Đền Tam Phủ (huyện Đan Phượng)
Đền Tam Phủ thuộc xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Đền Tam Phủ còn gọi là đền Thu Quế, toạ lạc sát bờ sông Đáy thuộc thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Thu Quế xưa là một xã thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai. Từ trung tâm thành phố Hà Nội xuôi theo Quốc lộ 32 tới thị trấn Phùng rẽ phải theo đê sông Đáy khoảng 2km là tới di tích. Đền được xây dựng trên khu đất cao, rộng khoảng 1ha, liền ngay sát chùa Đôi Hồi.
Đền Tam Phủ kết cấu theo kiểu chữ “tam” gồm Tiền tế, Trung cung và Thượng cung. Nhà Tiền tế gồm 3 gian làm theo kiểu “chồng diêm”, nối phần mái trên và mái dưới có hàng chấn song con tiện gỗ, các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường”. Toà Trung cung gồm 3 gian hồi bít đốc, các bộ vì được cổ nhân làm theo một kiểu thức “thượng rường hạ kẻ”, câu đầu bên trái còn ghi năm tạo dựng “Cảnh Hưng tứ thập nhị niên bát nguyệt”, có nghĩa là tháng 8 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Toà Thượng cung cũng được làm theo kiểu hồi bít đốc gồm 5 gian, vào bên trong các bộ vì được làm đơn giản, với lối “kèo kẻ” trên 4 hàng chân cột, nó thiên về độ bền chắc và thông thoáng cho công trình này.
Đền Tam Phủ còn có dãy Tả hữu mạc, mỗi toà gồm 4 gian. Bên ngoài đền có đôi nghê đá nằm phủ phục, mặt hướng vào nhau như đang gác cửa và kiểm soát tâm linh khách hành hương vào lễ thánh. Bên trong đền bài trí nhiều đồ tế tự như hương án, hạc, đài nến, lư hương. Đáng chú ý hơn là 14 pho tượng, trong đó có 3 pho Tam Phủ (Thiên phủ, Địa phủ và Thuỷ phủ), còn lại 10 quan chầu hầu (5 quan hàng văn và 5 quan hàng võ) một pho La Hán dắt dê, có lẽ là tượng ở nơi khác đưa đến.
Sự tích đền Tam Phủ gắn liền với sự tích chùa Đôi Hồi. Trong đền còn một tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 14 (1866) ghi lại 9 đạo lệnh của chúa Trịnh cho phép nhân dân Thu Quế được miễn phu phen tạp dịch để thờ phụng chư thánh, chư Phật ở đền và chùa.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01