Đình Nông Vụ Đông (quận Long Biên)
Đình Nông Vụ Đông hiện hay thuộc thôn Nông Vụ Đông, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Trước kia làng có tên nôm là Vo Đông.
Làng Nông Vụ Đông nằm ở bờ nam sông Đuống, trong địa bàn của cư dân Việt cổ, đối diện với bờ bắc là Phù Đổng, quê hương của người anh hùng Thánh Gióng. Buổi đầu cư dân đến khai phá ở khu vực này đã lập ra trang Nông Vụ. Theo dòng thời gian, trang ấp ngày một thịnh đạt, cư dân đông đúc dần, trang Nông Vụ phát triển thành 3 thôn Thượng, Trung và Đông.
Theo truyền thuyết và hồi ức của nhân dân địa phương, ngay từ thời Vua Hùng thứ 6, tráng đỉnh của trang Nông Vụ đã gia nhập đoàn quân của Phù Đổng để đánh đuổi giặc Ân. Thế kỷ thứ VI, Nông Vụ có 3 vị dũng tướng tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do Lý Nam Đế lãnh đạo. Đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII), chúa Trịnh cho xây dựng hành cung tại Cổ Bi, sát phía nam của Nông Vụ, nhiều quận chúa, cung phi, người hoàng tộc trong phủ chúa đã về thăm và bỏ tiền công đức để xây dựng, tu bổ những công trình kiến trúc tôn giáo nơi này. Thần tích, sắc phong, bài vị, truyền thuyết dân gian ở địa phương cho biết, đình Nông Vụ Đông thờ 3 vị nhân Thần có công với nước, với dân. Đó là các vị Thần có liên quan trực tiếp tới cuộc sống và quá trình đánh giặc của người dân trên mảnh đất Nông Vụ. Tuy vậy, ở mỗi làng, vị trí của từng vị Thần được tôn vinh có khác nhau. Thần tích chép rằng: Thời vua Lý Nam Đế, ở Hoằng Hoá (Thanh Hoá) có hai vợ chồng ông Trịnh Doan và bà Nguyễn Thị Kim sống hoà thuận với nghề buôn bán ngược xuôi. Tuy muộn con, song hai người rất siêng làm điều thiện, chăm cầu cúng. Quả phúc đến, bà có thai 12 tháng thì sinh hạ được một bọc với 3 người con, hai trai một gái. Hôm ấy là ngày 12 tháng hai, do mệt nhọc, bà Nguyễn Thị Kim đã mất sau đó 3 ngày. Buồn vì mất vợ và cũng còn vì kế sinh nhai, ông Trịnh Doan đã mang cả 3 đứa con thơ dại xuống thuyền đi buôn bán. Thuyền của ông ngược sông Thiên Đức, đến đoạn gần trang Nông Vụ thì gặp gió to, sóng dữ mà bị vỡ. Người bố qua đời, 3 người con nằm trên ván thuyền trôi dạt vào bờ nam và được nhân dân trong trang vớt về nuôi. Người con gái sống ở trang Trung, người con thứ ba ở trang Hạ, người anh cả về sống ở trang Thượng. Xác của người cha cũng được dân trang Nông Vụ tìm vớt mang về mai táng.
Ba anh em họ Trịnh có tướng mạo kỳ vĩ khác thường, tài năng lẫy lừng trong thiên hạ. Năm họ 15 tuổi, nước có giặc ngoại xâm, quân giặc đông, lương sẵn, đã chiếm đóng được nhiều vùng châu quận. Trước hoạ xâm lăng, nhà vua phải thân chinh cầm quân dẹp giặc. Khi qua sông Thiên Đức, vua nhớ tới 3 anh em họ Trịnh nên ghé thuyền vào hỏi và được các bộ lão của trang Nông Vụ tâu trình tường tận về tài đức của 3 người. Vua rất mừng liền cho thu nạp 3 anh em cùng với những tráng đinh của trang xung phong tòng quân.
Nhà vua giao cho 3 anh em đóng đồn Thượng, Trung, Hạ tại 3 thôn của trang Nông Vụ. Chỗ vua đóng bản doanh ở châu Giang Biên, gọi là Hội đồng cung. Ba anh em dẫn quân xung trận đánh tan quân giặc. Tin thắng trận về tới triều đình, nhà vua mở tiệc mừng công và phong thưởng chức tước cho tướng sĩ. Anh em họ Trịnh được phong “Quốc hầu” rồi gia phong làm “Thượng chỉ gia thần”.
Sau lễ mừng công, hai anh em Trịnh Chính, Trịnh Trí được vua sai đi tuần thú một số nơi. Khi về đến trang Nông Vụ trời bỗng nổi mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội, 2 người cùng vào Thượng đồn. Lúc trời quang mây tạnh, dân trang thấy lạ kéo đến thì 2 người đã hoá. Hôm đó là ngày 15 tháng bảy âm lịch. Người em gái là Quốc Nương nghe tin 2 anh mất liền đến thăm viếng rồi tự vẫn theo.
Nhận được biểu tâu trình của nhân dân trang Nông Vụ, nhà vua vô cùng thương xót, rồi chôn cất 3 anh em họ Trịnh theo nghi lễ đối với bề tôi có công lớn với nước, các thôn được lập đền thờ: Trịnh Chính được thờ chính ở Nông Vụ Thượng (tức thôn Thượng Đông), Trịnh Trí ở Nông Vụ Hạ (tức Nông Vụ Đông) và người em gái ở Nông Vụ Trung. Vua còn phong thêm cho các ông làm “Đương cảnh Thành hoàng tá quốc hùng uy dực hoà bảo chính Thượng đẳng phúc thần”. Các đời vua kế tiếp sau đều có ban tặng sắc phong để biểu dương công đức của Thần. Dân làng từ đó phụng sự các vị phúc Thần theo tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng.
Hàng năm, dân làng Vo Đông mở hội vào ngày 12 tháng hai âm lịch là ngày sinh của các vị Thần. Trước ngày hội chính, làng tổ chức rước nước từ giữa dòng sông Đuống về làm lễ mộc dục.
Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đình Nông Vụ Đông bị giặc Pháp đốt cháy từ năm 1947, sau đó dân làng chuyển vị trí đình về sát chùa. Sau này do kinh tế phát triển, nên dân làng Vo Đông lại chuyển đình về vị trí hiện nay trên nền cũ vốn có trước đây.
Ngôi đình hiện nay được dựng bằng gỗ, làm theo lối kết cấu truyền thống, mặt đình nhìn về hướng nam, phía trước là hồ nước rộng, xung quanh trồng cây ăn quả. Đình gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp vôi vữa đơn giản, chính giữa nóc nhô cao, đắp nổi hình rồng chầu mặt trời.
Nối liền với Đại bái, về phía sau là Hậu cung của đình, gồm 3 gian cũng được xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc. Chính giữa Hậu cung đặt sập thờ, trên đó là long ngai, bài vị và nhiều đồ thờ tự khác. Các hiện vật độc đáo này mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng và có giá trị khẳng định sự tồn tại của ngôi đình làng từ thế kỷ XVII - XVIII.
Trong đình hiện còn bảo lưu được nhiều di vật phong phú, đa dạng có giá trị lịch sử văn hoá: 5 đạo sắc phong Thần, sắc sớm nhất có niên đại Cảnh Thịnh như niên (1794), một cuốn Thần phả bằng chữ Hán, một bộ ngai bài vị sơn son thếp vàng thế kỷ XVIII, một sập thờ chạm rồng mang niên đại thế kỷ XIX.
Suốt quá trình tồn tại trong lịch sử, đình Nông Vụ Đông đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, gần đây nhất là năm 2002 ngôi đình được khôi phục theo kiểu thức cổ truyền trên nền móng cũ.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01