Chùa Diên Khánh (quận Cầu Giấy)
Chùa Diên Khánh (chùa Dịch Vọng Sở) hiện nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Nằm về phía Tây cách thủ đô Hà Nội khoảng 10km, chùa Dịch Vọng Sở (tên nôm gọi là chùa Sở Vòng), tên chữ là Diên Khánh tự, là di tích thuộc thôn Dịch Vọng Sở, phường Mai Dịch.
Chùa Diên Khánh được xây dựng khá sớm trong lịch sử tạo dựng của làng quê truyền thống. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ quả chuông đồng có tên để “Diên Khánh tự chung” niên hiệu Minh Mệnh nguyên niên (1820) có đoạn viết: “... Chùa Diên Khánh đã có từ 1000 năm nay, phút chốc gặp binh hoả chùa còn mà chuông mất... nên các chức sắc và dân làng dốc lòng từ thiện đúc lại quả chuông này bằng đồng thau. Quả chuông rất tốt, mười phân vẹn mười. Tiếng chuông là tiếng đức báo hiệu sự thịnh vượng...”. Từ căn cứ trên thể xác định niên đại của chùa ít nhất cũng từ thế kỷ XVII - XVIII.
Chùa Diên Khánh không những là di tích tôn giáo thờ Phật, nơi đây còn là một di tích ghi dấu về lịch sử cách mạng kháng chiến của nhân dân Mai Dịch, từ năm 1948 đến 1951 khi Pháp chiếm Hà Nội. Trong thời gian này sư cụ Đàm Đăng cùng với hai ni cô Đàm Minh, Đàm Trạch đã đào hầm đặt cơ sở cho cán bộ, du kích đi lại, trú ẩn tại chùa. Thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp của ni sư Đàm Đăng và ni cô Đàm Minh, Đàm Trạch cùng với ngôi chùa Diên Khánh xứng đáng được ghi nhận là di tích ghi dấu về lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng, Chính phủ đã tặng ni sư Đàm Đăng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Ngày nay dân các làng Mai Dịch, Dịch Vọng đến lễ Phật thường nhắc đến vị ni sư Thích Đàm Đăng, người có công nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn hàng chục cán bộ quận, xã trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi địch tạm chiếm Hà Nội.
Nằm trên một khu đất rộng, cao ráo của làng Dịch Vọng Sở, chùa Diên Khánh có quy mô kiến trúc vừa phải gồm: Tam quan, sân, vườn, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách...
Khu chùa được xây dựng theo hướng tây, kết cấu theo hình chữ “đinh” bao gồm Tiền đường và Thượng điện, được liên kết với nhau thành một không gian khép kín tạo khoảng không gian rộng cho toà Tam bảo.
Trong hệ thống các pho tượng Phật của chùa có bộ tượng Tam thế, tượng Hộ pháp và tượng A Di Đà là những pho đẹp, độc đáo, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII - XVIII, được tạo tác công phu tỷ mỷ, phủ thếp vàng lộng lẫy.
Hiện nay, trong chùa Diên Khánh còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như bia đá đặt hậu, chuông đồng “Diên Khánh tự chung” có niên hiệu Minh Mệnh nguyên niên (1820). Đặc biệt chùa còn lưu giữ được 30 pho tượng bao gồm tượng Phật, tượng Mẫu và tượng Tổ, mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX, XX cùng với các hiện vật gỗ như hoành phi, câu đối, cửa võng, nghi môn, khám thờ, sập thờ...
Chùa Diên Khánh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02