Đình Kim Quan (huyện Thạch Thất)
Đình Kim Quan tọa lạc bên bờ sông Tích thuộc xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 15/11/1991.
Nghi môn đình trông ra bờ sông Tích với cảnh quan ngoạn mục làm cho di tích thêm bề thế, nổi tiếng trong vùng. Xưa kia đình có kết cấu tổng thể gồm cả Nghi môn, Tả - Hữu vu, nhà trống, nhà chiêng nhưng do những biến cố của lịch sử, thời gian đã bị hạ giải.
Ngôi nhà Đại bái bề thế khang trang: mặt tiền là hệ thống cửa bức bàn kết cấu 5 gian trên 6 hàng chân cột lớn. Bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng rường; hạ cốn, kẻ bẩy”. Các hạng cột thượng thu hạ thách, chân cột đều kê đá tảng cổ bồng.
Hậu cung kiến trúc theo kiểu chồng diêm, chấn song con tiện gỗ, hai tầng tám mái, lợp ngói mũi hài mỏng.
Đình Kim Quan còn bảo lưu nhiều mảng nghệ thuật điêu khắc quý hiếm, trong đó có cửa võng chạm lưỡng long chầu nguyệt, hình tượng rồng rất sinh động đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVIII. Trên lớp kiến trúc đồ sộ có những khối tượng voi đặt trên đấu nhô ra từ xà ngang ở giữa cột, cốn mê đục chạm bong kênh đề tài tứ linh. Con rồng loài vật thiêng là đề tài chủ đạo với dáng uốn cong trên thân phủ đầy lưỡi mác mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Ngoài ra trong đình còn có các mảng chạm tứ linh, tứ quý phong cách điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XIX. Trong Hậu cung có một khám thờ khá rộng trang trí cửa võng cánh khảm, trong đó đặt 3 cỗ long bán đầu rồng có 3 pho tượng tròn tư thế ngồi chống chân vuông góc trên bệ tướng mạo quan võ. Trong nhiều hiện vật cổ còn đáng chú ý là 3 cỗ kiệu rước thánh và 1 kiệu văn chạm rồng phượng rất công phu.
Đình Kim Quan thờ ba vị họ Chu là Chu Cẩn, Chu Khiêm, Chu Đàm (vốn tên là Chu Tuấn, Chu Hùng, Chu Liệt) người đất Ba Trung (Trung Quốc); sống ở đời vua Hiến Đế nhà Hán được cử sang làm đô hộ ở nước Nam Việt. Các ngài đã có công dạy học, làm thuốc chữa bệnh giúp dân địa phương. Vì thế nhân dân nơi đây suy tôn ba ngài làm Thành hoàng làng.
Hội làng tổ chức 3 ngày lớn từ mồng 6 đến mồng 9 tháng giêng, dân làng đều ra đình xem rước kiệu diễu hành quanh làng lên Quán Sải thôn Thuý Lai, xã Kim Quan, tế lễ xong lại rước về đình. Ngày hội còn nhiều trò chơi dân gian như như: đánh vật, chơi đu, chọi gà, bắt vịt và diễn xướng dân ca ở cửa đình./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01