Văn hóa – Di sản

Lương Trúc Đàm – chiến sĩ tiên phong của phong trào canh tân

Lê Văn Tấn - Nguyễn Thị Hưởng 15/11/2023 16:36

Lương Trúc Đàm (1875 - 1908) có tên thật là Lương Ngọc Liêu, hiệu là Trúc Đàm. Ông là con trai cả của nhà yêu nước nổi tiếng Lương Văn Can. Trúc Đàm người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Thành phố Hà Nội. Lương Trúc Đàm được sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước.

Cha ông, Lương Văn Can (1854 - 1927) là một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục tại số 10, phố Hàng Đào, Hà Nội vào năm 1907. Lịch sử giáo dục Việt Nam đã ghi nhận: “Người Pháp tự đại, chủ quan đã run sợ cuống cuồng trước Nghĩa Thục. Người Pháp gấp gáp đàn áp Nghĩa Thục một cách dã man. Điều đó chứng tỏ Nghĩa Thục đúng, đẹp và cách mạng”.

luong-truc-dam.jpg
Danh nhân Lương Văn Can chính là thân phụ của danh nhân Lương Trúc Đàm.

Góp một phần vào sự thành công trong bước đường canh tân đất nước của Lương Văn Can và các con ông, trong đó có Lương Trúc Đàm, chính là người vợ hiền thục và tài ba, bà Lê Thị Lễ. Người phụ nữ này chính là mối tình đầu của Lương Văn Can. Năm 21 tuổi, khi Lương Văn Can thi đỗ cử nhân và chờ qua năm sau vào Huế tiếp tục thi Hội thì lúc đó cha của ông là Lương Văn Tích đã cưới cho ông người vợ ở huyện Thường Tín. Ông Can chỉ biết cô gái này là con gái của Tú tài Lê Anh Sơn ở làng Bình Vọng, có buôn bán ở Hà Nội, chứ chưa từng gặp mặt. Dù thế, sau khi thành gia thất, hai người đã chung sống với nhau thật hạnh phúc và cùng chịu đựng biết bao gian nan do thời cuộc mang lại. Bà vợ của Lương Văn Can và là thân mẫu của Lương Trúc Đàm là một người phụ nữ: “Tính người bình tĩnh, đoan trang, thần sắc luôn toả ra sự trong sáng, nghiêm cẩn mà dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ mà luôn diễn đạt được ý tứ rõ ràng”. Khi làm dâu họ Lương, bà Lễ đang buôn bán ở cửa hàng Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang. Trường Đông Kinh nghĩa thục hoạt động chưa tròn một năm thì bị thực dân Pháp đàn áp, các khoản nợ do công việc còn dang dở khoảng 7000 đồng bạc Đông Dương đều do một tay bà xoay xở, chèo chống. Không một chút ngần ngại, bà quyết định bán món hồi môn do cha mẹ san sẻ khi xuất giá là cửa hàng Quảng Bình An để lấy tiền trả nợ cho Đông Kinh nghĩa thục. Trong Lương gia thế phả có ghi lại tâm trạng của bà lúc đó: “Tuy đã nói lời cổ vũ để ông theo trọn con đường phụng sự Tổ quốc... vậy mà khi cầm bút ký giấy phát mại bất động sản thì tay tôi cứ run lên. Vì có bao giờ tôi dám nghĩ đến việc phải bán tài sản của tiền nhân để lại”. Năm 1913 xảy ra vụ ném tạc đạn vào khách sạn Hà Nội, thực dân Pháp đã bắt bớ hàng trăm người, trong đó có Lương Văn Can. Ông bị chúng kết án đày 10 năm biệt xứ sang Nam Vang (Campuchia). Bà bình tĩnh đưa chồng lên toa tàu chở tù đi đày. Sau đó, bà tìm mọi cách để đưa con út là Lương Ngọc Bôn và con gái là Lương Thị Bảy qua Nam Vang săn sóc cho cha. Bà ở nhà với người con thứ năm là Lương Ngọc Bân, nhưng rồi mùa thu năm 1914 người con này qua đời vì bệnh lao. Chưa nguôi ngoai nỗi đau này thì bà lại nhận được hung tin là Lương Nghị Khanh từ Hương Cảng qua Campuchia thăm cha thì thọ bệnh mất ở đất khách quê người, còn Lương Ngọc Quyến lại bị bắt và đưa về xử ở Hà Nội. Bị gọi ra toà, bà cứng cỏi trả lời: “Từ thuở còn là bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình yêu thương nòi giống, chủng tộc. Bởi vậy, con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý của gia đình và của đất nước chúng tôi, sao gọi là phản loạn?”. Rồi bà quay sang nói với con: “Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân của nước Việt đến hơi thở cuối cùng”. Sau này Lương Ngọc Quyến bị đày lên Thái Nguyên đã cùng với Đội Cấn trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 và hy sinh như một người anh hùng. Với rất nhiều biến cố xảy ra trong gia đình nhưng bà Lễ vẫn đảm đương mọi việc. Mãi đến năm 1921, sau 8 năm bị lưu đày trở về nhà cũ, Lương Văn Can đã phải thốt lên những lời biết ơn sâu nặng về người vợ của mình: “Do vợ ta biết trị gia, nên ta đi xa gần chín năm trời mới về nhà mà cảnh sắc gia đình vẫn y nhiên vô dạng”. Năm 1923, con trai út là Lương Ngọc Bôn qua đời vì bệnh lao. Như vậy, tính cả con trai trưởng là Trúc Đàm thì cả 5 người con trai của bà đều đã mất, không ai ở lại để phụng dưỡng ông bà. Đến khi Lương Văn Can được tự do, bà đã dốc hết tài sản để dựng Nhị Khê học đường (nay chính là Trường Lương Văn Can) nhằm tiếp tục giúp chồng theo đuổi sự nghiệp. Trường hoạt động được ba năm thì bà mất vào ngày 24-3 năm Đinh Mão (1927). Chính chí sĩ yêu nước Lương Văn Can đã ca ngợi: “Là nhà buôn có đức nghiệp nên đã có đủ kinh tài, trên thì phụng dưỡng cha mẹ và dưới thì biết dạy con cái nên người. Còn về đức hạnh thì biết giữ cho gia tộc trong khuôn khổ Nho giáo, trên kính dưới nhường, giữ đạo vợ chồng chung thuỷ, trong muôn vàn gian lao hiểm họa...”. Quả đó là một người phụ nữ đáng kính trọng. Đó chính là cái may mắn của gia tộc họ Lương và cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân, cơ sở hình thành nên nhân cách, đạo đức và những thành công của người con trưởng trong gia đình, ông Lương Trúc Đàm.

Lương Trúc Đàm đỗ Cử nhân vào năm 1903, khi đã 28 tuổi. Năm 1905, hưởng ứng chủ trương du học của Phan Bội Châu, ông đã cùng cha bố trí cho hai em trai là Lương Ngọc Quyến và Lương Ngọc Nhiễm sang Nhật học. Tháng 03 năm 1907, ông là một trong những sáng lập viên của Đông Kinh nghĩa thục (gồm có Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Đặng Kinh Luân, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Trinh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí) và hoạt động trong cả ba ban của trường này: Ban Cổ động, Ban Giáo dục và Ban Tu thư. Đông Kinh nghĩa thục là một phong trào nhằm thực hiện cải cách xã hội Việt Nam. Mục đích của phong trào này là khai trí cho dân; phương tiện được hoạch định là mở lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là “nghĩa thục”) và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng. Trường từ bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán học để có thể du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua hoạt động giáo dục, báo chí, tuyên truyền, cổ động, chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển công thương... Đông Kinh nghĩa thục đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Hà Nội, nhiều tỉnh lân cận cũng đã có các hội nhóm mở lớp, xin sách giáo khoa của trường về giảng dạy. Ban đầu chính quyền Pháp cho phép phong trào hoạt động hợp pháp, song về sau nhận thấy đây có thể là một mối nguy cơ đối với chế độ thuộc địa nên vào tháng 11 năm 1907, trường đã bị chính quyền thực dân buộc phải giải tán và đầu năm 1908, ra lệnh cấm việc hội họp diễn thuyết cả ở miền Trung.

Phần đóng góp lớn nhất của Lương Trúc Đàm cho Đông Kinh nghĩa thục chính là trên phương diện khai trí dạy học. Thời gian đầu, khi mở trường chỉ có hai lớp: một cho nam và một cho nữ. Gặp khó khăn lúc này là người dạy ban nữ. Lương Trúc Đàm đã đề nghị: “Nếu không tìm được ai dạy thì tôi xin cử em Năm tôi. Cô ấy biết Quốc ngữ, tôi tưởng dạy tạm lúc đầu cũng được”. Lời đề nghị này đã được chấp nhận. Lương Trúc Đàm cùng với cụ Kép làng Hương Canh, cụ Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền đảm nhiệm phần dạy Hán văn. Để có giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy, Đông Kinh nghĩa thục đã tổ chức tự biên soạn và in ấn. Lương Trúc Đàm đã chấp bút cho cuốn Nam quốc địa dư (1 quyển). Sách đã được soạn và in trước đó, vào khoảng năm 1906 và trong quá trình giảng dạy, Lương Trúc Đàm từng bước chỉnh sửa và bổ sung để phù hợp với đối tượng học tập. Đây là một cuốn sách tổng hợp, gồm hai phần: Thượng biện nói về lĩnh vực địa lý; Hạ biện viết về phong tục, thổ sản, con người. Nam quốc địa dư đương thời được đánh giá rất cao. Trong lịch sử giáo dục của nước nhà, đây chính là quyển sách địa dư đầu tiên viết theo phương pháp giáo khoa mới bằng chữ Hán đầu thế kỷ XX. Sách tuy còn sơ lược nhưng khá căn bản, đầy đủ, phản ánh được sự thực đương thời. Điều đáng chú ý là tác giả đã đứng trên lập trường yêu nước, quảng bá tư tưởng ái quốc. Sách được dùng làm bài giảng chính thức tại các trường ở Hà Nội và sau đó đã để cho chính quyền thực dân khắc in và phổ biến rộng rãi trong nước.

Sách Nam quốc địa dư của Lương Trúc Đàm như vậy, một mặt có giá trị như một cuốn sách giáo khoa; mặt khác nó đồng thời là một tài liệu tuyên truyền cổ động diễn thuyết của Đông Kinh nghĩa thục. Sách được các chí sĩ và cả những người có học nhiệt liệt hoan nghênh. Vì thế, năm 1908, sách đã được tái bản. Tháng 5 năm 1908, khi Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp giải từ Hà Nội vào Huế giao cho Toà án Nam triều kết án, Lương Trúc Đàm đã viết thư gửi Toàn quyền Đông Dương. Trong thư, ông ca ngợi lòng yêu nước và tinh thần chống phong kiến, đòi dân quyền, dân chủ của Phan Chu Trinh. Nhưng thật đáng tiếc, ngày 31 - 5 - 1908, Lương Trúc Đàm đã đột ngột từ trần, để lại một sự nghiệp còn dang dở.

Lương Trúc Đàm, một chiến sĩ tiên phong trong phong trào yêu nước, canh tân của dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỷ. Sự nghiệp của ông đang vào độ chín nhất thì ông đã qua đời khi còn khá trẻ. Quả là một đáng tiếc cho Lương tộc nói riêng và cho phong trào yêu nước thời bấy giờ nói chung…/.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Lương Trúc Đàm – chiến sĩ tiên phong của phong trào canh tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO