Đình, nghè Sen Hồ và chùa Vạn Xuân (huyện Gia Lâm)
Đình, nghè Sen Hồ và chùa Vạn Xuân thuộc xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Sen Hồ là một làng cổ tiêu biểu của xã Lệ Chi và có truyền thống văn hoá nên tới nay vẫn giữ được cụm di tích đình, nghè Sen Hồ và chùa Vạn Xuân.
Cụm di tích này được xây dựng trên một khu đất cao, tách biệt với khu dân cư. Chùa và nghè nằm ở vị trí trung tâm. Đình ở chính phía sau ngôi chùa.
Theo truyền thuyết đình, nghè Sen Hồ thờ Hùng Hiển, một nhân vật anh hùng dưới đời vua Hùng thứ 6. Theo cuốn “Đại vương ngọc phả” do Hàn lâm các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn ngày 10 tháng chín năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thờ Hùng Hiển là con Hùng Dược, phụ đạo ở đất Quảng Tây. Lúc nhỏ Hùng Hiển thông minh, ham học, văn võ song toàn. Năm 16 tuổi, cha mất, được kế vị, tước phong Hùng Bá công. Năm 19 tuổi là một chàng trai anh hùng. Năm 24 tuổi được vua Hùng giao chức bồ chính công, gần gũi nơi triều chính. Khi giặc Ân sang xâm lược, Hùng Hiển công được phong chức đại tướng quân, mang 5 ngàn quân chống giặc ở vùng Liên Đường, Gia Lâm. Ông chiêu mộ dân binh ở trang Liên Đường và Kim Đường. Liên Đường sau đổi tên là Sen Hồ. Ông được giao quản lính thuỷ phối hợp với đạo quân của ông Gióng chống giặc ở cửa biên Hải Ninh. Giặc tan, dân Sen Hồ lập sinh từ thờ ông để ghi nhớ công lao người anh hùng có công với dân với nước.
Đình Sen Hồ mang phong cách kiến trúc thời Lê Trung hưng, hình chữ nhật với toà đại đình to, rộng. Đại đình gồm 5 gian 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các vì kèo kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Đại đình, sát với trung Hậu cung là cung cấm để thờ thần. Trong cung có khám thời, chạm trổ tinh vi và có các pho tượng thị giả, có niên đại thế kỷ XIX. Đình còn giữ được 7 đạo sắc phong của các triều đại phong cho vị thần được thờ ở đình là Hùng Hiển công, một nhân vật đã cùng với Thánh Gióng đánh tan giặc Ân từ buổi bình minh dựng nước.
Nghè Sen Hồ có quy mô kiến trúc khá lớn, hình chữ “tam”. Ba nếp nhà được xây kế tiếp nhau theo hướng tây nam và liên hệ với nhau trong một không gian khép kín gồm nhà Tiền tế, Trung đường và Hậu cung.
Tiền tế là nơi hội họp các thành viên trong làng xã nên được trang trí nhiều trên các cấu trúc của khung nhà. Kiến trúc nghè cũng tương tự như ngôi đình.
Nghè cũng còn giữ được nhiều di vật quý được tạo tác ở thế kỷ XVIII và XIX, như long ngai, bài vị, hạc gỗ, kiệu bành, bát bửu, phỗng, hương án, v.v... Chùa Vạn Xuân toạ lạc ngay sát bên phải của ngôi nghè. Chùa có quy mô nhỏ, xinh xắn, kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Trước Tiền đường có một sân gạch nhỏ, sát phía ngoài của sân là cây hương đá thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII).
Nhà Tiền đường xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Phía trước của đầu tường hồi xây 2 trụ biểu cao gần ngang với nóc mái. Trụ biểu cũng như các kiến trúc cổ khác, hình vuông, trên đỉnh có đắp 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau thành một trái dành. Chùa lợp ngói ta. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa là một mảng tường nhỏ ghi tên chùa là “Vạn Xuân tự”.
Kiến trúc chùa đơn giản hơn đình và nghè, phần lớn là bào trơn, bào xoi, không có chạm khắc cầu kỳ. Giá trụ chủ yếu của chùa tập trung vào hệ thống tượng tròn, có khá nhiều tượng đẹp, kích thước lớn bằng người thật và đặt trên bệ cao dần từ ngoài vào trong. Các pho tượng Tam thế, A Di Đà, Thế Tôn, Quan Âm nam hải, Tứ Bồ Tát, Kim Đồng, Ngọc Nữ được tạo tác từ thời Lê Trung hưng. Số còn lại làm vào thời Nguyễn. Tất cả 39 pho tượng là một sưu tập quý giá nhất của chùa.
Ngoài ra, chùa còn có một quả chuông đồng mang tên Vạn Xuân, cao 1,13m, đường kính 0,48m, đúc năm 1845, tiếng kêu ấm và vang xa.
Tất cả ba trình kiến trúc này, đặc trưng cho hai hình thái tín ngưỡng khác nhau là thờ Phật và thờ Thần hoàng của các làng xã cổ Việt Nam. Từ xa xưa nơi đây đã là một trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của một vùng quê vốn có truyền thống lâu đời.
Đình, nghè Sen Hồ và chùa Vạn Xuân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01