Đền Mậu Hoà (huyện Hoài Đức)
Đền Mậu Hoà thuộc xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Đền Mậu Hoà ở tả ngạn đê sông Đáy, quay hướng nam, kết cấu theo kiểu chữ “tam” đối diện với hướng đình. Từ trên đệ xuống, qua cổng gạch đề 3 chữ Hán: “Tối linh từ”. Phía trước là vườn cây, hồ nước. Qua bậc tam cấp có đôi rồng đá hai bên là tới các toà Hạ, Trung và Thượng. Ngăn giữa các toà nhà này là khoảng sân lọng nhỏ để tạo nên chữ “tam”. Toà Hạ có kết cấu tường hồi bít đốc với 2 mái chảy phía trước và sau, phía trước toà Hạ, nối từ tường hồi ra là 2 trụ biểu vuông, phía trên đắp tứ phượng chầu, các đuôi kết lại thành hoa dành, thân trụ đắp các đôi câu đối:
Quán thế Mậu công lưu thái địa
Thiên thu Hoà khí nghiễm sinh từ
Với lối tách đôi tên làng như để nhấn mạnh ý nghĩa, ca ngợi nơi đây đất đẹp, là chốn sinh từ ngàn năm khí ôn hoà. Toà nhà này có 3 gian chính, mỗi đầu thêm 1/2 gian nữa. Các bộ vì được làm theo hai dạng khác nhau, hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “kẻ chuyền”, phía trên câu đầu có 2 trụ trốn đỡ các đầu kẻ và đội rường bụng lợn để tạo thành kiểu “giá chiêng”, phía đuôi kẻ nhô ra đỡ mái hiên, nhưng phía sau đoạn dưới là kẻ ngồi trên xà có thêm bẩy hiện làm thành kiểu thức “tiền kẻ hậu bẩy”. Các bộ vì gian bên làm theo kiểu “chồng rường” xếp khít thành cốn mê để chạm khắc các tích tứ linh và hoa lá.
Qua khoảng sân nhỏ đến toà Trung. Khoảng sân này có dụng ý lấy ánh sáng cho bên trong nội thất. Các bộ vì ở đây có lối kết cấu cùng một kiểu thức “chồng rường” kết hợp với kẻ và xà nhưng vẫn giữ một cốn mê trên mỗi bộ vì để các nghệ nhân chạm tứ linh và long cuốn thuỷ.
Lên toà Thượng, kết cấu kiến trúc đơn giản hơn hai toà Hạ và Trung với các bộ vì làm theo kiểu thức “vì kèo”, phía trước có hệ thống cửa bức bàn đóng kín phần cung thờ.
Tại toà Trung có tấm bia “Mậu Hoà xã tạo đình bi ký” nói về việc dựng đình ở triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái (1889 - 1907). Hai tấm bia khác nói về ngôi đền này. Tấm bia thứ nhất đặt phía trong gian bên trái có số đo cao 120cm, rộng 50cm, không có đế, trán bia chạm mặt trời với hai bông cúc hai bên, diềm bia chạm hoa dây. Bài văn bia mang tên “Tổng đốc đại vương thần từ ký” do Nguyễn Ích Tốn soạn. Ông quê gốc Bối Khê về Mậu Hoà lập nghiệp. Ông đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1484 và cho khắc bia vào năm Nhâm Thân, niên hiệu Hồng Thuận thứ 4 (1512) cho biết Thành hoàng làng chính là Phạm Đông Nga, người mang phúc lộc cho nhân dân Mậu Hoà. Tấm bia thứ hai đặt đầu hồi bên trái, bia không có đế, cao 86cm, rộng 56cm ghi dòng chữ “Mậu Hoà miếu bi” dựng năm Bảo Đại thứ 5 (1930), cho biết ngôi đền này mới đầu quay hướng tây, vào năm Khải Định thứ 10 (1925), các bộ lão trong làng chiếu theo ngọc phả đổi lại hướng cũ cho đền, chỉ trong một tháng, miếu mạo lại như xưa, nhìn hướng nam.
Cuốn ngọc phả tuy mới sao lại năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Đại, nhưng vốn được Tiến sĩ Nguyễn Ích Tốn soạn từ thế kỷ XVI gắn với tấm bia “Đinh Tiên Hoàng triều nhất vị đại vương phả lục” cho biết thân thế Thành hoàng Phạm Đông Nga vốn quê ở huyện Chương Đức (huyện Chương Mỹ ngày nay) sống ở thế kỷ X đã có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, ngài được phong là Thái bảo tổng đốc tuấn trục Đông Nga uy dũng hùng kiệt chính trực thông minh đại vương. Nhưng sau đó, ngài đã xin từ quan để du ngoạn thiên hạ, khi đến trang Mậu Hoà thấy nơi đây sơn kỳ thuỷ tú nên ngài ở lại. Tại đây, ngài đã dạy dân đào ao thả cá, đào ngòi tiêu úng, trồng dâu nuôi tằm dệt vải... Sau khi ngài hoá vào ngày 27 tháng năm, nhân dân đã lập miếu thờ.
Di vật trong đền Mậu Hoà khá phong phú, nhưng đáng chú ý nhất là khám thờ đặt tại toà Thượng, có niên đại thời Nguyễn. Bài vị còn ghi tước vị vua Đinh Tiên Hoàng phong cho ngài. 26 đạo sắc phong, sắc sớm nhất vào triều Lê, niên hiệu Dương Hoà thứ 5 (1639) và sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924)... Đền Mậu Hoà còn bảo lưu được lá cờ của nghĩa quân Văn Thân do đồ Mậu, người làng lãnh đạo chống thực dân Pháp vào năm 1887, rộng 154cm x 140cm, làm bằng vải nhuộm vỏ sò, trên lá cờ còn ghi 4 chữ “Triệt Nguyễn bình tây”, nêu cao truyền thống yêu nước của dân tộc ta.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01