Đình Nam Quất (huyện Phú Xuyên)
Đình Nam Quất là tên thường gọi của một ngôi đình hiện tồn tại trên địa danh thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội.
Đây là mảnh đất sơn thuỷ oanh thu, nhân dân thuần phác mà xưa kia thời kỳ Hùng vương, Lạc Tướng Chu Thịnh đã lựa chọn để lập hành cung.
Chu Thịnh đại vương chính là tên vị thần mà đình Nam Quất thờ làm Thành hoàng làng. Ngài có công đánh giặc, giúp nước giúp dân ở thời đại vua Hùng. Ngài cùng với cậu ruột là Hoàng Độ đã lập nhiều chiến công lớn ở đạo Sơn Nam, được vua Hùng phong chức Lạc Hầu cho Hoàng Độ, Lạc Tướng cho Chu Thịnh. Khi các ngài hoá, dân làng nơi đây đã lập đền thờ đề tưởng nhớ ân đức.
Ngôi đình được khởi dựng từ năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hoà thứ 3 (1682), đến đời Nguyễn, triều vua Thành Thái thứ 6 (1894), nhân dân đã hưng công tu sửa lại ngôi đình khang trang và bề thế như hiện nay. Tổng thể công trình kiến trúc của đình gồm 3 toà: Đại bái, Trung cung và Hậu cung, nằm song song tạo thành bố cục chữ “Tam”.
Hạng mục đầu tiên là cổng, tiếp đến là sân dẫn tới toà tam cấp bước vào toà Đại bái. Nhìn từ ngoài, toà Đại bái gồm 5 gian, mái có đao cong hình đầu rồng như đang bay trong không gian. Trên bờ nóc là khối lưỡng long chầu nguyệt, con xô là hình ảnh của long mã. Kiến trúc bên trong, các bộ vì dựa trên kết cấu 4 hàng chân cột. Các bộ vì kết cấu kiểu: “Thượng giá chiêng, hạ chồng rường cốn, bẩy hiên”. Các bức cốn được chạm, đục tinh xảo đề tài tứ linh, tứ quý.
Tiếp sau Đại bái là toà Trung cung. Đây là một công trình được khởi dựng từ năm Nhâm Tuất, triều Chính Hoà thứ 3 (1682). Mặt bằng kiến trúc hình chữ “nhất” với 5 gian 2 chái, mái lợp ngói ri cổ, bờ nóc có đường hoa chanh 4 cánh, đặc trưng kiến trúc thời Lê. Phía mặt tiền nổi lên hệ thống cửa bức bàn chạm hoa văn hồi vân, ly, quy, phượng. Bộ khung nội thất gồm 24 cột gỗ, trên đầu các cột đều có đấu vuông thót đáy để đỡ câu đầu, phía dưới cột vẫn còn dấu vết của các lỗ mà xưa kia lắp ván sàn, chân kê đá tảng màu xanh cổ bồng. Trên các bức cốn chạm hoa văn điển tích như: hổ phù ngậm chữ “thọ”, voi phủ phục, voi trong rừng, các con rồng... đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII.
Toà nhà cuối cùng, nơi linh thiêng và thâm nghiêm nhất là toà Hậu cung. Hạng mục này gồm 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén, thiên về độ chắc khoẻ. Tuy nhiên, tại Hậu cung, hiện tồn 3 bộ cửa bức bàn được chạm theo lối cửa khám, bên trong đặt 3 bộ long ngai bài vị nghệ thuật thời Lê rất có giá trị.
Đình Nam Quất là một ngôi đình rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, nhất là về kiến trúc. Đây thực sự trở thành ngôi đình làng tiêu biểu về nghệ thuật thế kỷ XVII.
Đình Nam Quất đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01