Chùa Văn Hội (huyện Thường Tín)
Chùa Văn Hội hiện nay tọa lạc tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chùa Văn Hội có tên chữ là Hội Phúc tự, đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1993.
Chùa được xây dựng phía tây của làng. Vào đầu thời Lê, hai làng Văn Hội và Văn Giáp vốn là một làng có chung chùa Hai Bà, thờ thần Pháp Vân và Pháp Lôi. Năm 1947, do tiêu thổ kháng chiến, chùa Pháp Lôi bị phá. Nhân dân Văn Hội đã rước tượng Pháp Lôi về thờ tại chùa làng Văn Hội. Do vậy, chùa Văn Hội là một ngôi chùa làng được xây dựng để thờ Phật theo phái Đại Thừa. Cách đây nửa thế kỷ có thêm pho tượng cổ Pháp Lôi. Tượng được tạc bằng gỗ dâu theo sách đồng “Nam thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục”, tượng cao 1,5m, ngồi trên ngai, mắt nhìn thẳng. Tay được tạc theo thế: Thí vô uý ấn. Theo Phật học, đó là sự mang đến bình yên cho chúng sinh, xua tan sự hoài nghi và cứu độ con người. Chùa còn giữ được 14 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn.
Trên cùng Thượng điện bộ tượng Tam thế. Đây là ba pho tượng cổ đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, ngồi trên toà sen. Lớp thứ hai là bộ tượng A Di Đà Tam tôn: chính giữa là tượng A Di Đà, bên trái là tượng Quan Âm, bên phải là tượng Đại Thế Chí. Lớp thứ ba là Quan Âm thiên thủ thiên nhãn. Pho tượng này được cổ nhân tạo tác rất công phu, bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Tượng cao 0,98m, hình dung tượng phúc hậu, hiền hoà, từ thân vươn ra 40 cánh tay. Lớp thứ tư là tượng Thích Ca sơ sinh. Và cuối cùng ở Thượng điện là tượng Pháp Lôi (thần Sấm trong tứ pháp), được rước về năm 1947 như đã nói ở trên.
Theo tấm bia hậu tạc năm Đồng Khánh thứ ba (1888) thì chùa Văn Hội được dân làng và ông Trần Liêu là Tả Tham tri Bộ Hộ thời Nguyễn đứng ra trùng tu. Chùa làng do vậy, về dáng dấp kiến trúc mang phong cách Nguyễn muộn với kiểu chữ “đinh” gồm toà Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra, chùa còn có nhà Tổ, nhà khách, nhà ở của tăng ni... được toạ lạc trên khu đất rộng rãi.
Toà Tiền đường gồm 5 gian, đầu hồi bít đốc, hai cột đồng trụ được đắp vẽ rồng, đèn lồng kiểu như ở các đình làng. Mái lợp ngói ri cổ. Chùa Văn Hội kết cấu chịu lực chủ yếu là bộ khung gỗ liên kết chặt chẽ. Các bộ vì nóc cấu trúc kiểu giá chiêng trên bốn hàng chân cột gỗ. Trên các câu đầu, xà thượng... nghệ nhân xưa chạm nổi hoa văn lá lật, lá ngô đồng rất uyển chuyển./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02