Check in Hà Nội

Đền, chùa Bà Tấm

Sơn Dương (t/h) 12:26 26/03/2023

Đền, chùa Bà Tấm là tên gọi phổ biến trong nhân dân để chỉ khu di tích tưởng niệm về một nhân vật nổi danh của lịch sử dân tộc ở thời Lý Nguyên phi Ý Lan. Đền còn có tên gọi theo địa danh là đền Dương Xá, hay đền Ỷ Lan, chùa có tên chữ Linh Nhân Tư Phúc tự.

Đền, chùa Bà Tấm hiện nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thời Lý di tích thuộc hương Thổ Lỗi, sau đổi thành hương Siêu Loại, rồi huyện Siêu Loại. Từ thời Lê Trung Hưng, văn bia cổ cho biết đền chùa Bà Tấm thuộc hai xã Dương Xá, Dương Nguyên, huyện Siêu Loại. Trước năm 1944, các xã trên đều thuộc cùng một tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1965 hai xã sáp nhập thành xã Dương Xá cho đến ngày nay.

Đền, chùa Bà Tấm nằm ở phía đông thành phố, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 16km. Dương Xá là một vùng quê có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời.

Năm 1987, tại địa điểm gần chùa Bà Tấm (Dương Xá), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phát hiện và khai quật khu di tích khảo cổ học thuộc thời dựng nước, cách ngày nay khoảng 3000 năm cùng những ngôi mộ của các giai đoạn muộn hơn, với những di vật thuộc các thời kỳ khác nhau từ Đông Hán tới Lý, Trần, Lê... Chứng tỏ đã có một quá trình định cư, phát triển liên tục của người Việt trên vùng đất Dương Xá trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Thế kỷ XI, vùng đất này nổi tiếng trên khắp cả nước với tên gọi Thổ Lỗi rồi Siêu Loại, vì đã sinh ra một nhân vật đặc biệt của vương triều Lý - Nguyên phi Ỷ Lan.

Đền thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan - một nhân vật lịch sử lớn đã được nhiều sách ghi chép lai lịch, công tích.

Cuốn thần tích Làng Thuận Quang, thực sự là sách Lý triều Đệ tam Hoàng hậu sự tích mà cố học giả Nguyễn Đổng Chi công bố cho biết: “Nguyên phi Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Yến, chính quán ở hương Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loại (tức là Dương Xá ngày nay). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Ỷ Lan là một cô gái rất xinh đẹp và chăm làm.

Bấy giờ, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi. Nhà vua và triều đình rất buồn phiền thường đi cầu tự ở các đền chùa trong nước. Một hôm, trăm quan rước xe vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Dàu, Thuận Thành, Bắc Ninh... Thấy bóng cô thôn nữ thấp thoáng trong ngàn dấu xanh ngắt, Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai quân lính đòi cô đến trước xe hỏi chuyện... Thấy cô xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, ông vua hiếm con liền truyền đưa cô về kinh Thăng Long.

Ít lâu sau Ỷ Lan được tôn làm Nguyên phi, đứng đầu các phi, sau Hoàng hậu. Con trai bà được phong Thái tử.

Khi Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc giao cho bà trông coi việc nước. Ỷ Lan đã thay chồng nhiếp chính. Lòng dân bốn phương vui vẻ, đất nước thái bình, thịnh trị. Tháng giêng năm 1072, Lý Thánh Tông mất, con là Lý Nhân Tông lên nối ngôi, lúc đó mới có 7 tuổi. Bà lại một lần nữa phải cầm quyền thay con, đã thi hành nhiều biện pháp xây dựng đất nước, yên dân, khiến cho trong nước nơi nơi yên nổn, dân đói đã được cứu sống. Đất nước Đại Việt nhờ những quyết định, những kế sách trị nước táo bạo của bà đã được phồn vinh. Đương thời, cảm ơn đức cao dầy của bà đối với dân lành, nhân dân đã tôn bà là “Quan Âm nữ”.

Từ cô gái con một gia đình nông dân nơi thôn dã, Bà Tấm - Ỷ Lan đã trở nên một nhân vật lịch sử quan trọng và một nhân vật văn hoá nổi tiếng. Chưa có một phụ nữ Việt Nam nào trong lịch sử lại xây dựng nhiều di tích đền chùa Phật giáo lớn như bà (tương truyền các chùa Dạm, chùa Một Mái động Hoàng Xá, chùa Phật Tích, chùa Báo Ân xứ Thanh, tháp Chương Sơn, chùa Tư Phúc)... đều do bà chủ trương xây dựng.

Theo chính sử (Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư) cùng truyền thuyết dân gian địa phương thì chùa Tư Phúc hay còn gọi là chùa Bà Tấm do Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu xây dựng năm 1115. Dấu tích vật chất của ngôi chùa thời kỳ này còn lưu giữ qua đôi sư tử đá, thành bậc chim phượng, chân tảng đá hoa sen. Khi Ỷ Lan được hoá thân thành Thánh thì ngôi đền cũng được dựng lên. Từ thế kỷ XVII - XVIII về sau nhiều vương phi, quận chúa họ Trịnh cùng dân thập phương đã nhiều lần tu bổ (được ghi trên bốn tấm bia cổ còn lưu lại tại di tích). Trong đó có bia niên hiệu Đức Long thứ 6 (1645), bia niên hiệu Bảo Đại thứ 18 (1943). Do vậy mà trên di tích hiện còn lưu giữ được dấu tích nghệ thuật của thời Lý, Mạc, Lê, Nguyễn.

Là di tích lớn mang tính chất quốc lễ (nhà nước quân chủ cử quan lại về tế lễ), song lễ hội dân gian truyền thống của đền Bà Tấm vẫn mang giá trị lớn. Hai kỳ hội lớn được tổ chức vào ngày 20 tháng hai âm lịch và ngày 25 tháng bảy âm lịch hàng năm. Hội tháng 2 là hội chính. Xưa kia, hội được tổ chức liền trong ba ngày từ 19 đến 21 tháng 2. Hội 25 tháng 7 tương truyền là ngày giỗ của Ỷ Lan, và là ngày bà làm lễ giải oan cho Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ bị chết oan, cũng được nhân dân Dương Xá tổ chức long trọng.

Xưa kia hội đền Bà Tấm có quy mô rất lớn, không phải chỉ có Dương Xá, Dương Nguyên tổ chức mà cả tổng Dương Quang cũ (gồm 9 xã suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm - Hưng Yên) cùng tham dự.

Đền, chùa Bà Tấm là hai kiến trúc được quy hoạch hoàn chỉnh trong một khuôn viên rộng, đẹp và thoáng mát sát cạnh đường Quốc lộ số 5 (Hà Nội - Hải Phòng).

Từ quốc lộ vào là một đường lớn dẫn vào khu di tích, đồng thời là đường phân cách đền và chùa. Đền ở phía tây, chùa ở phía đông. Trên trục đường vào di tích xây dựng hai cửa lớn. Cửa ngoài xây gạch kiểu trụ biểu, dạng nghi môn. Trên cổng có bốn chữ “Phúc như Đông Hải” (phúc như biển Đông). Cổng trong nằm sau cổng ngoài khoảng 30m. Từ đây là không gian thiêng liêng của đền và chùa với những nếp nhà cổ kính, ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ.

Chùa Bà Tấm khởi tạo từ thời Lý, đến thời Lê sơ, Mạc và các triều đại kế tiếp (thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII) được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Đầu những năm 90 thế kỷ XX, ngôi chùa được trùng tu, xây dựng lại như hiện nay.

Chùa Bà Tấm hiện nay có quy mô mặt bằng hình chữ “nhị” (=) trông ra một sân gạch lớn hình chữ nhật. Hai nếp nhà này có quy mô và kiểu dáng giống nhau: gồm 3 gian 2 dĩ, 4 mái cong. Nhà ngoài để trống 4 mặt làm nơi cho khách thập phương chuẩn bị lễ vật trước khi vào chùa. Nhà trong (Thượng điện) là nơi toạ lạc của các tượng Phật, Bồ Tát.

Các tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm và toà Cửu long toạ lạc trên một bệ thờ lớn xây gạch, dưới bệ thờ gắn hai tượng sư tử đá của thời Lý. Hai bên Tam bảo hiện để phiến đá “thành bậc” chim phượng và 4 tấm bia đá cổ của thời hậu Lê. Nổi bật nhất trong điêu khắc nghệ thuật của chùa là những hiện vật đá của thời Lý. Hai đầu sư tử đá có kích thước khá lớn (đầu tượng cao 110cm, ngang 140cm), giữa trán chạm chữ “Vương” để biểu hiện quyền thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được là nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi lớn bè, chạm nhiều cong song hàng, mắt giọt lệ kép, viền trên bằng hàng văn dấu hỏi Miệng sư tử mở rộng, há vừa phải, để lộ răng, lưỡi đỏ viên ngọc, tai trên mang bạnh. Sau mang sư tử là hệ thống tóc gồm nhiều hàng lớn. Chân sư tử có 5 móng gà. Theo Phật giáo, sư tử là hiện thân mạnh trí tuệ. Song, với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư năng tối viền diềm đường tròn. thú đặt văn xoắn của sức tử đá chùa Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.

Thành bậc chim phượng là một hiện vật đá liền khối tương đối lớn (tương ứng với nhiều bậc lên, cao 80cm, ngang 130cm). Thành bậc có hình tam giác vuông, phía trên là một con lân đang chạy xuống. Dưới lân là hàng hoa dây chạm nổi như đồ khảm (một hình thức phổ biến của nghệ thuật thời Lý) làm đường viền ở phía trên cho chim thiêng. Chim phượng đứng một chân trên bông sen, ngực ưỡn về phía trước, đầu ngoảnh nhìn phía sau, đôi cánh dang rộng và có một bộ đuôi dài uốn lượn...

Trong di tích này còn nhiều chân tảng đá mài của thời Lý, những mảnh gốm và những chim uyên ương cụt đầu. Đặc biệt là đền thờ Bà Tấm có quy mô kiến trúc lớn gồm ba phần: khu kiến trúc chính, gò cao với am thờ nhỏ và một ao tròn có nhà thuỷ đình mới được xây dựng hoàn thành vào đầu năm 1995 bằng vật liệu bền vững.

Khu đền chính khá quy mô, nội thất được bố trí theo chiều sâu. Toàn bộ các nếp nhà liên kết chặt chẽ, với hệ thống tường bao khép kín tạo sự thâm nghiêm của việc phụng thờ. Phía trước là một nếp nhà lớn 3 gian xây gạch kiểu hai tầng bốn mái.

Khu thờ tự chính có quy mô mặt bằng hình chữ công gồm Tiền tế, nhà cầu và Hậu cung. Tiền tế là nếp nhà ngang 3 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì đỡ mái vẫn bảo lưu kiến trúc cổ kiểu chồng rường hạ bẩy. Các cột sơn son vẽ rồng uốn quanh thân gỗ... Các mô típ trang trí trên kiến trúc này được chạm nổi khối, thân mập khoẻ khoắn. Nhiều mảng là sản phẩm của thế kỷ XVII.

Cung cấm là một kiến trúc cổ kiểu 4 mái cong, gồm một gian hai dĩ, mái thấp tạo sự linh thiêng cho nơi thờ. Hai bộ vì chính có kết cấu giống nhau “thượng kẻ, hạ rường”, bốn góc nhà có kẻ góc tăng thêm sự bền vững của công trình truyền thống. Các cột đặt trên đá tảng chạm hình cánh sen dầy, thân cột sơn son vẽ rồng, phía trước mở hai cửa nách. Chính giữa lòng nhà là nơi có ban thờ của Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan và sáu nữ thần (lục bộ) phò tá. Tượng Linh Nhân Hoàng thái hậu được đặt trong khám gỗ chạm lớn, toàn tượng toát lên vẻ mặt đôn hậu nhân từ, 6 nữ thần chia làm hai ban thị giả, làm tăng thêm uy lực của Thánh mẫu.

Điểm lại các di vật hiện còn ở cụm di tích này có 10 hiện vật đất nung thời Lý (thế kỷ XI - XII), 3 chân tảng đá chạm cánh sen thời Lý và một số hiện vật thời hậu Lê. Hai đầu sư tử đá thời Lý, một thành bậc chim phượng thời Lý, 4 tấm bia đá thời hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII), 1 bia đá thời Nguyễn, một khám thờ chạm rồng uốn khúc yên ngựa, chạm thủng hoa văn linh vật. Đây là hiện vật tiêu biểu của thời Mạc. Một long đình chạm rồng (thế kỷ XVII - XVIII), một bài vị gỗ chạm rồng (thế kỷ XVII - XVIII), 7 pho tượng tròn phong cách (thế kỷ XVIII - XIX), 5 bức hoành phi, 2 câu đối ca ngợi ân đức của Hoàng thái hậu Ỷ Lan: Mẫu nghi đoan chính chiêu thiên cổ; Thánh trạch linh quang ngưỡng vạn niên. Nghĩa là:

Mẫu nghi đoan chính người muôn thuở; Ơn thánh sâu xa kính vạn năm.

Đền, chùa Bà Tấm là một trong những di tích lịch sử - văn hoá có niên đại sớm của nước ta. Nổi bật nhất của khu di tích này là sự liên quan gắn bó mật thiết với Nguyên phi - Ỷ Lan - một nhân vật nổi danh trong lịch sử nước nhà. Ngôi chùa do chính Nguyên phi Ỷ Lan xây dựng, đền là nơi tưởng niệm về bà. Hệ thống truyền thuyết, các dịa danh gắn bó với Ỷ Lan gặp vua cùng những cổ vật của thời Lý đã đưa đền, chùa Dương Xá trở thành một địa chỉ văn hoá nổi bật và quan trọng trong hệ thống di tích tưởng niệm về Nguyên phi Ỷ Lan trên quê hương của bà.

Công lao to lớn nhất của danh nhân Ỷ Lan là đã góp phần đào luyện và chuẩn bị được một vị vua giỏi: vua Lý Nhân Tông. Đánh giá về vị vua này, sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Sáng suốt, thần võ, trí tuệ, hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến, thần dân thì giúp đỡ, người sống theo thông âm luật, là vị vua giỏi của triều Lý. Công lao thứ hai là sự quan tâm đến quốc kế dân sinh, phát triển đất nước, thương yêu giúp đỡ người nghèo”. Nhiều nhà sử học thời nay đã đánh giá, giai đoạn lịch sử của thế kỷ XI đầu thế kỷ XII là thời đại Ỷ Lan của Thăng Long Đại Việt. Công việc dựng nước bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự nghiệp phát triển của dân tộc và quốc gia độc lập.

Ỷ Lan phu nhân - một hình mẫu tiêu biểu của dân tộc, đã để lại cho hậu thế một tấm gương tốt đẹp về tài trị nước, yên dân, đó là niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội.

Đền, chùa Bà Tấm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1996.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
    Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.
  • Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
    Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
  • Góc nhìn lịch sử mới mẻ, lãng mạn và hào hoa
    Sau gần 3 tháng phát động, Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã khép lại với Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm được tổ chức tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội (từ 10/8 đến 31/8). Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm góp phần tuyên truyền đậm nét về mốc son và ý nghĩa của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời mang đến những góc nhìn mới mẻ về lịch sử hào hùng của Thành phố nghìn năm văn hiến.
  • Bão số 4 đổ bộ, nhiều địa phương mưa lớn
    Lúc 14h ngày 19/9, bão số 4 đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10.
  • Hà Nội triển khai vé xe buýt ảo offline dành cho khách hàng từ ngày 20/9
    Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng hình thức thẻ ảo (thẻ phi vật lý) tham gia vận tải hành khách công cộng kể cả khi không có mạng internet, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai hình thức thẻ vé xe buýt ảo offline dành cho khách hàng kể từ ngày 20/9/2024.
Đừng bỏ lỡ
Đền, chùa Bà Tấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO