Chùa Đống Chanh hiện nay thuộc xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Tên thường gọi là chùa Đống Chanh, tên chữ là Duyên Khánh tự. Thôn Đống Chanh có đình và chùa đều được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1995. Kiến trúc của chùa gồm Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà khách và phía sau là vườn tháp.
Tam quan cấu trúc theo hình thức hai tầng tám mái, đắp giả các đầu đạo. Trên sàn tầng hai là gác chuông, treo quả chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), thời Tây Sơn là cổ vật quý.
Qua sân lát gạch là đến chùa chính kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường là ngôi nhà ngang gồm 5 gian 2 chái nhỏ, xây tường hồi bít đốc, phía trước là hệ thống cửa bức bàn. Trên bờ nóc đắp bờ đỉnh, hai đầu hồi làm kìm đấu vuông, mái chảy lợp ngói ta cổ kính. Các bộ vì ở Tiền đường được làm thống nhất theo kiểu chồng rường. Hạng mục công trình này được trùng tu vào năm Ất Sửu (1925). Trên thân của kẻ, bẩy đều soi vỏ măng, soi gờ, kẻ chỉ, trang trí hoa văn thực vật, chữ triện. Trang trí nội thất ở đây đáng chú ý là hai bài châm (tả văn) chạm trên gỗ nến sơn sơn thếp vàng phủ hoàng kim. Nội dung văn ca ngợi đạo pháp.
Nối liền với Tiền đường là Thượng điện (kiểu chuôi vồ) gồm 3 gian dọc. Thượng điện có chức năng chủ yếu làm ban thờ tượng Phật. Tại đây lại trang trí các cửa võng, hoành phi, câu đối, bức châm... được chạm khắc tinh xảo tôn vẻ trang nghiêm nơi thờ tự. Chùa Đống Chanh có 40 pho tượng Phật có niên đại các thời Hậu Lê, Nguyễn. Trên Thượng điện ở lớp trên cùng có bộ tượng Tam thế toạ trên toà sen, tay kết thiền, định ấn; khuôn mặt trái xoan thanh nhẹ. Theo nhận xét bước đầu, đây là những pho tượng thời Hậu Lê.
Lớp thứ hai là Di Đà Tam tôn. Tượng Di Đà ngồi trên toà sen, thân cao tới 1,46m, hai chân khoanh tròn theo thế lưỡng nghi. Hình dung tượng hiền hậu mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX. Tiếp đến là các lớp tượng Quan Âm, Long Thần, Thánh Tăng và toà Cửu long là những tác phẩm tượng tròn thế kỷ XX./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02