Đình Trạm (quận Long Biên)
Đình Trạm thuộc thôn Trạm, xã Long Biên, huyện Gia Lâm, nay ở địa bàn hành chính của tổ 9, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Theo thần tích ghi nhận thành hoàng làng của thôn Trạm là: Thành Công Tương Liệt Đại vương, Đô Thống Đại vương Lê Phụng Hiểu, Nam Khê và Xuyên Hoa công chúa (còn gọi là Nha Hoa).
Trong các vị thành hoàng làng đáng chú ý nhất là Đại vương Thành Công - tướng của Hai Bà Trưng đã tham gia đánh đuổi giặc Tô Định nhà Hán vào thời đầu Công nguyên. Thần tích và các tư liệu khác cùng các tập tục thờ cúng của nhân dân địa phương đã phản ánh rất rõ nét về thành hoàng này. Theo Thần tích, tướng Tương Liệt đã lấy hương Cổ Linh, tức thôn Trạm làm nơi đóng đồn cũng là đất sinh phần và nơi thờ cúng. Cùng với thôn Trạm, các làng khác ở xung quanh cùng thờ Đại vương Thành Công, như thôn Nha, Tư Đình, Sài Đồng và Ô Cách... Theo bản thần tích chép lại, tướng Thành Công quê gốc ở Thanh Miện, Hồng Châu, đạo Hải Dương, họ Nguyễn. Ông là người có chí lớn, căm thù ách đô hộ tàn ác của Thái thú Tô Định nhà Hán, đã sớm tập hợp binh lực, luyện tập võ nghệ tìm kế giúp nước. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Thành Công đã đem tráng binh sớm về tụ hội, ông đã được Hai Bà phong chức là Tương Liệt Đại vương. Khi cuộc khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc lên ngôi vua đã giao cho Thành Công cai quản vùng đất Gia Lâm. Một lần, ông qua trang Cổ Linh thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, nhân dân thuần hậu nên đã lấy nơi này để dựng hành dinh. Thành Công tâu vua lấy thôn Trạm làm đất hộ nhi và cho lập sinh từ tại đây. Vùng cai quản của tướng quân Thành Công chính là đất 5 làng sau này đã thờ cúng ông làm thành hoàng làng. Khi Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta, tướng Thành Công đem quân giúp vua kháng chiến. Ông chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công nhưng về sau quân ta thế yếu, giặc vây Hai Bà Trưng tại Cấm Khê, vua tự vẫn, ông thoát vây về Cửu Chân tiếp tục chiến đấu, rồi hy sinh tại trang Tân Quy, huyện Tống Sơn (Thanh Hoá).
Tướng Tương Liệt Thành Công được thờ cúng ở thôn Trạm với tính chất là Thành hoàng bản thổ gắn liền với việc lập làng, lập ấp từ xa xưa của cư dân nơi đây. Cùng với tướng Thành Công, ở đình Trạm còn thờ 3 vị thành hoàng làng nữa là: Đô Thống Đại vương Lê Phụng Hiểu (công thần thời Lý), Nam Khê và Xuyên Hoa. Cả 3 vị này được triều đình ban phong cho làng thờ cúng (có thể là từ thời hậu Lê).
Ở di tích đình Trạm trước đây còn ghi nhận lễ hội đông vui với nhiều trò diễn dân gian. Chính hội là 15 tháng hai âm lịch, ngày sinh của thành hoàng. Ngoài ra, tại đình còn tổ chức lễ kỷ niệm ngày hoá của thánh vào rằm tháng bảy. Thời gian gần đây lễ hội không tổ chức lớn, nhưng vẫn được thôn Trạm và 4 thôn cùng thờ đức thánh duy trì đều đặn.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, ở đình - chùa Trạm đã diễn ra một số dự kiến như: Cuộc mít tinh của nhân dân, thành lập chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1946-1954, nơi đây là địa điểm hoạt động của du kích, cán bộ Việt Minh. Sau năm 1954, có thời gian đình là trụ sở Uỷ ban hành chính xã Long Biên. Thời kỳ kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khu đình - chùa này là nơi sơ tán của Đoàn 919 Không quân và trạm quân y dã chiến của sân bay Gia Lâm. Những sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến này đã nâng cao hơn giá trị của di tích.
Hiện nay, toàn bộ kiến trúc đình Trạm nằm trên một khu đất rộng, có nhiều cây lưu niên như nhãn, bưởi khá xanh mát. Đình trông về hướng nam, nhìn ra đường đê, có quy mô kiến trúc vừa phải, với hạng mục công trình: Đại đình, Hậu cung, Nhà Tả mạc, phía trước có sân lát gạch.
Kiến trúc đình Trạm hiện nay thuộc thời Nguyễn. Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, Hậu cung được khôi phục lại năm 1992.
Đình Trạm đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02