Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội và tôi - một tình yêu trọn vẹn

Vũ Thị Thảo 10:56 06/02/2024

Hà Nội chính là tri kỷ khi cùng tôi đi qua những năm tháng thanh xuân vừa vô tư vừa dữ dội, là người thầy dạy cho tôi bài học về cách sống, cách ta kiêu hãnh bước qua mọi khó khăn với trái tim dịu dàng, nhân hậu.

rp66uymk.png
Những người tôi đã gặp đều thanh lịch, bản lĩnh, trọng tình nghĩa, dù cuộc sống có khắc nghiệt vẫn giữ nguyên một tâm tình hiền hòa, nhân hậu để đối đãi với cuộc đời... (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

Lúc còn là cô học sinh cấp ba, Hà Nội trong trí tưởng tượng của tôi là thị thành sầm uất với các tòa nhà cao vút, những con phố hiện đại, nơi có cuộc sống giàu có, dễ chịu. Nhưng khi đã gắn bó cùng Hà Nội mười lăm năm tôi mới nhận ra đằng sau vẻ hào nhoáng của Hà Nội còn có những góc khuất không phải ai cũng thấy.

Năm 2008, tôi chân ướt chân ráo lên Hà Nội học đại học và trọ ở đường Khương Đình. Cô chú chủ nhà có vẻ ngoài kiệm lời nhưng thương người. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi nộp tiền thường được cô bớt cho tiền phòng hoặc cho thêm đồ ăn, phích nước. Cô chú lấy nhau khi tuổi tác đã cao, mọi người đoán vì thế mà con trai thứ hai của cô chú có những biểu hiện khác thường. Em mười tuổi, hay la hét, đập đầu vào tường, ném vỡ đồ đạc hoặc nghịch những trò không ai tưởng tượng nổi.

Có lần cả xóm được phen hốt hoảng vì em ấy châm lửa đốt bếp. Chú không tập trung vào đồ thiệt hại sau đám cháy mà quáng quàng kiểm tra khắp một lượt người đứa con nghịch dại xem có vết thương nào không. Cô bê ra hộp y tế đủ các loại thuốc rồi tìm khăn rửa mặt cho con, gương mặt bình lặng. Sau này tôi mới lý giải được ánh mắt cô lúc đó. Mặt sông yên ả không có nghĩa đáy sông không có sóng, cô giữ lại những buồn đau cho riêng mình, nhẫn nại chăm con bệnh tật mà không oán trách. Một người dù mang nhiều niềm riêng không trọn vẹn như cô vẫn có thể dịu dàng với cuộc đời khi nghĩ đến những khó khổ của người đi trọ đã tác động đến tôi rất lớn, neo lại trong tôi hình mẫu về một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, yêu thương cuộc đời. Sau này nhà cô chú xảy ra vài việc nên phá bỏ khu nhà trọ, tôi mới chuyển đi nơi khác mà lòng còn lưu luyến mãi không thôi.

Phòng trọ thứ hai tôi ở nằm trong con ngõ trên đường Nguyễn Trãi, nơi sinh sống chủ yếu của những người là công nhân nhà máy cơ khí số 1 cũ. Nhà ông bà chủ rất nghèo, phòng trọ của tôi là cái kho chứa củi được ông bà cải tạo cho thuê để có thêm đồng ra đồng vào. Những lần sang nộp tiền phòng, tôi nhìn thấy mâm cơm đạm bạc của ông bà chỉ lèo tèo vài miếng đậu và đĩa rau, hai ông bà thong thả và cơm ăn trong ánh đèn leo lét, bên trong tiếng chó sủa ầm ĩ. Nhà của ông bà vốn không rộng, lại ngăn hai phần ba cho cháu mình ở học đại học, phần còn lại bé tí tẹo là chỗ ở của hai ông bà và đàn chó con lúc nhúc.

Bà là con cả của một gia đình đông con, tuổi thơ gian khó, tuổi trẻ kiếm tiền nuôi các em rồi lại trả nợ cho gia đình, đến khi ngoảnh lại thanh xuân đã bỏ đi, chỉ còn lại bản thân trong hình hài người con gái quá lứa nhỡ thì. Bà và ông cùng là công nhân của nhà máy cơ khí số 1 cũ, hai con người nghèo khổ bươn chải ở thị thành nhiều khó khăn, cứ từ những bữa cơm nấu chung, những trận ốm liệt giường mà xích lại nhau, dần dà thành chung nhà.

Trước cửa nhà ông bà là một khoảng sân tí tẹo, đủ cho ông bà bắc một cái bếp kiềng nấu cơm, bên cạnh là cái vòi nước với cái thau đã bạc màu, bong tróc hết cả bề mặt. Ông bà ngồi cạnh nhau, một người lặng lẽ nhặt rau, người kia chậm chạp nhóm bếp. Trên bức tường treo chiếc lồng gà, bên trong con gà kêu quang quác vì vừa đẻ xong quả trứng. Mắt nó dáo dác nhìn mọi thứ qua cái lỗ lồng bé tẹo. Nó là con gà bà được người quen từ quê lên biếu sau trận bà ốm thập tử nhất sinh, nhưng nó không được cho vào nồi như ý của người biếu. Bà bảo nhà nghèo phải nhìn xa hơn, con gà đem thịt ngay thì lãng phí. Bà kêu ông treo cái lồng gà lên bức tường, nuôi nó thời gian đến khi nào nó hết trứng mới thịt.

Năm 2011 là một năm khó khăn với người dân cả nước khi trải qua mùa đông khắc nghiệt. Đợt giá rét kéo dài khiến hơn năm mươi nghìn trâu, bò, ngựa, dê của các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ chết, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiệt độ thấp nhất miền Bắc có đợt xấp xỉ 4 độ, chăn nuôi điêu đứng, trồng trọt khó khăn. Người dân co ro trong cái từng đợt rét đậm rét hại, oằn mình trong gánh nặng mưu sinh. Đó cũng là thời gian tôi theo chân ông bà đi chợ, sau nhiều lần bà rủ.

Ông đi trước với đòn gánh trên vai, tôi và bà chậm chạp đi sau. Lúc đó mới bốn rưỡi sáng nên trời còn tối đen, dưới ánh đèn vàng, bóng ba người đổ dài trên con đường dẫn ra chợ Ngã tư sở. Những cơn gió lạnh từ sông Tô Lịch dồn dập thổi vào, tôi co ro trong cái áo khoác còn ông bà bà tỏ ra thản nhiên vì đã quen với phiên chợ sớm trong thời tiết giá lạnh.

Chợ họp ngay đầu đường Láng Hạ. Người mua ở đây không đông như những phiên chợ ban ngày nhưng người nào người nấy đến mua đều chất đầy xe những bao rau, túi cá, thịt đủ các loại. Họ là những người mua buôn để bán lại ở các ngõ ngách hoặc là chủ của những nhà hàng, quán cơm bình dân.

Ông và bà từ tốn đi đi lại lại khắp một lượt rồi cắm cúi nhặt những lá bắp cải già chất thành từng đống trên vỉa hè, cả những củ xu hào sứt sẹo, những củ cải hình hài kỳ dị người bán đã vứt cũng được ông bà cho vào bao với sự trân quý. Tôi đang ngơ ngác chưa kịp hiểu thì bà quay ra giục tôi nhặt nhanh không trời sáng là xe cộ đi nhiều không nhặt được. Những đồ bỏ đi ấy chính là rau củ giúp ông bà no bụng trong thời buổi rét mướt, rau dưa đắt đỏ này.

Đến khi ba người nhặt đầy hai cái bao, ông buộc chặt miệng treo lên hai đòn gánh, còn bà lân la đến quán bán thịt gà. Người bán hàng rất tự nhiên thu vén toàn bộ phao câu vào túi đưa bà, rồi không kiểm lại chỗ tiền bà đưa, cất luôn vào túi. Hai bà cháu lễ mễ xách những túi phao câu về đến nhà thì trời bắt đầu sáng. Tôi thở hổn hển, ngồi một góc xem bà làm việc.

Trước đây mỗi lần ăn thịt gà, tôi lại ngạc nhiên khi mẹ nhắc câu: nhất phao câu, nhì đầu cánh. Giờ đây sau những va vấp tôi mới hiểu sâu sắc điều đó. Phần phao câu gà nhiều mỡ có thể vô nghĩa với những người hiện đại thừa cân, giữ dáng nhưng là cứu cánh cho cuộc sống của những người còn thiếu thốn.

Chiếc bếp kiềng cũ kỹ này đã không biết bao lần chứng kiến ông bà rán mỡ gà bằng những chảo phao câu ú ụ. Từng giọt mỡ gà quý giá đó sẽ được để nguội, rót vào từng chai nhựa to nhỏ đủ kích cỡ rồi theo ông trên những chuyến xe buýt, về Bắc Ninh cho mọi người ở quê dùng, những chai bé nhất sẽ ở lại chăm chút những bữa cơm đạm bạc của chính ông bà trên Hà Nội. Để những chai mỡ gà không hỏng, bà đã cẩn thận rắc vào đó dúm muối hạt, bà bảo đó là bí quyết cho những chai mỡ gà để lâu vẫn thơm ngon. Những chai mỡ gà đã nâng đỡ bữa cơm rau dưa của hai ông bà bao năm, còn trở thành những món quà biếu của bà với những người họ hàng nghèo khổ khác. Tôi nghĩ ông bà không chỉ cho đi những chai mỡ gà, mà ông bà đã cho đi tình cảm chân thành nhất, xuất phát từ sự ấm áp của ông bà, cả những khát khao vươn lên khỏi nghèo đói của hai cuộc đời khó khổ.

Có những đêm tôi nằm thao thức mãi không sao ngủ được. Trên chiếc giường ấm áp, tôi nghiêng người lắng nghe tiếng mưa rơi lách tách trên mái hiên, tiếng gió rít từng cơn qua khe cửa và chờ đợi tiếng lạch cạch mở cổng của ông bà, đó là lúc ông bà đi nhặt rác về. Đêm nào nhặt được ít chai lọ quá, ông bà sẽ đi đến gần sáng và trở về trong bộ quần áo đẫm sương đêm, môi tím tái, hai bàn tay lạnh ngắt.

Ông bà sống rất tình cảm, đồng tiền kiếm ra dẫu khó nhọc ông bà vẫn không ngần ngại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Có lúc tôi gặp bà ở quán tạp hóa, bà ngồi đếm lại từng tờ tiền lẻ để mua bao gạo rồi lại đem đến nhà cô Dung gần đó. Nhà cô Dung hay ốm yếu, các con thì nheo nhóc nên bà rất thương, thỉnh thoảng có món gì ngon ngon bà đều mang biếu nhà cô một nửa. Mấy đứa con của cô lần nào thấy ông bà gọi cửa đều reo hò ầm ĩ vì biết ông bà sang cho đồ.

Với tôi, Hà Nội không chỉ đẹp bởi những con đường lá đổ, góc phố cổ rêu phong, những địa danh thơ mộng, Hà Nội còn đẹp ở nỗi niềm rất riêng của mình qua mỗi người lao động nơi đây. Chính khao khát vươn lên giữa cuộc sống còn nhiều thiếu thốn của họ, cách họ đối nhân xử thế thấm đẫm tình người đã để lại trong tôi tình cảm sâu đậm với Hà Nội. Những người tôi đã gặp đều thanh lịch, bản lĩnh, trọng tình nghĩa, dù cuộc sống có khắc nghiệt vẫn giữ nguyên một tâm tình hiền hòa, nhân hậu để đối đãi với cuộc đời. Những con người tuyệt vời ấy đã đều trở thành những hồi ức đẹp trong tôi, khiến tôi trưởng thành về suy nghĩ, lớn lên về tâm hồn. Tôi nhận ra mình đã trở thành một phần máu thịt của Hà Nội khi không nỡ rời đi dù chỉ là thời gian ngắn ngủi.

Cảm ơn Hà Nội vì đã xuất hiện trong thanh xuân của tôi, một thanh xuân vừa hồn nhiên vừa dữ dội, cho tôi được gặp, được sống bên những con người đầy bản lĩnh, giàu tình yêu thương như vậy. Tôi sẽ đáp lại tấm lòng của Hà Nội bằng chính những năm tháng sống có ý nghĩa nơi đây; như thế cả tôi và Hà Nội đều đã dành cho nhau một tình yêu tròn vẹn./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Thị Thảo. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Những người gieo hạt âm thầm
    Tôi đến Thành ủy Hà Nội học lớp Bồi dưỡng đảng viên mới K48 khi đất trời Hà Nội đã sang thu, khắp phố phường vương đầy hoa sữa. Vượt qua chặng đường ùn tắc và khét lẹt khói bụi, tôi đi học với tâm thế của một cô học trò nhỏ dại đến từ Trường Đại học Dược Hà Nội, vừa hồi hộp vừa vui sướng vì mình có cơ hội học để tâm hồn được lớn lên. Tôi không biết rằng lớp học ấy sẽ thay đổi tôi rất nhiều, từ nhận thức đến hành động, giúp tôi nhận ra chính mình trong tình yêu quê hương đất nước thiết tha.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội và tôi - một tình yêu trọn vẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO