Chùa Pháp Vân (huyện Thường Tín)
Chùa Pháp Vân có tên thường gọi là chùa Văn Giáp thuộc thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ngôi chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1991.
Di tích toạ lạc trên một thế đất đẹp, xung quanh là các cây lưu niên càng làm cho không gian thêm thanh tịnh. Từ thủ đô Hà Nội, theo đường quốc lộ số 1A, đến km 18 cách ga Thường Tín 1km, chùa được xây dựng bên phải đường tàu.
Theo sách “Thái Ninh niên chế ngọc phả” và sách “Nam thiên nhị pháp sự tích chân kinh phụng lục”, một số di vật gồm 8 lá bạc thật kích cỡ 13 x 22,5cm, đóng thành sách, khắc chữ Hán, làm năm Canh Tý đời vua Thành Thái thứ 12 (1900) kể về sự tích tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) thì chùa này thờ Pháp Vân. Sự tích bà Man Nương tự cảm hoài thai, hài nhi được nhà sư người sứ Tây Trúc tên là Khâu Đà La gửi vào gốc Dung thụ (cây dâu cổ thụ) và sau này cây trôi về đền gần kinh thành. Sỹ Vương (Sỹ Nhiếp) đã lệnh cho tạc bốn pho tượng. Năm Thái Ninh thứ ba (1074), triều Lý Nhân Tông, trời đại hạn, vua sai rước tượng đi cầu đảo. Khi đến địa phận thôn Văn Giáp, trời mưa lớn, phải dừng lại. Một lát, trời quang lại tiếp tục rước đi, nhưng chỉ rước được hai tượng Pháp Vũ, Pháp Điện, còn hai tượng: Pháp Vân và Pháp Lôi không rước được đi. Hoàng đế cho rằng nơi này có linh khí, liền cấp cho tiền bạc để xây dựng hai ngôi chùa để thờ.
Năm 1947, do tiêu thổ kháng chiến chùa Pháp Lôi đã mất. Hiện chỉ còn chùa Pháp Vân này. Chùa Pháp Vân, là một công trình kiến trúc to lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc” bao gồm gác chuông, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ và hai dãy hành lang.
Chùa được xây dựng nhìn về hướng nam. Phía trước và xung quanh có vườn, ao nội tự rợp bóng cây lưu niên. Gác chuông được xây dựng theo kiểu 2 tầng 8 mái đao cong. Kết cấu kiến trúc theo kiểu thức bốn hàng chân cột gỗ và vì nóc kiểu chồng rường. Hạng mục công trình này vào thời Nguyễn, nơi đây treo một quả chuông lớn, được đúc năm Tự Đức thứ 7 (1854).
Toà Tiền đường được xây dựng sớm hơn gác chuông, được chia làm 3 gian, các bộ vì được làm theo kiểu thức chồng rường, phong cách thế kỷ XVIII. Tiền đường nối với Thượng điện qua ống muống tạo thành kiến trúc chữ “công”. Hiện tại ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật thời Hậu Lê như kiệu long đình, nhang án gỗ.
Thượng điện chia làm ba gian, gian chính giữa trên bệ thờ có một khám lớn, được làm theo kiểu mui luyện sơn mài, khảm trai. Trong khám đặt pho tượng chính của chùa - tượng Pháp Vân. Tượng Pháp Vân được tạo tác bằng gỗ, sơn màu cánh gián, cao 1,3m. Ở tư thế ngồi, tạc theo kiểu Phật bà, mặt trái xoan, cổ cao ba ngấn, mặc yếm, có dải khăn, thắt lưng kết múi phía trước, đầu tượng đội mũ kim phật. Tất cả các chi tiết ấy đều có tính ước lệ mang phong cách nghệ thuật dân gian. Làng Văn Giáp có nghề sơn cổ truyền. Để sơn pho tượng này, người ta đã pha sơn theo tỷ lệ: ba phần nhựa sơn sống, một phần nhựa cây thông và một chút phèn đen. Các chất đó được đun sôi và sơn nhiều lớp lên tượng với một kỹ thuật riêng. Tượng đặt ngồi trên ngai, bên phải có phủ gấm.
Hoàng Định thứ 17 (1616), chùa được tu sửa. Năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) sửa lại toà Thượng điện (có ghi trên nóc chùa). Đặc biệt, bệ tượng được đặt giữa Thượng điện, xung quanh thoáng rộng để tín đồ khi chạy đàn có thể vừa đi vừa tụng niệm quanh tượng.
Hằng năm, ngày mồng 8 tháng tư âm lịch, hội chùa Pháp Vân được tổ chức rước kiệu rất đông vui./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02