Chùa Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm)
Chùa Mễ Trì Thượng hiện nay tọa lạc tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Chùa Mễ Trì Thượng là tên gọi theo tên làng, tên chữ là Thiên Trúc tự và còn tên nôm là chùa Tổ Quạ.
Xưa kia Mễ Trì là vùng trũng, bờ đầm trước cửa làng có quả núi bằng đất cao to trông như con rùa đang bò từ dưới đầm lên trông rất đẹp, thời Lý gọi là Quy Sơn (Núi Rùa). Mễ Trì có giống gạo tám thơm ngon được chọn làm gạo tiến vua, và cũng vì thế mà nhà vua đặt tên cho làng là Mễ Trì (ao gạo - Mễ là gạo, Trì là ao).
Chùa Mễ Trì Thượng có niên đại khởi dựng khá sớm, trên miền quê có bề dày lịch sử. Ở thế kỷ thứ VI, Lý Bí (Lý Nam Đế) đã đóng quân ở vùng quê Mễ Trì để chống lại ách đô hộ của nhà Lương, rồi mới lập nên nước Vạn Xuân vào tháng giêng năm 544. Đến thời Trần, các đô vật Mễ Trì, như Đỗ Đức Lưu, Đỗ Ngọc Thuận đã cùng dân binh góp phần đánh bại quân Nguyên Mông ở các hướng xung quanh Kinh thành.
Thời Hậu Lê, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra vây hãm thành Đông Quan (Thăng Long), tướng Lê Thụ đem quân đóng ở Mễ Trì, đặt đài quan sát trên Quy Sơn (còn gọi là Anh Sơn) để chỉ huy tác chiến .
Rồi đến mùa xuân Kỷ Dậu (1789), đội quân của Đô đốc đã thần tốc tiến vào Mễ Trì, giấu quân quanh đầm, dựng đài chỉ huy, bất ngờ tấn công vào đồn Khương Thượng, diệt đạo quân của Sầm Nghi Đống, thừa thế tiến vào Tây Long cung, nơi đóng đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.
Một truyền thuyết được ghi lại: Khoảng thế kỷ XVII-XVIII, có một vị sư pháp danh Quang Lộ Thích Đường, nhân đi qua Mễ Trì thấy phong cảnh đẹp, đất tốt liền nói với dân làng cho dựng một ngôi chùa để mở mang đạo Phật. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, ông liền đứng ra xây dựng chùa và đặt tên là Thiên Trúc tự. Nhà sư đã trụ trì ở đó, thuộc phái Tào Động, và trở thành vị sư đầu tiên của chùa (dân gian vẫn quen gọi là vị Tổ Quạ).
Chùa Mễ Trì Thượng được xây dựng trên khu đất cao rộng, thoáng gần rìa làng. Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa được dựng hài hòa trong một không gian chung và ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Đi từ ngoài vào ta gặp Tam quan gác chuông có 3 gian. Gác chuông làm hệ thống sàn gỗ, trên đó treo một quả chuông đồng và một khánh đồng, qua gác chuông đến sân vào chùa chính.
Tam bảo của chùa gồm: Tiền đường 5 gian, làm theo kiểu đầu hồi bít đốc, quay hướng tây nam. Thượng điện kết cấu kiến trúc “chuôi về”. Thượng điện có 4 gian, theo kiểu đầu hồi bít đốc. Nhà Tổ, nhà Mẫu làm ở phía sau Thượng điện, có 7 gian song song với tòa Tiền đường.
Tượng thờ gồm có 46 pho, nghệ thuật thế kỷ XIX, có một số tượng cổ vào thời Lê. Chùa còn có quả chuông đồng đúc vào đời Minh Mệnh 11 (183C). Bài ký trên chuông ghi việc tổ chức đúc và danh sách những người công đức. Một khánh đồng đúc dưới thời Nguyễn. Hai tấm bia đá, một tấm dựng năm Duy Tân 8 (1914), một tấm khác không ghi niên đại, chỉ ghi danh sách những người công đức, tu tạo. Ngoài ra còn 8 bức hoành phi và 12 câu đối đều tạo tác dưới thời Nguyễn.
Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02