Check in Hà Nội

Đền, chùa Bà Tấm

Sơn Dương (t/h) 12:26 26/03/2023

Đền, chùa Bà Tấm là tên gọi phổ biến trong nhân dân để chỉ khu di tích tưởng niệm về một nhân vật nổi danh của lịch sử dân tộc ở thời Lý Nguyên phi Ý Lan. Đền còn có tên gọi theo địa danh là đền Dương Xá, hay đền Ỷ Lan, chùa có tên chữ Linh Nhân Tư Phúc tự.

Đền, chùa Bà Tấm hiện nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thời Lý di tích thuộc hương Thổ Lỗi, sau đổi thành hương Siêu Loại, rồi huyện Siêu Loại. Từ thời Lê Trung Hưng, văn bia cổ cho biết đền chùa Bà Tấm thuộc hai xã Dương Xá, Dương Nguyên, huyện Siêu Loại. Trước năm 1944, các xã trên đều thuộc cùng một tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1965 hai xã sáp nhập thành xã Dương Xá cho đến ngày nay.

Đền, chùa Bà Tấm nằm ở phía đông thành phố, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 16km. Dương Xá là một vùng quê có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời.

Năm 1987, tại địa điểm gần chùa Bà Tấm (Dương Xá), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phát hiện và khai quật khu di tích khảo cổ học thuộc thời dựng nước, cách ngày nay khoảng 3000 năm cùng những ngôi mộ của các giai đoạn muộn hơn, với những di vật thuộc các thời kỳ khác nhau từ Đông Hán tới Lý, Trần, Lê... Chứng tỏ đã có một quá trình định cư, phát triển liên tục của người Việt trên vùng đất Dương Xá trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Thế kỷ XI, vùng đất này nổi tiếng trên khắp cả nước với tên gọi Thổ Lỗi rồi Siêu Loại, vì đã sinh ra một nhân vật đặc biệt của vương triều Lý - Nguyên phi Ỷ Lan.

Đền thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan - một nhân vật lịch sử lớn đã được nhiều sách ghi chép lai lịch, công tích.

Cuốn thần tích Làng Thuận Quang, thực sự là sách Lý triều Đệ tam Hoàng hậu sự tích mà cố học giả Nguyễn Đổng Chi công bố cho biết: “Nguyên phi Ỷ Lan, tên thật là Lê Thị Yến, chính quán ở hương Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loại (tức là Dương Xá ngày nay). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Ỷ Lan là một cô gái rất xinh đẹp và chăm làm.

Bấy giờ, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi. Nhà vua và triều đình rất buồn phiền thường đi cầu tự ở các đền chùa trong nước. Một hôm, trăm quan rước xe vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Dàu, Thuận Thành, Bắc Ninh... Thấy bóng cô thôn nữ thấp thoáng trong ngàn dấu xanh ngắt, Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai quân lính đòi cô đến trước xe hỏi chuyện... Thấy cô xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, ông vua hiếm con liền truyền đưa cô về kinh Thăng Long.

Ít lâu sau Ỷ Lan được tôn làm Nguyên phi, đứng đầu các phi, sau Hoàng hậu. Con trai bà được phong Thái tử.

Khi Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc giao cho bà trông coi việc nước. Ỷ Lan đã thay chồng nhiếp chính. Lòng dân bốn phương vui vẻ, đất nước thái bình, thịnh trị. Tháng giêng năm 1072, Lý Thánh Tông mất, con là Lý Nhân Tông lên nối ngôi, lúc đó mới có 7 tuổi. Bà lại một lần nữa phải cầm quyền thay con, đã thi hành nhiều biện pháp xây dựng đất nước, yên dân, khiến cho trong nước nơi nơi yên nổn, dân đói đã được cứu sống. Đất nước Đại Việt nhờ những quyết định, những kế sách trị nước táo bạo của bà đã được phồn vinh. Đương thời, cảm ơn đức cao dầy của bà đối với dân lành, nhân dân đã tôn bà là “Quan Âm nữ”.

Từ cô gái con một gia đình nông dân nơi thôn dã, Bà Tấm - Ỷ Lan đã trở nên một nhân vật lịch sử quan trọng và một nhân vật văn hoá nổi tiếng. Chưa có một phụ nữ Việt Nam nào trong lịch sử lại xây dựng nhiều di tích đền chùa Phật giáo lớn như bà (tương truyền các chùa Dạm, chùa Một Mái động Hoàng Xá, chùa Phật Tích, chùa Báo Ân xứ Thanh, tháp Chương Sơn, chùa Tư Phúc)... đều do bà chủ trương xây dựng.

Theo chính sử (Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư) cùng truyền thuyết dân gian địa phương thì chùa Tư Phúc hay còn gọi là chùa Bà Tấm do Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu xây dựng năm 1115. Dấu tích vật chất của ngôi chùa thời kỳ này còn lưu giữ qua đôi sư tử đá, thành bậc chim phượng, chân tảng đá hoa sen. Khi Ỷ Lan được hoá thân thành Thánh thì ngôi đền cũng được dựng lên. Từ thế kỷ XVII - XVIII về sau nhiều vương phi, quận chúa họ Trịnh cùng dân thập phương đã nhiều lần tu bổ (được ghi trên bốn tấm bia cổ còn lưu lại tại di tích). Trong đó có bia niên hiệu Đức Long thứ 6 (1645), bia niên hiệu Bảo Đại thứ 18 (1943). Do vậy mà trên di tích hiện còn lưu giữ được dấu tích nghệ thuật của thời Lý, Mạc, Lê, Nguyễn.

Là di tích lớn mang tính chất quốc lễ (nhà nước quân chủ cử quan lại về tế lễ), song lễ hội dân gian truyền thống của đền Bà Tấm vẫn mang giá trị lớn. Hai kỳ hội lớn được tổ chức vào ngày 20 tháng hai âm lịch và ngày 25 tháng bảy âm lịch hàng năm. Hội tháng 2 là hội chính. Xưa kia, hội được tổ chức liền trong ba ngày từ 19 đến 21 tháng 2. Hội 25 tháng 7 tương truyền là ngày giỗ của Ỷ Lan, và là ngày bà làm lễ giải oan cho Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ bị chết oan, cũng được nhân dân Dương Xá tổ chức long trọng.

Xưa kia hội đền Bà Tấm có quy mô rất lớn, không phải chỉ có Dương Xá, Dương Nguyên tổ chức mà cả tổng Dương Quang cũ (gồm 9 xã suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm - Hưng Yên) cùng tham dự.

Đền, chùa Bà Tấm là hai kiến trúc được quy hoạch hoàn chỉnh trong một khuôn viên rộng, đẹp và thoáng mát sát cạnh đường Quốc lộ số 5 (Hà Nội - Hải Phòng).

Từ quốc lộ vào là một đường lớn dẫn vào khu di tích, đồng thời là đường phân cách đền và chùa. Đền ở phía tây, chùa ở phía đông. Trên trục đường vào di tích xây dựng hai cửa lớn. Cửa ngoài xây gạch kiểu trụ biểu, dạng nghi môn. Trên cổng có bốn chữ “Phúc như Đông Hải” (phúc như biển Đông). Cổng trong nằm sau cổng ngoài khoảng 30m. Từ đây là không gian thiêng liêng của đền và chùa với những nếp nhà cổ kính, ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ.

Chùa Bà Tấm khởi tạo từ thời Lý, đến thời Lê sơ, Mạc và các triều đại kế tiếp (thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII) được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Đầu những năm 90 thế kỷ XX, ngôi chùa được trùng tu, xây dựng lại như hiện nay.

Chùa Bà Tấm hiện nay có quy mô mặt bằng hình chữ “nhị” (=) trông ra một sân gạch lớn hình chữ nhật. Hai nếp nhà này có quy mô và kiểu dáng giống nhau: gồm 3 gian 2 dĩ, 4 mái cong. Nhà ngoài để trống 4 mặt làm nơi cho khách thập phương chuẩn bị lễ vật trước khi vào chùa. Nhà trong (Thượng điện) là nơi toạ lạc của các tượng Phật, Bồ Tát.

Các tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm và toà Cửu long toạ lạc trên một bệ thờ lớn xây gạch, dưới bệ thờ gắn hai tượng sư tử đá của thời Lý. Hai bên Tam bảo hiện để phiến đá “thành bậc” chim phượng và 4 tấm bia đá cổ của thời hậu Lê. Nổi bật nhất trong điêu khắc nghệ thuật của chùa là những hiện vật đá của thời Lý. Hai đầu sư tử đá có kích thước khá lớn (đầu tượng cao 110cm, ngang 140cm), giữa trán chạm chữ “Vương” để biểu hiện quyền thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được là nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi lớn bè, chạm nhiều cong song hàng, mắt giọt lệ kép, viền trên bằng hàng văn dấu hỏi Miệng sư tử mở rộng, há vừa phải, để lộ răng, lưỡi đỏ viên ngọc, tai trên mang bạnh. Sau mang sư tử là hệ thống tóc gồm nhiều hàng lớn. Chân sư tử có 5 móng gà. Theo Phật giáo, sư tử là hiện thân mạnh trí tuệ. Song, với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư năng tối viền diềm đường tròn. thú đặt văn xoắn của sức tử đá chùa Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.

Thành bậc chim phượng là một hiện vật đá liền khối tương đối lớn (tương ứng với nhiều bậc lên, cao 80cm, ngang 130cm). Thành bậc có hình tam giác vuông, phía trên là một con lân đang chạy xuống. Dưới lân là hàng hoa dây chạm nổi như đồ khảm (một hình thức phổ biến của nghệ thuật thời Lý) làm đường viền ở phía trên cho chim thiêng. Chim phượng đứng một chân trên bông sen, ngực ưỡn về phía trước, đầu ngoảnh nhìn phía sau, đôi cánh dang rộng và có một bộ đuôi dài uốn lượn...

Trong di tích này còn nhiều chân tảng đá mài của thời Lý, những mảnh gốm và những chim uyên ương cụt đầu. Đặc biệt là đền thờ Bà Tấm có quy mô kiến trúc lớn gồm ba phần: khu kiến trúc chính, gò cao với am thờ nhỏ và một ao tròn có nhà thuỷ đình mới được xây dựng hoàn thành vào đầu năm 1995 bằng vật liệu bền vững.

Khu đền chính khá quy mô, nội thất được bố trí theo chiều sâu. Toàn bộ các nếp nhà liên kết chặt chẽ, với hệ thống tường bao khép kín tạo sự thâm nghiêm của việc phụng thờ. Phía trước là một nếp nhà lớn 3 gian xây gạch kiểu hai tầng bốn mái.

Khu thờ tự chính có quy mô mặt bằng hình chữ công gồm Tiền tế, nhà cầu và Hậu cung. Tiền tế là nếp nhà ngang 3 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì đỡ mái vẫn bảo lưu kiến trúc cổ kiểu chồng rường hạ bẩy. Các cột sơn son vẽ rồng uốn quanh thân gỗ... Các mô típ trang trí trên kiến trúc này được chạm nổi khối, thân mập khoẻ khoắn. Nhiều mảng là sản phẩm của thế kỷ XVII.

Cung cấm là một kiến trúc cổ kiểu 4 mái cong, gồm một gian hai dĩ, mái thấp tạo sự linh thiêng cho nơi thờ. Hai bộ vì chính có kết cấu giống nhau “thượng kẻ, hạ rường”, bốn góc nhà có kẻ góc tăng thêm sự bền vững của công trình truyền thống. Các cột đặt trên đá tảng chạm hình cánh sen dầy, thân cột sơn son vẽ rồng, phía trước mở hai cửa nách. Chính giữa lòng nhà là nơi có ban thờ của Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan và sáu nữ thần (lục bộ) phò tá. Tượng Linh Nhân Hoàng thái hậu được đặt trong khám gỗ chạm lớn, toàn tượng toát lên vẻ mặt đôn hậu nhân từ, 6 nữ thần chia làm hai ban thị giả, làm tăng thêm uy lực của Thánh mẫu.

Điểm lại các di vật hiện còn ở cụm di tích này có 10 hiện vật đất nung thời Lý (thế kỷ XI - XII), 3 chân tảng đá chạm cánh sen thời Lý và một số hiện vật thời hậu Lê. Hai đầu sư tử đá thời Lý, một thành bậc chim phượng thời Lý, 4 tấm bia đá thời hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII), 1 bia đá thời Nguyễn, một khám thờ chạm rồng uốn khúc yên ngựa, chạm thủng hoa văn linh vật. Đây là hiện vật tiêu biểu của thời Mạc. Một long đình chạm rồng (thế kỷ XVII - XVIII), một bài vị gỗ chạm rồng (thế kỷ XVII - XVIII), 7 pho tượng tròn phong cách (thế kỷ XVIII - XIX), 5 bức hoành phi, 2 câu đối ca ngợi ân đức của Hoàng thái hậu Ỷ Lan: Mẫu nghi đoan chính chiêu thiên cổ; Thánh trạch linh quang ngưỡng vạn niên. Nghĩa là:

Mẫu nghi đoan chính người muôn thuở; Ơn thánh sâu xa kính vạn năm.

Đền, chùa Bà Tấm là một trong những di tích lịch sử - văn hoá có niên đại sớm của nước ta. Nổi bật nhất của khu di tích này là sự liên quan gắn bó mật thiết với Nguyên phi - Ỷ Lan - một nhân vật nổi danh trong lịch sử nước nhà. Ngôi chùa do chính Nguyên phi Ỷ Lan xây dựng, đền là nơi tưởng niệm về bà. Hệ thống truyền thuyết, các dịa danh gắn bó với Ỷ Lan gặp vua cùng những cổ vật của thời Lý đã đưa đền, chùa Dương Xá trở thành một địa chỉ văn hoá nổi bật và quan trọng trong hệ thống di tích tưởng niệm về Nguyên phi Ỷ Lan trên quê hương của bà.

Công lao to lớn nhất của danh nhân Ỷ Lan là đã góp phần đào luyện và chuẩn bị được một vị vua giỏi: vua Lý Nhân Tông. Đánh giá về vị vua này, sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Sáng suốt, thần võ, trí tuệ, hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến, thần dân thì giúp đỡ, người sống theo thông âm luật, là vị vua giỏi của triều Lý. Công lao thứ hai là sự quan tâm đến quốc kế dân sinh, phát triển đất nước, thương yêu giúp đỡ người nghèo”. Nhiều nhà sử học thời nay đã đánh giá, giai đoạn lịch sử của thế kỷ XI đầu thế kỷ XII là thời đại Ỷ Lan của Thăng Long Đại Việt. Công việc dựng nước bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự nghiệp phát triển của dân tộc và quốc gia độc lập.

Ỷ Lan phu nhân - một hình mẫu tiêu biểu của dân tộc, đã để lại cho hậu thế một tấm gương tốt đẹp về tài trị nước, yên dân, đó là niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội.

Đền, chùa Bà Tấm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1996.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)