Nghe hồ kể chuyện

Phát Dương| 06/02/2023 15:52

Bước quanh bờ gió nhẹ níu hờ chân, thư thả dừng lại ngồi trên băng ghế đá nghe hồ kể chuyện. Không biết áp tai vô đất, người ta có còn cảm nhận tiếng tim sóng thình thịch đập không?

1-.jpg
Cũng vì màu xanh đó mà hồ mang tên Lục Thủy

Ngày trước hồ nằm ngoan dưới đáy biển, im ỉm ngủ. Đợi mẹ sông phôi thai mới oe oe chào đời, nên kế thừa trầm tích ẩn sâu bên dưới. Tin chắc những con sóng đã kết tủa nằm yên đó, trong lòng hồ sâu, để từ trên cao mắt cạn chỉ nhìn được mặt nước biếc xanh đâu hay hết những âm trầm.

Cũng vì màu xanh đó mà hồ mang tên Lục Thủy. Như đứa trẻ con có tên ở nhà tên đi học, theo dòng thời gian hồ cũng được gọi khác đi. Có thấy không trong khói sương quá khứ ảo mờ, từ lầu Ngũ Long chúa ngự xem binh lính tập trận khí thế hùng dũng dềnh bóng nước, vì lẽ đó hồ được gọi Thủy Quân. Có lúc hồ chia mình làm hai nửa, sở hữu hai cái tên Tả Vọng và Hữu Vọng. Nhưng hồ vẫn in hằn kí ức người Hà Nội và những người mê mẩn đất này cái tên gắn liền sử tích huyền thoại. Nơi đây vua Lê trả gươm báu cho rùa thần, ngời ngời mong muốn hòa bình của dân tộc sau cuộc chiến bảo vệ bờ cõi nước Nam. Có chăng cái tên Hồ Gươm (hay Hoàn Kiếm) khắc sâu, cũng bởi chảy trong máu chúng ta tư tưởng “đem chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn” (1)?

Hồ là biểu tượng khao khát hòa bình, gác gươm đao về lại việc bút nghiên. Đài Nghiên, Tháp Bút, nghìn năm “viết thơ lên trời cao” (2). Cảnh vật đẹp như một bài thơ, rót đằm lòng người cảm giác yên ả cũng từng nhịp ngân từng vần gieo. Cầu Thê Húc lưng tôm, nhìn từ trên xuống như sợi chỉ đỏ đính đền Ngọc Sơn vào mặt lụa nõn xanh. Xa xa Tháp Rùa nhỏ xinh như chiếc cúc áo, điểm nhấn giữa mênh mông gợn nước. Hồ lặng lẽ dịu hiền, mang gió mát thổi, như điệu ru đuổi cái nắng gắt gỏng dỗ êm thành phố. Hỏi khách phương xa tới thăm nhớ gì về Hà Nội, ít nhiều đều ấn tượng cảm giác dạo quanh hồ từng bước nhẹ thênh ngắm cảnh. Đẹp dịu dàng như khóm hoa nở giữa cánh đồng, tôn nhau mà không chói, sáng mà không rực. Ví như viên ngọc bích giữa lòng Hà Nội, vừa điểm trang thêm hài hòa nét cổ kính băm sáu phố phường, vừa mang những ý nghĩa tốt lành.

Dường như tạo hóa là quá trình chưng cất, làm hồ thu hẹp lại dần. Nghe hạt nước có tuổi ngược dòng kể chuyện, xưa hồ lớn hơn bây giờ nhiều lắm. Hồ dẫn đến nhiều hồ nhỏ, cùng nhau góp phần làm nên danh xưng thành phố của sông hồ. Những hồ nhỏ mất dần, cảm giác hệt khi ta ngơ ngác quay tìm mới nhận ra không còn nhiều thân quen bên cạnh ngoài từng cái tên kí ức. Hồ thổn thức chỉ về phía những tòa nhà xa xa, kể rằng một nửa của mình đã nằm dưới đó cùng cái tên Hữu Vọng.

Có người thô vụng ví von, Hồ Gươm như món ngon của xứ Hà thành. Phở, thứ đặc sản không kén người ăn, dễ làm mềm lòng thực khách. Chuyện hồ nhỏ dần càng giống phở, bởi tô phở tinh túy nằm ở nước dùng ninh xương chắt lại, vịn ít không cầu nhiều. Hồ nghe không hờn giận, chỉ cười hiền. Hồ vẫn như thế, thanh tao nằm nhìn ngắm những đoàn người xoay xoay quanh mình, chỉ để bản thân rờn xanh màu nước, soi soi sắc trời . Cũng bởi hồ cho rằng mỗi người có quyền có cách nhìn riêng về mình, ai cũng cảm thấy như ai đâu còn gì là đặc biệt. Nào có phán xét ai.

Sự thân thiện đó đâu phải là dễ dãi. Hồ nhỏ dần, mà tình đầy thêm. Lịch sử vẫn nằm dưới mặt nước, theo tháng năm kể chuyện cháu con nghe. Hồ hòa làm một với xứ này, với cả hình chữ S cong cong, chuộng những giá trị ẩn sâu hơn là bên ngoài hào nhoáng nguy nga. Người Việt nhỏ bé nhưng đầy sức mạnh, Thánh Gióng năm nào vụt lớn như tre ra trận chống giặc. Văn hóa đâu có dễ mất đi, chỉ cô đặc lại thêm, như quặng sóng dưới lòng hồ.

Nhưng đó là khi tay với tay biết trân trọng giữ gìn. Nếu chỉ một mình, sức hồ đâu bền bỉ mãi được với thời gian. Nét nước ủ chau, lần đầu nghe hồ thở dài ngạc nhiên như thấy mưa phùn giữa trời chang chang nắng. Rồi sẽ đến lúc quá trình đầm lầy hóa phà hơi thở đến, mon men vây chặt lấy hồ. Lòng hồ đang ngày một cạn, màu nước xanh đã dần ngả đục. Hồ sẽ yếu đi, như người ta già, sức khỏe vơi mau và cần trợ giúp. Cần nhiều nhiều nữa thương yêu. Truyền thống cũng vậy thôi, không ai gìn giữ không ai lưu lại thì lấy gì truyền đến mai sau? Cuộc sống là cuộc chạy tiếp sức, mỗi thế hệ lại miệt mài trên hành trình truyền gậy mà. Người ơi có nghe không, tiếng kêu cứu của mặt hồ đang nhạt phai phần nào hương sắc?

Những cụ rùa không còn nhưng hồn còn. Dưới làn nước, nơi gươm báu nằm ôm truyền thuyết, dường đôi mắt cụ rùa vẫn soi nhìn những thế hệ Rồng Tiên. Lịch sử cũng vẫn còn đó. Hồ sẽ vẫn xanh, đầu tiên trong kí ức mỗi người Hà Nội, trong nhung nhớ có những trái tim say tình đất Thủ đô. Lòng mỗi người cũng là một mặt hồ xanh ngăn ngắt, chứa đựng cả thăng trầm bao thế hệ, theo bước chân người đi xa đi xa…

Chú thích:

(1) trích Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

(2) thơ Trần Đăng Khoa

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phát Dương. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội trong tôi
    Một ngày mùa thu năm 2017, tôi lơ đãng nhìn ra ngoài bờ sông từ tầng 15 của tòa cao ốc. Bỗng cảm thấy muốn đi đâu đó thật xa và hình ảnh thủ đô xẹt qua tâm trí tôi. Và chuyến hành trình lần đầu của một người con từ miền Nam xa xôi bắt đầu từ lúc đó. Có lẽ trong lòng tôi đã để dành một khoảng trống riêng cho Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghe hồ kể chuyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO