Văn hóa – Di sản

Núi lửa Nâm B’Lang trở thành Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia

Văn Thiện 08:11 15/03/2024

Bộ VH-TT-DL ký Quyết định số 661/QĐ-BVHTT-DL công nhận Núi lửa Nâm B’Lang của huyện Krông Nô (Đắk Nông) là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

images3171991_nui_lua_4841.jpeg
Độc đáo Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ảnh: A.X

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng tại Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lịch sử vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước do sự vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa nơi đây vẫn đang còn hoạt động và tạo nên hệ thống hang động vô cùng độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.

Cho tới nay, hệ thống dung nham được tìm thấy trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô) có tổng chiều dài gần 10.000m với gần 50 hang động lớn nhỏ.

baodaknong.org.vn-database-image-2021-02-08-_35-1.jpg
Hệ thống dung nham được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Ảnh: Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông

Vì vậy, núi lửa Nâm Blang được ví là “trái tim của cánh đồng dung nham” rộng lớn và các hang động bao quanh chính là "mạch máu" của nó bởi sự dày đặc, liên hoàn. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu và đưa vào khai thác du lịch, tỉnh Đắk Nông đã quyết định gọi chung tên các hang C4, C3, C6, C61… là hang C.

Danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’Lang nằm trên địa bàn xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Xã Buôn Choah có diện tích tự nhiên là 4.64604 ha, với tổng số dân là 593 hộ và dân số 2.499 nhân khẩu (Theo số liệu niên giám thống kê năm 2022). Trong đó, thành phần dân tộc của xã gồm 14 dân tộc: Kinh, M’nông, Ê đê, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Mường, Dao, Thái, Cao Lan, Mông,…với các tôn giáo chính: Phật giáo và Đạo tin lành.

Tên gọi “Nâm B’Lang” là tên của một ngọn núi lửa Nâm B’Lang thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô phát nguyên từ tên gọi (đặt tên) của người dân tộc thiểu số M’nông và Ê đê.

Danh lam thắng cảnh này phân bố ở độ cao khoảng 601m so với mực nước biển, được thành tạo trong giai đoạn cuối của lịch sử phát triển địa chất- KVG (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông) giai đoạn phun trào basalt Đệ tứ.

Nhìn từ xa, núi lửa Nâm B’Lang có hình thang cân mang tính giáo khoa điển hình và từ trên cao nhìn xuống núi lửa có dạng hình phễu và khe thoát dòng rất đặc trưng. Đến gần, quan sát rõ các bậc địa hình và sự thay đổi miệng qua các đợt phun trào.

Đây là núi lửa đã tạo ra hệ thống hang động có quy mô và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á. Có ít nhất 4 đợt phun trào chảy theo 4 hướng khác nhau (Tây bắc, Đông bắc, Tây nam, Đông nam) và tạo ra 4 hệ thống hang động khác nhau, trong đó hệ thống hang động phía Tây Bắc miệng núi lửa được phân bố xa miệng núi lửa nhất và có đặc điểm phân bố cũng như cơ chế thành tạo hang, cửa hang ở đây rất phong phú và đa dạng./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Núi lửa Nâm B’Lang trở thành Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO