Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Lãng mạn đêm Hà Nội cuối thu

Vũ Thị Minh Huyền 12:02 16/01/2024

Hà Nội vào thu đẹp và lãng mạn vô cùng. Ban ngày ồn ào và náo nhiệt bắt đầu từ buổi sáng cho tới khi phố đã tắt đèn. Đêm về như một bức tranh được vẽ bởi những con đường loang loáng ánh đèn, những ngôi nhà ngủ yên trong bóng tối và lác đác trên phố những bóng người vất vả mưu sinh. Những khoảng ánh sáng, tối không đều nhau trên đường phố tạo một cảm giác lãng mạn và vô cùng yên bình. Hà Nội về đêm đường phố không có cảnh tắc đường, chen lấn hay tiếng còi xe. Lúc này mọi hoạt động đều dừng lại, một Hà Nội thật khác lạ thật sự bắt đầu.

vmsinag5.png
Ảnh: internet

Nếu ban ngày bạn chưa kịp nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn thì ban đêm bạn sẽ được ngắm nhìn thỏa thích. Những con phố tuy chật hẹp nhưng lại mang đậm “cái hồn của Hà Nội”. Và khi đêm về, là lúc bạn có thể tận hưởng và cảm nhận trọn vẹn nhất.

Hà Nội đêm cuối thu là những hàng cây lặng im dưới ánh đèn đường như những giọt nắng của đêm, tạo vẻ đẹp nên thơ cho một góc phố. Đâu đó là những chị công nhân môi trường dọn vệ sinh góp phần cho phố phường xanh, sạch, đẹp. Hay tiếng nhạc không lời phát ra từ những quán cà phê nghe da diết, cồn cào nỗi nhớ, nỗi cô đơn. Nhìn từ các tòa nhà chung cư xuống lung linh kỳ ảo bởi ánh sáng nhiều màu sắc của hàng triệu ngọn đèn. Trong màn sương tĩnh mịch, Hà Nội tĩnh lặng như một thiếu nữ bên cửa sổ, mắt nhìn xa xăm đầy mộng mơ, tay mơn man khung cửa một cách vô thức, lòng nặng trĩu những ưu tư chẳng thể nói lên lời. Từ những con đường rợp bóng cây xanh đến quán cà phê ven đường xinh xắn, từ những mùa hoa lãng mạn đến lối hẹn thơ mộng thổi vào lòng người dạ khúc hân hoan để tất cả mảnh ghép ấy trở thành một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo không gì sánh được. Đường phố vắng vẻ, hai hàng cây im lìm, ánh đèn đường trầm buồn cùng với dáng vẻ cô liêu của người bán hàng rong gợi cho ta một cảm giác trầm mặc, cô tịch. Một Hà Nội sao bình yên đến thế! Hà Nội như khoác lên mình vẻ trầm tư, nhẹ nhàng, xưa cũ nhưng vẫn có những hình ảnh chân thực của một góc cuộc sống vẫn bận rộn mưu sinh. Chỉ có tiếng của gió thu nắm tay hương hoa sữa hẹn hò dạo chơi len lỏi khắp các ngõ ngách con hẻm sâu hun hút, khắp các phố phường cổ kính. Vào thời khắc nửa đêm, bỏ lại đằng sau cái ngột ngạt, xô bồ của ngày thường... Buông mình trôi vào không gian lung linh, huyền ảo dưới ánh đèn vàng và màn sương mỏng manh, bạn sẽ thấy đời thong thả, đáng sống...

Hà Nội đêm cuối thu, hương hoa sữa nồng nàn, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu, mùi thơm của cốm đem lại một cảm giác thư thái và bình yên. Từ trong cơn gió thoảng qua, mang theo cả mùi hoa sữa ngào ngạt, nhẹ nhàng. Hoa sữa tinh khôi cho làn hương dìu dịu, hương hoa sữa tỏa ra từ trên nhành cây đi qua đêm thu khiến lòng người nao nao. Có thể cảm thấy như hương mùa thu đậu trên vai áo, lùa vào trong tóc, len lỏi, vấn vương… Trong cảm xúc cùng mùa thu ấy, người ta khát khao được chia sẻ, yêu thương; khát khao kiếm tìm hạnh phúc.

Hà Nội đêm cuối thu cũng rất bao dung như muốn ôm gọn những mảnh sống mưu sinh vào lòng, chở che cho những người trong đêm không ngủ. Đêm nào bỗng nhiên khó ngủ, bạn hãy thử hòa mình vào Hà Nội với cuộc sống về đêm, để đong đầy hơn những cảm xúc, để quên đi cuộc sống bộn bề xung quanh. Có một điều khá thú vị là trong đêm Hà Nội sẽ còn được nghe văng vẳng những tiếng rao. “Bánh mì nóng đây…”; “Khoai lang nóng đây...”, “Ngô nóng đây”, “Ai xôi nào, ai xôi đi…” Tiếng rao phát ra từ cái loa của cô bán hàng gắn ở phía trước cái xe đạp cũ lúc nửa đêm nghe lanh lảnh dội vào tai. Nó là âm thanh quen thuộc của phố phường Hà Nội. Tiếng rao ấy bốn mùa vang lên khắp ngóc ngách, là âm thanh của cuộc sống mưu sinh giữa lòng thủ đô. Suốt 4 năm sinh viên ở trong ký túc xá Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc Gia Hà Nội, chúng tôi thức đêm học bài thì đêm nào cũng nghe thấy tiếng rao ấy. Nhiều khi chúng tôi đói bụng chỉ chờ nghe thấy tiếng rao là chạy ra lan can gọi họ dừng lại, đặt tiền vào trong xô nhựa và thả xô nhựa từ trên tầng 3 xuống tầng 1 để mua đồ ăn đêm. Những tiếng rao đêm ấy đã gắn bó với cả thời sinh viên của chúng tôi và trở thành những kỷ niệm suốt đời không thể nào quên.

Nếu muốn cảm nhận sâu hơn về Hà Nội, chỉ cần chờ khi màn đêm buông xuống, một mình thả bộ trên những con đường vắng vẻ để cảm nhận vẻ đẹp trầm lắng của một Hà Nội cổ kính. Có lẽ Hồ Tây là nơi tôi muốn đến hơn cả, bởi nơi đây khiến cho lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, quên đi những mệt mỏi trong cuộc sống. Tôi chọn cách đạp xe dạo mát quanh hồ, ngắm con đường Thanh Niên rợp bóng cây xanh rồi dừng chân lại bờ hồ, hít thở không khí trong lành, ngắm Hà Nội về đêm giữa cái không khí se lạnh của trời thu, thú vị vô cùng. Đêm Hà Nội cuối thu ở mỗi góc phố có một nét riêng. Khi những con phố chìm trong bóng tối, ánh sáng từ những ngọn đèn đường hắt qua ô cửa sổ nhỏ, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ về một Hà Nội của Phan Vũ với:

“Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya

Cọt kẹt bước chân quen

Thang gác thời gian

Mòn thân gỗ...”.

Hà Nội đêm cuối thu là thời khắc tuyệt vời nhất để cảm nhận những nét tinh tế mà cuộc sống ồn ào, xô bồ của ban ngày đã cuốn những cảm xúc đó dần trôi. Đêm có chút gì đó lành lạnh, nhiệt độ luôn ở mức dưới 200c, càng về đêm trời càng se lạnh. Đôi khi ta có cảm giác không khí này đang mang theo hơi thở mùa đông, bất chợt thấy lòng mình nao nao. Những cơn gió nhè nhẹ, dù không đủ để làm tôi cảm thấy lạnh nhưng nó cũng làm tôi có chút nao lòng. Hẳn là những người con Hà Nội đi xa xứ sẽ rất nhớ những cơn gió nhẹ thoáng qua dịu dàng, trong trẻo trong sắc trời thu Hà Nội. Âm thanh của mùa thu Hà Nội về đêm vẫn thì thầm tấu lên bản nhạc ngọt ngào mà du dương quá đỗi.

Đêm nay, bất chợt tôi lại tỉnh giấc khi Hà Nội đã chìm sâu trong giấc ngủ. Mùi hoa sữa nồng nàn lan khắp vườn nhà. Đêm Hà Nội cuối thu dịu dàng, thăm thẳm khiến tôi cảm thấy dễ chịu lạ thường. Bầu trời đêm trong veo, những chồi lộc xanh mơn mởn được tắm mình trong ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn đường. Không gian tĩnh mịch, tất cả làm nên một bức tranh đẹp nhẹ nhàng và thanh khiết, khiến cho tâm hồn đang ngổn ngang trăm mối tơ vò cũng hóa thành bình yên. Đêm cuối thu Hà Nội còn có một âm thanh đặc biệt chẳng thể nghe được bằng tai, mà chỉ có thể cảm nhận được bằng tim. Đó là hơi thở nồng nàn của Hà Nội ở trong từng con ngõ, ở trên từng nhành cây, ở trên từng ngọn lá, ở từng giọt sương đêm, ở từng con gió, ở từng ngọn đèn, ở tiếng rao đêm, ở khắp mọi nơi, … và ở trong tim mọi người. Tôi yêu Hà Nội trong chút tĩnh lặng của nắng chiều, những con đường mùa thu vàng lá, hoa sữa thơm ngọt ngào đầu phố mỗi đêm về, những gánh hàng hoa còn đọng sương sớm hay những cơn mưa rào mùa hè bất chợt.

Hà Nội cứ thế đi vào lòng người, mọi thứ thuộc về Hà Nội luôn gây thương nhớ cho mỗi người, một nỗi nhớ da diết, thiết tha cho dù đi bất cứ nơi đâu cũng không thể lãng quên. Thật khó có ngôn từ nào có thể diễn tả được hết vẻ đẹp của Hà Nội. Hà Nội đêm cuối thu là một Hà Nội hoàn toàn khác, không náo nhiệt nhưng vẫn chứa chất một vẻ hấp dẫn, lãng mạn, có sức lay động lạ thường. Hà Nội đêm cuối thu như một nàng thiếu nữ mộc mạc, giản dị, thanh khiết, quyến rũ đang mơ màng, thổn thức. Bỗng dưng những lời ca trong bài hát “Hà Nội ngày trở về” của nhạc sỹ Phú Quang lại khe khẽ vang lên khiến cho lồng ngực tôi khẽ rung rung:

“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ

Tôi vội vã trở về

Lấy cho mình dù chỉ là một chút bóng đêm trên đường phố quen

Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ...”

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2023./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Thị Minh Huyền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nhớ Hà Nội ngày gió bấc
    Một buổi sớm mai, khi hơi se lạnh phả vào hiên nhà mang theo cơn gió chướng xạc xào của miền Nam Bộ lòng tôi lại thấy nao nao. Hay khác hơn cái se se lạnh đầu mùa là do cơn gió bắc từ phương xa gửi đến, và rồi tôi lại thoáng nghĩ có lẽ giờ này tại Hà Nội trời đã trở cơn gió bấc. Lòng miên man nhớ về miền ký ức mùa gió bắc năm nào của Hà Nội dấu yêu.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Lãng mạn đêm Hà Nội cuối thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO