lại đến rỗng cả ruột. Căng tin công ty hiện tại của tôi là nơi có bún riêu sát vị bún của mẹ nhất, nhưng cũng chỉ được 80%. Tôi thường xuyên ăn ở đó vì tiện lợi, còn thực tâm, tôi vẫn khao khát được ăn bát bún riêu thơm mùi cua, nước dùng ngọt thanh, chua nhẹ, miếng đậu rán vừa đủ giòn vỏ ngoài kèm với những miếng thịt bò mềm ửng hồng. Tôi hối hận vì đã không học mẹ.

Hương vị kết nối gia đình

Thế rồi, tôi có một ý tưởng - một giải pháp có thể giúp tôi được gặp mẹ nhiều hơn, được ăn món ngon của mẹ thường xuyên hơn. Tôi thì thầm với chồng và anh ấy nhất trí. Mẹ tôi thì còn hơn cả nhất trí. Với mẹ, được nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp cho con cái là điều hạnh phúc - một định nghĩa có thể hơi khác lạ với nhiều người. Thế nhưng với tôi, từ những hành động ấy của mẹ, tôi thấy được một hình ảnh người phụ nữ Hà Nội xưa - đảm đang, tháo vát, dịu dàng, chăm chỉ và chu đáo.

Giờ đây, thứ 6 nào vợ chồng tôi cũng về thăm người phụ nữ chuẩn Hà thành ấy, “ăn chực” một bữa tối ấm cúng với bà và bố tôi. Chỉ mới thứ 5, mẹ tôi đã gọi điện và hỏi: “Mai con thích ăn gì để mẹ mua?”. Hầu hết các lần, tôi muốn trả lời “Bún riêu”, nhưng vì nhiều lý do nên tôi đã đưa ra nhiều câu trả lời đa dạng hơn. Lý do thứ nhất, dù rất thích bún riêu nhưng tôi hiểu đó là sở thích cá nhân, tôi không nỡ để chồng tôi và bố tôi ăn món đó quá nhiều. Thứ hai, vì đã có “Bún Diêu” trong danh sách của mình rồi, tôi có thể luân phiên vừa ăn ở quán, vừa ăn ở nhà với mẹ. Cuối cùng và quan trọng nhất, khi đi lấy chồng rồi, tôi mới hiểu ra rằng: Chỉ cần có thời gian ở bên mẹ thì cho dù bà nấu món gì tôi cũng thấy hạnh phúc.

Tôi muốn cảm ơn mẹ rất nhiều vì đã truyền cho tôi tình yêu với tinh hoa của những sợi bún, cảm ơn Hà Nội đã luôn chiều chuộng tôi với những món ăn ngon xoa dịu tâm hồn!

*Tên quán đã được thay đổi.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Trà My. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Văn Miếu ngày Nguyên tiêu
    Người yêu thơ ai cũng mong mỏi cho nhanh đến ngày Tết Nguyên tiêu để gặp gỡ bạn bè cùng sở thích, cùng lòng đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tôi tha thiết mong đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tổ chức Ngày Thơ để nghe thơ, chiêm ngưỡng những câu thơ tài hoa bay lên bầu trời thơ ngợp trong khí xuân mát lành.
(0) Bình luận
  • Hà Nội dấu ấn trong lòng tôi
    Với một người lần đầu đặt chân đến Hà Nội, Thủ đô Hà Nội là những khu phố cổ kính, trầm mặc rêu phong, là những con đường nhỏ nhỏ xuôi ngược dòng người, những ánh đèn lung linh về đêm… Tôi vội vàng hòa vào dòng người để khám phá vẻ đẹp của thành phố được mệnh danh là “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “trái tim của cả nước”.
  • Nương theo hương lụa
    Nếu ai từng đặt chân đến làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) hẳn sẽ được đắm mình trong những thớ vải, vóc lụa đẹp đến nao lòng. Chẳng thế mà lụa nơi đây từng được người Pháp ca ngợi là “Đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”, là thứ sản vật tiến Vua quý giá. Xuân về, trong cảnh sắc giao hòa của đất, của người tôi như thấy được những sắc lụa bừng sáng, hương lụa nghìn năm như ngọn gió lành ngan ngát bay xa.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
  • Hà Nội, vừa xa đã nhớ
    Tôi muốn xa Hà Nội thực hiện một chuyến đi dài ngày ngoài dải đất hình chữ S để khám phá những miền đất mới. Điều mong ước cháy bỏng đó đã trở thành hiện thực sau khi tôi xin được visa thăm người thân tại châu Âu.
  • Khoảng lặng với sen Hồ Tây
    Sáng sớm mùa hè, tôi đi bộ dọc bờ Hồ Tây để thuê một chiếc xe đạp dạo quanh hồ như lời hẹn của chuyến đi trước. Tôi lạc bước đến đầm sen Hồ Tây. Ngay khoảnh khắc ấy, sen gieo một nốt lặng thương nhớ vào lòng tôi.
  • "Giấc mơ Hà Nội" của những đứa trẻ miền quê
    Năm lớp 2, lần đầu tiên mình được ra Hà Nội một tuần dịp nghỉ hè, được người nhà dẫn đi thăm Lăng Bác, thăm Chùa Một Cột, công viên Thủ Lệ, ăn kem Tràng Tiền... tất cả đều là trải nghiệm mới lạ đầy thích thú. Từ đó, mình luôn ao ước lớn thật nhanh để “đi Hà Nội”, để trải nghiệm tất cả những điều thú vị ở Thủ đô.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hương vị bún riêu Hà thành của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO