Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Một thoáng Tây Hồ

Đào Thị Thu Hiền 14:46 24/01/2024

Một chiều mùa đông, sau những bước chân lang thang trên những con phố vòng quanh mặt hồ khói sương bảng lảng tôi tìm về với ngôi cổ tự thuộc hàng danh thắng bậc nhất ở đất kinh kỳ nằm phía cuối đường Thanh Niên: chùa Trấn Quốc để được thả mình vào cái bức tranh trầm mặc, tĩnh lặng của đất trời sóng nước Hồ Tây hòng khỏa lấp những âu lo phiền muộn và tìm lại cho tâm hồn cái an yên thư thái ở chốn thiền môn.

ho-tay-o-dau-1.jpg
Hồ Tây như một bản giao hưởng đầy sắc màu của cảm xúc với chùa Trấn Quốc cổ kính và con đường Thanh Niên rợp bóng cây xanh, xôn xao sóng nước... (ảnh: internet)

Hồ Tây chiều nay không có cái mộng mơ, kiêu sa của “mặt nước vàng lay” mà chỉ có bàng bạc một “màu sương thương nhớ” đang trải ra giữa không gian mênh mông cùng muôn vàn con sóng nhỏ lăn tăn đuổi nhau trên mặt nước bao la như thể đang chờ màn đêm buông xuống để đón cái lạnh dịu ngọt ùa về khiến cho bao người chẳng đeo mắc cái tâm trạng hẹn hò tương tư hè phố thì cũng man mác, khắc khoải một hoài niệm xa xôi nào đó. Chẳng hiểu cảnh chùa xanh mát, u tịch, cổ kính, trang nghiêm với những cây cao bóng cả và trầm nhang thoang thoảng đưa hương hay những cơn gió se lạnh trào lên từ mặt nước mờ mịt sương mù mà lòng bỗng chùng xuống man mác với những nhớ nhớ thương thương. Cứ thế, bất giác trong người lại thấy rộn lên những vần thơ trang nhã, diễm lệ, đài các ngợi ca cái cảnh sắc diệu kỳ của Hồ Tây, của các danh sỹ một thời xen lẫn những vần thơ cũng chất chứa những nỗi niềm của người nữ sĩ tài hoa đất Nghi Tàm thủa xưa (Bà Huyện Thanh Quan).

Khởi đầu là hành trình du ngoạn vòng quanh Hồ Tây và “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”, tức con đường Thanh Niên, con đường thơ mộng trữ tình nhất Thủ đô, hai bên đường xanh rợp bóng cây, xôn xao sóng nước, cuối chiều nhộn nhịp tựa như công viên và đấy cũng là chốn hò hẹn, dập dìu của nam thanh nữ tú hay những lãng khách tìm về để ngắm nhìn, thả hồn vào cái bao la của mặt nước: “Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh/ Ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo/ Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc/ Tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò/ Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa” (Nguyễn Huy Lượng - Tụng Tây Hồ phú). Và ngẫm nghĩ về cái phồn hoa của vùng đất Hồ Tây cùng con đường tình yêu từng thịnh suy theo những thăng trầm lịch sử của kinh thành Thăng Long. Cái thời Hồ Tây thịnh vượng với những hành cung lộng lẫy mà vua yêu chúa mến thì nơi đây đêm ngày “ngựa xe như nước áo quần như nêm” từng được Nguyễn Huy Lượng kể rằng: “Trải Trần trước đã nhiều phen xe ngựa/ Tới Lê sau càng lắm độ tán dù” (Nguyễn Huy Lượng - Tụng Tây Hồ phú). Người ta kể rằng, cái thời Tây Hồ huy hoàng nhất, chúa Trịnh Giang cho lập một ly cung ở Khán Xuân (một làng ở bên bờ Nam của hồ). Chúa cho dựng những dãy nhà quán để bán hàng. Hằng năm, khi hè đến chúa ra đó hóng mát. Đêm đến nội thần, cung nữ mở chợ bày hàng mua bán, đàn hát vang ca, đốt đèn rước đuốc chạy đi chạy lại sáng rực một góc kinh thành. Kể từ khi dời đô về Đại La, xung quanh Hồ Tây, trải qua các vương triều ở Thăng Long đã có biết bao công trình được coi là những trung tâm giải trí được xếp vào hàng bậc nhất đế vương. Chẳng như cung Dâm Đàm, Thúy Hoa, Từ Hoa, Quan Ngư thời nhà Lý; điện Hàm Nguyên, cung Ngọc Đài thời nhà Trần; điện Thụy Chương và tám cảnh đẹp: đàn thề Đồng Cổ, bến Trúc Nghi Tàm, Sâm Cầm, rừng bàng Yên Thái, đồng bông Nghi Tàm, tiếng đàn Hành Cung, chợ đêm Khán Xuân, tượng Phật say ở Thụy Chương… thời Lê - Trịnh. Như thế bảo sao Hồ Tây chẳng hút hồn những tao nhân mặc khách, khiến cho “Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn/ Khách thâu nhàn lai láng từng khu/ Ngang thành thị, ghé yên hà một thú/ Dọc phố phường, tung phong nguyệt hai kho” (Nguyễn Huy Lượng - Tụng Tây Hồ phú). Ấy vậy, thế sự thăng trầm với những vật đổi sao dời khi nhà Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn rồi chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Phú Xuân (Huế) thì số phận của những con đường tấp nập và lầu son gác tía ở vùng ven Hồ Tây phồn hoa ấy cũng rơi vào cảnh “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan - Thăng Long thành hoài cổ) khiến cho bao người đã âm thầm nhỏ lệ: “Nghìn năm dinh thự thành quan lộ/ Một dải tàn thành lấp cố cung” (Nguyễn Du - Thành Thăng Long); “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương” (Bà Huyện Thanh Quan - Thăng Long thành hoài cổ).

tac-gia-ben-chua-tran-quoc.jpg
Tác giả bên chùa Trấn Quốc

Điểm dừng chân cuối cho một chiều lang thang phố hồ là hành cung Trấn Quốc trên bán đảo Kim Ngư (Cá Vàng). Chùa Trấn Quốc một bảo vật của Hà Nội, một tinh hoa văn hóa của Hồ Tây ở đất Thăng Long. Hành cung Trấn Quốc chính là chùa Khai Quốc (còn gọi là Trấn Quốc hay Trấn Bắc). Ngôi chùa cổ kính danh tiếng nhất của Hà Thành có tuổi đời khoảng gần một ngàn năm trăm năm (được làm từ thời vua Lý Nam Đế, 541 - 547) đang mang trong mình biết bao trầm tích của kinh thành (trong chùa hiện giữ nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật, tiêu biểu như tượng Thích Ca nhập niết bàn bằng gỗ sơn son thiếp vàng; mười bốn văn bia, khu mộ tháp và bảo tháp Lục độ đài sen cao 15m với 11 tầng, mỗi tầng có 6 bức tượng đức Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng, đỉnh tháp cũng có một tòa sen bằng đá quý; đối diện với bảo tháp có cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959) và cũng là một chứng nhân lâu đời của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội gắn với biết bao thăng trầm của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Cổ tự uy nghiêm ấy cũng đã có một thời từng là hành cung của các vua chúa mà hằng đêm vẫn vang rộn tiếng đàn ca của những cung nữ làm mê mẩn các đấng quân vương và cũng từng là nguồn cảm hứng thi phú bất tận cho biết bao tao nhân mặc khách. Người ta bảo rằng, khi xưa chùa nằm bên bãi Yên Hoa (sau đổi là Yên Phụ) do sự sạt lở của sông Hồng nên đời vua Lê Kính Tông (1600 – 1618) người ta đã chuyển chùa về đảo Kim Ngư trong lòng Hồ Tây. Đảo Kim Ngư này vốn trước đây, thời Lý và thời Trần, từng được các đời vua xây dựng cung Thúy Hoa và điện Hàm Nguyên để mỗi khi rảnh rỗi lại tìm ra ngắm cảnh, hóng mát, xem đua thuyền, đánh cá… Thời thịnh trị của phật giáo trên đảo Kim Ngư từng là một trung tâm phật giáo của thành Thăng Long. Chùa ấy cũng là nơi thụ huấn giáo lý và thụ nghiệp của nhiều thiền sư theo Vô Ngôn, nổi tiếng như Văn Phong, Khuông Việt … (sư Khuông Việt từng được vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành mời về Hoa Lư làm cố vấn tối cao cho triều đình). Cũng chính tại nơi đây cũng trực tiếp Thái hậu Ỷ Lan đã cho mở tiệc chay chiêu đãi các thiền sư kê cứu kinh Phật. Thắng cảnh Trấn Quốc kề bên Hồ Tây rất đẹp. Đẹp đến mức người xưa phải thốt lên và tạc vào bia đá: “lên cao ngắm cảnh, mây nước mênh mang, nước hồ óng ánh trong suốt khiến lòng người không hư, tiếng chuông chùa gọi tỉnh mộng trần tục …” và Tiến sĩ nhà Lê, Phạm Quý Thích cũng phải tức cảnh sinh tình mà đề thơ rằng: “Tây Hồ hồ thượng hà niên tự/ Cổ thụ âm âm trúc thạch tùng/ Trần đế quan ngư không thử địa/ Tiên sinh lạc thủy hữu danh tùng/ Nhất hoằng thu kính khai tình nhật/ Thập lý hà hoa tống văn phong/ Bất dụng quy y cầu đến ngộ/ Lai lâm nhất vị phủ cô tùng” (Già lam có tự bao giờ/ Xanh xanh cây cỏ bên bờ tốt tươi/ Đá câu là chỗ vua ngồi/ Đất bằng là chỗ thảnh thơi khách nằm/ Mặt hồ sóng gợn lăn tăn/ Ao thu se lạnh ngắt tầm hương sen/ Vào chùa ai nấy tham thiền/ Ta say ngắm nghĩa cây thiêng ngàn đời).

giua-menh-mong-tay-ho-1-.jpg
Mênh mông Tây Hồ

Đắm chìm trong cái không gian xanh mát phảng phất nhang trầm; miên man trong cái dịu ngọt của người xưa như thế nhưng chẳng hiểu sao lòng bỗng hiện về một Thăng Long u ám của cái thời Hậu Lê trăm năm dâu bể: “Tạo hóa gây chi cuộc hý trường/ Đến nay thấm thoắt mấy phong sương” (Bà Huyện Thanh Quan - Thăng Long thành hoài cổ). “Hý trường” là sân khấu. Mặt đất này cũng chỉ là nơi diễn trò ông trời mà thôi. Cho nên hai tiếng “gây chi” của Bà Huyện Thanh Quan vừa như lời than lại vừa như một lời oán thán con tạo. Cứ nghĩ đến thế tôi lại hình dung ra đôi mắt buồn vương của nữ sĩ đang thả ra giữa cái mênh mông vô định của mặt nước trong tiếng thở dài ngao ngán, ấm ức: “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu/ Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau/ Mấy tòa sen rớt hơi hương ngự/ Năm thức mây phong nếp áo chầu/ Sóng lớp phế hưng coi đã rộn/ Chuông hồi kim cổ lắng càng mau/ Người xưa cảnh cũ nào đâu tá/ Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu” (Bà Huyện Thanh Quan - Chùa Trấn Bắc). Cung vua phủ chúa, lầu son gác tía lộng lẫy nguy nga với những cung đường ngang dọc kinh thành đêm ngày nhộn nhịp ngựa xe vào ra của các ông hoàng, bà chúa, vương công, quốc thích… tưởng như bền vững đến muôn đời mà bỗng chốc cũng trở thành “hồn thu thảo”, “bóng tịch dương” thì “Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu” cũng không phải là điều không tưởng. Mọi thứ trên đời đều có thể đổi thay duy chỉ có một niềm ái quốc trung quân của người xưa là không thay đổi nên “Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau”. Bởi thế trong cơn hưng phế của con tạo xoay vần nữ lưu tài sắc vẫn mơ màng phảng phất đâu đó trong cái “hồn thu thảo”, “bóng tịch dương”, “cỏ dãi dầu” vẫn còn “hơi hương ngự”, “nếp áo chầu” để rồi khắc khoải “Người xưa cảnh cũ nào đâu tá/ Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu”. Một câu hỏi không lời đáp, ném vào hư không, để cuối cùng chỉ còn lại “Một mảnh tình riêng ta với ta” (Bà Huyện Thanh quan - Qua đèo Ngang).

Màn đêm dần buông trên mặt nước, Hồ Tây mờ mịt hơi sương bỗng khoác lên mình một cái áo mới lung linh sắc màu trong những ánh điện lấp lánh khi thành phố lên đèn. Con đường tình yêu (đường Thanh Niên) xe cộ cũng bớt rộn ràng nhường chỗ cho người tản bộ. Trên những ghế đá hay trên những vỉa hè Hồ Tây những cặp uyên ương tây ta ríu rít tay trong tay thong dong thả bước hay lặng yên tận hưởng cái không khí lãng mạn của đêm tối và đón đợi những vì sao đêm. Những xô bồ vất vả mưu sinh dường như không có ở chốn này, phố phường bỗng trở nên bình yên đến lạ, cuộc sống của Hà thành như thể đang chậm lại … Những hoài niệm man mác cũng chợt biến tan. Hồ Tây như thế khác nào một bản giao hưởng đầy sắc màu của cảm xúc. Cứ thế bảo sao người ta cứ tìm về và không yêu, không quý Hồ Tây cho được./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đào Thị Thu Hiền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hương mùa cốm thương
    Ta muốn ăn mùa thu vào tâm khảm, ăn vào lòng để trọn kiếp yêu thương. Ơi mùa thu trong veo như tâm hồn thiếu nữ, thanh sạch thơm tho, không vướng chút bụi trần. Ta thấy mùa thu trong hương cốm mới, rất đỗi dịu dàng, ngọt dẻo cả thu xưa…
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Một thoáng Tây Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO