Đình Trúc Động (huyện Thạch Thất)
Đình Trúc Động thuộc địa phận xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đình Trúc Động là ngôi đình cổ kính có tiếng trong vùng. Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Thành hoàng của làng thờ ở đình Trúc Động tên là Giám Sát, vốn là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, trong một lần cầm quân đánh đuổi giặc Tô Định, Hai Bà nghỉ đêm ở đình Trúc Động. Đêm đó Hai Bà Trưng chiêm bao thấy một cụ già dáng người cao lớn ở ngoài đi vào doanh trại xưng tên là Giám Sát làm thần ở làng Trúc Động hứa phù hộ Hai Bà đánh tan giặc xâm lược.
Hôm sau, Hai Bà mang quân ra trận đánh tan quân Tô Định, thu 65 thành về một mối, khôi phục nghiệp xưa của các vua Hùng. Nghĩ tới công âm phù của thần làng Trúc Động, Hai Bà Trưng truyền dân bản thôn lập miếu thờ phong vị thần Giám Sát vào hàng Thượng đẳng thần.
Đình Trúc Động toạ lạc trên một khu đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, trông về hướng tây, phía trước là một ao sen rộng khoảng một mẫu Bắc Bộ. Cạnh đó là một giếng tròn, thành xây đá ong tường cao 0,7m, đường kính 2,5m. Sân đình bày hai tượng voi đá hướng chầu vào nhau là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Nhìn tổng thế, ngôi đình có quy mô bề thế gồm các hạng mục chính Tiền tế, Đại bái, ngoài ra còn có Tả hữu vụ.
Nhà Tiền tế làm theo kiểu chồng diêm tám mái đao cong. Bộ vì kết cấu kiểu chồng rường trên các hàng chân cột gỗ trong đặt trên chân tảng đá vuông phong cách thế kỷ XIX.
Toà Đại bái là một ngôi nhà ngang gồm 5 gian, làm vào thế kỷ XVIII, mái lợp ngói mũi hài, trên mũi có hoa văn hình vân xoắn. Bên trong là những lớp kiến trúc cổ, bộ vì rường cốn đặt trên câu đầu, cột cái, cột quân chịu lực to khoẻ, đấu vuông trên đỉnh, phía dưới là chân tảng đá xanh.
Giá trị nổi bật là nghệ thuật điêu khắc và trang trí đã được các nghệ nhân xưa thể hiện trên các kiến trúc gỗ tập trung ở các bộ vì nhà Tiền tế và Đại bái. Đề tài chủ yếu là rồng, phượng, các loài vật thiêng, hoa lá... mang tính truyền thống cao, đậm nét phong cách nghệ thuật cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Đặc biệt là các tác phẩm hình rồng ở đầu bẩy, đầu dư ở nhà Đại bái, nét chạm không rườm rà, mạch lạc, dứt khoát mang phong cách nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XVIII.
Đình Trúc Động còn một bia đá thời Lê, ghi chép điều lệ ruộng đất, chức sắc, thể lệ vui chơi trong lễ hội. Ở đại bái còn đôi hạc gỗ thờ cao tới 2,62m, sơn son thếp vàng, đứng trên lưng rùa.
Hàng năm, làng tổ chức lễ hội vào hai kỳ: ngày 12/2 và ngày 13/8 âm lịch./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02