Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Mậu Hoà (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 25/04/2023 10:17

Đền Mậu Hoà thuộc xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đền Mậu Hoà ở tả ngạn đê sông Đáy, quay hướng nam, kết cấu theo kiểu chữ “tam” đối diện với hướng đình. Từ trên đệ xuống, qua cổng gạch đề 3 chữ Hán: “Tối linh từ”. Phía trước là vườn cây, hồ nước. Qua bậc tam cấp có đôi rồng đá hai bên là tới các toà Hạ, Trung và Thượng. Ngăn giữa các toà nhà này là khoảng sân lọng nhỏ để tạo nên chữ “tam”. Toà Hạ có kết cấu tường hồi bít đốc với 2 mái chảy phía trước và sau, phía trước toà Hạ, nối từ tường hồi ra là 2 trụ biểu vuông, phía trên đắp tứ phượng chầu, các đuôi kết lại thành hoa dành, thân trụ đắp các đôi câu đối:

Quán thế Mậu công lưu thái địa
Thiên thu Hoà khí nghiễm sinh từ

Với lối tách đôi tên làng như để nhấn mạnh ý nghĩa, ca ngợi nơi đây đất đẹp, là chốn sinh từ ngàn năm khí ôn hoà. Toà nhà này có 3 gian chính, mỗi đầu thêm 1/2 gian nữa. Các bộ vì được làm theo hai dạng khác nhau, hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “kẻ chuyền”, phía trên câu đầu có 2 trụ trốn đỡ các đầu kẻ và đội rường bụng lợn để tạo thành kiểu “giá chiêng”, phía đuôi kẻ nhô ra đỡ mái hiên, nhưng phía sau đoạn dưới là kẻ ngồi trên xà có thêm bẩy hiện làm thành kiểu thức “tiền kẻ hậu bẩy”. Các bộ vì gian bên làm theo kiểu “chồng rường” xếp khít thành cốn mê để chạm khắc các tích tứ linh và hoa lá.

Qua khoảng sân nhỏ đến toà Trung. Khoảng sân này có dụng ý lấy ánh sáng cho bên trong nội thất. Các bộ vì ở đây có lối kết cấu cùng một kiểu thức “chồng rường” kết hợp với kẻ và xà nhưng vẫn giữ một cốn mê trên mỗi bộ vì để các nghệ nhân chạm tứ linh và long cuốn thuỷ.

Lên toà Thượng, kết cấu kiến trúc đơn giản hơn hai toà Hạ và Trung với các bộ vì làm theo kiểu thức “vì kèo”, phía trước có hệ thống cửa bức bàn đóng kín phần cung thờ.

Tại toà Trung có tấm bia “Mậu Hoà xã tạo đình bi ký” nói về việc dựng đình ở triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái (1889 - 1907). Hai tấm bia khác nói về ngôi đền này. Tấm bia thứ nhất đặt phía trong gian bên trái có số đo cao 120cm, rộng 50cm, không có đế, trán bia chạm mặt trời với hai bông cúc hai bên, diềm bia chạm hoa dây. Bài văn bia mang tên “Tổng đốc đại vương thần từ ký” do Nguyễn Ích Tốn soạn. Ông quê gốc Bối Khê về Mậu Hoà lập nghiệp. Ông đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1484 và cho khắc bia vào năm Nhâm Thân, niên hiệu Hồng Thuận thứ 4 (1512) cho biết Thành hoàng làng chính là Phạm Đông Nga, người mang phúc lộc cho nhân dân Mậu Hoà. Tấm bia thứ hai đặt đầu hồi bên trái, bia không có đế, cao 86cm, rộng 56cm ghi dòng chữ “Mậu Hoà miếu bi” dựng năm Bảo Đại thứ 5 (1930), cho biết ngôi đền này mới đầu quay hướng tây, vào năm Khải Định thứ 10 (1925), các bộ lão trong làng chiếu theo ngọc phả đổi lại hướng cũ cho đền, chỉ trong một tháng, miếu mạo lại như xưa, nhìn hướng nam.

Cuốn ngọc phả tuy mới sao lại năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Đại, nhưng vốn được Tiến sĩ Nguyễn Ích Tốn soạn từ thế kỷ XVI gắn với tấm bia “Đinh Tiên Hoàng triều nhất vị đại vương phả lục” cho biết thân thế Thành hoàng Phạm Đông Nga vốn quê ở huyện Chương Đức (huyện Chương Mỹ ngày nay) sống ở thế kỷ X đã có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, ngài được phong là Thái bảo tổng đốc tuấn trục Đông Nga uy dũng hùng kiệt chính trực thông minh đại vương. Nhưng sau đó, ngài đã xin từ quan để du ngoạn thiên hạ, khi đến trang Mậu Hoà thấy nơi đây sơn kỳ thuỷ tú nên ngài ở lại. Tại đây, ngài đã dạy dân đào ao thả cá, đào ngòi tiêu úng, trồng dâu nuôi tằm dệt vải... Sau khi ngài hoá vào ngày 27 tháng năm, nhân dân đã lập miếu thờ.

Di vật trong đền Mậu Hoà khá phong phú, nhưng đáng chú ý nhất là khám thờ đặt tại toà Thượng, có niên đại thời Nguyễn. Bài vị còn ghi tước vị vua Đinh Tiên Hoàng phong cho ngài. 26 đạo sắc phong, sắc sớm nhất vào triều Lê, niên hiệu Dương Hoà thứ 5 (1639) và sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)... Đền Mậu Hoà còn bảo lưu được lá cờ của nghĩa quân Văn Thân do đồ Mậu, người làng lãnh đạo chống thực dân Pháp vào năm 1887, rộng 154cm x 140cm, làm bằng vải nhuộm vỏ sò, trên lá cờ còn ghi 4 chữ “Triệt Nguyễn bình tây”, nêu cao truyền thống yêu nước của dân tộc ta.

Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Đền Mậu Hoà (huyện Hoài Đức)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO