Nỗi nhớ đồng dao

Mai Hoàng| 01/08/2019 09:07

Tuổi thơ, nơi mà có lẽ bất cứ ai khi mệt mỏi với cuộc sống bộn bề đều bất giác nghĩ đến như nơi bình yên nhất của góc nhỏ trong tim, nơi có mẹ có cha, có bạn bè với những hồi ức ngọt ngào. Năm tháng qua đi, tôi nhận ra rằng những lo toan thường nhật đã cuốn trôi đi những hồi ức tuổi thơ, phút giây yên bình nơi làng quê yên ả lúc nào không hay. Tự hỏi, liệu có còn ai nhớ một tuổi thơ cuộn tròn trên đống rơm vừa mới tuốt đang vương vấn bùn non; một tuổi thơ chui rúc trong bụi mua, bụi sim trên đồi lộng gió; h

Nỗi nhớ đồng dao

Tuổi thơ, nơi mà có lẽ bất cứ ai khi mệt mỏi với cuộc sống bộn bề đều bất giác nghĩ đến như nơi bình yên nhất của góc nhỏ trong tim, nơi có mẹ có cha, có bạn bè với những hồi ức ngọt ngào. Năm tháng qua đi, tôi nhận ra rằng những lo toan thường nhật đã cuốn trôi đi những hồi ức tuổi thơ, phút giây yên bình nơi làng quê yên ả lúc nào không hay. Tự  hỏi, liệu có còn ai nhớ một tuổi thơ cuộn tròn trên đống rơm vừa mới tuốt đang vương vấn bùn non; một tuổi thơ chui rúc trong bụi mua, bụi sim trên đồi lộng gió; hay một tuổi thơ chăn trâu đồng chiều, miệng vừa ngậm hạt lúa sữa vừa nghêu ngao khúc đồng dao?

Những đứa trẻ quê ngày ấy, mười đứa như một, dầu chưa thuộc mặt chữ nhưng miệng đã có thể nghêu ngao thuộc rất nhiều lời bài đồng dao. Còn nhớ những đêm trăng mùa hạ, ánh trăng như dát vàng khắp muôn nẻo đường quê, lối đi rõ mồn một mặt người, lũ con nít rồng rắn kéo nhau ra sân kho của làng để chơi. Cái sân kho tưởng chừng như phơi được cả mấy sào lúa khi gặt về ấy thế mà chẳng đủ chỗ cho con nít trong xóm chơi. Góc sân bên này nhóm oẳn tù tì, góc sân nọ nhóm khác phân chia thành đội để chơi, không khí cực kì rôm rả và hứng khởi.

 Một trong những trò chơi mà lũ con nít chơi đi chơi lại không biết chán đó là trò “rồng rắn lên mây”, hầu như lần ra sân kho nào cũng phải chơi trò này trước tiên. Luật chơi trò “rồng rắn lên mây” khá đơn giản. Trong một đội sẽ cử ra một người làm thầy thuốc, những người còn lại sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt lên vai của người phía trước. Sau đó, tất cả bắt đầu lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nác/ Có nhà điểm binh/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?”. Rồi bên “con rắn” có câu trả lời. Hai bên cứ đối đáp trong tình huống bên săn đuổi một người, bên con rắn sẽ có năm hoặc sáu người, năm đứa trẻ túm đuôi áo nhau ngoằn ngoèo trốn chạy cho khéo, không để cho bên đuổi chạm tay được vào đuôi. Nếu bên đuổi chạm tay được vào đuôi là thắng. Đến lúc trăng tà, lời bài hát hổn hển: “Xin khúc đuôi… Những xương cùng xẩu… Xin khúc đầu… Những máu cùng me…” thì mới chịu dừng cuộc chơi. Lời bài đồng dao chỉ có vậy thôi mà thu hút biết bao nhiêu là đứa trẻ.

Nỗi nhớ đồng dao còn đưa ký ức tôi về những ngày chăn trâu cắt cỏ. Những câu đồng dao cứ thế mà ngấm sâu vào trong mạch máu, chẳng cần học cũng thuộc làu làu. Ngồi trên lưng trâu bạn vắt vẻo đôi chân, cất cao giọng “oanh vàng” đặc biệt: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Thả trâu ăn lúa… gọi cha ời ời/ Cha còn cắt cỏ trên đồi/ Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên” làm ai nấy cũng phải phì cười. Cánh đồng như tươi vui hơn khi có bọn trẻ, có những khúc đồng dao ngọt ngào, dịu lắng. 

Vốn dĩ đồng dao là truyền miệng, từ người này sang người khác cho nên nhiều lúc xẩy ra những xích mích nhỏ. Bọn trẻ cãi nhau cách gieo vần, cách đọc, thậm chí là cả những đoạn lên giọng và xuống giọng. Có đứa bỏ dở cuộc chơi khi bảo vệ ý kiến của mình không thành bị mọi người cực lực phản đối kịch liệt, đứa khác thì tự ái, làm bộ, làm tịch, mặt như chiếc bánh đa nhúng nước lúc đọc sai một câu đồng dao bị mọi người nhạo cười. Nhưng rồi mọi rắc rối, giận hờn được hóa giải bằng yêu thương, vì trẻ con chẳng bao giờ giận được lâu. Chúng tôi lại mồm năm miệng mười, cười ngặt nghẽo với những bài đồng dao vần điệu. 

Năm tháng lớn lên cùng khúc đồng dao, tôi đã biết sẻ chia, thấu hiểu hơn những nhọc nhằn của bố mẹ, của những người lao động nghèo ngày đêm đổ mồ hôi làm nên hạt gạo dẻo thơm! Khúc đồng dao đã nuôi lớn tâm hồn, là người bạn thân thiết để mỗi chúng ta tâm sự khi mệt mỏi, chán nản. Đồng dao không đơn thuần là những câu chữ ngô nghê mà nó còn đọng lại trong lòng những đứa trẻ chúng tôi bao điều mới mẻ về cuộc sống, cách đối nhân xử thế. 

Tôi của ngày hôm nay vẫn là người góp nhặt những ký ức xưa, thấy mình quá may mắn khi được sống và lớn lên ở miền quê yêu dấu với những đoạn đường ấu thơ tuyệt đẹp. Cứ cho là so với đám trẻ con bây giờ, bằng lứa tuổi tôi ngày xưa, có thể tôi không được đủ đầy vật chất như các em, nhưng bù lại tôi được bù đắp bởi những khúc đồng dao ngọt ngào như dòng nước mát quê hương. 
(0) Bình luận
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
  • Tình già
    Gió rít từng cơn rải những hạt mưa to rào rào vào cái vách lá dừa nhà ông già Tám làm cho con Lu đang khoanh tròn trong bếp tro giật mình ngái ngủ. Cơn giông cuối ngày làm cho đám cây mì trước nhà lúc la lúc lắc như uống từng giọt mưa sau những ngày nắng hạn kéo dài héo rũ.
  • Bầu Trời và Mặt Đất
    Ngày xửa ngày xưa, đã từ rất lâu, Bầu Trời và Mặt Đất là hai người bạn. Họ thân với nhau lắm. Ngày ngày họ cùng chơi đùa, nói chuyện, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn cho nhau.
  • Mùa hoa biên giới
    Sau những ngày vất vả ngược xuôi với các vụ việc, hôm nay Ban mới có một ngày rảnh rỗi. Nhớ tới lời hứa với Hoa, nhớ tới lũ trẻ trên điểm trường ở Nậm Mo Phí, Sín Thầu, nơi Hoa dạy. Ban mua một ba lô quà bánh, ít mì tôm, thịt hộp cho lũ trẻ và đặc biệt mua cho Hoa một tấm áo mới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nỗi nhớ đồng dao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO