Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ họ Lại và nghề làm giấy sắc (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 07:30 18/04/2023

Nhà thờ họ Lại và nghề làm giấy sắc thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nghề làm giấy đã có ở nước ta từ thế kỷ XI với những làng nghề nổi tiếng như Lĩnh Nam, Yên Thái (Bưởi)... Nhưng nghề làm giấy sắc của họ Lại mới chỉ xuất hiện từ thời Lê - Trịnh khi Lại Thế Giáp kết hôn với quận chúa Phi Diệm Châu, hiệu Từ An - con gái chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657). Thấy họ nhà chồng còn nghèo nên bà đã xin với chúa Trịnh và vua Lê cho họ Lại được làm giấy sắc chuyên cung cấp cho triều đình. Chúa Trịnh Tráng bấy giờ đã ra lệnh mở cục làm giấy, quản lý giấy sắc không cho bán ra ngoài, chỉ chuyên phục vụ nhà vua phong cấp cho các quan và các vị thần ở các làng. (Sau này, cháu 4 đời của Lại Thế Giáp là Lại Phú Vinh làm quan tới chức Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô tư chỉ huy sứ ngự dụng giám Kim Tiên cục tước Đô Thịnh Hầu).

Theo sử sách: vào năm 1924, vua Khải Định làm lễ mừng thọ tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi), đã đặt họ Lại ở làng Nghĩa Đô phải làm hàng vạn tờ giấy sắc để vua ban khen cho quần thần. Năm đó họ Lại phải tập trung cả họ để làm và đây cũng là năm đỉnh cao của nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Đô. Những nghệ nhân tài hoa của vùng này, xưa có cụ Lại Phú Vị, cụ Xíu Tơ, cụ Xã Hội, cụ Chương Xứ...

Giấy sắc do họ Lại sản xuất gồm có hai loại: Loại thứ nhất là sắc phong cấp, khen ngợi, tưởng thưởng cho những người có công, là tài sản chung của dòng họ, được cất giữ trong nhà thờ họ của các gia tộc có những vị Tiên liệt có công với vua, với nước. Loại thứ hai là sắc phong phẩm trật cho thần linh thuộc về tài sản của cộng đồng làng xã, được cất giữ tại các đình làng, đền, miếu...

Để làm được tờ giấy sắc, người thợ phải qua nhiều công đoạn và các khâu kỹ thuật. Nguyên liệu làm giấy là vỏ cây dó (tên khoa học là Rhamnoneuron Balasae) mọc và trồng nhiều ở vùng núi, trung du, vùng Tây Bắc và Việt Bắc. Trước đây, thợ làm giấy ở làng Hồ Khẩu, Nghĩa Đô thường mua vỏ dó, gỗ mò của những người trực tiếp khai thác ở vùng rừng núi Hưng Hoá, Tuyên Quang, Lâm Thao rồi chở theo đường sông Hồng về bán ở bến Chèm, chợ Ngọc Hà, chợ Bưởi hoặc mua trực tiếp của những lái buôn ở các trợ trên. Từ năm 1930, làng Yên Thái, Nghĩa Đô mới có người buôn dó. Với các dụng cụ làm giấy như liềm seo, rường khuôn, rá đãi bìa, thép cau và nhiên liệu (củi, vỏ trấu) họ mua ở các làng lân cận như Xuân Tảo, Xuân Đỉnh...

Cũng như quy trình làm giấy dó bình thường, trước hết vỏ dó mua về cắt ra từng đoạn ngắn rồi ngâm vào nước lạnh, nước vôi trong sau đó đưa vào vạc nấu chín bằng hơi khoảng hai ngày. Tiếp theo, vớt dó ra, rửa sạch, tước vỏ, lấy phần ruột trắng rồi lại ngâm kỹ trong bể cho thối mục rồi đem rửa, chọn kỹ hết đầu mặt, vẩy đen đem ngâm giã, đãi kết hợp với phèn chua và gỗ mò đánh tan đều trong một cái bể lớn gọi là kéo tầu, sau đó là công đoạn seo. Khi seo, người ta cho một ít nhựa cây mò (tên khoa học là: Machinlus thunbergi) vào rồi quấy đều khoảng 30 phút rồi mới seo. Nhựa cây mò có tác dụng liên kết các sợi dó trong tàu seo lại thành tờ giấy trên khung liềm seo và khi bóc tờ giấy ra để can không bị dính vào nhau. Công việc seo giấy do phụ nữ đảm nhiệm. Theo cụ Lại Thị Phương làm một tờ giấy sắc hàng nhất phẩm phải có 5 người thợ cùng làm một lúc thì mới thể seo nổi tờ giấy vì tờ giấy dài và rộng. Giấy seo xếp thành từng tập rồi mang đi ép cho ráo nước, sau đó mang vào lò sấy khô, gọi là can. Khi bóc giấy phải bóc liền 3 tờ hoặc 5 tờ một để tờ giấy đảm bảo độ dai.

Ngoài các công đoạn như làm giấy dó, giấy sắc phải thêm các công đoạn kỹ thuật sau:

Khâu thứ nhất là nghè cho giấy đanh bóng. Nghè là một hình thức dùng lực nện, nén đều tờ giấy cho đanh lại.

Khâu thứ hai sau nghè là phết keo cho tờ giấy tăng thêm độ dai, giảm độ hút ẩm, tránh mối mọt gọi là hồ.

Khâu cuối cùng là vẽ giấy sắc mới là khâu tinh xảo nhất, đòi hỏi tay nghề cao. Vẽ gồm hai công đoạn: vẽ chạy và vẽ đồ. Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà tô kim nhũ, vàng bạc. Bí quyết để tờ giấy có màu sắc tươi là kỹ thuật đánh vàng, đánh bạc cho tờ giấy. Công việc này được làm ở nơi kín đáo, tránh người ngoài biết ăn cắp nghề. Việc truyền nghề chỉ với con trai và con dâu theo phương thức truyền nghề trực tiếp.

Tuỳ theo phẩm trật mà triều đình quy định hoa văn vẽ trên tờ giấy sắc. Với giấy sắc phong cho bách quan có 3 hạng: Hạng nhất, xung quanh khung vẽ 8 con rồng nhỏ, mặt trước vẽ một con rồng lớn ẩn trong mây (long ám), mặt sau vẽ hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Hạng nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc hoạ tiết hồi văn, mặt trước vẽ độc rồng, mặt sau vẽ nhị linh (rồng, lân). Hạng ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước cũng vẽ độc rồng, ở giữa và 4 góc in hình ngũ tinh (năm chấm sao), mặt sau vẽ bầu rượu và túi thơ.

Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng: Thượng đẳng thần: xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ độc rồng, ở giữa in hình ngũ tinh, bốn góc in hình thất tinh (bảy chấm sao), mặt sau in hình tứ linh. Trung đẳng thần: mặt trước giống như sắc thượng đẳng thần, mặt sau vẽ lá và bầu rượu, ở giữa vẽ hai chữ “thọ” liền nhau gọi là “song thọ”. Hạ đẳng thần: Mặt trước vẽ giống như hai hạng trên, mặt sau thì để trơn.
Nhà thờ họ Lại hiện nay thuộc tổ 18, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Di tích được xây dựng vào năm 1943 dưới thời Bảo Đại để thờ tổ nghề làm giấy sắc. Trước cổng nhà thờ hiện nay vẫn còn ghi đôi câu đối:

Kim tiên tự cổ truyền gia bảo
Hoa bút kinh kim nhạ quốc hương”

Tạm dịch:

Giấy vàng xưa vẫn truyền gia bảo
Bút ngọc nay còn được quốc hương

Kiến trúc của nhà thờ hiện nay gồm 3 gian được xây theo dạng chữ “nhất”, mái lợp ngói tây đơn giản. Từ năm 1944, nghề làm giấy sắc của họ Lại chấm dứt, cả họ đi theo kháng chiến nên các di vật phần lớn bị thất lạc hoặc bị huỷ hoại do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, di tích chỉ còn lưu giữ được một số tư liệu như: 1 cuốn gia phả dòng họ chép từ thời Cảnh Hưng và được sao lại vào thời Nguyễn, 1 ngai thờ và một số di vật nhỏ khác. Tuy nhiên, những gì mà giấy sắc để lại thật đáng trân trọng và tự hào. Qua nhiều biến động của lịch sử, giấy sắc vẫn luôn có được chỗ đứng và đã khẳng định vị trí của mình trong xã hội phong kiến. Giấy sắc hay giấy “Long Đằng” là một loại giấy rất quý hiếm bởi các đặc tính và khả năng bền bỉ của nó nên được dùng vào việc phong sắc cho các quan trong triều hay phong thần trong các di tích đình, đền, miếu... Qua hơn 300 năm tồn tại, nghề làm giấy sắc cũng có những bước thăng trầm, song đây vẫn là một sản phẩm độc đáo của họ Lại.

Để có một tờ giấy sắc, người nghệ nhân phải trải qua một quá trình lao động vất vả với những sáng tạo tìm tòi để chế biến từ vỏ cây dó, qua nhiều công đoạn kỹ thuật trở thành tờ giấy sắc có thể tồn tại tới vài trăm năm mà không bị mối mọt. Đó là sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, giữ bí quyết nghề với sự học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và cả sự khéo léo, tài hoa của đôi bàn tay người thợ vẽ... để cho ra thành phẩm cuối cùng là một tờ giấy sắc lấp lánh nét rồng mây - một đặc trưng cơ bản của văn hoá Việt Nam. Chính bởi những đặc tính ưu việt nói trên mà giấy sắc của họ Lại đã nổi tiếng và trở thành bảo vật quốc gia suốt từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng và do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nên nghề làm giấy của họ Lại không còn tồn tại. Người hiểu biết nhiều nhất về nghề làm giấy sắc của họ Lại, Nghĩa Đô là cụ Lại Phú Bàn cũng đã ra đi vào năm 2006 ở tuổi ngoài tám mươi. Song những bí quyết của nghề làm giấy sắc đã được ghi chép bằng văn bản và được Cục Di sản - Bộ văn hoá và Thông tin lưu giữ. Những rồng mây trên nền giấy gấm thuở xưa sẽ mãi còn lại trong tâm thức người Việt qua các sắc phong hiện còn lưu giữ trong các đình, đền, chùa, miếu... Đây là bằng chứng ghi nhận sự đóng góp của một dòng họ đối với sự phát triển làng nghề thủ công truyền thống người Việt nói chung và của đất Thăng Long - Kẻ Chợ nói riêng, góp phần làm giàu, đa dạng và phong phú thêm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Quy trình làm giấy đặc biệt này đã chứng tỏ khả năng lao động cần cù, sáng tạo của các nghệ nhân họ Lại trong việc làm ra các sản phẩm giấy sắc để lại đến ngày nay.

Để ghi nhận những đóng góp của họ Lại với nghề làm giấy sắc, ngày 28 tháng 9 năm 2006, Bộ Văn hoá và Thông tin đã ra Quyết định số 79/2006/QĐ - BVHTT xếp hạng nhà thờ họ Lại là di tích lịch sử./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
  • Đền Kim Bôi (huyện Mỹ Đức)
    Ngày 14/6/1991, Bộ Văn hoá thông tin ra Quyết định số 1057 VH/QĐ xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá đối với đền Kim Bôi thuộc xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Hà Nội thưởng 300 triệu đồng cho học sinh đạt huy chương vàng quốc tế
    Sáng 10-12, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã xem xét thông qua nhiều nghị quyết về các mức chi. Trong đó, có quy định về mức tiền thưởng đối với giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế.
  • Lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình, Bắc Ninh
    Sân bay Gia Bình dự kiến hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân CAND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Nhà thờ họ Lại và nghề làm giấy sắc (quận Cầu Giấy)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO