Hà Nội có tận 3 tượng đài cảm tử ở ngay trung tâm thành phố nhưng nhiều người không biết hoặc có đôi lúc bị lãng quên bên cuộc sống nhộn nhịp, hối hả. Nhưng với tôi, đó là những bức hình đẹp nhất để kể cho mọi người nghe về một thời kỳ lịch sử đau thương và oai hùng của Thủ đô dấu yêu.
Dấu ấn những tượng đài cảm tử
Nhiều du khách nước ngoài đến thăm Hà Nội, nhiều đoàn học sinh và người dân trong nước về Thủ đô để thăm quan, du lịch và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Có những cảnh đẹp, có những di tích lịch sử nổi tiếng, có những bảo tàng ghi lại chứng tích của một thời kỳ chiến tranh, tất cả đều gợi những ấn tượng sâu sắc khó quên. Nhưng còn một Hà Nội của 60 ngày đêm mùa đông năm 1946 chưa được nhắc đến nhiều. Bởi có những ngày chiến đấu kiên cường và anh dũng đấy mới có trận thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mới giải phóng Thủ đô để từ đó làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc ta.
Suốt 30 năm của cuộc kháng chiến trường chinh gian khổ, Hà Nội đã kiên cường anh dũng, có lúc là tiền tuyến, có lúc là hậu phương, có lúc gánh cả hai trọng trách mà không khuất phục quân thù. Hà Nội trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã sục sôi ý chí: thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
Để tưởng nhớ về những người con của Thủ đô đã ngã xuống trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1984, Hà Nội cho xây dựng tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại khu vực bờ hồ Gươm, vị trí nằm ngay cạnh đền Bà Kiệu, đầu phố hàng Dầu. Nếu ai đã từng xem bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946” như tôi thì sẽ hiểu được sự giằng co gay gắt như thế nào trong thời điểm cam go của gần 70 năm về trước. Trong cuộc chiến bảo vệ Hà Nội và cầm chân quân giặc để cho quân đội rút lên Việt Bắc thì đã có rất nhiều người con của Hà Nội ngã xuống. Họ là những người trẻ tuổi, những anh vệ quốc quân của Trung đoàn Thủ đô luôn sẵn sàng ôm bom ba càng để xông vào xe tăng của địch, là những anh công nhân vừa sản xuất, vừa cầm súng ngày đêm làm nhiệm vụ, là những cô gái tuổi còn thanh xuân vẫn hòa vào đoàn vệ quốc quân và cầm mọi thứ vũ khí để chống giặc. Đó là hình ảnh cảm động, và nó sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu mỗi một người dân Hà Nội, khi đứng trước đài Cảm Tử hiểu rõ về lịch sử của những ngày đau thương mà can trường ấy.
Năm 2004, để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội đã khánh thành một đài cảm tử ở vườn hoa Hàng Đậu thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình (còn gọi là vườn hoa Vạn Kiếp). Đài tưởng niệm ở đây cũng tạo thành khối với hình ảnh ba thanh niên gồm 2 nam và 1 nữ trong tư thế cầm các loại vũ khí sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ Thủ đô. Không gian thoáng rộng và nhiều cây xanh ở vườn hoa hàng Đậu tạo ra một điểm dừng chân thoải mái cho du khách đến Hà Nội từ cửa ngõ phía bắc. Trước đó, các nhà văn hóa và lịch sử đã nghiên cứu để chứng minh được lời hiệu triệu của Bác trong bản viết kêu gọi toàn quốc kháng chiến là: “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Do vậy, cách viết này được sửa chữa và thống nhất trên bệ các đài cảm tử đến thời điểm này là đầy đủ và chính xác.
Cách đó không xa, chỉ đi bộ 1 quãng đường là du khách tới chợ Đồng Xuân, một địa chỉ quen thuộc mà nhiều du khách nước ngoài thường ghé qua khi đến Hà Nội. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của Vệ quốc đoàn trong cuộc chiến chống lại lính lê dương Pháp và bảo vệ Hà Nội theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2005, thành phố Hà Nội cho dựng bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân để tưởng nhớ những người đã hy sinh và nhắc nhớ thế hệ hôm nay về lòng biết ơn với thế hệ cha ông đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô. Chợ Đồng Xuân cũng là một điểm dừng chân có nhiều ý nghĩa mà ngành Văn hóa và Du lịch của Thành phố nên đưa vào hành trình của tour tham quan, tìm hiểu những di tích văn hóa, lịch sử của Hà Nội.
Quảng bá và giới thiệu từ phim ảnh
Đầu năm 2024, Điện ảnh nước ta công chiếu bộ phim: Đào, phở và piano tái hiện một phần bối cảnh lịch sử của Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947. Qua đó thế hệ hôm nay, nhất là các bạn trẻ đã hiểu nhiều về cuộc chiến cam go và nhiều hy sinh mất mát nhưng kiên cường và bất khuất của nhân dân Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Đây thực sự là một cách quảng bá văn hóa và du lịch thực sự có hiệu quả và lan tỏa rất nhanh tới thế hệ trẻ hôm nay. Nếu cắt bớt những phần người lớn thì có thể sử dụng làm bài giảng trong môn học lịch sử địa phương hoặc tiết học ngoại khóa cho học sinh khối phổ thông. Trách nhiệm này thuộc về ngành Giáo dục và ngành Văn hóa của Hà Nội và phải xem đó là chiến lược lâu dài, được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản. Giới trẻ ngày nay nhìn thấy một Thủ đô đầy hoa lệ, giàu đẹp và hiện đại nhưng đã trải qua một thời kỳ lịch sử đầy máu lửa và đau thương. Kết hợp với sự kiện B52 đánh bom Hà Nội những ngày cuối năm 1972, ngành Văn hóa phải hành động mạnh mẽ và thiết thực hơn để giới thiệu cho du khách và lớp trẻ được biết và thêm trân quý hơn cuộc sống này.
Hà Nội có nhiều điểm đến và là nơi nhiều du khách nước ngoài muốn dừng chân đầu tiên khi đến Việt Nam. Nơi này là đại diện cho tính cách và phẩm chất con người Việt, trong đó có ý chí bất khuất và kiên cường trước quân xâm lược. Các điểm du lịch của Hà Nội thì rất nhiều và mỗi một địa chỉ đều có những ý nghĩa sâu sắc riêng. Trong hành trình dẫn tour, ngành du lịch Hà Nội nên hướng cho các hướng dẫn viên và các công ty du lịch kết hợp với các điểm đến để ghé qua những đài cảm tử. Ví dụ, điểm đến Hoàng Thành Thăng Long gắn liền với khu vực vườn hoa hàng Đậu, chợ Đồng Xuân, các phố cổ và cầu Long Biên. Tất cả đều gần nhau, có thể di chuyển bằng xích lô hoặc đi bộ, đi xe điện đều rất thuận lợi.
Trong trái tim mỗi người dân Việt đều có tình yêu Hà Nội
Ngành văn hóa và du lịch Hà Nội có thể bố trí thêm những bảng thông tin điện tử bên cạnh những tượng đài cảm tử để du khách đọc và tìm hiểu, ngôn ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Không chỉ cho khách du lịch, mà cho chính những người dân đang sinh sống, làm việc và học tập ở Hà Nội, trong đó có giới trẻ, những người đang bị cuốn vào lối sống hiện đại và việc học tập quá tải mà quên đi một phần lịch sử Thủ đô.
Hà Nội ngày một giàu đẹp và phát triển, là niềm tin và hy vọng để mỗi chúng ta cùng hăng say học tập, lao động và cống hiến. Thành phố hơn 1000 năm tuổi còn mang trong mình lòng kiên cường, bất khuất, không chỉ trong những cuộc chiến trường chinh của dân tộc mà còn để ngày hôm nay phát huy sức mạnh đi đầu, vững chắc và thắng lợi./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Thị Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |