Chùa An Trai (huyện Hoài Đức)
Chùa An Trai thuộc địa phận xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Trước khi vào chùa chính, du khách phải đi qua Tam quan chùa để đến Tiền đường gồm 5 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, phía ngoài tường hồi là trụ biểu, trên đắp tứ phượng chầu cách điệu hình hoa dành, ba mặt trụ biểu chạm khắc các câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của chùa và sự từ bi của nhà Phật. Phía trên bờ nóc toà nhà này đắp nổi ba chữ Hán: Ngọc Quang tự bằng sành sứ. Sau hiện là 3 cửa ra vào xây cuốn vòm, còn hai gian đầu xây tường trổ ô hoa. Hiên bên phải dựng cây hương đá thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), phía trong treo quả chuông đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Bên trong là các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường” trên 4 hàng chân cột. Các hàng chân này đều được đặt trên chân tảng. Nối từ gian giữa Tiền đường vào là Thượng điện, các bộ vì được tạo tác tương tự như toà Tiền đường. Nghệ thuật trang trí chủ yếu tập trung tại hệ thống tượng tròn trên Phật điện. Trên cùng là bộ Tam thế có kích thước tương tự nhau, phía dưới là bộ tượng Di Đà Tam tôn gồm tượng A Di Đà ở giữa, hai bên là tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, hàng dưới cùng bài trí tượng Thích Ca sơ sinh ở giữa, hai bên là pho Văn Thù và Phổ Hiền. Tại toà Tiền đường còn bài trí các tượng Hộ pháp và Thánh tăng cùng một số pho tượng như bộ Thập điện Diêm vương, các tượng hậu, tượng mẫu và 5 tấm bia. Trong đó có tấm bia dựng năm 1699 và 1703.
Làng An Trai trước kia có hai ngôi chùa là chùa Hạ Ngọc (còn gọi là chùa Trên) và chùa Tường (thường gọi là chùa Dưới). Đây là 2 ngôi chùa có giá trị kiến trúc nghệ thuật, song trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cả 2 ngôi chùa này đã bị phá huỷ. Vì vậy, nhân dân địa phương đã gom tượng Phật và các di vật để dựng lên một ngôi chùa mới và đặt tên chữ là Ngọc Quang tự, nhân dân thường gọi theo tên làng là chùa An Trai. Cũng tại ngôi chùa này, hàng năm nhân dân vẫn tổ chức các ngày lễ Thượng nguyên (15 tháng giêng), lễ Phật đản, Vu lan... Đặc biệt có lễ Xôi mới ngày 10 tháng 10 và ngày giỗ tổ mùng 2 tháng giêng âm lịch.
Chùa An Trai đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02