Đình Úc Lý (huyện Thanh Oai)
Di tích đình Úc Lý thuộc địa phận xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Vào cuối triều nhà Đinh, ở kinh thành Thăng Long có ông Trần Công Nham kết duyên cùng bà Kim Thị Hiển. Bà sinh một con trai có tướng mạo khôi ngô, đặt tên là Trần Phúc. Khi Trần Phúc trưởng thành, gặp lúc nhà Tiền Lê suy yếu, quân Tống sang xâm lược nước ta. Triều đình cử Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân tổ chức chống quân Tống. Lê Hoàn phong cho Trần Phúc làm tướng tiên phong, giữ phía nam. Thắng trận trở về, ông được vua ban chức tước, thực ấp tại vùng Thanh Oai. Ông trở về bản doanh ở làng Úc Lý, cho tiền, cấp ruộng để dân sinh sống nên được dân chúng khắp vùng chịu ơn.
Được tin ông hoá, vua Lê Đại Hành ban sắc phong là Thượng đẳng tôn thần Sùng Phúc đại vương, đương cảnh thành hoàng, thông minh quảng búc, anh hùng hào kiệt, trí dũng, trị quốc an dân. Kiến trúc của đình Úc Lý hiện nay là kết quả của lần tu bổ lớn ở thời vua Khải Định năm thứ 4 (1919) với nhiều hạng mục công trình như: Đại bái, Trung cung, Hậu cung, Tả hữu vu. Bên ngoài có sân đình rộng rãi và Nghi môn đồ sộ.
Nghi môn đình Úc Lý được làm theo kiểu tứ trụ. Hơn với đỉnh trụ là bốn con phượng theo kiểu lá lật, vì phượng tượng trưng cho bầu trời, với đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời - mặt trăng, lưng công bầu trời, đuôi là tỉnh tú, cánh là gió, chân là đất, lông là cây cỏ...
Qua một sân đến Đại bái đình. Đây là ngôi nhà được làm theo kiểu tường xây, hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ định đơn giản. Giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu hai con Makara. Vào bên trong, Đại bái đình được chia làm 5 gian 2 chái. Trên mặt nền cao hơn mặt sân chừng 60cm, 6 bộ vì đỡ mái được làm theo 2 kiểu thức khác nhau chút ít trên mặt bằng bốn hàng chân cột gỗ tròn, hàng cột quân tiền có mở hệ thống cửa bức bàn để thuận tiện cho sử dụng. Bốn bộ vì đỡ mái các gian giữa được làm theo kiểu “thượng giá chiêng rường nách, hạ cốn mê xà nách với bẩy hiện và bẩy hậu”. Ở hai gian hồi, phần thượng của bộ vì tương tự như các bộ vì gian giữa, phần hạ là các “rường nách” thay cho “cốn mê”. Nghệ thuật điêu khắc cổ được thể hiện dày đặc trên các hạng mục kiến trúc gỗ Đại bái đình. Trên các bộ vì, câu đầu, xà nách, bẩy... đều được bào trơn soi gờ chỉ, chạm lá lật, triện tàu lá giắt, tứ quý hoá tứ linh... Tám đầu dư ở đây được chạm hình một đầu rồng trên một súc gỗ nguyên. Rồng có mũi hếch, răng nhe, râu tóc bay ngược về phía sau, miệng rộng và ngậm một hạt ngọc tròn. Tám bức cốn ở các gian giữa Đại bái đều được chạm khắc hai mặt và hết sức công phu tỉ mỉ. Mặt trong của các bức cốn chạm hình ảnh nổi bật là “long cuốn thuỷ”. Mặt ngoài của cốn chạm “tứ quý” xen lẫn với phong cảnh thành cổ và ngọn kỳ đài hay cảnh lâu đài trên núi, chèo thuyền trên sông, voi đi cày... đặc biệt là cảnh vui đùa của hổ và rắn, hai sinh vật tượng trưng cho hai tầng trời và nước, âm và dương...
Gian giữa Hậu cung có làm một khám thờ bằng gỗ trên sàn cao. Mặt trước khám mở cửa bức bàn 4 cánh, ba mặt còn lại được bưng kín bằng ván gỗ mỏng. Diềm trước khám chạm lưỡng long chầu nguyệt phía trên, hai bên chạm phượng hàm thư. Diềm trong chạm triện tàu lá giắt và các bức vẽ mây cụm, tứ linh... sơn son thếp vàng. Bên trong khám đặt cỗ long ngai bài vị thờ vị thượng đẳng Sùng Phúc đại vương cùng một số đồ thờ tự.
Đình Úc Lý đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02