Chùa Ân Phú (huyện Phúc Thọ)
Chùa Ân Phú thuộc địa phận xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Chùa Ân Phú, có tên chữ là Tăng Hoa tự, thuộc thôn Ân Phú, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây - bắc. Ngoài ra, chùa còn được gọi là chùa Tang Lục (tên cổ của làng Ân Phú).
Ngoài giá trị văn hoá, khu đình chùa Ân Phú còn là địa điểm cách mạng nơi diễn ra những sự kiện giành chính quyền năm 1945. Thời kỳ chống Pháp, nơi đây là địa điểm giao liên, trú ẩn và cứu thương của bộ đội địa phương và quân du kích.
Theo tấm văn bia được tạo tác năm 1723 nói về sự phát tâm của tín đồ cung tiến ruộng cho chùa, chúng ta có thể đoán định chùa Ân Phú có từ trước đó. Sang đầu thế kỷ XIX, dân làng đóng góp tiền của, công sức mở rộng quy mô kiến trúc của chùa. Cũng trong đợt trùng tu này, chùa có thêm các pho tượng gỗ A Di Đà, Tuyết Sơn, Di Lặc... Đến thời Duy Tân, năm Nhâm Tý (1912), quả chuông cũ đã bị hỏng được thay thế bằng một quả chuông đồng mới. Từ đó đến nay chùa Ân Phú thường xuyên được tu sửa.
Chùa được xây dựng trên khu đất cao giữa làng Ân Phú, quay hướng đông nam. Các hạng mục kiến trúc bao gồm: cổng chùa, Tiền đường, Thượng điện.
Nhà Tiền đường có 3 gian, xây tường gạch xung quanh, hai đầu hồi bít đốc tay ngai. Mặt trước của chùa chỉ có một cửa ra vào, khoảng sau để trống thông với Thượng điện. Các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu kèo cầu quá giang. Quá giang được đặt trực tiếp hai đầu gối lên hai tường hồi và hậu. Nền nhà lát gạch lục, gian bên xây bệ gạch làm ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng.
Thượng điện là công trình kiến trúc thời Nguyễn với nếp nhà 2 gian, đấu chuôi vồ vào Tiền đường. Hai bộ vì làm kiểu giá chiêng kẻ bẩy. Các bộ phận kiến trúc gỗ đều bào trơn ít trang trí hoa văn. Điêu khắc nghệ thuật dành tập trung qua hệ thống tượng tròn.
Chùa Ân Phú có 17 pho tượng trong đó có 6 pho và toà Cửu long được tạo tác ở thế kỷ XVIII, còn lại các pho tượng ở thế kỷ XIX. Đặc biệt toà Cửu long thời Lê được đúc bằng đồng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Tam bảo còn các lớp tượng Phật: lớp thứ nhất là tượng Tam thế; lớp thứ hai là Ngọc hoàng, hai bên là Kim Đồng, Ngọc Nữ; lớp thứ ba là Thích Ca sơ sinh, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu; bên tường hậu phía sau là tượng Quan Âm Tống tử.
Chùa Ân Phú đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02