Chùa Trần Đăng (huyện Ứng Hòa)
Chùa Trần Đăng hiện nay tọa lạc tại xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Chùa Trần Đăng tên chữ là Diên Phúc tự được biết đến là một ngôi chùa cổ kính nổi tiếng trong vùng.
Chùa gồm có: Gác chuông, Tiền đường, Thượng điện. Hạng mục đầu tiên là Gác chuông 2 tầng 8 mái đao cong, kết cấu kiến trúc khá vững. Phía ngoài có đôi rồng đá, điêu khắc nghệ thuật cuối thế kỷ XVI. Qua Gác chuông là đến toà Tiền đường xây tường hồi bít đốc, mặt tiền cửa bức bàn truyền thống, kết cấu bộ vì kiểu vì kèo trụ nóc. Thượng điện là hạng mục cuối cùng được dựng trên nền cao hơn Tiền đường là 70cm, mái được lợp ngói mũi hài cổ. Kiến trúc chủ yếu bào trơn đóng bén, còn đầu dư tạo tác đầu rồng phong cách nghệ thuật thời Lê, những y môn điêu khắc thế kỷ XIX.
Tượng trong chùa phong phú, đa dạng tại thượng điện, trên cùng là bộ tượng Tam thế, hàng thứ hai bộ tượng Hoa Nghiêm Tam thánh bao gồm tượng Thích Ca giáo chủ đứng giữa, hai bên là Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát tay kết ấn liên hoa. Hàng thứ ba là Văn Thù, Phổ Hiền ở giữa là Tuyết Sơn nhỏ. Hàng thứ tư là Quan Âm chuẩn đề và Kim Đồng, Ngọc Nữ. Hàng thứ năm là Nam Tào, Bắc Đẩu. Hàng thứ sáu là Ngọc hoàng, hai bên là Phạm Thiên và Đế Thích. Cuối cùng là tượng Thích Ca sơ sinh... Xét giá trị nghệ thuật điêu khắc tượng cổ phải kể đến pho Thích Ca giáo chủ. Ngài ngồi trên toà sen trong thế kiết già, khuôn mặt nhân hậu, miệng thoáng nụ cười, ngực nở bụng thon, giữa ngực khắc chữ “vạn”, áo cà sa bó sát người. Đài sen gồm bốn lớp cánh ngửa, hai lớp cánh úp, cánh dày nổi khối có trang trí hoa văn phong cách thế kỷ XVII. Tượng Quan Âm nam hải tay kết ấn chuẩn đề. Tượng làm vào thế kỷ XVIII, các chi tiết trên mũ đã mềm đi không nổi khối. Phía dưới có con quỷ đội cả pho tượng trở nên diêm dúa. Đây là pho tượng đẹp hiếm thấy. Kế đến là pho Thánh Tăng, Thổ Địa thế kỷ XIX được tạo tác cân đối, hài hoà.
Trong số hiệu thời di vật quý có chiếc nhang án đá niên đại thời Trần. Đề tài trang trí trên nhang án này tương tự như nhang án đá chùa Xuân Lũng - Phú Thọ (1392). Nhang án chữ nhật, dài gần 3m, cao 0,80m, phía trên là đài sen ba lớp cánh ngửa, một lớp cánh úp. Lòng cánh sen là một hoa kết bởi một hạt nối bao quanh một hạt nhỏ hơn. Thân nhang án chạm rồng mặt trước. Bốn góc có thần biểu Garuda. Ở hàng dưới cùng bốn góc soi vỏ măng và cả hệ thống lân dưới dạng sư tử hí cầu là tác phẩm nghệ thuật sớm của người Việt. Giới nghiên cứu còn khẳng định trong thời Mạc đã có cuộc tu bổ lớn ở chùa vì đã tìm thấy viên ngói khá lớn và đài sen gốm đưa ra làm bệ tượng của tượng Thích Ca sơ sinh.
Chùa Trần Đăng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02