Đền Quán Thánh (quận Ba Đình)
Đền Quán Thánh thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đền Quán Thánh còn có tên gọi là quán Trấn Vũ, nơi thờ vị thần trấn phía Bắc, một trong “Tứ trấn Thăng Long”.
Cứ như ba chữ tạc trên nóc cổng thì đây là “Chân Vũ Quán”. Thực ra cái tên này mới có từ năm 1840. Trước đó là “Trấn Vũ Quán” và dân chúng thì gọi nôm na là đền Quán Thánh. “Quán” là nơi thờ tự của Đạo giáo, cũng như chùa là của Phật giáo.
Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma quỷ trong khi xây thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc (thánh coi giữ phương Bắc). Tương truyền đền có từ đời Lý Thái Tổ (1000 - 1028), nhưng diện mạo hiện nay có từ lần sửa chữa năm 1893. Dù chỉ mới một thế kỷ nhưng kiến trúc đền thuộc loại đẹp. Các mảng chạm khắc trên những cấu kiện bằng gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục mặt bằng cũng như không gian của đền hài hoà cân đối, nhất là cảnh quan thoáng đãng, có hồ Tây trước mặt tạo nên một vọng cảnh đẹp. Trong đền có pho tượng Trấn Vũ bằng đồng đen đúc năm 1777 cao 3,96m, nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một người ngồi, y phục gọn gàng nhưng tóc lại bỏ xoã, chân không giày dép, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm.
Thân gươm có rắn quấn và chống lên lưng rùa. Đó là hình dáng một đạo sĩ. Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng của người Hà Nội cách đây ba thế kỷ. Ở nhà bái đường có một pho tượng nhỏ bằng đá. Theo một thuyết thì đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ đúc đồng đã đúc pho tượng Trấn Vũ. Tượng này là do các học trò của ông Trùm tạc nên để ghi công thầy. Thực hư ra sao chưa rõ.
Cùng được đúc với tượng còn có một quả chuông hiện treo ở gác chuông ngoài Tam quan. Chuông cao gần 1,5m, tiếng chuông trong, ngân nga, vang xa... và đọng mãi trong tâm tưởng người dân Hà Nội:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương...
Hiện nay, đền Quán Thánh còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý rất có giá trị, một hệ thống đại tự và những bài thơ chạm khắc trên gỗ, còn là một Bảo tàng thu nhỏ về đồ đồng. Từ pho tượng Trấn Vũ tới các cây đèn, chảo, chuông, khánh, bát bửu... đều bằng đồng, cùng nhiều bia đá cho biết niên đại trùng tu. Đặc biệt thời Tây Sơn có Đô đốc Lê Văn Ngữ đã quyên tiền đúc chiếc khánh đồng lớn vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794).
Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng ra Bắc Hà, tới thăm đền, cho tu sửa, và đổi tên là Chân Vũ quán. Năm 1842 vua Thiệu Trị đến thăm, dâng tiền bằng vàng để đúc lại thành một cái vòng vàng, với sợi dây bạc xâu để treo ở cổ tay tượng Trấn Vũ.
Đền Quán Thánh là một danh thắng của Thủ đô nằm ven hồ Tây với lối kiến trúc độc đáo, những hiện vật quý giá cho đến nay luôn neo chân nhiều du khách.
Lễ hội đền Quán Thánh được tổ chức vào các ngày 1 tháng giêng và 3 tháng ba âm lịch (3 tháng ba chính hội). Trong ngày hội có lễ rước “Thần hồ” theo bờ hồ Tây, ngày 3 tháng ba có rước từ đền Quán Thánh đến đền Thuy Khuê; ngoài ra còn có các nghi lễ giáng bút, cầu mộng, cầu lộc...
Đền Quán Thánh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1962./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01