Văn hóa – Di sản

Tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành

ThS. Nguyễn Thị Tô Hoài 07:51 17/03/2024

Ninh Hiệp xưa có tên Nôm là làng Nành, thuộc tổng Nành cũ nằm về phía Bắc huyện Gia Lâm, cách Hà Nội khoảng 15km. Là một làng cổ ven sông Đuống, Ninh Hiệp ngày nay còn khá đầy đủ các sắc thái văn hóa dân gian truyền thống với một bề dày hệ thống các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Trong đó, các lễ hội của làng, đặc biệt là lễ hội chùa Nành, hàng năm vẫn thu hút lượng lớn khách hành hương về dự.

hrthtryhjr6tj6.png
Cây phan được dựng lên trong lễ hội.

Hội chùa Nành xưa nay luôn được xem là một trong những lễ hội đặc sắc ở Hà Nội với rất nhiều nghi thức và hoạt động dân gian cổ truyền, được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm. Song, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, sau Cách mạng tháng Tám 1945, lễ hội bị mai một và các ghi chép về lễ hội cũng không được thống nhất. Phải sau khi đổi mới (năm 1986) lễ hội mới được phục dựng đồng loạt cùng với các lễ hội khác ở Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt là từ sau khi chùa Nành được cấp bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia thì lễ hội chùa Nành được triển khai đều đặn hằng năm với lễ rước vô cùng trang trọng và độc đáo, làm nên “thương hiệu” cho lễ hội.

lhchuananh23.jpg
Múa sênh tiền tại lễ hội

Trong các hoạt động hội thuở trước thì làng Nành nổi tiếng cả một vùng bởi có tục nâng phan độc đáo và đặc sắc không chỉ thu hút người làng tham gia mà còn hấp dẫn với nhiều nhà nghiên cứu về lễ hội. Tục nâng phan gắn liền với sự tích liên quan đến lá cờ phan có hình con quạ tha bộ lòng người. Tục này được thực hành vào trước ngày khai hội gắn với truyền thuyết về lá phan chỉ riêng có ở làng Nành mà hầu như người làng ai cũng biết.

Tương truyền, ngày xưa ở làng Nành có người đàn ông (cũng có người kể là người đàn bà) lái đò ở bờ sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), người này chỉ có 2 cái khố, 1 cái khố lành và 1 khố rách đang mặc. Một ngày dân làng kêu gọi quyên tiền ủng hộ xây dựng chùa Pháp Vân (chùa Nành), người này có tâm nên mới quyên chiếc khố mới. Nhưng dân làng lại cho là báng bổ, người này chỉ biết giãi bày và chứng minh bằng cách mổ bụng, moi ruột ra cho mọi người thấu được tấm lòng. Sau đó mọi người hiểu chuyện, làm lễ giải oan cho người lái đò, hằng năm mở hội có lễ treo lá phan (hình tượng trưng của cỗ lòng) để nhắc nhở tấm lòng thanh tịnh chân thành khi hướng về Tam Bảo, ngay cả cái khố che thân cũng có thể biến thành món lễ cúng dường ở nơi tâm.

Các ghi chép trước đây còn lưu tục nâng phan truyền thống được duy trì đến hội Đại cuối cùng năm Ất Mùi (1895). Theo các cụ trong làng thì xưa kia chỉ chính gốc trai làng trên 18 tuổi mới được tham gia nâng phan. Cây phan là do “Bách trúc hợp thành phân vi cứu cấp”, nghĩa là một trăm cây tre bó lại thành chín tầng, dưới to trên bé, trên đỉnh của cây phan là lá phướn có hình con quạ tha cỗ lòng.
Người nâng phan ngoài quy định là trai đinh trên 18 tuổi thì còn phải là người chưa vợ, có quá khứ trong sạch, do dân cử ra, xếp thành các đội, có cai đội chỉ huy tập luyện từ ngày 15 tháng Giêng, ban ngày tập luyện cứ đến bữa thì về nhà chủ hội ăn cơm, đến buổi tối thì ngủ luôn tại chùa. Về trang phục các trai đinh nâng phan trong ngày hội mặc quần màu vàng, đầu đội khăn xanh buộc đầu rìu, thắt lưng màu đỏ. Để nâng phan, những người này cầm gậy tre có chạc ở đầu dài từ 5 đến 11, 12 thước (từ 1,2 mét đến 5,6 mét) gọi là dóng dài.

lhchuananh02.jpg
Các vãi chuẩn bị cho đám rước

Trò nâng phan diễn ra trong khung cảnh cây phan được đặt nghiêng dưới hố sâu khoảng 1 mét, dưới đáy hố có phiến đá to. Trước khi nâng, dóng nâng phan được cắm trên giá theo thứ tự ngắn dài, cụ trùm sẽ dẫn đầu các trai tráng trong làng (từ già đến trẻ, cả các bé trai còn ẵm ngửa do bố mẹ bế) lần lượt đặt tay vào các dóng nâng phan để biểu thị trách nhiệm và vinh dự là được là trai tráng trong làng. Trong khi đó, những người nâng phan đứng thành 2 hàng, mỗi người đứng trên một chiếc nồi đồng úp sấp (nồi cao khoảng 0,4 mét; đáy rộng khoảng 0,6 mét; miệng rộng 0,5 mét; độ dày khoảng 2,5 ly), ai đứng trên chiếc nồi nào thì sẽ được nhận chiếc nồi đó.

Khi ông chủ hội cầm trịch bắt đầu đánh trống cái, đội nâng phan sẽ vào vị trí. Hàng chục ấm tay rượu được rót ra bát và truyền cho từng người, người nâng phan uống hết bát này đến bát khác trong tiếng hò reo của những người cổ vũ. Khi ông chủ hội ra lệnh, tiếng chiêng nổi lên, cả chuông khánh trong chùa cũng vang lên cùng tiếng hò reo của người dự hội, người nâng phan dùng dóng nâng cây phan khỏi miệng hố, đảo ba vòng thuận rồi ba vòng nghịch mới dựng đứng được cây phan, trong quá trình đó không được dựa cây phan vào miệng hố, sao cho lá phan trên đỉnh luôn bay phần phật.

Theo quan niệm, nếu lá phan không bay thì là điềm xấu, người làng sẽ phải sửa lễ để tạ Đức Phật, tạ hàng Tổng. Nếu cây phan dựng đứng, lá phan bay phấp phới tức là năm ấy thắng lợi, những người nâng phan tiếp tục reo hò, uống rượu, chạy chính vòng xung quanh cây phan rồi sẽ vào bái tạ Đức Phật xong mới về nghỉ. Đến ngày giã hội, chủ hội làm lễ rồi phá cây phan cho dân làng cướp, mỗi nhà chỉ được cử một người, cướp được cây tre đem về gác lên mái nhà lấy khước để làm ăn thuận lợi, khỏe mạnh…

Sau này khi phục dựng lại lễ hội chùa Nành, do kinh tế còn khó khăn nên tục này cũng mai một đi nhiều. Theo một vài mô tả gần đây thì trò nâng phan khi đó là: một bó gồm khoảng 60 cây tre để nguyên cả cây chỉ róc gai, nhưng để ngọn. Chúng được buộc lại bằng 8 cái đai vững chắc đặt sẵn ở một bãi rộng. Trên ngọn cao nhất của bó tre buộc một lá cờ đỏ. Gốc phan là một hố được đào sâu sẵn khoảng 1 mét. Trò nâng phan được tiến hành bởi vài chục trai đinh quần trắng, áo thâm, chiết khăn đầu rìu, tay cầm một cây tre dài hơn 1 mét, có chạc nhô ra như gậy đánh phết. Họ đứng xung quanh cây phan và khi có hiệu lệnh thì phải hợp sức nâng bó tre lớn ấy đứng lọt vào trong hố, sau đó dùng gậy đảo cây phan xoay theo vòng từ Đông sang Tây sao cho lá cờ trên ngọn phan phải luôn bay. Cây phan đảo đều mà không đổ trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của dân làng và khách xem hội, cùng tiếng trống, chiêng, thanh la, reo hò của những người tham gia.

Có thể thấy, tục nâng phan ở lễ hội chùa Nành không chỉ thể hiện sức lực của những người tham gia mà còn là một trò đua tài thi khéo, đồng thời thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết và hiệp lực của tất cả mọi người trong và ngoài cuộc chơi. Tục nâng phan còn gửi gắm ước vọng cầu mong sự phồn thịnh, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.

Ngày nay, những nghi thức xa xưa nhất của tục nâng phan không còn ai được chứng kiến lại, nhưng dấu ấn về tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành vẫn được xem là một nét đặc sắc làm nên “thương hiệu” cho hội chùa Nành. Khoảng gần chục năm trở lại đây, trong lễ hội, người ta không tổ chức trò nâng phan như trước mà lá phan được treo sẵn cùng cờ Phật và cờ Tổ quốc ở các trụ cờ đã được dựng sẵn trong sân chùa. Mặc dù vậy, hầu hết các cụ già trong làng vẫn chưa quên được tinh thần gửi gắm mà tục nâng phan mang lại.
Vì vậy, các cụ vẫn tiếp tục trao truyền cho các thế hệ sau bằng cách ghi lại, kể lại những kí ức của mình về tục nâng phan đặc sắc để trao truyền kí ức cho con cháu. Và, dù trải qua nhiều biến thiên của thời gian cũng như sự thay đổi của môi trường kinh tế xã hội, các nghi thức lễ tiết, các hoạt động đua tài thi khéo ở lễ hội chùa Nành đã có những sự mất đi hoặc cải biên cho phù hợp với bối cảnh mới, thì hội chùa Nành vẫn là điểm thu hút đặc biệt với nhiều du khách trong dịp hội xuân của Thăng Long - Hà Nội ngày nay./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • [Podcast] Chính sách vượt trội phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng đối với Hà Nội
    Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Để thành phố Hà Nội hiện thực hóa nhiệm vụ này, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có chính sách vượt trội để phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) cho Hà Nội.
  • “Chợt xanh về thương nhớ mênh mang”
    “Đêm hoa vàng” là tập thơ mới ra mắt của nhà thơ Bình Nguyên Trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2024. Nhan đề cuốn sách cũng là tên của một bài thơ trong ấn phẩm. Tập thơ gồm 43 thi phẩm, 124 trang, được chia làm hai phần: “Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội” và “Niệm”.
  • Hà Nội: Tăng cường phối hợp tuyên truyền thủ tục gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024
    Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương vừa ký công văn số 3109/ STTTT- BCXBTT gửi Văn phòng UBND Thành phố, một số cơ quan báo chí Thủ đô về việc phối hợp tuyên truyền thủ tục gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024.
  • Triển lãm ‘Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám’ tại Cần Thơ
    Triển lãm tái hiện quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu-Quốc Tử Giám và giới thiệu đến công chúng các danh nhân văn hóa có đóng góp quan trọng.
Đừng bỏ lỡ
  • Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thiêm Một đời cần mẫn “hút nhụy hoa xây mật”
    Tôi biết nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thiêm từ cuối năm 2008, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Theo đó, một số hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây (chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian) cũng nhập vào mái nhà chung là Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, trong đó có Đặng Thiêm. Dần dà qua công việc, chúng tôi thân thiết và quý mến nhau. Mỗi lần trò chuyện với ông lão quắc thước, thông tuệ nhiều mặt, tôi lại nhớ tới lời của GS.TS Mai Quốc Liên: “Vẫn biết là trời cho tuổi thọ, nhưng chủ yếu là người hiền đức thế nào thì mới được đặc ân như thế!”.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Việt Nam giành 3 giải Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương
    3 giải thưởng trên được trao cho: NSND Lệ Ngọc với tiết mục Cô Đôi Thượng Ngàn; NSƯT Nguyễn Văn Hải và Phạm Thị Hồng với tiết mục Bèo dạt mây trôi. Trong đó, giải thưởng của NSND Lệ Ngọc đạt mức “Gold Plus”, giải Vàng đặc biệt. Ngoài ra, các nghệ sĩ múa của Sân khấu Lệ Ngọc được trao cúp kỷ niệm dàn múa phụ họa xuất sắc của Ban tổ chức.
  • Triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan”
    Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ra đời bộ truyện “Thám tử lừng danh Conan”, từ 26/10 đến 25/12/2024, NXB Kim Đồng phối hợp với Tagger tổ chức triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan” tại trụ sở Nhà xuất bản (55 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là cơ hội cho các fan của Thám tử Conan tại Việt Nam được quay về trong ký ức tuổi thơ, thế giới phá án và truy tìm sự thật cùng các vụ án giả lập bí ẩn, hấp dẫn…
  • Khởi công vở tuồng lịch sử “Đoạn Thâm Tình”
    “Đoạn thâm tình” kể về những năm cuối cùng thời vua Lê Hiền Tông và hai năm đầu thời vua Lê Chiêu Thống. Vở diễn do Đoàn nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng.
  • Quảng bá các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận qua điện ảnh
    Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức triển lãm ảnh “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh” trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII).
  • Tái hiện lễ khao lề thế lính Hoàng Sa giữa lòng Hà Nội
    Đây là hoạt động trong Chương trình “Biển, đảo trong lòng đồng bào” diễn ra vào tháng 10 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
  • [Infographic] 4 giải pháp thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô Hà Nội đến 2025
    Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch 294/KH-UBND về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đến 2025 và các năm tiếp theo. Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch này, UBND Thành phố Hà Nội đặt ra 4 giải pháp, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước, thực hiện thắng lợi Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội.
  • “Đoài Melody” thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, lan tỏa sự giao thoa văn hóa xứ Đoài với Thăng Long – Hà Nội
    “Đoài Melody” – chương trình hòa nhạc đặc biệt được Thị xã Sơn Tây tổ chức tối 19/10 tại không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, đã thu hút hàng nghìn khán giả, qua đó khơi dậy nguồn lực phát triển du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa Thành phố Hà Nội nói chung phát triển.
  • Gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024
    Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 15/11 tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ.
Tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO