Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)
Chùa Tây Phương có tên chữ là Sùng Phúc tự, được xây dựng trên núi Câu Lậu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.
Việc chọn địa thế xây dựng chùa cũng là điều đáng để ý. Chùa được chọn xây ở một nơi có địa thế tốt đẹp theo quan niệm phong thủy xưa: có tả thanh long, hữu bạch hổ chầu vào, nước non khuất khúc hữu tình. Đặc biệt hơn, thường những ngôi chùa khác được xây dựng dựa vào triền đồi hoặc núi, tạo sự vững chãi, bề thế, phù hợp với mô thức kiến trúc phổ biến của phương Đông, riêng chùa Tây Phương được xây dựng trên đỉnh núi. Một lối dẫn lên chùa, theo đường dốc gần như thẳng đứng. Con đường lên chùa Tây Phương cheo leo này phải chăng là biểu hiện cho con đường đi đến cõi Tây phương cực lạc?
Tương truyền rằng chùa có từ thế kỷ thứ III, qua thời gian tồn tại đã được tu sửa nhiều lần. Đến thời Tây Sơn - Nguyễn Quang Toản (1793 - 1802) được xây dựng lại như hiện nay.
Qua 237 bậc đá ong dẫn lên đỉnh núi cho ta thấy một ngôi chùa cổ kính có nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ “tam”, hai tầng tám mái, lợp ngói mũi hài.
Kiểu kiến trúc này còn gọi là “trùng thiêm diệp ốc” (nhà liền nhau, mái chồng lên nhau), chúng ta có thể gặp lại ở chùa Kim Liên (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Kiểu kiến trúc này tạo cảm giác bề thế, trùng điệp theo kiểu cung điện của các vua chúa. Các góc đao cong gắn tứ linh mềm mại, trên đốc tường có cửa sổ tròn mang đặc trưng của đạo Phật.
Trong chùa có 62 pho tượng làm bằng gỗ được tạo tác công phu tinh xảo có nghệ thuật điêu khắc vào bậc nhất nước ta; tiêu biểu là các pho tượng Tuyết Sơn, Bát bộ Kim cương, 18 vị La Hán... đã hội tụ đầy đủ và tạo nên ấn tượng thẩm mỹ sâu đậm về nền nghệ thuật điêu khắc cổ truyền Việt Nam.
Chùa Tây Phương có mái ngói đặc biệt, không thấy có ở nơi khác. Đó là loại ngói mũi hài cổ, to và dài, mặt dưới trải lợp ngói lót nhiều màu, tạo cho mặt trong của mái chùa như chiếc áo cà sa ngũ sắc của nhà Phật. Vào thăm chùa Tây Phương, ngẩng đầu lên, trông thấy mái chùa cao lồng lộng với màu sắc đó, tạo cho người ta cảm giác dễ chịu lâng lâng thoát tục, lại như được bình yên trong tâm tưởng.
Về trang trí, các góc mái đao chùa Tây Phương đều có gắn tứ linh (long, ly, quy, phượng) đắp bằng sành đất nung rất tinh xảo. Các bức hoành, xà, ván lùa giữa hai tầng mái cùng các diềm mái đều thưa thoáng, ưa nhìn. Thông thường, trong chùa người ta ít sử dụng họa tiết tứ linh, là sản phẩm của Nho giáo (ở đình, đền, miếu là phổ biến) nhưng ở chùa Tây Phương ta thấy đủ cả tứ linh, có lẽ không nhằm chủ yếu minh họa cho một ý tưởng tôn giáo mà chỉ với ý đồ trang trí. Các đầu đạo chùa Tây Phương đứng so le với nhau, từ một góc cũng có thể thấy được các lớp mái, nổi rõ ý phô diễn trong kiến trúc.
Chùa Tây Phương còn có các ô cửa sổ tròn ở đốc tường với ý nghĩa “sắc sắc không không” ít thấy ở các chùa khác. Những ô cửa này làm cho tường chùa bớt đi vẻ nặng nề, u tịch vốn có của chùa chiền, tạo một sự hài hòa với tường chùa, với mái đao và toàn bộ kiến trúc chùa.
Trong khoảng sâu hẹp, ngăn cách giữa chùa Hạ và chùa Trung, chùa Thượng được đặt hai bể nước lớn, tạo cảm giác thông thoáng, dễ chịu cho khách tham quan, đây cũng là nét kiến trúc độc đáo của chùa. Việc đặt hai bể nước này còn có thể giải thích bằng nhiều cách khác nữa. Chùa đặt trên ngọn núi cao của vùng trung du nắng nóng, vật liệu xây dựng (và cả tượng gỗ nữa) dễ bị nứt nẻ. Hai bể nước đã tỏa hơi nước vào các tòa chùa, tạo một độ ẩm thích hợp để khắc phục. Hai bể nước này đón ánh mặt trời soi xuống, tia nắng mặt trời được khúc xạ qua mặt nước, hắt lên mái chùa ngũ sắc tạo nên một không khí hư ảo, lung linh với ý nghĩa “sắc sắc không không” của đạo Phật.
Chùa Tây Phương không có khu Tiền đường (còn gọi là Bái đường, tức chỗ ngồi để tụng niệm, cúng giải). Tiền đường lại chính là chùa Hạ, chỗ ngồi để lễ chỉ là một diện tích rất nhỏ hẹp, không đáng kể. Chùa là nơi tu hành, truyền bá đạo Phật, cũng là tụ điểm tín ngưỡng của hầu hết quảng đại quần chúng và do vậy Tiền đường ở chùa rất quan trọng.
Tây Phương là chùa lớn, suốt thời Lê Trung hưng là một trung tâm Phật giáo Tịnh Độ tông có tiếng cả vùng ven Thăng Long. Năm 1554, Mạc Phúc Nguyên dựng lại chùa; năm 1660, Trịnh Tạc xây thêm Tam Quan; khoảng từ 1735 - 1740 chúa Trịnh Giang đặc sai một viên Trung sứ đến trông nom công việc tu tạo và tạc tượng...
Như vậy, chùa Tây Phương là một ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc cung đình, thể hiện không chỉ ở chỗ nó nằm trong một tổng thể cảnh trí tươi đẹp mà còn qua những lối kiến trúc độc đáo, sáng tạo và phóng khoáng.
Với 62 pho tượng đặc sắc được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, chùa Tây Phương mãi mãi xứng danh là “danh lam cổ tự” của đất nước ta và của Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng.
Ngày 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và vãng cảnh chùa Tây Phương.
Chùa đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962. Đây là di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02