Văn hóa – Di sản

Mạc Đĩnh Chi – nhà Nho, sứ thần lưu danh thiên cổ

Lưu Minh Trị - Nguyễn Hữu Sơn 02/11/2023 10:57

Mạc Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Mạc Đĩnh Chi sinh năm Canh Thìn (1280), mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hàng ngày hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống. Bà mẹ đã hy sinh tất cả để cố nuôi con đi học trong những năm tháng gian khổ nhọc nhằn, tủi nhục. Bà chỉ mong ước con mình sẽ có ngày đỗ đạt thành người để giúp ích cho đời, thoát khỏi cảnh nghèo nàn. Niềm tin ấy giúp bà vượt lên nhiều khó khăn, lo cho Mạc Đĩnh Chi ăn học. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập. Vốn là cậu bé có tư chất thông minh, lại sống trong cảnh mồ côi nghèo khổ, bị người đời khinh rẻ, nên Mạc Đĩnh Chi sớm nhận ra rằng, chỉ có học tập, học tập thành tài mới là con đường đưa bản thân thoát khỏi cảnh nghèo khổ, và cũng là để thể hiện phẩm chất thanh cao của con người học hành thành đạt mà đi lên.

Mạc Đĩnh Chi là nhà văn, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Trần. Tác phẩm Ngọc tinh liên phú (Bài phú hoa sen giếng ngọc) làm lúc đi thi và đỗ Trạng nguyên, chép trong sách Quần hiền phú tập. Bốn bài thơ Quá Bành Trạch phỏng Đào Tiềm cựu cư, Tảo hành, Hỷ tình, Vãn cảnh làm trên đường đi sứ, được chép trong các sách Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, cùng một số câu đối, giai thoại truyền lại chứng tỏ văn tài mẫn tiệp của ông.

Mạc Đĩnh Chi có ý chí rất cao trong học tập, không mấy lúc không đọc sách, đọc và nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc gánh củi đi bán. Không có sách học thì mượn thầy, mượn bạn. Mạc Đĩnh Chi học thuộc nhiều cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để đọc sách thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học, thật vô cùng gian truân, nhưng chú bé không hề nản chí. Do có nghị lực phi thường, cộng với tính thông minh xuất chúng, chẳng bao lâu, Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng thần đồng xứ Hải Đông.

Khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên; thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên. Khi Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt nhà vua, vua Trần Anh Tông trông tướng mạo ông xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu. Mạc Đĩnh Chi bực lắm, không nói gì cả, về nhà viết bài Ngọc tinh liên phú (Phú hoa sen giếng ngọc). Đó là bài phú bằng chữ Hán để gửi gắm chí khí của mình. Bài phú đề cao được phẩm chất trác việt và phong thái cao quý của một con người khác thường, vượt xa người đời về mọi mặt. Song, không muốn a dua với người tầm thường để mong cho đời biết đến. Ông dùng hình tượng một bông sen sinh ra trong giếng ngọc ở núi Hoa Sơn do một vị đạo sĩ hái mang xuống cõi trần.

Bài phú có đoạn:

Giá thuỷ tinh hề vi cung; tạc lưu li hề vi hộ,

Toái pha lê hề vi nê; sái minh châu hề vi lộ.

Hương phức úc hề tằng tiêu; đế văn phong hề nhữ mộ,

Quế tử lãnh hề vô hương; Tổ Nga phân hề nhữ đố.

Thái dao thảo hề Phương châu; vọng mỹ nhân hề Tương phố,

Kiển hà vi hề trung lưu; hạp tương phản hề cố vũ.

Khởi hộ lạc hề vô dung; thán thuyền nguyên hề đa ngộ,

Cẩu dự bính chi bất a; quả hà thương hồ phong vũ.

Khủng phương hồng hề dao lạc; mỹ nhân lai hề tuế mộ…

Phan Võ dịch:

“Thuỷ tinh gác để làm cung,

Cửa ngoài lóng lánh bao vòng lưu li.

Bùn thời tán bột pha lê,

Hạt trai làm móc dầm dề tưới cây.

Mùi hương thơm ngát tầng mây,

Ngọc Hoàng nghe cũng rủ đầy tình thương.

Lạnh lùng hạt quế không hương,

Tố Nga lại nổi ghen tuông bời bời.

Bãi sông hái cỏ dạo chơi,

Bến Tương luống những trông vời Tương phi.

Giữa dòng lơ lửng làm chi,

Nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi.

Há rằng trống rỗng bất tài,

Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.

Nếu ta giữ mực thẳng ngay,

Mưa sa gió táp xem nay cũng thường.

Sợ khi lạt thắm phai hương,

Mỹ nhân đến lúc muộn màng hết xuân”...

Vua Trần Anh Tông xem xong, khen là thiên tài, mới cho đậu Trạng nguyên, ban cờ hiển vinh quy bái tổ. Sau khi về kinh đô, nhà vua cho mời Trạng vào bái kiến, hỏi việc chính trị. Mạc Đĩnh Chi trình bày rất đầy đủ, đầy trí tuệ, làm cho vua rất hài lòng, ban cho chức Hàn lâm học sĩ.

Phù hợp với phẩm chất con người, thơ Mạc Đĩnh Chi cũng thể hiện niềm rung cảm đậm chất nghệ sĩ trước một sớm mai trời vừa tạnh ráo, một hừng đông thuyền nhẹ mái chèo, một cảnh chiều buông lắng đọng hồn lữ khách... Thơ ông giàu tâm trạng, khai thác được những tứ thơ đậm chất trữ tình và thực sự giàu hình ảnh, chi tiết sự sống:

Hảo cảnh minh nhân nhãn,

Giang sơn chính khoát nhiên.

Yên lung sơ xuất nhật, Ba dạng nộn tình thiên.

Ngạn liễu thùy kim tiết,

Đình ba phác họa thuyền.

Thê lương khoan lữ tú,

Hòa noãn hỷ tân niên.

(Hỷ tình)

Cảnh đẹp sáng mắt người,

Non sông đang lúc quang đãng.

Khói lồng vầng mặt trời mới lên,

Sóng dợn giữa bầu trời tươi non.

Liễu trên bờ rủ cờ tiết vàng,

Hoa giữa bãi phất vào con thuyền chạm vẽ.

Lạnh lẽo làm giăng trải nỗi niềm lữ khách,

Ấm áp, mừng năm mới)

(Mừng trời tạnh)

Đặc biệt ông tỏ ra đồng cảm, khâm phục bản lĩnh và tư cách nhà Nho ẩn sĩ Đào Tiềm:

Tự tính bản nhàn khoáng,

Sơ bất tỉ lục lục.

Đẩu mễ khẳng chiết yêu,

Giải ấn ninh từ lộc

Phù sơ ngũ chu liễu,

Lãnh đạm nhất ly cúc.

Liêu liêu thiên tải hậu,

Thanh danh ngô khả phục.

(Quá Bành Trạch phỏng Đào Tiềm cựu cư)

(Bản tính vốn nhàn tản phóng khoáng,

Từ đầu đã không gần được với kẻ a dua.

Há vì đấu gạo mà phải khom lưng,

Cởi dây ấn, đành từ quan mà về.

Lưa thưa năm khóm liễu,

Nhạt nhòa một giậu cúc.

Mịt mờ nghìn năm sau,

Thanh danh còn khiến ta khâm phục)

Năm 1308, sứ nhà Nguyên là Thượng thư Am Lỗ Uy sang báo tin Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Vua Trần Anh Tông đã cử Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ để đáp lễ năm đó. Năm 1324, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp Mưu sang báo việc lên ngôi và ban cho vua Trần một quyển lịch. Vua Trần Minh Tông lại cử ông đi sứ mừng vua Nguyên.

mac-dinh-chi.jpg
Năm 1308, vua sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, chúc mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi. (Ảnh minh hoạ qua truyenxuatichcu.com)

Mạc Đĩnh Chi đã đi sứ hai lần nên những chuyện đi sứ của ông cũng khá nhiều. Nội dung các chuyện đó biểu hiện xuất sắc tài năng ngoại giao và tầm trí tuệ vĩ đại của ông. Ông là một sứ thần ứng đối, biện luận giỏi, giữ vững được uy tín và lợi ích quốc gia, khiến triều đình nhà Nguyên kính nể. Về các truyện đi sứ của Mạc Đĩnh Chi có truyện được ghi trong sử sách, có truyện được lưu truyền trong dân gian như những giai thoại nói lên khí tiết vững vàng và trí thông minh, linh hoạt của ông trong những lần xa Tổ quốc.

Lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa và mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Viên quan nhà Nguyên giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau.

Vế ra là:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

(Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan)

Một câu đối rất hiểm hóc, nội dung nói lên việc Mạc Đĩnh Chi đang cần qua cửa để sang Yên Kinh. Song, khó ở chỗ, trong 11 chữ của vế ra lại có tới bốn lần nhắc đến chữ “quan”.

Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đọc ngay vế đối:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối

(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước)

Vế đối có bốn chữ “đối”, nghĩa lý rất sâu sắc, tề chỉnh.

Quan lính nhà Nguyên nghe ông Trạng nước Nam đọc vế đối rất phục đã phải mở cửa ải để Mạc Đĩnh Chi đi qua.

Tương truyền, trong thời gian đi sứ, lúc cần tỏ rõ cho nhà Nguyên biết văn tài của người Đại Việt và giữ quốc thể, thì Mạc Đĩnh Chi đã đối ứng rất cứng rắn. Song, ông có lúc cũng mềm mỏng để giữ tình hoà hảo giữa hai triều.

Trong một lần gặp Trạng nguyên Mạch Đĩnh Chi của Đại Việt, vua Nguyên muốn nói lên đất đai rộng lớn, thiên triều tồn tại đời đời, bèn ra một vế đối:

Lạc thuỷ tần qui đan ứng triệu, thiên số cửu, địa số cửu, cửu cửu bát thập nhất số, số số hỗn thành tam đại đạo, đạo hợp Nguyên thủy thiên tôn nhất thành hữu cảm

(Con rùa sông Lạc báo triệu tốt, số trời chín, số đất chín, chín chín thành tám mươi mốt số, số số hợp thành ba đạo lớn, đạo hợp với Nguyên thuỷ thiên tôn, bởi một chữ thành có cảm)

Mạc Đĩnh Chi đã đáp lại:

Kỳ sơn minh phụng lưỡng trình tường, hùng thanh lục, thư thanh lục, lục lục tam thập lục thanh, thanh thanh ưởng triệu cửu trùng thiên, thiên sinh Gia Tĩnh, hoàng đế vạn thọ vô cương

(Con phụng núi Kỳ trình điềm hay, tiếng đực sáu, tiếng cái sáu, sáu sáu thành ba mươi sáu tiếng, tiếng tiếng suốt chín tầng trời, trời sinh ra Gia Tĩnh hoàng đế, cho muôn tuổi thọ dài lâu)

Vua Nguyên phục tài văn chương của sứ Nam và ban thưởng rất hậu cho ông.

Tương truyền trong dân gian, thời gian sứ thần Đại Việt lưu lại Yên Kinh, gặp lúc Hoàng hậu Nguyên Thế Tổ mất, vua Nguyên vô cùng thương tiếc. Lễ tang được tổ chức rất trọng thể, có mời các sứ thần dự Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh ứng khẩu đọc ngay:

Thanh thiên nhất đoá vân,

Hồng lộ nhất điểm tuyết.

Ngọc uyển nhất chi hoa,

Dao trì nhất phiến nguyệt.

Y!

Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết”.

(Trời xanh có một đám mây,

Trong bầu vũ trụ có một điểm tuyết.

Trong vườn thượng uyển có một cành hoa,

Cung Quảng Hàn có một vầng trăng.

Than ôi!

Mây đã tan, tuyết đã tan, hoa đã tàn, vầng trăng đã khuyết)

Một bài thơ tế thật đặc sắc, vừa ca tụng hoàng hậu, vừa nói lên sự thương tiếc đối với người đã mất. Đọc xong với một vẻ mặt buồn rầu, ông nghiêm trang bước ra trước sự xúc động nghẹn ngào của nhiều người dự lễ tang và trước vẻ tưng hửng của vua tôi nhà Nguyên vì họ đã giăng bẫy sứ Đại Việt. Mạc Đĩnh Chi lại tạo ra kỳ tích có một không hai trong lịch sử văn chương, chữ nghĩa trong thời đại của ông.

Mạc Đĩnh Chi sống liêm khiết, thẳng thắn. Ông được người đời kính phục và ca tụng.

Một lần, năm 1323 vua Trần Minh Tông cho gọi viên quan nội thị đến nói nhỏ:

- Nghe nói các quan và dân chúng đều khen Mạc Đĩnh Chi là người liêm khiết, thẳng thắn lắm. Trẫm định thử xem có đúng như thế không?

Nói đoạn, vua Trần Minh Tông lấy mười quan tiền đặt vào tay viên quan nội thị, rồi ghé sát tại thì thầm to nhỏ. Viên quan nội thị tâu:

- Thần sẽ đúng làm như ý bệ hạ sai bảo.

Sáng hôm ấy, Mạc Đĩnh Chi dậy sớm hơn thường lệ. Trời còn chưa sáng rõ ông đã tập xong hai bài quyền. Ông vươn người hít thở không khí trong lành của buổi sớm ban mai. Xong công việc thường lệ, ông lững thững vào nhà. Vừa bước lên bậc cửa, bỗng ông kêu lên kinh ngạc:

- Ô kìa! Tiền của ai đánh rơi mà nhiều thế?

Ông nhặt lên đếm, vừa tròn mười quan. Ông thầm nghĩ: “Quái! Đêm qua không có ai lại chơi, sao có tiền rơi?”. Ông vội vã khăn áo chỉnh tề, vào yết kiến nhà vua:

- Tâu bệ hạ, thần sáng nay có bắt được mười quan tiền ở trước cửa nhà, hỏi khắp cả mà không ai nhận, thần xin trao lại để bệ hạ trả lại cho người mất của.

Vua Minh Tông mỉm cười gật đầu:

- Không ai nhận tiền ấy thì ngươi cứ lấy mà dùng...

- Thưa bệ hạ, tiền này không ít, người mất của chắc xót xa lắm, nên tìm người trả lại thì hơn.

- Nhà người yên tâm, cứ giữ lấy mà dùng. Thưởng lòng chính trực, liêm khiết của nhà người đấy.

Mạc Đĩnh Chi bấy giờ mới vỡ lẽ ra là nhà vua đã thử lòng ông. Ông chào tạ ơn trở về.

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan ba triều vua là Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 - 1329), Trần Hiếu Tông (1329 - 1341) đến chức Thượng thư, rồi Đại liêu ban Tả bộc xạ đứng đầu triều (tương đương Tể tướng). Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là người ngay thẳng, liêm khiết, hết lòng vì nước vì dân. Ông mất vào năm Canh Thân (1350), thọ 70 tuổi. Điện thờ và phần mộ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được giữ gìn và thờ cúng tại quê nhà./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
    Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • Tọa đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng”
    Sáng 17/5, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2024.
  • Cổ vật triều Nguyễn được định danh và triển lãm trên không gian số
    Định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn và ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro.
  • Công nhận Mộc bản ở chùa Dâu (Bắc Ninh) là Bảo vật Quốc gia
    Bộ mộc bản chùa Dâu gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Mạc Đĩnh Chi – nhà Nho, sứ thần lưu danh thiên cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO